Có lần, tôi nghĩ rằng đã đủ sống, hài lòng với cuộc sống, với những gì đã có trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn là lẽ bình thường. Nhân đọc Đại Nam nhất thống chí nhận xét “nhằm mối lợi tự nhiên mà làm ăn, dùng ít sức mà hưởng lợi nhiều”.
Khi đến Bến Tre, tôi lại liên tưởng đến thói quen ấy là của con người vùng đất này. Thấp thoáng trong suy nghĩ của tôi, quan niệm “làm chơi ăn thật” này đã định hình tính cách “ỷ lại” của người Bến Tre. Thế nhưng, “ỷ lại” ở đây là hiểu theo nghĩa hài lòng với những gì đang có, không cần đau đáu suy ngẫm phải thay đổi, phải cải tiến nhằm phục vụ đời sống cao hơn trước mà dẫm chân tại chỗ. Tất nhiên sự “ỷ lại” này cũng mặt tích cực của nó.
Xét ra mâu thuẫn quá đi mất. Vậy, bàn thêm chuyện này xem sao?
Thưa rằng, giữ lấy chữ tòng
Đã vâng thì cũng một lòng xin vâng
Sau khi lẫy Kiều, ta hãy nhập đề chăng? Không vội. Cho phép tôi được kể lại mẩu chuyện ghi chép trong một lần đi giang hồ “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” (Phạm Hữu Quang), lúc tôi đến huyện Châu Thành của Bến Tre vào lúc trưa đứng bóng, ngoài trời nắng gắt. Làng quê của miền Nam đất Việt đáng yêu quá. Cũng bóng dừa nghiêng trong nắng, cũng hàng cau đứng thẳng trong gió, cũng tiếng ca cải lương từ chiếc máy radio vọng về như gợi lại một sự thanh bình đã đạt đến sắc màu “cổ điển”.
Quanh tôi lúc ấy, tiếng đàn ca tài tử dặt dìu. Tiếng nói cười rổn rảng. Vâng, Phượng và bạn bè của nàng cười nói “thả giàn”, uống rượu “líp ba ga” – như tính cách của người Bến Tre mà từ thế kỷ XIX, nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức đã nhận xét: “trung hậu, cần kiệm, vui làm việc nghĩa, an lạc cùng nhau”. Dù là đấng mày râu đã từng có những lúc say tít mù, nhưng nửa chừng cuộc vui tôi cũng đành phải chào thua trước tửu lượng “thần sầu quỷ khốc” của họ. Trời ạ! Lần đầu tiên đến ở một vùng đất lạ, ngoài hiên căn nhà lạ, nhưng tôi lại chẳng ý tứ gì, cứ thản nhiên ngả lưng đong đưa trên chiếc võng đặng phóng một tầm mắt nhìn ra ngoài trời gió bụi mịt mù…
Quái lạ, lúc nằm trên võng, liếc nhìn qua phía đầu nhà bỗng gặp một hình ảnh khiến tôi như tỉnh rượu hẳn. Ấy là lúc tôi quan sát ông chủ nhà, tên gọi thân mật là Hồi – một cái tên bình dị như bao người nông dân khác, không có gì ấn tượng. Ông không mặc áo, cởi trần phơi cái bụng phệ tròn lẳn, chân không mang dép và cũng không nói không rằng gì. Bà vợ ông ngồi cạnh, thỉnh thoảng mắng Phượng sao lại uống nhiều quá, nàng cười khì: “Mấy khi mấy anh từ Sài Gòn xuống chơi má ơi!”. Cuộc vui lại hào hứng, ồn ào. Còn tôi cứ nằm chèo queo trên võng nửa say nửa tỉnh mà quan sát ông Hồi. Có thật ông Hồi đó không? Sở dĩ tôi hỏi như thế, vì nếu đã biết “lý lịch” của ông thì người khác cũng ngờ ngợ, bán tín bán nghi như tôi thôi.
Ít ai biết, thời kháng chiến chống Mỹ ông Hồi là người được dăm lần phong “Dũng sĩ diệt Mỹ”, ông nổi tiếng đến độ trong Huân chương người ta cũng quên hẳn tên thật của ông, chỉ ghi “Nguyễn Diệt Mỹ”. Giấy trắng mực đen hẳn hòi đấy nhé! Một con người như thế, hẳn tính cách phải dữ dội khác người? Nhưng không, qua dăm câu trò chuyện, tôi nhận thấy ông hiền khô, ít nói, không muốn nhắc nhiều đến chuyện quá khứ đã nhạt dần trong tâm tưởng. Thật khó lý giải tại sao những người nông dân như ông Hồi rất gan góc, quả cảm, gan dạ, sau chiến tranh lại hiền lành như đất. Chỉ nói cười hề hề. Rất mực chân tình. Không thèm nhắc lại quá khứ. Không vỗ ngực xưng tên. Chỉ cái quần tà lỏn, phơi cái bụng phệ xuề xòa, vui tính với bà con chòm xóm.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;
Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
Sau chiến tranh, họ lại trở về với công việc mưu sinh hằng ngày. Ông cụ thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu viết thế, là đã nhìn thấy rõ hơn cả thảy chúng ta. Nói cách khác, trong bất kỳ cuộc chiến nào, thời đại nào, đi đầu giữ đất giữ làng vẫn là những con người bình dị ấy. Họ chí thú làm ăn nhưng có lúc có giặc thì hăng hái ra trận chỉ vì giữ đất giữ làng. Vâng, mục tiêu lớn nhất vẫn là giữ lấy đất hương hỏa bao đời khẩn hoang, cánh đồng mùa vàng no ấm, căn nhà che nắng trú mưa, con trâu đi trước cái cày đi sau, giữ lấy vườn tược hoa trái… chứ nào phải vì tước này, chức nọ, hết giặc lại trở về “dĩ nông vi bản”. Vô danh như cây như cỏ, như đất đai, như suối như sông, như rừng như núi, như khe lạch mưa nguồn… Dù đã từng xông xáo ra trận, đối đầu hòn tên mũi đạn, sống chết trong gang tấc, từng lập nên chiến công nhưng thời bình lại bình dị, chan hòa như bao người khác. An phận làm ăn, không huênh hoang lớn lối. Đời sống nhẹ nhàng trôi. Rất đáng yêu. Vì thế, lần nọ tôi náo nức đi về Bến Tre. Đi để cụng ly một cái. Có những con người lúc cụng ly, ta không phải cảnh giác, e dè nhìn trước ngó sau, uốn lưỡi bảy lần. Chỉ tình thân. Vậy là đủ.
Tính cách này có được, có phải do đất Bến Tre hun đúc nên đấy chăng? Hun đúc nên chính là ở chỗ trong sinh hoạt đời thường, họ “nhằm mối lợi tự nhiên mà làm ăn, dùng ít sức mà hưởng lợi nhiều” như Đại Nam nhất thống chí đã nhận xét. Thế thì, dù là gì đi nữa, dù là quan, dù là lính, dù nhà cao cửa rộng nứt đố đổ vách, dù nhà cửa tềnh toàng thì ai ai cũng sống phây phây qua ngày. Bởi thế, hà cớ gì phải bon chen nọ kia? Ý thức này có được, tôi nghĩ ở đây – một vùng đất khắc nghiệt từ thời xa lắc xa lơ lưu dân Ngũ Quảng đã vào đây lập nghiệp, trải qua nhiều thế hệ cải tạo thành trù phú, phù nhiêu, đủ ăn đủ sống không ham hố, chạy vạy gì thêm, thế nhưng ở góc độ nào đó là sự “ỷ lại” chứ gì?
Này bạn ơi, ai ai cũng thừa biết rằng, bất kỳ một sự việc, một hiện tượng nào thì cũng có hai mặt của nó. Với tâm thức “ỷ lại” này rõ ràng không đáng tự hào, phải thay đổi nhưng, thưa rằng, chính nó đã tạo ra bản lĩnh đối nhân xử thế của người Bến Tre khi hội nhập vào “cõi người ta”. Và điều này, khiến ta phải gật gù khâm phục. Như trường hợp ông Hồi là một thí dụ. Sau chiến tranh, với thành tích đã có, ông được cấp trên cân nhắc tạo mọi điều kiện nọ kia nhưng xét thấy không phù hợp nên ông chủ động xin rút lui nhẹ nhàng, thanh thản đặng nhường chỗ cho lớp trẻ phù hợp với khả năng của họ. Vợ ông Hồi bảo: “Sau giải phóng, ổng còn đi học đó nghen. Hổng biết ổng học gì mà khi đụng đến con số là tui phải tính nhẩm hết, chứ bảo ổng là ổng lắc đầu quầy quậy. Đã vậy, cái thời gian ổng đi học, cứ mỗi chiều về đến nhà là ổng với thầy đều… xỉn quắc cần câu!”. Kể xong, bà cất tiếng cười vang. Dù nghe, nhưng ông Hồi cũng không “cải chính”, không phân bua, chỉ nở nụ cười hiền lành, lặng lẽ.
Lúc gần xế chiều, nằm toòng teng trên võng nhìn ra ngoài lộ, tôi thấy bóng dáng ông Hồi tất tả gọi một chú xe ôm để đưa tôi vào trung tâm thị xã Bến Tre (nay là thành phố Bến Tre). Ông cầm chặt tay tôi một cách thân mật, dù không nói gì nhưng trong ánh mắt của ông lộ rõ sự mến khách một cách mộc mạc, không màu mè. Ngồi trên xe ôm trong bóng chiều nhòe nhoẹt, ngoái lại phía sau tôi vẫn thấy ông đứng nhìn theo. Bất chợt câu thơ của Nguyễn Đình Thi vụt đến trong đầu: “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, cứ tưởng như nhà thơ viết tặng riêng cho ông Hồi, và những đồng đội của tôi. Lúc ấy, tiếng cười rổn rảng của Phượng vẫn còn vọng theo…
Nếu ông Hồi là lính thì ông Lê Văn Dũng là tướng. Đến thời điểm này (2020), ông Lê Văn Dũng, người ở xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre – nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam là đại tướng đầu tiên và duy nhất gốc Nam bộ. Xin kể trước nhất về chi tiết này: Sau ngày nghỉ hưu năm 2011, ông về sống tại căn nhà ven tỉnh lộ 884 thuộc xã An Hiệp (Châu Thành, Bến Tre) rợp mát bóng dừa. Chi tiết này bình thường quá, có đáng gì phải kể? Đến tuổi thì hưu thì nghỉ, về lại quê, chứ có gì đặc biệt đâu?
Với ông Dũng thì có đấy, khi nghỉ hưu, Bộ Quốc phòng cấp cho ông 220m2 đất ở Hà Nội do làm liên tục 2 nhiệm kỳ Bí thư Trung ương Đảng, nhưng ông xin trả lại và về miền Nam. Ông cười: “Ngày xưa đi chiến đấu, đâu có nghĩ gì đến quyền lợi. Hoàn thành nhiệm vụ rồi, mà vẫn tị nạnh mấy thứ tiêu chuẩn nhà cửa, chỗ chôn cất khi nằm xuống, là không nên. Mình dân quê, về quê sống là ngon rồi!”. Nào đã hết đâu: “Dẫn tôi ra góc vườn, ông chỉ khoảnh đất nhỏ trồng cây vuông vức: “Các anh ấy đã đặt vấn đề khi tôi chết, cứ chọn chỗ nằm trên nghĩa trang ở TP.HCM hoặc nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Bến Tre, nhưng tôi lắc đầu: Về quê, sống chết với bà con chòm xóm. Chỗ này, hai vợ chồng nằm bên nhau khi chết, để khỏi phiền đến tổ chức, quân đội” và lại cười: “Cả đời phục vụ nhân dân. Giờ già yếu rồi cũng vẫn phải mẫu mực, không đòi hỏi quyền lợi – tiêu chuẩn. Có thế, người dân và chiến sĩ mình mới tin tưởng, thương yêu”. Những chi tiết nầy, nhà báo Mai Thanh Hải đã ghi nhận trên báo Thanh Niên số ra ngày 10.4.2016, cho thấy tính cách nghĩa khí, “chịu chơi” của một mẫu người Xứ Dừa.
Thuở lọt lòng, ông Dũng được cha mẹ đặt tên Nới, nhưng năm 1963 mới hơn 17 tuổi đi theo bộ đội Đoàn Bình Giã, ông được các chú đổi tên chính thức là Lê Văn Dũng. Từ đó ông tâm niệm: “Dũng tức là phải dũng cảm, ở đâu cũng phải làm dũng sĩ”. Đúng thế. Sau khi nghỉ hưu, ông trở thành “dũng sĩ”… trồng dừa, nhờ thế, không chỉ đủ sống mà cuộc sống sung túc.
Qua hai trường hợp cụ thể vừa nêu, tôi nghĩ, sở dĩ họ nhẹ nhàng, thanh thản và biết sống vì ngoài phẩm chất người lính, tư cách làm người còn là sự “ỷ lại” khi từ bỏ mọi quyền lợi, tiêu chuẩn với tâm niệm “về quê là ngon rồi”. Tại sao thế? Đơn giản chỉ vì họ vững tin với hậu phương:
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày,
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn
Bến Tre biển cá sông tôm
Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm lúa vàng
Lại còn:
Sông Ba Lai bên bồi bên hẩm
Đất Ba Lai đỏ thẫm phù sa
Nàng về kết bạn cùng ta
Ăn cá thay bánh uống nước trà thay cơm
Vùng đất trù phú ở quê nhà, khiến họ “ỷ lại” một cách vững tin lúc “tiến vi quan, thoái vi dân”. Tôi lan man nghĩ thêm rằng, một khi xông xáo ngoài xã hội, do tài năng, khả năng chuyên môn nên được đề bạt cương vị nọ kia nhưng hầu hết họ không có thói tham lam, vơ vét theo kiểu “hốt hụi chót” nhằm “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Bởi lẽ trở về làm dân, dù có thế nào đi nữa cũng không lo thiếu trước hụt sau, vẫn đủ sống kia mà. Thậm chí, ngay cả lúc cù bơ cù bất, sa cơ thất thế: “Nếu mai thất nghiệp anh về quê cắm câu” cũng đắp đổi qua ngày, chẳng gì phải lo, vẫn còn có lối thoát. Thế thì, lúc là ra làm việc cho dân, cho nước hà cớ gì phải ngoác mồm ra nuốt lấy nuốt để của đút của lót để rồi khi bị lật mặt ắt mang nhục.
Mà sự mang nhục này, ở đâu cũng tệ hại, đớn hèn như nhau. Dù sinh ra ở vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi hay trù phú như Bến Tre thì bất cứ ai cũng bị quyền lực tha hóa, nếu không giữ được tánh liêm khiết, không giữ được truyền thống đạo lý của nếp nhà, không giữ được giềng mối ràng buộc và phép ứng xử của cư dân chung một cộng đồng. Những ràng buộc vô hình này, ở Bến Tre còn bền vững, còn rõ nét, đơn giản là do vùng đất của 3 An Hóa, Bảo, Minh bao bọc bởi sông nước khiến họ gần như không bị tác động từ bên ngoài; không dám làm điều gì trái với lương tâm vì ở đó là một quần thể dễ dàng nhận biết nhau, nếu mang nhục thì biết tránh đi đâu, đâu cũng là chỗ thân tình, quen biết… Còn do gì nữa? Suy nghĩ này, tôi chỉ mới nghĩ thoáng qua, chắc chắn sẽ còn có thêm nhiều đóng góp bổ sung khác nhằm lý giải về đức liêm khiết của người Bến Tre.
Mà đúng là thế.
Xin dẫn chứng, dưới triều Tự Đức, Phan Thanh Giản là vị Tiến sĩ đầu tiên của cả Nam bộ, quyền cao chức trọng, tiền hô hậu ủng, lên ngựa xuống xe, tả phù hữu bật nhưng lúc sau mất đi trong nhà có gì? Ngày 13.9.1902, trong thư gửi ông Chủ tịch Hội Nghiên cứu Đông Dương, nhà giáo Nguyễn Khắc Huề cho biết đã đến tư gia Phan Thanh Giản. Nay đọc lại ta không thoáng bùi ngùi thương cảm về một con người nổi tiếng thanh bần, an cư lạc đạo:
“Tôi đã tò mò bước vào trong ngôi đền do gia đình dựng lên để thờ vị quan này. Tôi dùng chữ ngôi đền là để dịch từ nhà thờ của người An Nam; nhưng thực tế đó chỉ là một ngôi nhà bằng gỗ, lợp ngói. Hơn nữa, ngôi nhà này không còn mới, bởi vì vài tấm gỗ chung quanh nhà đã bị rơi xuống vì hư nát hay vi bị ẩm mốc và mối mọt… Tôi đã thấy gì? Bên trong nội thất không có trang trí gì, có ba bàn thờ bằng gỗ rất bình thường được đặt trên vài mẩu đá mà người ta nói khi còn sống, Phan Thanh Giản đã mang về trong những chuyến viễn du xa xôi của ông ta. Đó là tất cả những gì mà vị phó vương của ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ để lại cho chúng ta” (TL 1, tr. 70).
Trường hợp của nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng tương tự. Dù là từng tham gia Cơ mật Viện tương đương Hội đồng chính phủ triều Đồng Khánh, hoàn toàn có điều kiện thu vén riêng tư, nhưng không, cuối đời ông sống trong cảnh nghèo túng. Sự liêm khiết, trong sạch này không là cá biệt mà ấy là cá tính của người Bến Tre nói chung. Xưa nay, ôn cố tri tân là lẽ thường tình. Với trường hợp đại tướng Lê Văn Dũng, thú thật trong đời thường của ông, tôi rất khoái thông tin tại nhà có nuôi đàn cu đất: “Khi nào có khách mà “kẹt mồi” thì bắt vài con nhậu chơi” – ông cười sảng khoái bật mí. Tư thế ung dung và tự tại. Chẳng lụy ai. Chẳng phiền ai. Chẳng vì chức tước, vai vế đã có mà buộc thiên hạ phải cung phụng.
Cốt cách này đáng quý lắm.
Mà cũng chính cốt cách “chịu chơi” ấy, mới có giai thoại hiện đại về món “bánh xèo Giồng Trôm” cực kỳ nổi tiếng. Ơ kìa, bánh xèo thì bình thường quá đi thôi, chẳng phải món ngon vật lạ, món ăn bình dị, quê mùa thì hà cớ gì khi về Bến Tre, tôi lại nghe rôm rả nhắc đến lúc trà dư tửu hậu?
Rằng thưa, giai thoại này có liên quan đến ông Trương Vĩnh Trọng – quê ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau ngày nghỉ hưu (năm 2011), ông vui sống ở quê nhà, cải thiện đời sống bằng cách làm vườn, trồng các lại cây ăn trái. Thương quý đức tính liêm khiết, gần dân của ông nên thỉnh thoảng anh em bầu bạn xa gần đến thăm. Ông bà ta bảo: “Khách đến nhà không gà thì vịt”, người ta có lòng ghé thăm nhà, chẳng lẽ, chỉ nói chuyện suông mà phải đãi đằng gì chứ? Âu cũng là nét chung của người Việt. Nào chỉ có thế, ngay cả lúc bà con chòm xóm, anh em bồ tèo ghé lại nhà ăn giỗ, lúc tiễn khách ra về thì chủ nhà cũng gửi biếu một ít trái cây đem về, gọi “ăn lấy thảo”.
Vậy, sau khi đã nghỉ hưu, tiền của không nhiều, lại đãi đằng tiếp khách, với nhiều người chỉ “chuyện nhỏ như con thỏ” nhưng với trường hợp của ông Trọng lại khác. Thế là, bà Hồ Công Cẩn – vợ ông đã có sáng kiến làm bánh xèo đãi khách. Món ăn dễ làm, ngoài bột thì mọi nguyên liệu khác đã có sẵn, rau nhà trồng, tôm cá nhà nuôi nên không tốn kém bao nhiêu mà khách ăn lại no bụng, ngon miệng. Bà Cẩn khéo tay, làm bếp giỏi nên khách khứa lúc thưởng thức mê tít thò lò, không thua gì… món bánh xèo của bà Mười Xiềm. Đã thế, ngon ở đây còn là cái ngon của tình nghĩa, quý nhau mà thăm nhau, hàn huyên trò chuyện như người trong một nhà.
Từ đó, “bánh xèo Giồng Trôm” đã trở thành giai thoại là thế.