Từ một thành phố nghỉ dưỡng dành cho binh lính, sĩ quan và những người Pháp ở Đông Dương nói chung, Đà Lạt chuyển mình trở thành một “vườn trẻ thuộc địa” – theo cách nói của Eric T. Jennings, một thành phố ươm mầm giáo dục. Đây là bước chuyển chức năng có ý nghĩa quan trọng trên trang sử sáng lập và phát triển của thành phố; biểu hiện rõ ràng vào cuối thập niên 1920, với sự ra đời của Lycée de Dalat (Trung học Đà Lạt, về sau là Grand Lycée Yersin
Thật ra, viễn kiến về một thành phố dành cho giáo dục đã thấp thoáng trong một phát biểu của Toàn quyền Paul Doumer năm 1897. Ông cho rằng ở thành phố Đà Lạt trong tương lai sẽ không chỉ có sự hiện diện của những đơn vị binh lính đồn trú và cơ quan hành chánh thường trực mà còn có cư dân định cư, các gia đình giới chức thì có thể đi nghỉ dưỡng hay gửi con cái đến học hành(1).
Và quan điểm thuận theo lý thuyết phát triển nhân khẩu học đó được vị toàn quyền Đông Dương tiếp theo là Paul Beau (Toàn quyền Đông Dương từ 1902 – 1907) nhắc lại cụ thể hơn, với mức độ ưu tiên cao: “Có một nhu cầu thật sự là muốn cho thanh thiếu niên có thể nghiêm túc theo đuổi việc học hành ở xứ thuộc địa này. Chỉ có thể thực hiện điều ấy trong một điều kiện lành mạnh, với khí hậu ôn hòa như Đà Lạt, chứ rất khó diễn ra ở Sài Gòn hay Hà Nội”(2).
Cuộc chuyển mình từ chức năng một thành phố nghỉ dưỡng dành cho quân đội, người Pháp thượng lưu ở Đông Dương sang một thành phố giáo dục đã diễn ra vào nửa cuối thập niên 1920 một cách tất yếu và rõ nét. Nghị định thành lập trường Lycée de Dalat được toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne ký ngày 16-7-1927(3).
Alexandre Varenne là vị toàn quyền có đầu óc cấp tiến. Hai trong số những điều ông chú trọng thực hiện khi nhận trọng trách ở Đông Dương là cải cách học chính và ưu tiên mạng lưới y tế cộng đồng. Cả hai yếu tố này đều được ông lưu tâm đặc biệt ở Đà Lạt. Bản nghị định thành lập trường Lycée de Dalat nói trên gồm có bốn điểm chính và ba điểm quy định mang tính tạm thời. Các điểm chính gồm:
- Quyết định thành lập tại Đà Lạt một trường trung học mang tên Lycée de Dalat (Trung học Đà Lạt). Trường chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Nha Học chính về phương diện hành chính và kỹ thuật;
- Trường Lycée de Dalat dạy chương trình sơ đẳng và trung học. Các lớp sơ đẳng được bố trí tại phân hiệu tiểu học, khai giảng ngày 15-9-1927.
Các lớp trung học (giai đoạn 1 và 2) được mở vào thời gian do Toàn quyền ấn định thông qua Nghị định. Những Nghị định này nêu rõ điều kiện hoạt động của các lớp học, chế độ đối với học sinh và những vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức chung; - Nhân sự của trường Lycée do Toàn quyền quyết định và Giám đốc Nha Học chính toàn quyền sử dụng;
- Những quy định nêu trong Bộ Học chính tổng quy liên quan đến giáo dục Trung học Pháp – Việt được áp dụng tại Lycée de Dalat, đặc biệt là điều kiện tuyển sinh, miễn hoặc giảm học phí và hoạt động của các lớp.
Các điểm quy định tạm thời:
- Trong thời gian chờ đợi bộ máy của trường Lycée de Dalat hoàn thiện hoạt động, tạm thời thì phân hiệu tiểu học sẽ do một giáo viên bậc đệ nhất cấp, ưu tiên giáo viên chính ngạch do Giám đốc Nha Học chính lựa chọn trong số nhân sự dưới quyền điều hành. Hiệu trưởng phân hiệu tiểu học được cấp nhà ở và phụ cấp 250 đồng Đông Dương theo quy định tại Nghị định ngày 27-4-1925 đối với hiệu trưởng các trường tiểu học có khu nội trú.
- Theo quy định, tiền thù lao giảng dạy tại 5 lớp trong chương trình sơ đẳng là 6 đồng Đông Dương/quý. Tiền trợ cấp, bán trợ cấp và ngoại trú có giám sát quy định như sau:
– Trợ cấp: 252 đồng Đông Dương/năm (84 đồng Đông Dương/quý)
– Bán trợ cấp: 99 đồng Đông Dương/năm (33 đồng Đông Dương/quý);
– Ngoại trú có giám sát: 18 đồng Đông Dương/năm (6 đồng Đông Dương/quý). - Tùy theo ngân sách mà Giám đốc Nha Học chính đưa ra quyết định liên quan tới việc áp dụng các biện pháp nêu trong Nghị định hiện hành.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, các giáo viên tiểu học được Nha Học chính điều động đến Đà Lạt trong hai năm 1925 – 1926.
Có một chi tiết đáng lưu ý về bối cảnh giáo dục thời Pháp thuộc trong thời điểm này. Thập niên 1920, người Pháp đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục ở Đông Dương, đặc biệt tại Việt Nam. Điều này là hệ quả của cuộc cải cách giáo dục 1917 và 1924. Nhưng trường học do người Pháp lập ra vẫn rạch ròi hai hệ: thuần Pháp và Pháp – bản xứ(4). Trước khi Lycée de Dalat ra đời, tại Hà Nội đã có Lycée du Protectorat thành lập năm 1908, Lycée Albert Sarraut năm 1919, Sài Gòn có Collège Chasseloup-Laubat (1874)…
Lycée de Dalat là cái tên bổ sung vào danh sách những trường Pháp danh giá; ban đầu chỉ dành cho trẻ con Pháp, là con cái của giới thượng lưu và quan chức trong chính quyền thuộc địa tại miền Nam.
Cơ cấu tổ chức của trường Lycée de Dalat được sắp xếp theo tinh thần một Nghị định do Toàn quyền Đông Dương ban hành vào ngày 5-10-1928(5). Theo đó, quy định Hội đồng quản trị gồm có các thành phần: chủ tịch là Công sứ – Đốc lý Đà Lạt; thành viên gồm hiệu trưởng phân hiệu tiểu học, người quản lý chi tiêu tại phân viện tiểu học (tư vấn), giáo viên bậc đệ nhị cấp và giáo viên bậc đệ nhất cấp có ngạch bậc cao nhất tại trường (ưu tiên người cao tuổi nhất trong trường hợp ngang bằng ngạch bậc), một phụ huynh sống tại Đà Lạt và một phụ huynh sống tại Sài Gòn có con em theo học tại trường do Toàn quyền chỉ định, theo đề xuất của Giám đốc Nha Học chính.
Trường này được đổi tên thành Lycée Yersin vào năm 1935 để ghi dấu ấn bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin – người đã thám hiểm cao nguyên Lang Bian năm 1893 và đề xuất Toàn quyền Paul Doumer xây dựng thành phố nghỉ dưỡng trên cao nguyên này.
Ban đầu, trường Lycée de Dalat tập trung cho khối tiểu học (Petit Lycée), nên vẫn gọi là Trường Petit Lycée (trường này đặt ở trên một khu đồi thông đầu đường Jean O’Neil, nay là Hoàng Văn Thụ). Từ năm 1932 thì chương trình mở rộng thành “Grand Lycée”, có từ lớp đệ lục đến đệ nhị.
Cơ sở trường được chuyển về công trình xây dựng trên ngọn đồi bên hồ Xuân Hương, với lối kiến trúc cổ kính, có điểm nhấn là tháp chuông ngói thạch bản và dãy phòng học ốp gạch đỏ uốn cong, những dãy giảng đường, phòng hội nghị… do kiến trúc sư Moncet thiết kế (về sau, hội trường Grand Lycée Yersin là nơi diễn ra những cuộc đối thoại, thảo luận khá căng thẳng giữa hai phái đoàn Pháp, Việt Nam trong sự kiện Hội nghị Trù bị Đà Lạt năm 1946).
Nhìn tổng quan để thấy vai trò, vị thế của trường Lycée de Dalat trong chính sách giáo dục công lập thời Pháp thuộc. Sự ra đời của Lycée de Dalat đã làm tiền đề cho những ngôi trường thuộc “hệ giáo dục Pháp” do các tổ chức tư thục tôn giáo thành lập sau đó như: Couvent des Oiseaux (1935), d’Adran (1941).
Theo biên khảo của TS. Nguyễn Thụy Phương: “Giáo dục công lập Pháp tập trung ở các trường Trung học Albert-Sarraut, Chasseloup-Laubat và Lycée de Dalat. Hệ thống này có 4.300 học sinh năm 1930, trong đó có 953 em ở bậc trung học, với tổng số 688 giáo viên. Đại đa số học sinh là người Pháp trong đó một lượng không nhỏ là con lai Pháp – Á và có cả học sinh bản xứ và số ít học sinh ngoại quốc khác”(6).
Giai đoạn từ 1945 – 1954, với sự thay đổi vị thế chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương, cùng với tầm ảnh hưởng thực tế của người Việt trong cơ cấu dân số và đời sống chính trị thành phố, chính sách giáo dục tại ngôi trường “thuần Pháp” này cũng có những chuyển dịch đáng kể. Sự xuất hiện của trẻ con gốc Á nói chung, người Việt nói riêng ngày càng nhiều trong các lớp học; đánh dấu khuynh hướng giáo dục “Pháp – bản xứ” tại ngôi trường từng ghi dấu ấn hiện diện của văn hóa – giáo dục Pháp nơi thành phố mang vẻ đẹp phương Tây giữa miền núi đồi cao nguyên Việt Nam.
________
(1) Situation de l’Indo-Chine 1897 – 1901 (tr. 113-114).
(2) Missions au Lang-Bian, Annam. Văn khố quốc gia về Lãnh thổ hải ngoại, Aix-en-Provence (ANOM), Toàn quyền Đông Dương (GGI), 66188. Theo: Eric T. Jennings. Đỉnh cao Đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp. Phạm Viêm Phương và Bùi Thanh Châu dịch, Trần Đức Tài hiệu đính. NXB Hồng Đức, 2015.
(3) Công báo Đông Dương Thuộc Pháp (JOIF: Journal officiel de Indochine française) 1927, trang 1999 – 2000 (Tham khảo: Cục Văn thư và Lưu trữ. Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và lưu trữ (1858 – 1945). NXB Thông tin và Truyền thông, 2016).
(4) Nguyễn Thụy Phương. Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa. 0mega+ & NXB Hà Nội, 2020. Trang 74.
Chương trình “thuần Pháp” chỉ dành cho con em người Pháp, người Pháp lai học và chương trình “Pháp – bản xứ” dành cho con em người bản xứ học theo học trình Pháp có điều chỉnh trên cơ sở khung cảnh chính trị và văn hóa.
(5) Công báo Đông Dương Thuộc Pháp, 1928, trang 2937 (Tham khảo: Cục Văn thư và Lưu trữ. Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và lưu trữ (1858 – 1945). NXB Thông tin và Truyền thông, 2016).
(6) Nguyễn Thụy Phương. Sđd. Trang 79.