Khi núi lửa hoạt động, dung nham nóng bỏng tràn ra, kèm khói, tro bụi độc hại khiến cư dân phải di tản. Đôi khi, cư dân cũng nhận được một “niềm an ủi” nho nhỏ: những hạt đá quý, cả ngà của động vật thời tiền sử.
Mưa đá quý từ núi lửa Kilauea
Từ ngày 3.5.2018, cư dân ở Hawaii phải hứng chịu cơn bùng phát của núi lửa Kilauea, một trong những núi lửa hoạt động mạnh trên thế giới, chiều cao hơn 1.200m, là một trong số 5 núi lửa trên đảo Hawaii, đảo lớn nhất trong quần đảo gồm 137 đảo. Nhiều ngàn người phải sơ tán kể từ khi núi lửa bắt đầu thức giấc, không chỉ do những dòng dung nham lan ra đến 50km, mà cả khí độc do khói acid, chịu những tổn thất không chỉ về vật chất, mà cả về sức khỏe.
Thêm vào đó, người ta tìm thấy những sợi thủy tinh hầu như khắp nơi trong vùng phụ cận. Những sợi này, còn được gọi là “tóc Pelé”, nhằm tôn vinh nữ thần núi lửa, trông đẹp nhưng nguy hiểm do rất sắc, dễ gây tổn thương da nếu không để ý. Một số sợi thủy tinh rất mảnh, theo gió đi xa nhiều km, có thể găm vào phổi bạn khi bạn hít phải, nên đeo khẩu trang là điều cần thiết.
Một tháng sau khi núi lửa phun, cư dân tìm thấy những viên đá xanh lục trên đất Hawaii. Đó là olivin, đá có nguồn gốc núi lửa, một khoáng chất gồm silicat, kết tinh khi magma bị tống ra từ miệng núi lửa. Thường thường olivin được tìm thấy trong đá hóa thành (roche ignée) hay dưới dạng cát. Đôi khi, olivin hiện diện dưới dạng tinh thể lớn, được thợ kim hoàn gọi là peridot hay chrysolite của núi lửa. Đây là loại đá bán quí, khá hiếm.
- Xem thêm: Siêu núi lửa và mối đe dọa tận thế
Hài cốt thời tiền sử được phun ra từ miệng núi
Mỗi năm miệng núi Batagai ở Siberia lại hé lộ những hài cốt tiền sử làm say mê các nhà khoa học và gợi sự thèm khát của những kẻ săn ngà. Một địa điểm địa chất duy nhất thuộc lọai này. Miệng núi gây ngạc nhiên này nằm cách thành phố Iakoutsk, thủ phủ Iakoutie, khoảng 700km về phía Bắc. “Miệng núi lửa” sinh ra cách đây 15 năm do sự lún sụp đất dần dần trên vùng đất đường kính hơn 1km. Vùng này được hình thành vào đầu những năm 2000, sau khi một công trường khai thác cát và sỏi, được đào dọc theo một con sông, rồi nhanh chóng bị bỏ hoang.
Dưới tác động của ánh nắng, các tầng đất băng giá phía dưới dần ấm lên, gây sụt lún từ từ các thành. Cái miệng ấy tiếp tục rộng ra, đường kính hiện nay ước lượng hơn 1km. Một hiện tượng địa chất độc đáo? Không chỉ thế. Theo Dan Fischer, giáo sư Đại học Michigan và là chuyên gia về khổng tượng, “đây là một vùng thuộc loại duy nhất trên thế giới. Đất lún làm lộ ra hài cốt của các động vật thời tiền sử: khổng tượng, tê giác lông giống len, ngựa, bò có bướu. Một cái mỏ quý đối với các nhà cổ sinh vật học”.
Còn đối với cư dân Batagai, nơi này là một nguồn lợi trời cho, nhất là khi vùng bị quên lãng ở Đông Siberia này lại là nơi thất nghiệp hoành hành. Một ngày “dạo chơi” trên địa điểm ấy cho thu nhập đáng kể và chắc chắn hơn hẳn mua vé số. Vì thế, vào mùa hè, những người săn ngà, hầu hết là bất hợp pháp, đổ xô về miệng núi này. Cuộc săn lùng ngà nơi thành vách đất đông giá, cao hơn 30m, giữa thảo nguyên bắt đầu. Giữa những âm thanh răng rắc đầy đe dọa của đá vỡ, những đầu nhọn trắng nhô ra khỏi khối đá rã đông phân nửa, rơi tõm xuống đất.
Theo các nhà khoa học, các lớp trầm tích cấu tạo nên thành vách chồng chất qua nhiều ngàn năm; vì vậy, hài cốt động vật tiền sử rất lớn. Hiện tượng khí hậu ấm lên, tăng mạnh trong những năm qua, góp phần đáng kể trong sự tan rã nhanh chóng của thành Batagai, để lộ những hài cốt trong trạng thái được bảo quản hòan hảo. Theo cư dân, gần 20m thành đất bị sụp mỗi năm, làm tăng đường kính của miệng núi và cơ may xuất hiện những ngà mới. Nhiều khám phá trên địa điểm này giúp các chuyên viên cổ sinh vật học về điều kiện sống của các động vật thời tiền sử.
Vậy đây là vùng địa chất đặc biệt hay vùng đất hứa của kẻ săn ngà? Vào lúc này, các nhà khoa học có những ý kiến khác nhau. Dù thừa nhận việc buôn bán phi pháp ngà là một vấn đề, các chuyên gia cũng biết rằng không có sự “góp sức” của những “kẻ săn vàng trắng”, nhiều hài cốt ấy sẽ bị phân hủy vì sự ăn mòn của đất. Chỉ một ngà của mammouth tương đương 6 tháng thu nhập của cư dân nơi đây, và nhờ những chỉ dẫn quí báu của họ, các nhà nghiên cứu có thể đạt những khám phá phi thường.
Nhờ những rãnh tăng trưởng được tìm thấy trên hài cốt và nhờ đo đồng vị phóng xạ, các nhà nghiên cứu hiểu sự khắc nghiệt của mùa đông mà động vật tiền sử phải chịu đựng, dinh dưỡng của chúng và cả thời gian cho con bú. Những thông tin khác nhau này được đối chiếu, kết hợp, giúp hiểu rõ hơn những thời kỳ xa xôi ấy.
Nhưng sự hợp tác không dễ dàng đạt được do sự dè chừng và thiếu thông hiểu của kẻ săn ngà lậu. Miệng Batagai sẽ còn tiếp tục cho ra các hài cốt trong nhiều năm nữa, nếu 2 bên có thể đạt thỏa thuận cộng tác, các cuộc khai quật sẽ có thể tiến hành nhiều hơn, nhanh hơn và hy vọng đạt những kết quả quan trọng về cổ sinh vật học.