Sự kiện khai mạc Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 vừa diễn ra với những màn trình diễn giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Nỗ lực của các VĐV, sự kết nối quá khứ – hiện tại, thông điệp hoà bình và trình diễn nghệ thuật ánh sáng, công nghệ là điểm nhấn trong lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo 2020 tối 23/7.
Bị dời hoãn một năm, đúng 20 giờ ngày 23-7 (giờ địa phương), Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc tại sân vận động quốc gia tại thủ đô của Nhật Bản, khởi đầu cho 17 ngày sôi động của thể thao thế giới trong sự kiện được chờ đợi diễn ra 4 năm một lần.
Không hoành tráng với màn trình diễn đầy sắc màu của đông đảo vũ công, không là nơi phô diễn những đạo cụ hay màn hình khổng lồ, cũng chẳng có thứ ánh sáng ảo diệu lấp lánh xen lẫn hình ảnh được tạo dựng từ công nghệ 4D hiện đại, lễ khai mạc Olympic Tokyo được mô tả là “màn trình diễn nho nhỏ, một buổi biểu diễn nghiêm túc mang vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản và đặc biệt phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp”.
“Hôm nay là một khoảnh khắc của hy vọng. Vâng, nó rất khác so với những gì tất cả chúng ta đã tưởng tượng”, Chủ tịch IOC Thomas Bach nói. “Nhưng chúng ta hãy trân trọng khoảnh khắc này vì cuối cùng tất cả chúng ta đã ở đây cùng nhau.”
Hoàng đế Nhật Bản Naruhito tuyên bố Thế vận hội khai mạc, với pháo hoa nổ trên sân vận động sau khi ông phát biểu.
Hàng ghế trống trong sân vận động chính trong lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo 2021.
Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 bắt đầu bằng màn bắn pháo hoa trên mái vòm sân vận động. Thế vận hội lần thứ 32 trong lịch sử diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, phải lùi một năm vì Covid-19, và không đón khán giản vào xem vì nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngay trong lễ khai mạc, trên sân có sức chứa 80.000 người, chỉ có khoảng 1000 người, là thành viên ban tổ chức, Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC), các quan chức và khoảng 6000 VĐV, HLV tham dự.
Phần trình diễn nghệ thuật Olympic Tokyo 2020 bắt đầu với hình tượng một VĐV chạy bộ trên máy tập. Lặng lẽ và cô độc trong ánh đèn duy nhất. Đó cũng là tình trạng chung mà thể thao thế giới phải trải qua do dịch Covid-19.
Dịch bệnh bùng phát và các đợt giãn cách khiến nhiều VĐV phải tập luyện một mình, thiếu thực tiễn thi đấu, cọ xát trong khoảng một năm rưỡi. Nhưng niềm đam mê, khát vọng được tham gia tranh tài ở sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là những sợi dây gắn kết các VĐV trên toàn thế giới, tạo động lực để họ vượt qua mọi khó khăn trở ngại để giành quyền đến với Tokyo 2020.
Tinh thần này được khát quát qua tiết mục biểu diễn mô phỏng cảnh một VĐV đánh mất động lực trong lúc tập luyện rồi sau đó tìm lại nó nhờ động lực từ bên trong.
Lần thứ hai Nhật Bản và Tokyo đăng cai một kỳ Olympic. Sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại được nước chủ nhà thể hiện bằng màn trình diễn giới thiệu năm vòng tròn đan xem biểu tượng của Olympic. Gỗ dùng để làm nên những vòng tròn hôm nay lấy từ cây được các VĐV quốc tế đến Tokyo dự Thế vận hội 1964 gieo mầm.
Trong lúc các đoàn diễu hành, khẩu hiệu của Olympic Tokyo 2020 hiện lên nỗi bật trên nền trắng: “Nhanh hơn – Cao hơn – Mạnh hơn – Cùng nhau”.
Nước chủ nhà còn gây ấn tượng mạnh bằng màn trình diễn của 1824 chiếc drones bay trên bầu trời Tokyo, ánh sáng dần chụm lại, tạo hình quả địa cầu trên sân Olympic.
Dàn đồng ca trẻ trình bày nhạc phẩm bất hủ “Imagine” của huyền thoại John Lennon và vợ ông, một nghệ sĩ Nhật Bản – Yoko Ono. “Hãy tưởng tượng mọi người đều chung sống trong hoà bình”… lời bài hát nói lên khát vọng hoà bình của nhân loại.
Một cơn mưa “những chú chim bồ câu bằng giấy” được thả xuống sân Olympic trong phần trình diễn này. Kiến tạo một thế giới hoà bình và tốt đẹp hơn thông qua thể thao là thông điệp giàu ý nghĩa nhất của Olympic.
Olympic Tokyo 2020 có cả thảy 33 môn thể thao, với 339 nội dung tranh huy chương. Lần lượt từng môn thể thao được nước chủ nhà minh hoạ sinh động qua màn trình diễn tạo hình với giấy của các nghệ sĩ. Hai nghệ sĩ kịch câm MASA và Hitoshi mang đến tiết mục tái hiện lại biểu tượng 33 môn thể thao Olympic theo phong cách hài hước, đúng kiểu gameshow Nhật Bản. Đồ họa và hình ảnh thực tế lồng ghép khéo léo đáng kinh ngạc.
Phần diễu hành của các đoàn VĐV được bắt đầu theo truyền thống, với đoàn đầu tiên là Hy Lạp – quê hương của phong trào Olympic. Nhưng kế sau đó là một nét mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Thế vận hội. Theo đó, các đoàn tiếp theo sẽ lần lượt xuất hiện với tên mỗi đoàn theo thứ tự trong bảng ký tự Kana trong tiếng Nhật, thay vì thứ tự Alphabet như 31 kỳ Thế vận hội trước.
Tay vợt nữ Naomi Osaka nhận vinh dự mang ngọn lửa thiêng Olympic lên đài cao và thắp sáng ngọn đuốc của Thế vận hội 2020.
Lễ khai mạc khép lại bằng một màn trình diễn pháo hoa rực rỡ nữa. Ngoài một số môn đã thi đấu trước để đảm bảo kịp tiến độ giải, từ ngày mai, các đoàn thể thao sẽ đồng loạt ra quân. Olympic Tokyo 2020 có 11.326 VĐV đua tài, tranh 339 bộ huy chương ở 33 môn thể thao.