Đi mãi một chiếc xe honda cà tàng, ăn mặc bình dị, nói năng thẳng thắn, nhìn bề ngoài có vẻ khô khan, nhưng giám đốc Khách sạn Sài Gòn Lê Thành Chơn lại rất đa cảm và “yếu mềm”. Với bạn bè thì xuề xòa, với khách hàng lại lịch lãm, “dịu dàng”… anh là một doanh nhân có khả năng “phân thân” trong mọi lúc.
Xuất thân là một người lính không quân, chất hào hoa được hòa quyện rất lạ lùng với bản lĩnh quyết liệt và cả cái máu “giang hồ”, được che giấu bởi một vẻ ngoài giản dị. Anh đã mang tất cả con người phức tạp của mình vào công việc điều hành một khách sạn nằm ở trung tâm Sài Gòn, ở một khu vực còn nhiều tệ nạn chưa dẹp bỏ được. Anh còn là nhà văn với nhiều tác phẩm về không quân, về thương trường với văn phong dung dị đầy ắp hiện thực sống động được thẩm thấu qua cái nhìn tình cảm, thâm trầm.
____
Mười bảy năm về trước, có lần cô Ba Định (tức bà Nguyễn Thị Định) đã gọi đùa anh là “giám đốc mại dâm”, bởi anh phải cai quản một khách sạn mà nạn mại dâm đứng số 1 thành phố, trên con đường hết sức phức tạp. Làm thế nào chỉ trong một thời gian ngắn, anh có thể biến khách sạn của mình thành một chốn bình yên?
Đó là cả một thời gian cực kỳ khó khăn. Hồi đó suốt ba tầng lầu của khách sạn đều có mại dâm hết, chống mại dâm cực kỳ khó, vì nó gắn với đời sống của mọi thành viên trong khách sạn, từ bảo vệ, tiếp tân, quản lý phòng… Ngoài việc xây dựng lại quy chế, mình phải làm sao bảo đảm được đời sống cho anh em, chinh phục được giới giang hồ, thậm chí phải dùng cả võ nghệ của mình để trừng trị bọn bảo kê. Có lần tôi đã vặn tay một tên trong bọn bảo kê để bảo vệ một ông khách bị chúng đánh bể đầu.
Cuộc dẹp loạn này đã đụng phải sự chống trả khá quyết liệt, chúng bắt đầu tấn công, rình rập cả đường đi lối về. Anh em trong khách sạn lo lắng cho tôi, nói tôi phải dùng xe hơi đi làm, chứ cứ đi honda thế này rất nguy hiểm. Tôi sẵn sàng đối đầu với những người muốn đối đầu, nhưng không bao giờ chủ động chuyện đó. Có lần những tay trùm xã hội đen muốn chơi tôi, tôi nhắn: “Giang hồ thứ thiệt thì không đánh lén. Nếu muốn chơi nhau bằng súng thì ra trường bắn Hóc Môn, muốn chơi bằng dao thì hãy lại đây”.
Tôi ghét chuyện đánh sau lưng, thọc gậy bánh xe. Nhiều người không ưa tôi chính vì tôi hay nói thẳng. Tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì tính cách của mình, biết bao nhiêu lần lội nước ngược, chèo gió ngược, làm thế nào vững tay lèo lái con thuyền mới là quan trọng. Nhân viên của tôi cũng có người từng làm gái mại dâm, giờ đã trở thành người lương thiện. Giữ được sự lành mạnh trong khách sạn mới làm ăn bền vững, hiệu quả gì cũng giữ được lòng tự trọng.
Tôi không giấu dốt, kể cả với khách hàng của mình, cái gì làm chưa được thì nhờ khách hàng chỉ bảo, và phải hứa là sẽ làm bằng được.
____
Hình như khi “bị” phân công làm giám đốc khách sạn này, anh đã một mực từ chối?
Tôi là người lính, biết gì về kinh doanh khách sạn mà làm, thậm chí trước khi về đây tôi chưa từng bước vô khách sạn. Nhưng ông trưởng phòng tổ chức bảo: “Anh là đảng viên, anh có chấp hành sự phân công của tổ chức hay không? Nơi nào khó mới cần đến đảng viên chứ”. Thế là mình bí, phải làm thôi. Tính tôi là vậy, đã quyết là phải làm cho bằng được. Lúc ấy khách sạn mục nát tới mức trong phòng vệ sinh chỉ có một bàn cầu không có bồn chứa nước.
Bán cả đồ đạc đi, vay mượn anh em mới có nổi 500 ngàn đồng, tôi bắt đầu với việc sửa một phòng. Khấp khởi đón hai vị khách Tây ba lô. Nhìn phòng họ đồng ý liền, nhưng đến khi xem phòng vệ sinh họ bỏ đi một nước. Trời ơi! Tôi đau kinh khủng, chới với không biết phải làm sao. Tôi mới đi qua Caravelle quan sát xem đồng nghiệp làm ăn thế nào. Suốt 10 ngày đêm tôi quan sát cách bố trí phòng, dọn phòng… và bắt đầu vỡ ra nhiều điều. Thì ra người nước ngoài coi trọng phòng vệ sinh hơn cả chỗ ngủ.
Tôi mượn tiền tiếp để sửa tiếp, rồi tự mình ra tận sân bay, chờ đợi mãi mới có một cặp vợ chồng người Hà Lan đi du lịch lẻ, nhờ một người bạn giới thiệu mới mời họ được về khách sạn của mình. Cầm 10USD cho hai đêm của hai vị khách này, tôi rưng rưng nước mắt, mới thấm cái công sức lao động bỏ ra để kiếm được đồng tiền nó cơ cực thế nào…
____
Là đơn vị đầu tiên của ngành du lịch tiến hành cổ phần hóa, tham gia thị trường chứng khoán đầu tiên, và cũng nhận Huân chương lao động đầu tiên, vậy tại sao khi cấp trên muốn liên doanh với nước ngoài, anh lại từ chối? Dường như anh từng có lúc làm đơn ra khỏi Đảng?
Tôi không phải là người cực đoan hay hẹp hòi, cũng không chống lại chủ trương liên kết liên doanh. Nhưng tôi quan tâm đến nội lực, vả lại khách sạn của tôi khá nhỏ, có thể tự lực được, chứ chuyện cầu viện bên ngoài thì quá dễ. Tôi cũng đã đến cuộc đàm phán này với thái độ rất thiện chí, nhưng khi họ đưa ra điều kiện, tôi thấy chỉ có lợi cho họ, thế là tôi từ chối.
Tôi muốn chân mình phải đứng thật vững trên đất mình, không muốn đứng trên bọt nước lềnh bềnh. Chính lúc này, tôi thấy một số đảng viên xung quanh mình bon chen, trù dập, mình ở trong Đảng liệu còn ý nghĩa gì? Đêm đó tôi đã làm đơn ra khỏi Đảng, nhưng trời xui đất khiến làm sao sáng hôm sau một người bạn của tôi đã tới. Anh bảo: “ Đảng là của mình chứ Đảng của ai? Mình phải ở lại để tiếp tục chiến đấu chứ”. Thế là tôi đã quyết định ở lại.
Lạ thế, không hiểu sao tôi không có nhiều bạn là doanh nhân. Tôi có cảm giác khi nói chuyện họ hay cảnh giác, phản xạ tự vệ.
____
Phải chăng sự phân thân dữ dội cũng là cách anh tự vệ để có thể vượt qua những khó khăn từ mọi phía và trong chính bản thân mình?
Nhân cách thì chỉ có một, nhưng đôi lúc sự thăng trầm của cuộc đời buộc mình phải thay đổi liên tục để chống chọi lại. Rất may là lúc này, anh em nhân viên cũng đồng lòng với tôi, và đặt trên vai tôi trách nhiệm phải làm hay hơn những đơn vị có liên doanh. Thế là tôi bắt đầu đi học ban đêm, học tiếng Anh, học quản lý khách sạn, học kế toán, học phục vụ phòng… Ban đầu cầm bản quyết toán tôi không hiểu gì cả, tôi quyết tâm lấy được bằng kế toán trưởng… tiếp theo là học từ thực tế.
Tôi không giấu dốt, kể cả với khách hàng của mình, cái gì làm chưa được thì nhờ khách hàng chỉ bảo, và phải hứa là sẽ làm bằng được. Mình mở lòng ra trước thì bao giờ cũng được nhiều hơn mất, còn “đóng” lòng mình lại mà cho rằng mình luôn cao hơn người khác thì bao giờ cũng mất nhiều. Tôi cũng cảm ơn đời lính không quân đã rèn cho tôi một bản lĩnh vững vàng, lối suy nghĩ khoa học, có kế hoạch… để chống chọi với thương trường.
Rồi tiếp theo là bệnh SARS, là virus H5N1, những cú sốc khiến công suất phòng giảm thê thảm, từ 20-25%, cùng lúc là những cú “đánh lén” trên thương trường, đưa những thông tin xấu bịa đặt đến khách hàng thân thiết, khiến họ không đưa khách đến. Tôi phải rà lại mình xem có nhược điểm gì? Tìm ra nguyên nhân và thông qua những người bạn để họ thấy được sự chân thật của mình. Ngành khách sạn không bao giờ được nói “không” với khách hàng…
____
Nghe nói khi anh từ chối chủ trương liên kết với nước ngoài, một người đã cười giễu anh: “Đi xe honda mà còn bày đặt làm phách”? Vì sao anh không đi xe hơi như những giám đốc khách sạn khác?
Cái xe đó có tội gì đâu, quan trọng là người ngồi trên chiếc xe đó chứ (cười). Thật ra đó là một kỷ niệm thiêng liêng của má tôi. Má tôi rất nghèo nhưng đã ki cóp từng ngày để đủ tiền mua được chiếc honda này và trao cho tôi trong ngày giải phóng đất nước. Có hư hỏng gì thì thay, bởi xe gì thì cũng chỉ là phương tiện đi lại thôi mà, nhìn thấy xe là thấy má tôi rồi. Vả lại tính tôi cũng thích lang thang, thích đâu là sà vô đó.
Vừa qua đọc báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, thấy anh Phan Thanh Hải cũng đi chiếc xe giống mình, thì ra mình có đồng minh rồi… Tuy nhiên cũng có lần tôi bị cướp chiếc điện thoại Nokia trị giá 13 triệu đồng, tên cướp cứ ngang nhiên chạy trước mặt mình mà không làm sao đuổi kịp được. Lúc ấy tức muốn chết!
____
Bộ tiểu thuyết “Canh năm” bốn tập của anh xuất bản vào dịp 30-4-2005 hẳn mang nhiều tâm trạng của chính anh về giai đoạn cam go này?
Đó là cuộc đời làm khách sạn của tôi mà trong ấy phản ánh cả một xã hội. Để viết bộ tiểu thuyết này, tôi đã đi rất nhiều nơi, thâm nhập vào nhiều “trận địa”, từ vũ trường, giới giang hồ, đến những nơi tăm tối bẩn thỉu nhất. “Canh năm” là lúc còn lờ mờ, chưa sáng, mà cũng không phải là tối, như bối cảnh của đất nước còn chìm đắm trong khủng hoảng kinh tế, con người ta chìm đắm trong quyền lực, say sưa trong chiến thắng.
Từ say sưa chiến thắng có người chuyển sang trù úm người này, phe cánh người kia để đàn áp những người không ăn cánh, tạo cho mình vỏ bọc để tham ô ăn cắp của Nhà nước. Rồi là sùng bái nước ngoài, không tin ở Nhà nước này, thậm chí có cán bộ còn phải bán nhà đi vì sợ Mỹ sẽ quay trở lại… Tôi đã nhìn cái thời ấu trĩ ấy với tư cách một người lính, đã tin, đã hứa là phải làm tới cùng.
____
Để viết bộ tiểu thuyết mang tính sử thi về ngành không quân Việt Nam, ngoài kinh nghiệm cá nhân, anh cũng đã được tiếp xúc với nhiều phi công và tướng Mỹ, để có được một cái nhìn trung thực từ hai phía?
Sau ngày giải phóng, đã có nhiều phi công từng tham chiến ở Việt Nam đến chơi với tôi và tôi đều tỉ mỉ ghi chép những sự kiện họ kể lại. Gần đây một đô đốc Mỹ đã đến đưa cho tôi những tư liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh giá từng trận đánh, từng diễn biến. Làm thế nào để đối đầu với những kỹ thuật điện tử tạo ra nhiễu dày đặc? Tôi đã tìm ra từ trong quy luật bay, rồi mới tiếp cận dẫn máy bay mình đến sát mục tiêu. Làm sao đánh được khi máy bay Mỹ dày đặc 24 chiếc trong khi mình chỉ có hai chiếc? Phải giấu mình bằng cách bay ngược ánh mặt trời, ẩn trong mây, hay bay thật thấp giấu bằng địa hình.
Khi tiếp xúc với họ, tôi mới thấy kiểu lý luận cho rằng họ chỉ là lính đánh thuê, cái đầu đất sét là không đúng. Người Mỹ qua đây mang nặng đầu óc công dân một đất nước hùng mạnh nhất thế giới, và đem sự hùng mạnh ấy, trí tuệ ấy với hy vọng sẽ thắng trong cuộc chiến tranh này. Nhưng ý chí Việt Nam, trí tuệ, sự sáng tạo của Việt Nam đã thắng Mỹ. Còn phi công mình hy sinh thì cũng nhiều lắm.
Tôi chơi với ai cũng hết mình, và muốn mọi người cũng hết mình với tôi y như vậy. Có lẽ nhờ thế mà khi cuộc sống bi đát nhất tôi vẫn giữ được niềm tin.
____
Anh có nhiều bạn thân không?
Tôi nhiều bạn lắm, nhưng đa số là bạn chiến đấu, và rất ít bạn là… doanh nhân. Lạ thế, không hiểu sao tôi không có nhiều bạn là doanh nhân. Tôi có cảm giác khi nói chuyện họ hay cảnh giác, phản xạ tự vệ. Đã là bạn thì phải xả cửa. Người mà tôi khoái nhất là anh Lý Quí Chung tức Chánh Trinh, không phải tôi khoái cái mác bộ trưởng của anh ấy, hay cái mác một nhà báo thể thao nổi tiếng, mà khoái cái thật bụng, sự dũng cảm của anh, để có thể viết một cách chân thật nhất, kể cả những chuyện rất thầm kín riêng tư. Dù ít gặp anh, nhưng mỗi lần gặp đều có thể trải lòng với nhau
____
Theo anh, tìm ra con người thật của mình có khó không?
Rất khó, đâu phải ai cũng tìm ra con người thật của mình. Trong cuốn sổ nhật ký của tôi luôn có câu hỏi “mày là ai?”, và tôi tự giải đáp lấy. Có đoạn tôi viết “mày là thằng hèn nhát”, có đoạn lại tự trả lời: “mày là thằng chơi được”, có một thời kỳ “mày là thằng cứng rắn”, nhưng cũng có lúc “mày là một thằng yếu đuối”. Từng giai đoạn tôi tự đánh giá phẩm chất của mình, để tự giải đáp lấy cuộc đời.
Con người ta đâu phải lúc nào cũng tốt, có lúc thấy mình được, nhưng cũng có lúc thấy mình hèn nhát, vô trách nhiệm, vô cảm… Cứ phải tự hỏi liên tục như thế để điều chỉnh mình. Nhiều đêm ngồi trước tờ giấy trắng mà cảm thấy đó là một đám rừng, không thể viết được một chữ nào. Cảm giác ấy rùng rợn lắm, cô đơn lắm.
Nhưng quy định của tôi là phải ngồi vào bàn viết từ bảy giờ rưỡi đến mười một giờ rưỡi đêm, không cho phép mình chán, rồi bỏ đi ngủ. Cứ ngồi riết như thế cũng phải “ra” chữ. Cái tật tôi hay để dành, đến mười một giờ mà ra một ý mới là tôi lại để dành cho ngày hôm sau, để có thể nối liền mạch…
____
Kỷ luật sắt như thế, có bao giờ anh thấy tự thương mình?
Tôi ít khi tự thương mình lắm, nếu thương mình thì tôi đã hỏng từ lâu rồi. Nhiều cô gái mê tôi lắm, chỉ cần thương mình một chút là tôi chết chìm ngay. Nhiều người không hiểu, cho rằng tôi làm nghề khách sạn thì nhiều bồ, thực ra không phải. Mình tạo cho nhân viên một môi trường đẹp, mà mình lại lộn xộn thì đâu có được. Tôi thể hiện tình yêu của mình qua trang giấy, trong công việc, và trải đều cho những người bất hạnh. Tình yêu nam nữ, tình dục thì rất ngắn ngủi, còn tình bạn mới lâu dài.
____
Nhưng trong công ty, có ai khó khăn bi đát đều tìm đến anh, anh có vẻ rất thương phụ nữ, nhất là những bà góa, và còn giúp họ “giải” được nhiều điều?
Khách sạn coi vậy đó, mà rất nhiều phụ nữ không lấy được chồng. Có một chị lớn tuổi rồi mà chưa có nổi một tấm chồng, chị rất khao khát một đứa con, và đã tâm sự với tôi rằng phụ nữ mà không có con, thì cũng như không có gia đình. Tôi đã từng chứng kiến những nông trường cả mấy trăm nữ thanh niên xung phong mà không có một tiếng trẻ con.
Một chị đã nói với tôi: “Suốt cuộc đời em chỉ mong có một bàn tay người đàn ông trên ngực mình mà không được”. Cuộc đời người phụ nữ sao cay đắng quá, cống hiến cho xã hội đến chừng đó, đổ biết bao xương máu, lao tâm khổ tứ vậy mà đến cả đứa con cũng không có được. Tôi đã chấp nhận và đưa ra chi bộ, đồng tình cho cô kiếm một đứa con để hạnh phúc với tuổi già. Tôi làm khách sạn với tư cách là một nhà văn, hiểu được chị em ở những khía cạnh rất riêng tư, và yêu thương tất cả mọi người. Đây là môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc, trước khi làm vừa lòng khách thì phải vừa lòng nhau đã. Chứ gây căng thẳng, bè phái thì làm sao phục vụ tốt được. Phụ nữ mà đì nhau, hí hoáy nhau là tôi trừng trị liền.
____
Trải qua bao được mất của cuộc đời, điều còn lại trong anh là gì? Cuộc sống hàng ngày của anh ra sao?
Là lòng tin của tôi đối với mọi người, đối với đất nước. Tôi ý thức rất rõ về trách nhiệm công dân với công việc, với cả từng trang viết của mình, soi rọi từng góc nhỏ để thấy được mọi khía cạnh, với một tinh thần đầy trách nhiệm, không chửi bới, không báng bổ. Phải tin mình thì mới có thể tin người khác. Nguyên tắc sống của tôi là không bao giờ phản bội lại chính mình.
Tôi chơi với ai cũng hết mình, và muốn mọi người cũng hết mình với tôi y như vậy. Có lẽ nhờ thế mà khi cuộc sống bi đát nhất tôi vẫn giữ được niềm tin. Cuộc sống của tôi cũng đơn giản lắm, sáng cháo trắng thịt chà bông, trưa ăn cơm tập thể ba ngàn, chiều về thì canh khoai mỡ tép rang, món mà tôi thích nhất. Tôi ít khi bị trằn trọc thao thức, đã đặt lưng xuống giường là ngủ rất sâu.
Điều mà tôi quan tâm nhất là thể lực. Tôi học võ Thiếu lâm, học đấm bốc từ ngày còn nhỏ, và vẫn luyện tập thường xuyên. Làm việc cả đêm sáng uể oải kinh khủng, nhưng chỉ cần nhảy xuống nước bơi là lại thấy mình sảng khoái, tươi trẻ lại. Chị thấy không, tôi làm gì có bụng! (Cười rất tự nhiên).