Mái ngói hơn cả một đặc điểm, nó là một biểu tượng cho không gian sống của người Việt. Mái ngói kéo theo một nền sản xuất phục vụ xây dựng, tạo ra một lối sống và tư duy xoay quanh bộ phận nóc nhà này.
Năm 1960, Chế Lan Viên ra mắt tập thơ Ánh sáng và phù sa, được đánh giá là bước chuyển ngoạn mục so với giọng thơ thời trước cách mạng trong tập Điêu tàn. Người đàn ông 40 tuổi ngoái nhìn lại tuổi hoa niên của mình bằng những câu thơ có màu sắc phủ định: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, nhưng vẫn không giấu nổi khía cạnh trữ tình: “Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rũ bóng xuống tâm hồn”.
Câu thơ gợi nhớ đến thâm ý chiết tự chữ Hán “An” với bộ “Miên” (mái nhà) bên trên chữ “Nữ” – sự bình yên là khi có người phụ nữ quy thuận dưới mái nhà. Vẫn là phép đối lập sở trường quá khứ – hiện tại, cũng chính con người thi ca trong cùng bài thơ ấy viết về cái đổi khác: “Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói”. Dùng cách văn chương hóa sự thay đổi chất liệu của mái nhà để tuyên truyền cho sự tiến lên của đời sống, khi hô ứng với đôi câu thơ trước đó, Chế Lan Viên đã hữu ý chọn lấy một đặc điểm nổi bật của hình thái không gian sống: mái nhà.
Sắc ngói mới không phải riêng ông mới dùng trong thơ. Xuân Diệu, thi sĩ cùng thế hệ Thơ Mới, cũng đã viết hẳn bài thơ có tên Ngói mới: “Muốn trùm hạnh phúc dưới trời xanh/ Có lẽ tôi cũng hóa thành/ Ngói mới”.
Không phải ngẫu nhiên mà các thi nhân tiền chiến này chọn ngói làm biểu tượng cuộc thay đổi của họ. Giọng thơ của Chế Lan Viên đã tạo ra một màu sắc sử thi cho biểu tượng mái ngói. Màu hồng theo lối dụng từ Hán Việt để chỉ sắc đỏ đã thành một từ khóa thời đại (chẳng hạn “cờ hồng”). Ở miền Bắc, người ta thuộc lòng những bài thơ trong sách giáo khoa hay bài ca trên sóng phát thanh: “Trường em mái ngói đỏ hồng, mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh”, và nhất là ẩn dụ cho sự trưởng thành của một xã hội mới: “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới/ Rằng có đắng cay mới có ngọt bùi” (Hoàng Vân). Trong khi đó, ở bên kia vĩ tuyến 17, những mái nhà xưa là nơi gửi mối hoài niệm “nơi xưa quê nghèo, nhà tranh nát tiêu điều” (Nguyễn Văn Đông).
Nhưng ngói mới ở đây là ngói gì?
Vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp chiếm Hà Nội, số nhà gạch và có mái ngói ở đây khá khiêm tốn. Trên bản đồ Hà Nội 1885, chỉ có 9 phố được thể hiện hoàn toàn là nhà gạch: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Mã Mây (còn gọi là phố Cờ Đen hay Hàng Mã dưới), Phúc Kiến (Lãn Ông), Hàng Bồ, Hàng Gai. Còn lại, những khu vực khác như quanh Hồ Gươm, đã được người Pháp tả, gồm những ngôi nhà lá vươn ra mép nước trên những cọc tạo ra một cái đầm ô nhiễm. Những bức ảnh chụp Hà Nội những năm 1884 cho thấy nhà cửa vẫn là mái lá như bất cứ phố chợ nghèo nào.
- Xem thêm: Chở sầu xê dịch sớm khuya
Công sứ Hà Nội đã ra một nghị định vào ngày 26.12.1886 rằng trong thời hạn một năm các nhà lá quanh các phố ven hồ Hoàn Kiếm phải phá hủy và thay bằng gạch lợp ngói. Mười năm sau, nhà máy ngói Satic (viết tắt của cụm từ “Công ty [cổ phần] vô danh bán gạch ngói ở Đông Dương”) ra đời bên hồ Trúc Bạch làm ngói máy theo “kiểu Mạc-xây” thay cho gạch nhập khẩu (trên các viên gạch có đề chữ Marseillaise, loại gạch này còn phổ biến ở Ấn Độ với tên Mangalore), sau đó là nhà máy gạch Briqueteries et Tuileries du Tonkin (Gạch ngói Bắc Kỳ) được lập ra ở Cầu Đuống năm 1905.
Đến đầu thập niên 1920, những thương hiệu Việt ra đời như gạch ngói Hưng Ký hay Đại La, trở thành nguồn cung ứng phổ thông cho quá trình ngói hóa ngôi nhà người Việt. Loại ngói này có ưu điểm so với kiểu ngói cũ, do tính hiện đại hóa và sự cung ứng đã tiện lợi hơn rất nhiều. Ước tính để lợp một mét vuông, chỉ cần 22 viên ngói Tây so với 65 viên ngói vẩy cá truyền thống, đồng thời công lợp trên hệ vì kèo đơn giản hơn nhiều so với hệ cột-xà-kẻ cổ truyền phức tạp và tốn gỗ.
Để làm ra một viên ngói kiểu “Mạc-xây”, trong khâu tạo hình, cần một cỗ máy dập ngói năm khuôn hay còn gọi là năm mặt. Một công nhân có thể làm được tới 800 viên một ca. Công nghệ này còn được sử dụng ít nhất là đến năm 1975. Một bài báo đã nhắc tới Xí nghiệp gạch Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) sử dụng máy dập ngói năm mặt (Nhân Dân 9.6.1975). Thậm chí, năm 1988 Xí nghiệp gạch ngói Giếng Đáy vẫn còn những cỗ máy sản xuất từ đầu thế kỷ [XX] do chủ người Pháp lắp đặt (“Từ “Đáy Giếng” đi lên”, Lao Động 1.9.1988). Một nơi sản xuất ra loại máy dập ngói này là Nhà máy cơ khí Gia Lâm. Để thực hiện những kế hoạch xây dựng quy mô, ngói máy kiểu Tây mới có thể đáp ứng được.
Vì vậy, dễ hiểu là mái ngói thời chiến tranh và bao cấp vẫn giữ mẫu mã ngói kiểu Satic trên khắp các lò nung của hợp tác xã hay xí nghiệp. Vốn dĩ đáp ứng nhu cầu thực dụng, mái ngói kiểu Tây không gây một sự chất vấn nào về đặc điểm ngoại lai như những thành tố khác của những ngôi nhà biệt thự như cửa lá sách “trong kính ngoài chớp” hay ban công hoa sắt, đều là những sản phẩm của thời thuộc địa. Những ngôi nhà một tầng đơn sơ ở làng quê đã có thể lợp ngói máy mà không bị dán nhãn phú hào. Thậm chí có lúc những viên ngói thời cách mạng đã có thêm hình dập nổi ngôi sao năm cánh.
***
Hai mươi năm sau khi “ngói mới” là từ khóa nhận diện thời đại, người ta đã thay bằng một từ khóa khác: “mái ngói thâm nâu”, nhất là khi nói về di sản kiến trúc Hà Nội. Thậm chí, Hà Nội đồng nghĩa “mái ngói nghèo xưa” hay “mái ngói xô nghiêng, nao nao kỷ niệm”. Trong tất cả những bức ảnh về Hà Nội cũ, luôn có những hình mái ngói lô nhô, những đầu hồi tam giác và những tường chắn mái giật cấp tạo ra nhịp điệu đặc trưng.
Dĩ nhiên không chỉ phố cổ mới có mái ngói. Phố phường Kẻ Chợ xa xưa là những cánh tay vươn dài của các làng nghề tứ trấn xung quanh, nên nhà cửa cũng là một sự nhắc lại không gian sinh hoạt quê nhà của cư dân, thậm chí mỗi phường còn có cả đình thờ thành hoàng hay tổ nghề như nơi gốc. Cho đến tận bây giờ, mái ngói vẫn hiện diện trong trường thẩm mỹ lãng mạn của những người hoài cổ tìm kiếm một sự bảo lưu đặc điểm truyền thống từ thôn quê đến Hà Nội hay các đô thị cổ, trong khi Sài Gòn dường như không có một ký ức mái ngói tương tự.
Có một sự thật là mái ngói làm từ đất sét nung truyền thống thuộc loại vật liệu tuổi thọ không quá cao, dễ thấm dột trong vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, vì thế sau một thời gian phơi mưa nắng, chúng ngả màu từ sắc đỏ sang nâu và có thể bị rêu xanh. Màu đỏ không trụ được quá trăm năm chứ khó mà nói đến nghìn năm. Mái ngói phố cổ thâm trầm thực ra tiết lộ một đời sống kinh tế eo hẹp, không dư dả để liên tục đảo ngói. Đây cũng chính là một hiện thực của không gian đô thị Hà Nội trước đây, sự thịnh vượng cũng ngắn ngủi như màu hồng sắc ngói được các nhà thơ hay nhạc sĩ lọc lấy.
- Xem thêm: Vân trình của đời người
Trong không gian quần cư xã hội Việt Nam, mái ngói là ước mơ cả đời của mỗi gia đình nhiều thế kỷ: “nhà ngói cây mít”. Mái ngói hơn cả một đặc điểm, nó là một biểu tượng cho không gian sống của người Việt. Mái ngói kéo theo một nền sản xuất phục vụ xây dựng, tạo ra một lối sống và tư duy xoay quanh bộ phận nóc nhà này. Vào thời đại mà sự ngặt nghèo của quy chế kiềm tỏa từ triều đình đến làng nước, những ngôi nhà ngói là lãnh địa của phú nông, hương chức hay quan lại, hoặc vẻ vang nhất đời người khi ấy là một sĩ tử đỗ ông nghè (tiến sĩ), cả tổng phải dựng cho anh ta một ngôi nhà ngói năm gian, và cái nhà ngói đó được gọi tên “nhà đại khoa”.
Nhưng vào năm 1918, năm diễn ra khóa thi Nho học cuối cùng tại nước ta, đã có ngói Việt Nam xuất cảng. Trên tờ Lục tỉnh Tân văn ngày 10.1.1918, có mục “Thương trường: Giá cả một số thứ hàng hóa xuất cảng”, có “ngói móc, ngói ống” và cả “ngói Bắc kỳ” với giá 55 đồng một ngàn viên. Hà Nội, trung tâm kinh tế của Bắc kỳ, các công trình cho dù hình thức nhà ống phố cổ hay đa phần biệt thự nhà kiểu Tây hay thậm chí Phủ Toàn quyền, vẫn là những ngôi nhà mái ngói dù ngói máy kiểu Satic hay ngói vẩy cá truyền thống. Từ trên cao nhìn xuống, thành phố có một diện thứ tư nhuốm một sắc nâu đỏ. Sắc màu đồng điệu này tạo cho nội thành Hà Nội cũ có dáng vẻ êm ả, thuận mắt. Nó làm nên một mỹ cảm trực quan, bên cạnh mỹ cảm của những nếp sống đã tạo ra một huyền thoại đô thị được cất lên bằng những hoài niệm lãng mạn.
Ở hoàn cảnh bị tàn phá, ngói vỡ hay căn nhà đổ vẫn đủ sức tạo nên hình tượng bi tráng trong sự hoài niệm: “… nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh, đất rung ngói tan gạch nát” (Nhớ về Hà Nội – Hoàng Hiệp, 1984).
***
Có lẽ riêng với Hà Nội, không phải đợi đến khi người xem tranh và truyền thông say mê hình ảnh những mái nhà phố cũ trong tranh Bùi Xuân Phái, mà mái ngói nhấp nhô của thành phố này đã thành căn cước nhận diện từ vốn thi ca của nhiều thế hệ. Cũng giống như những thứ có khả năng tạo ra biểu tượng, mái ngói dường như là trận địa cho cuộc giao tranh của bút pháp sử thi và giãi bày cảm xúc riêng tư. Có một cuộc tiếp sức những câu thơ mà mái nhà là thành tố không gian hóa thế giới suy tư của nhà thơ: “Trên mái nhà cao vút rừng cây” (Lưu Quang Vũ), “Tháng năm buồn xô lệch ngói âm dương” (Phan Vũ), “Dưới mái nhà/ Một người đang ngủ/ Mơ giấc mơ của những vì sao” (Văn Cao), “Ơi cái màu ngói cổ/ Màu áo mẹ gian lao” (Xuân Quỳnh). Chúng nối tiếp nhau, trở thành một liên khúc biểu tượng.
Sự lãng mạn hóa mái ngói có cơ sở từ thao tác truyền thông về đề tài Hà Nội, qua rất nhiều thi tứ, ca từ và tranh ảnh dồn dập được lan tỏa trong công chúng nhiều thập niên qua. Trong phần trước, tôi đã giới thiệu hơn một trích dẫn ca từ từ bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn, 1984) hay Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang, thơ Phan Vũ, 1987), cùng với những bài ca thập niên 1990 như “Những mái nhà ngói xô bài ca” (Nguyễn Cường), “Những mái nhà ngẩn ngơ nỗi nhớ, trên từng viên ngói vỡ” (Mong về Hà Nội – Dương Thụ), “Phố buồn nâu, mái ngói buồn nâu” (Phố nghèo – Trần Tiến)… đều xoay quanh bộ ba vỉa hè – cây xanh – mái ngói, những thứ làm nên không gian Hà Nội cho dù chẳng riêng Hà Nội mới có. Cuộc triển lãm đồ sộ này cũng khiến cho mái ngói được khoác lên tinh thần cổ điển, đến độ nhà mái ngói được mặc nhiên coi là nơi lưu giữ hồn làng cốt nước, là phố phường vàng son một thuở.
“Những mái ngói vật chất không bền quá trăm năm, nhưng đã từng có những kẻ tương tư chúng nghìn năm.”
Nhưng có một thực tế đã diễn ra chóng vánh trong thế kỷ XXI này: người Việt đã ít sống ở nhà mái ngói hơn trước. Ngay trong khu phố cổ Hà Nội, số lượng nhà mái ngói đã trở thành hiếm hoi. Nói cho chính xác thì họ vẫn dùng ngói nhưng không còn lợp trên hệ rui mè hay vì kèo nữa mà có khi xây mái bê tông dốc và dán ngói lên, tạo ra một phiên bản hoài cổ của nhà biệt thự Pháp hay những nhà đại khoa xưa. Ngay cả những ngôi nhà lợp tôn, người ta vẫn chuộng màu đỏ lẫn loại giả ngói, và mái tôn dĩ nhiên có độ dốc na ná một mái cổ điển. Điều ấy nói lên thực tế là sức nặng của hình tượng mái ngói xưa đủ lớn để chi phối thẩm mỹ xây dựng hiện nay.
Trong trường hợp mái tôn đã thay mái ngói, liệu mái tôn có thể thành một vật liệu tạo ra cơ chế thẩm mỹ thay “mái ngói thâm nâu”? Mái tôn vẫn là vật liệu che chắn không lâu dài thay vì một thứ trăm năm. Mái tôn còn gợi nhớ vật liệu của một thời chiến tranh, của những đời sống chật vật ngụ cư, của những âm thanh bất ổn gõ trên nền kim loại.
Quả bàng rơi trên mái tôn
chui vào giấc ngủ
làm tiếng cồng quá lứa của đêm.
(Đêm khép cửa – Phan Đan, 10.1970)
Quả bàng đập xuống mái tôn, có lẽ cũng là một khía cạnh Hà Nội mang cảm giác suy tư, trăn trở, rất khác với hoa sữa rơi êm đềm trên mái ngói. Chúng kết hợp với thời tiết, khí hậu tạo ra một cảm biến về Hà Nội, như “Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà/ Như thác trắng vỡ tan như bạc của trời như bước chân của ký ức” (Lưu Quang Vũ, 1973). Không chỉ có một cảm giác “an” như chiết tự của chữ Hán dưới những mái ngói được ngợi ca, mà kỳ thực chúng đang biến mất.
Gần đây, Viện nghiên cứu Kinh thành công bố nghiên cứu phục dựng hình ảnh các cung điện xưa thời Lý – Trần trong Hoàng thành Thăng Long. Một trong những cơ sở chắc chắn nhất để tham chiếu là những viên ngói khai quật được trong nhiều năm qua. Có những viên ngói diềm có hình lá đề chạm rồng hay ngói ống được chạm trổ hoa văn cầu kỳ, những viên ngói lưu ly cỡ lớn có gắn linh thú không thấy phát lộ ở đâu bao giờ. Sự đồ sộ và hình thức khác thường được giả định cho bộ mái ngói của một nghìn năm trước không khỏi khiến người xem phân vân.
Nhiều thế kỷ từ khi hoàng cung nhà Lê suy tàn hay phủ chúa Trịnh bị đốt cháy, người Việt từ cuối thế kỷ XVIII hiển nhiên không còn có cơ sở thực tế nào về một sự huy hoàng đã tồn tại trên mảnh đất họ đang sống. Họ lấp đầy bằng những khảo cứu và tái tạo bằng văn chương.
Trong vở kịch Vũ Như Tô (1943) của Nguyễn Huy Tưởng lấy bối cảnh Thăng Long thế kỷ XVI, nhà kiến trúc Vũ Như Tô và cung nữ Đan Thiềm, người tri kỷ của ông mang khát vọng xây một tòa điện trăm nóc là Cửu Trùng Đài sánh với đền đài Chiêm Thành. Nhân vật thái tử Chiêm Thành bị bắt làm tù binh nói với hầu cận: “Ta nên cố giúp cho vua họ xây đài, cho hao người tốn của, cho họ kiệt quệ như ta”. Như để hô ứng với bi kịch này, trong tập Điêu tàn in năm 17 tuổi, Chế Lan Viên nhiều lần viết về “những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh” tương phản với “những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian”. Tập thơ được quảng cáo đầy bí hiểm là “Thơ Chàm và thơ Ma” – gợi một sự quyến rũ hương xa về di sản của nền văn hóa Chăm (tên gọi ngày nay cho Chiêm Thành hay Chàm), mà trong đó “Chàm” và “Ma” là những nhãn nhận diện “kẻ khác” khi nhìn ở góc độ các nhân vật Đại Việt trong Vũ Như Tô.
Nguyễn Huy Tưởng khi viết rằng mình là kẻ đồng bệnh với hai nhân vật, ông bày tỏ khát khao thưởng thức vẻ đẹp thiên tài của người xưa mà chưa biết tới các khai quật sau này. Ông mất năm 1960, đúng năm câu thơ của Chế Lan Viên ra đời. Mỗi người đều vẽ lại quá khứ mà thực ra cũng nghĩ về sự hiện tồn của bản thân trong cuộc đua vô vọng với thời gian. Từ những gạch ngói hoang tàn đổ nát, Chế Lan Viên tưởng tượng về “những điện các huy hoàng trong ánh nắng”. Trong một Hà Nội thuộc địa mất dấu cung xưa, Nguyễn Huy Tưởng tạo ra câu chuyện mới về Cửu Trùng Đài. Những mái ngói vật chất không bền quá trăm năm, nhưng đã từng có những kẻ tương tư chúng nghìn năm. Thời gian, thứ làm cho ngói đỏ thành nâu, thứ mà Chế Lan Viên thời niên thiếu đã viết hoa trong thơ, cho đến tận những câu thơ cuối cùng ông viết trên giường bệnh vẫn hiện diện như nỗi trấn an: “Mai sau, mai sau khi chẳng còn ta nữa/ Một chút nắng xao ở đầu ngọn gió/ Là ta đấy mà, ai có biết đâu?”.