Trong quá trình đi khảo sát thực địa nghiên cứu đình miếu ở An Khê (Gia Lai), chúng tôi thấy có một hiện tượng phổ biến tại đây, nhưng chưa bắt gặp ở những nơi đã từng đến tại miền Bắc và miền Nam. Đó là hiện tượng miếu cô hồn nằm riêng rẽ và nhà âm linh nằm bên cạnh điện thần ở các đình miếu khác tại An Khê cũng được đặt tên là “Thanh Minh tự”.
Tên gọi này thể hiện cả trong cách gọi của dân gian (bên cạnh tên gọi “miếu âm hồn”, “nhà âm linh”, “nhà âm hồn”) lẫn trong văn tự được ghi rõ ràng trên mặt trước cấu kiện kiến trúc miếu: 清明寺, như trường hợp “Thanh Minh tự” (phường An Phú), đình An Cư (phường An Bình), đình Cửu Định (phường An Phước), đình Tú Thủy (xã Tú An), đình Cửu An (xã Cửu An), hay có trường hợp được gọi bằng danh xưng khác như “Anh linh tự 英灵寺” ghi rõ trên hoành phi treo trong nhà âm linh đình Tân An (phường An Bình).
Từ thực tế khảo sát tại An Khê, Gia Lai
Tham khảo các tài liệu đã từng nghiên cứu về đình miếu An Khê, chúng tôi thấy bài Ấp Tây Sơn Nhì của tác giả Phan Đại Doãn viết có đoạn miêu tả về đình Cửu An như sau: “Đình làng được xây ở An Điền Bắc trên một quả đồi, thờ thần chính là bản cảnh thành hoàng (…). Cạnh đình là chùa. Bên trái đình là đền thờ các tiền hiền” (Phan Huy Lê,… 1988: 26). Ban đầu đọc bài viết này, chúng tôi ngỡ “chùa” mà tác giả nói là “Dinh Bà” hay chùa Minh Quang tọa lạc gần đình, sau mới hiểu tác giả đang miêu tả quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên đình Cửu An và “chùa” được kể đến ở trên chính là “Thanh Minh tự” tức nhà âm linh bên hông chánh điện.
Trong nhận thức thông thường, khi nhắc đến chữ “tự 寺”, chúng ta liên tưởng và đồng nghĩa nó ngay với chữ “chùa” – kiến trúc thờ tự của Phật giáo. Thế nhưng thực tế chữ “tự 寺” trong “Thanh Minh tự” ở An Khê gần như không liên quan gì đến Phật giáo, mà kiến trúc và đối tượng thờ cúng của nó biểu hiện rõ nét tín ngưỡng dân gian về cô hồn, âm linh như thấy rõ trong trường hợp đối chứng “Anh linh tự 英灵寺” tại Phường An đã nói ở trên. Vậy cần phải tìm những nét nghĩa khác của chữ “tự 寺” mới có thể giải thích được hiện tượng “Thanh Minh tự 清明寺” ở An Khê.
Các cách hiểu khác về nội hàm chữ “Tự 寺”
Để tìm kiếm các cách hiểu khác về nội hàm chữ “tự 寺”, trước hết chúng tôi tra cứu những từ điển tiếng Việt, từ điển Hán Việt do người Việt Nam biên soạn, sau đó là các từ điển Hán ngữ do người Trung Quốc biên soạn để đối chiếu, xác định vấn đề được rộng và rõ hơn.
Phía Việt Nam: Việt Nam tự điển (xuất bản lần đầu năm 1931) cho biết: “Tự 寺 Chùa: Thần từ, Phật tự” (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931: 543); Hán Việt từ điển (in lần đầu năm 1932) viết: “Tự 寺: nhà quan, chỗ thầy tu ở, chùa” (Đào Duy Anh, 1957: 339); Hán Việt tự điển (in lần đầu năm 1942) ghi: “Tự 寺 1: Dinh quan. 2: Tự nhân kẻ hầu trong (quan hoạn). 3: Chùa, đời vua Hán Minh đế mới đón hai vị sư bên Thiên Trúc sang vì chưa có chỗ ở riêng mới đón vào ở sở Hồng lô tự, vì thế nên về sau các chỗ sư ở đều gọi là tự” (Thiều Chửu, 1999: 150).
Xét riêng về chữ “chùa”, các từ điển tiếng Việt đều cho rằng nó gắn liền với Phật giáo. Ví dụ Nam ngữ chính tả tự vị viết: “Chùa: Nơi lập riêng ra để thờ Phật” (Nguyễn Duyên Niên, 1932: 77), Đại Nam quấc âm tự vị ghi: “Chùa: chính là nhà thờ Phật” (Huình Tịnh Paulus Của tr.160).
Phía Trung Quốc: Sách Thuyết văn giải tự ghi: “寺廷也有法度者也: Tự đình dã, hữu pháp độ giả dã”, tức “Tự nghĩa là quan phủ, triều đình, nơi có pháp chế” (Hứa Thận, 2014: 766-767); Hán ngữ đại từ điển 汉语大词典 ghi nhận mấy nghĩa như sau: (1) Dinh thự quan lại, (2) Chùa Phật giáo, (3) Là chữ cổ của chữ “trì 持” nghĩa là giữ, (4) Là chữ cổ của chữ “thị 恃” nghĩa là nhờ cậy. Đồng thời Hán ngữ đại từ điển cho biết thêm “tự 寺” là chữ cổ của chữ “thị 侍”, mà chữ “thị 侍” được giải nghĩa là “kẻ hầu người hạ trong cung, thường là thái giám”, như “thị nhân 侍人”. Từ điển này cũng ghi nhận nhiều từ ghép, chúng tôi gộp thành hai nhóm: (1) Nhóm có “tự” gắn với Phật giáo, như: Tự hộ 寺户, Tự chủ 寺主, Tự vũ 寺宇, Tự quán 寺观, Tự sát, Tự miếu 寺庙, Tự viện 寺院, Tự bích 寺壁; (2) Nhóm có “tự” không gắn với Phật giáo, như: “Tự thần 寺臣”, tự thừa 寺承, tự tỉnh 寺省, tự giám 寺监, tự khanh 寺卿, tự thự 寺署, tự tẩm 寺寝; Ngoài ra còn có trường hợp từ ghép có chữ “tự” vừa có nghĩa liên quan đến Phật giáo, vừa không có nghĩa liên quan đến Phật giáo, như trường hợp “tự xá 寺舍” được từ điển ghi nhận: “Quan xá” (nơi ở của quan lại) và “Tăng xá” (nơi ở của tăng nhân) (La Trúc Phong, 2000: 718).
Ngoài chữ “tự 寺”, thì chữ tiếp theo cần phải khảo sát, lý giải là “Thanh Minh 清明”, do “Thanh Minh tự 清明寺” là một từ ghép.
“Thanh Minh 清明” nghĩa đen là “trong sáng”, chỉ thời tiết đẹp, khiến chúng ta nhớ đến câu Kiều: “Thanh Minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh; Gần xa nô nức yến anh, Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”. Câu thơ cũng cho chúng ta biết nhiều thông tin quan trọng khác: Thanh Minh gắn liền với ngày lễ tảo mộ, vui chơi, diễn ra vào tháng ba âm lịch hàng năm.
“Thanh Minh 清明” nguyên là tên gọi của một ngày lễ lớn trong năm của các dân tộc nằm trong vùng văn hóa Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên/Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung và thời điểm tiến hành lễ Thanh Minh ở mỗi nước hẳn có những nét khác biệt, không như nhau, bởi ngay ở Việt Nam sự khác biệt ấy đã thể hiện trong từng vùng miền, từng giai đoạn lịch sử. Có thể tham khảo các ghi chép trong từ điển để thấy rõ hơn điều này.
Cuối thế kỷ XIX, Đại Nam quấc âm tự vị cho biết “Thanh Minh 清明” là: “Tiết tháng ba, chính là tiết tảo mộ, đi viếng mồ mả, nhằm ngày mồng 6 Avril [tháng 4], qua đông chí một trăm sáu ngày thì đến tiết thanh minh” (Huình Tịnh Paulus Của, 1895-1896: 983). Muộn hơn một chút là Quảng tập Viêm văn: “Tết Thanh minh là cách từ hôm lập xuân sáu mươi ngày. Hôm ấy thấy khí giời sáng sủa, hây hẩy gió đông, thì người được mạnh khỏe, thóc lúa được mùa. Bởi thế người ta mới đặt ra hội Đạp thanh, rủ nhau đi thăm nhận các mồ mả tổ tiên, đắp điếm cho cao ráo, quét dọn cho sạch sẽ; rồi về làm cỗ dâng cúng. Trước là cảm đức tổ tiên, sau là ăn uống chơi bời vui vẻ. Ấy, như thế gọi là tết Thanh minh” (Nordemann Edmond, 1898: 2).
Đầu thế kỷ XX, Hán Việt từ điển ghi 3 nét nghĩa cho mục từ “Thanh Minh 清明”: (1) “Một tiết ở trong nhị thập tứ khí, thuộc về xuân, tức mùng 5 mùng 6 tháng ba âm lịch”, (2) “Trong sạch sáng sủa”, (3) Thần trí trong sáng” (Đào Duy Anh, 1957: 370). Gần hơn, Từ điển tiếng Việt, mục từ “Thanh Minh” viết: “Tên gọi một trong hai mươi bốn ngày tiết trong năm theo lịch cổ truyền của Trung Quốc, ứng với ngày 4, 5 hoặc 6 tháng tư dương lịch, thường vào khoảng tháng hai, tháng ba âm lịch, có tục đi thăm viếng sửa sang mồ mả” (Hoàng Phê chủ biên, 1997: 881).
Nhìn qua Trung Quốc, ngày lễ này được Hán ngữ đại từ điển kê ra 5 nét nghĩa: (1) “Sạch sẽ sáng sủa”, (2) “Chỉ chính trị có pháp luật nghiêm minh”, (3) “Rõ ràng”, (4) “Âm thanh trong trẻo”, (5) “Tên một tiết khí diễn ra vào ngày 4, 5 hoặc 6 tháng 4 dương lịch, Trung Quốc có tiết Thanh Minh với tục đạp thanh và tảo mộ”, (6) “Kim tinh, thần vàng” (La Trúc Phong, 2000: 1079).
- Xem thêm: Bến Miễu Ông Tà
Vậy, bản thân chữ “Thanh Minh” cũng có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa phù hợp trong trường hợp này, là chỉ ngày tảo mộ diễn ra vào tháng 3 âm lịch (tương ứng với tháng 4 dương lịch) hàng năm được tất cả các từ điển ghi nhận. Việc chơi xuân kèm theo lễ Thanh Minh, như các tài liệu dẫn trên, thì có sách ghi, có sách không ghi.
Hiện nay, việc tảo mộ (nghĩa đen là ‘”quét dọn mồ mả”, tên khác: “giẫy mả”, “chạp mả”) có nơi được dân chúng thường tiến hành vào tháng chạp, có nơi tiến hành vào tháng ba, có nơi tiến hành cả hai lần trước và sau tết. Việc tảo mộ cũng có những quy mô khác nhau: ở phạm vi rộng thì cả làng như một ngày hội (“hội Thanh Minh”), ở phạm vi gia tộc thì cả dòng họ, ở phạm vi gia đình thì cả nhà hoặc một hai người đại diện, cùng tham gia. Sau khi dọn dẹp sửa sang, nhang khói và cúng kính xong, dân chúng tổ chức gặp mặt, ăn uống, có nơi còn tổ chức chơi các trò chơi dân gian, xây chầu hát bội.
Tại An Khê việc cúng cô hồn, âm linh ở các đình miếu chủ yếu diễn ra lồng ghép vào các ngày lễ lớn trong năm như cúng khai sơn (đầu tháng giêng), cúng quý xuân (rằm tháng 2), cúng rằm tháng 7, cúng quý thu (rằm tháng 8). Riêng “Thanh Minh tự” phường An Phú (thị xã An Khê) vẫn giữ tục cũ, cúng vào ngày Thanh Minh (có khi rơi vào cuối tháng 2 hoặc vào tháng 3 âm lịch) tức vào “tiết Thanh Minh” và vẫn xem đây là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của miếu, lễ được tiến hành trong ba ngày: ngày thứ nhất cúng nghi hoang mộ, ngày thứ hai tế thần, ngày thứ ba tổ chức hát bội (mời một đoàn tuồng từ Bình Định lên hát, gồm hai phần là hát lễ hiến thần và hát cho dân chúng xem).
Trở lên là những nét nghĩa khác nhau của chữ “tự 寺” và một số thông tin liên quan về lễ Thanh Minh, đây là những căn cứ rõ ràng, cụ thể giúp ích cho việc lý giải hàm nghĩa của “Thanh Minh tự 清明寺” ở An Khê.
Mặc dù từ điển không thể ghi nhận hết các nét nghĩa sinh động vốn có của từ ngữ trong đời sống, nhưng chúng cũng là công cụ hỗ trợ hữu ích cho việc tra cứu tham khảo. Kết quả tìm kiếm thông tin từ các từ điển trên cho biết, “tự 寺” ngoài nghĩa chỉ nơi chốn thờ cúng Phật, chỉ nơi ở hay nơi làm việc của quan lại, còn có nghĩa chỉ nơi thờ cúng thần linh hoặc một đối tượng nào đó tương đương với chữ “từ 祠” hoặc “miếu 庙”. Vậy có thể nói, nếu dịch nghĩa một cách ngắn gọn đơn giản nhất mà đầy đủ các hàm nghĩa nhất cho chữ “tự 寺”, thì chúng tôi đề xuất bằng từ tương đương là “nơi”. Và do đó, “Anh linh tự” hay “Âm linh tự” sẽ có nghĩa rõ ràng và hợp lý là “nơi trú ngụ của các linh hồn” hoặc “nơi thờ cúng các linh hồn”, bởi chữ “tự 寺” xét về phương diện danh từ là chỉ nơi chốn, xét về phương diện động từ là chỉ hoạt động cúng tế.
Trường hợp “Thanh minh tự 清明寺” ở An Khê
Tra cứu thông tin, chúng tôi nhận thấy, mặc dù tên gọi “Thanh Minh tự 清明寺” dành cho miếu cô hồn, nhà âm linh không thấy xuất hiện ở miền Bắc và miền Nam, nhưng có xuất hiện tại khu vực miền Trung như Quy Nhơn (Bình Định), Phan Thiết (Bình Thuận), không phải là một hiện tượng riêng có ở vùng An Khê thuộc Gia Lai. Mối liên hệ này là hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, bởi An Khê trước đây thuộc tỉnh Bình Định, cũng là vùng đất giáp ranh giữa vùng duyên hải và cao nguyên, là nơi người Kinh vùng ven biển di cư sớm lên Tây nguyên lập thành làng xóm. Vì vậy, những người di cư đã mang văn hóa tín ngưỡng của mình đến vùng đất mới, trong đó có tục lập miếu thờ cô hồn, âm linh và gọi nơi thiêng liêng ấy là “Thanh Minh tự 清明寺”.
Hầu hết, các “Thanh Minh tự 清明寺” ở An Khê đều gắn liền với đình, là một gian thờ bên cạnh chánh điện thờ Thành Hoàng và các thần linh khác, cũng được gọi bằng các tên khác là “tự”, “nhà âm hồn”, “nhà cô hồn”, “nhà âm linh”, nằm ở vị trí đối xứng với nhà tiền hiền. Chỉ riêng “Thanh Minh tự 清明寺” ở phường An Phú là biệt lập, nhưng theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, rất có khả năng ngôi miếu này chính là nhà âm linh của đình An Khê, sau đó tách ra. Ngoài tên gọi “Thanh Minh tự” phổ biến, nơi này còn được dân gian gọi bằng các tên: “Miếu cô hồn”, “Chùa Thanh Minh”, “Miếu Thanh Minh”. Khảo sát tín ngưỡng tại ngôi miếu này, chúng tôi thấy bài vị đặt giữa khám thờ ở chánh tẩm – vị trí trang trọng nhất ngôi miếu, đề ba chữ Nho lớn: “大力士” (Đại Lực Sĩ), văn tế của miếu cho biết rõ hơn: “Tiêu Diện Đại Lực Sĩ’, không có hình ảnh hay tượng tạc. Hình dáng và oai phong của thần được miêu tả bằng liễn đối viết hai bên bài vị: “Thiệt quyển tự xuân lôi 舌卷似春雷; Nhãn huyền như thu thủy 眼悬如秋水” (Lưỡi cuốn như sấm mùa xuân; Mắt treo giống làn nước mùa thu).
“Tiêu Diện” thường hiện diện trên linh vị hay trong các bài văn tế, văn chúc cúng cô hồn, âm linh tại các đình miếu ở An Khê với nhiều cách gọi, ví dụ: “Đại Lực Sĩ”, “Tiêu Diện Đại Lực Sĩ” (Thanh Minh tự, phường An Phú), Tiêu Diện Đại Lực Sĩ Tướng Quân Diệm Khẩu Qủy Vương chi thần (đình Tân An, phường An Bình), Tiêu Diện Đại Lực Sĩ Diệm Khẩu Quỷ Vương tôn/chi thần hoặc Tiêu Diện Đại Lực Sĩ Diệm Khẩu Quỷ Vương (miếu Tân Lai phường An Bình, miếu An Bình và miếu An Điền/Dinh Bà ở xã Cửu An),… Nhưng tất cả tên gọi ít nhiều khác nhau một vài chữ đó, đều chỉ một vị thần. Gốc gác của vị thần này liên quan đến Phật giáo và Đạo giáo, chủ quản về việc trấn áp không cho ma quỷ lộng hành.
Trong Đạo giáo, vị thần này có danh xưng là U Minh Diện Nhiên Qủy Vương Giám Trai Sứ Giả Vũ Lâm Đại Thần Phổ Độ Chân Quân 幽冥面燃鬼王監齋使者, hoặc Vũ Lâm Đại Thần Phổ Độ Chân Quân 羽林大神普渡真君, hay gọi tắt là Vũ Lâm Đại Thần, Phổ Độ Chân Quân. Về nguồn gốc, Đạo giáo cho rằng thần là hóa thân của Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn, chúa tể của ma quỷ, bảo vệ cả âm phủ và dương gian, thường cư ngụ ở núi Ốc Tiêu chịu trách nhiệm trông coi các vong hồn lên dương gian hưởng lãnh hương hoa trong những ngày mở cửa địa ngục (Diện Nhiên Đại Sĩ 面燃大士, 2019), vì vậy trước khi cúng cô hồn người ta cũng thường tế bái Tiêu Diện.
Trong Phật giáo, Tiêu Diện có danh xưng là Thiết Vi Sơn Nội Diện Nhiên Đại Sĩ Bồ Tát 鐵圍山内面燃大士菩薩, hoặc Tiêu Diện Quỷ Vương 焦面鬼王, hay Diệm Khẩu Quỷ Vương 焰口鬼王. Sự tích thờ thần được ghi chép trong sách Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà la ni kinh 佛說救拔焰口餓鬼陀羅尼經 như sau: Đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là A Nan tôn giả đang tu tập trong rừng, chợt thấy một quỷ vương mặt đầy lửa cháy, xương cốt quắt queo như củi khô, vẻ mặt vô cùng đau khổ. Qủy vương tự xưng là “Diện Nhiên” nói rằng ba ngày sau A Nan sẽ trở thành quỷ đói, nếu muốn thoát thảm cảnh đó thì phải bố thí cho đám quỷ đói và các đạo sĩ Bà La Môn một bữa ăn, cúng dường tam bảo. A Nan báo cho Phật biết, Phật dạy A Nan phép Đà la ni thí thực khiến cho những thức ăn được gia trì phép này biến thành “pháp cung”, trên thì cúng dường tam bảo Phật – Pháp – Tăng, dưới thì bố thí cho ngạ quỷ chúng sinh khiến cho bọn họ không còn đau khổ, bỏ hình dạng ma quỷ mà sinh vào thiên giới. A Nan làm theo lời Phật và từ đó Phật giáo có tục thờ “Diện Nhiên Qủy Vương”. Về nguồn gốc và chức năng của Diện Nhiên Qủy Vương còn nhiều giả thuyết khác nhau. Thuyết thì cho rằng thần là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát trong lúc thu phục quỷ vương; thuyết thì cho rằng thần là thủ lãnh của đám yêu ma được Quán Thế Âm Bồ Tát giáo hóa nhận làm đệ tử và trở thành thần hộ pháp; thuyết cho rằng thần là hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát. Ngoài ra Tiêu Diện còn một số tên gọi khác, như: “Đại Sĩ gia 大士爺”, “Đại Sĩ vương 大士王”, “Phổ Độ công 普渡公”, “Phổ Độ gia 普渡爺”. Thần có hình dạng dữ tợn: mặt xanh hoặc đen như than cháy, miệng rộng đỏ như lò lửa, nanh dài, mắt lồi, tai to, sừng nhọn, lưỡi thè dài, tay cầm võ khí lớn như búa hoặc chùy (Diện Nhiên Đại Sĩ 面燃大士, 2019), thường được dân gian gọi là “Ông Ác” hoặc “Ông Tiêu”.
- Xem thêm: Đìu hiu đình làng
Từ các yếu tố đó có thể thấy, “Đại Lực Sĩ” ở Thanh Minh tự phường An Phú khả năng không phải là đối tượng thờ cúng chính nơi đây, mà là vị thần được thờ nhằm giúp kiềm chế, cai quản các vong linh, âm hồn. Còn đối tượng được thờ chính của nơi này là các cô hồn, âm linh không nơi nương tựa trong địa phương. Dù thế nào, sự hiện diện của Tiêu Diện tại Thanh Minh tự phường An Phú cho chúng ta thêm một bằng chứng xác thực chứng tỏ, “tự 寺” trong “Thanh Minh tự 清明寺” ở An Khê không đồng nghĩa với “chùa” Phật giáo. Sự khác biệt này còn thể hiện rõ ở nơi an vị của Tiêu Diện: Trong khi tại các miếu cô hồn, âm linh, Tiêu Diện được đặt ở vị trí trung tâm của miếu như một vị thần có quyền năng lớn nhất, thì ở chùa, Tiêu Diện chỉ là một vị thần hộ pháp thường được đặt ở hành lang hoặc trong góc chánh điện, đối diện với “Ông Thiện”.
***
Tóm lại, xét từ việc phân tích nội hàm từ ngữ tên gọi hay xét từ việc khảo sát đối tượng thờ cúng thực tế tại An Khê đều có đủ căn cứ để bài bác cách hiểu, cách nhận định cho rằng “Thanh Minh tự 清明寺” An Khê (Gia Lai) là chùa – theo nghĩa chỉ công trình kiến trúc chuyên dụng cho việc thờ Phật của Phật giáo, thực tế “Thanh Minh tự 清明寺” là miếu cô hồn, nhà âm linh tồn tại độc lập hoặc gắn với đình.
Việc khảo sát trên cũng cho phép chúng tôi lựa chọn một trong số nhiều hàm nghĩa khác nhau của chữ “tự 寺”, là: “nơi thờ phụng” thần linh hoặc đối tượng nào đó. Điều này phù hợp với sự tồn tại phổ biến của hiện tượng “Thanh Minh tự 清明寺” tại An Khê và một số vùng khác. Theo nét nghĩa này, chúng ta cũng sẽ giải thích được các tên gọi có chữ “tự” hay “chùa” mà không phải nơi thờ Phật khác, như: “Nghĩa tự”, “Âm linh tự” ở Quảng Ngãi; “chùa Ông” (thờ Quan Thánh Đế), “chùa Bà” (thờ Thiên Hậu), “chùa Ông Bổn” (thờ tổ nghề, thổ địa, vị thần bảo hộ hoặc một nhân vật đặc biệt nào đó thuộc phạm vi xóm làng) trong tín ngưỡng của người Hoa ở Nam bộ, ở đây “chùa” là cách gọi thay thế cho “miếu” (Quan Thánh miếu, Thiên Hậu miếu, Phước An miếu, Nhị Phủ miếu…), chứ không phải cách gọi thay thế cho “tự”. Từ đó, chúng ta lại thấy “chùa” còn là tên gọi dùng chung cho cả “tự” và “miếu”, nghĩa là 3 từ “chùa” – “tự” – “miếu” có thể thay thế cho nhau, như vậy khi cần có thể gọi “Thanh Minh tự” là “miếu Thanh Minh” thay vì “chùa Thanh Minh” để phân biệt, tránh những ngộ nhận về nội hàm, ít nhất là trên phương diện văn bản khoa học.