Lê Khải Việt, một cái tên mới lạ vừa xuất hiện trên văn đàn bằng tập truyện ngắn Chuyến bay tháng ba (Phanbook và NXB Đà Nẵng phát hành). Chỉ với 12 truyện ngắn, gói gọn trong khoảng 150 trang sách, tác giả đã gây được sự quan tâm nhất định với những độc giả yêu sách. Người Đô Thị có cuộc trò chuyện cùng tác giả Lê Khải Việt để tìm hiểu thêm về tác phẩm cũng như công việc sáng tác của anh.
—
Được biết, tác giả Lê Khải Việt có thâm niên trong ngành xuất bản, cơ duyên nào thôi thúc anh bước chân vào con đường sáng tác?
Chuyện sáng tác đến với tôi rất tình cờ. Mùa giãn cách xã hội khá dài năm ngoái làm tôi có nhiều thời gian rảnh nên muốn làm cái gì đó khác bình thường. Tôi bắt đầu viết và việc đó trở thành một thú vui mới.
Bên cạnh đó, làm việc trong ngành xuất bản khiến tôi có cơ hội được quen biết với nhiều người viết, đọc họ, quan sát quá trình đọc, viết, và tạo ra văn bản của họ – dù là một cuốn sách hay một bài báo, thời gian mà họ hoàn tất, sự đón nhận của độc giả… Nên khi chính mình viết thì thấy rất quen thuộc và tự nhiên chứ không hề lạ lẫm.
Có lẽ đó là nguồn cảm hứng để tôi bước vào con đường này.
—
Đa phần các truyện trong Chuyến bay tháng ba đều có ít nhiều sử liệu. Trong quá trình sáng tác, anh tìm kiếm các sử liệu để củng cố cho truyện của mình hay chính các sử liệu gợi cảm hứng để anh sáng tác?
Cả hai. Thực ra, tôi đọc kha khá sách vở về cuộc chiến, cả hư cấu và phi hư cấu. Sử liệu và những góc nhìn khác nhau chất chồng và quá tải bên trong, và đến một lúc mình thấy cần phải viết ra. Cũng không rõ sử liệu có hoàn toàn gợi cảm hứng để sáng tác không, nhưng tôi đã dùng sử liệu làm chất liệu cho nhiều câu chuyện.
Đôi khi, sử liệu chính là đối tượng của câu chuyện. Không có gì thú vị hơn khi người viết có quyền lựa chọn, chắt lọc những sử liệu phù hợp, bỏ qua những gì không cần thiết, bỏ luôn những cái tên, cho dù là có thật. Cái khó của người đọc nhiều sử liệu là rất dễ bị lạc lối trong đó và tác phẩm dễ dàng trở thành một nơi phô bày kiến thức như một cuốn sách phi hư cấu.
Dù sao, phải thừa nhận có những sử liệu gây cảm hứng cao làm tôi phải tìm cách kể lại, ví dụ như câu chuyện nguyên bản làm nền cho truyện Chuyến bay tháng ba trong sách. Rồi những chi tiết về lực lượng đặc biệt, biệt kích. Cả câu chuyện có thật của một cựu binh từng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ gần đây.
Ngược lại, khi viết về những giai đoạn và bối cảnh cụ thể trong cuộc chiến, tôi phải đọc nhiều sử liệu liên quan, tuy cuối cùng cũng không sử dụng nhiều.
—
Anh có điều gì hài lòng và không hài lòng ở sáng tác đầu tay của mình?
Nói thực tôi không thấy gì không hài lòng với những gì mình đã viết. Có thể nhiều năm sau đọc lại sẽ thấy những chỗ ngây ngô hoặc cường điệu. Nhưng quan trọng là cuốn sách phản ánh chính mình vào thời điểm đó.
—
Đâu là truyện ngắn yêu thích của anh trong tập truyện này?
Có thể là truyện Nước đen.
—
Thường nhắc đến các tác giả mới xuất hiện, ta sẽ thấy ở sáng tác họ chịu ảnh hưởng của một nhà văn tiền bối. Anh có cảm nhận mình chịu ảnh hưởng của tác giả đi trước nào không? Nhà văn hay tác phẩm mà anh yêu thích?
Nếu đã đọc có lẽ bạn nhận thấy tập truyện có nhiều phong cách khác nhau. Tôi thấy không gì may mắn bằng làm người viết mới, vì lúc đó bạn có thể thử nghiệm và viết theo tất cả những phong cách tác giả mà mình thích. Quan trọng nhất là bản thân mình không lăn tăn gì về việc đó cả. Nhưng nếu không còn là tác giả mới nữa, chắc chắn người viết sẽ phải cân nhắc.
Tôi thích nhiều tác giả và có lẽ quá sớm để nói có chịu ảnh hưởng của họ hay không: Franz Kafka, Lydia Davis, Phạm Công Thiện, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Triều Hải.
Tác phẩm yêu thích nhất của tôi là những truyện ngắn và vừa của Kafka.
—
Anh có thể chia sẻ thêm về những dự định văn chương trong tương lai?
Có lẽ trước mắt tôi vẫn viết những gì mình thấy thích, và tiếp tục đọc thôi.
“Lê Khải Việt (nhà giáo, biên tập viên) gần như băng qua những cái đọc, cái nhìn, gắn với tâm cảm xã hội trong dòng chảy văn nghệ đương đại thế giới, bước vào khu vườn văn chương, chạm đôi chân tuổi gần bốn mươi của mình trên cỏ xám” – Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Thanh Xuân.
– Ảnh: NVCC