Ở một thành phố phát triển đến chóng mặt như TP. Hồ Chí Minh, với bao nhà thiết kế, kiến trúc chuyên nghiệp, nhưng khi đề cập đến một “chuyên gia ánh sáng”, nhiều người nghĩ ngay đến anh. Dường như trong lĩnh vực này, anh có rất ít đối thủ. Tuy nhiên, rất ít đối thủ cũng đồng nghĩa với việc có những giá trị chưa được công nhận, những thách thức, con đường mới cần phải vượt qua. Và anh cứ lặng lẽ như thế suốt mười năm để gầy dựng một cái nhìn, một cảm quan, một sự thưởng thức tối cần thiết mà cũng trừu tượng nhất cho đôi mắt – cửa sổ của tâm hồn…
Anh tiếp tôi ngay tại công ty. Phòng khách trang nhã và đơn giản đến mức tối đa. Nụ cười của anh làm cho câu chuyện cứ kéo dài mãi chẳng thể dừng. Thoạt nhìn vẻ lịch lãm của anh, ai cũng nghĩ có lẽ thành công đến với anh khá dễ dàng. Nhưng mấy ai biết rằng để có được sự lạc quan và trầm tĩnh ấy, anh đã đánh đổi cả một thời trai trẻ giữa cái sống và cái chết ngoài mặt trận. Và để thoát khỏi cái bóng của người anh Nguyễn Quốc Khanh, một người nổi tiếng trong lĩnh vực trang trí nội thất, anh đã mày mò để tìm ra một lối đi riêng cho “ánh sáng CARA”.
____
Bước ngoặt lớn nhất đã tạo dựng nên tính cách, con người anh hôm nay?
Ngay từ bé, anh em tôi đã được cha tạo dựng một tính cách tự lập. Nhà tôi có chín anh chị em. Quê cha tôi ở Quảng Trị, theo sự phân công của tổ chức, cha tôi được điều động công tác ở Sài Gòn. Do điều kiện hoạt động nội thành lúc bấy giờ, cha tôi đã phải gửi năm chị em tôi lên Đà Lạt sống với họ hàng. Lúc ấy tôi mới năm tuổi, còn người chị cả thì mới mười hai.
Dù thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ, nhưng mấy chị em tôi đã biết đùm bọc, chở che, yêu thương nhau. Trở về học ở Sài Gòn lúc mười tuổi, nhưng tuổi mười tám là một bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời tôi. Buổi sáng vừa thi xong đại học, mười hai giờ lên đường nhập ngũ. Một tháng sau được điều động sang chiến trường Campuchia khi biết mình đã trúng tuyển Đại học Bách khoa.
Lúc ấy, chiến trường Campuchia đang rất ác liệt. Từ đó đi miết mười năm sau mới trở về. Tôi đã nếm trải tất cả những gì khốc liệt nhất của chiến tranh, với cuộc sống gian khổ nơi rừng thiêng nước độc, với những trận sốt rét rừng… nhưng chưa bao giờ tôi bi quan về cuộc sống. Tôi yêu rừng, thư viết về cho mẹ chỉ toàn kể về rừng. Cho đến giờ, bà vẫn giữ những lá thư của tôi viết từ chiến trường. Mẹ tôi thường bảo: “Cái thằng đến lạ, người ta đi lính cực khổ, sợ cái chết, mà nó thì toàn chuyện vui…”.
Sau này ra đời có thất bại, có thành công, nhưng tôi nhớ mãi lời cha tôi dặn: “Là con trai thì không được hèn”. Những điều tôi học được từ mười năm ở chiến trường lớn hơn bất cứ trường đại học nào, đó là sự lạc quan cả trong những lúc bi đát nhất, nhưng không phải là lạc quan tếu theo kiểu AQ, mà là bản lĩnh làm người. Tôi đã được gặp biết bao con người, được sống trong sự bảo bọc của dân, từng chỉ huy một tập thể phức tạp đủ mọi thành phần, dân lao động chân tay “xích lô, ba gác” cũng có, dân giang hồ, ma cô cũng có, mà dân trí thức “kỹ sư, bác sĩ” cũng có, để học cách “biết”, “hiểu” về con người, cách tổ chức quản lý khoa học theo kỷ luật sắt của quân đội…
Và tôi hiểu hơn ai hết cuộc sống cần nhất là sự thật lòng. Ở chiến trường “khôn sống bống chết”, từ cách giăng võng sao cho không bị mưa làm ướt, bị muỗi cắn, nấu cơm sao cho đừng sống, đừng khê, vì nấu cơm sống thì cả tiểu đội đói, mà cơm khê thì xui xẻo lắm.
____
Hai anh em cùng một ngày sinh, chỉ cách nhau một năm tuổi, và có rất nhiều điểm giống nhau. Con đường binh nghiệp thì anh hơn hẳn anh mình, nhưng con đường doanh nghiệp anh lại bắt đầu ở tuổi ba lăm, sau anh Khanh rất nhiều… Bằng cách nào anh đã thoát khỏi “cái bóng” của anh trai?
Học. Cuộc đời binh nghiệp những tưởng sẽ ràng buộc tôi cả đời, vì bản tính tôi là người sống rất nguyên tắc, ít thích thay đổi. Hai mươi mốt tuổi tôi đã được phong hàm sĩ quan, rồi được giữ lại trường sĩ quan giảng dạy. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, tự thấy binh nghiệp không còn lôi cuốn mình, tôi đã xin nhà trường cho đi học kinh tế buổi tối.
Ngày ngày trên thao trường, đêm đêm tôi lại đạp xe 45km về TP. Hồ Chí Minh học, học xong lại đạp xe về. Ròng rã suốt hai năm, tôi đã xin được vị chỉ huy cho phép mình rời quân ngũ để học tiếp Đại học Bách khoa. Hai bằng đại học, quân hàm thượng úy và 15 năm cống hiến, nhiều người tưởng rằng mọi thứ sẽ được “dọn cỗ sẵn” cho tôi, như một vị trí giám đốc, phó giám đốc trong một công ty nào đó chẳng hạn. Tuy nhiên, đó chính là thời kỳ đất nước đổi mới, vì thế sự nghiệp của tôi không diễn ra như vậy, mà là “tự mình khởi nghiệp”.
Tôi bắt đầu với nghề sản xuất kính màu trang trí từ sự truyền nghề của một người Singapore, rồi sau này mới chuyển sang lĩnh vực ánh sáng. Thực sự cả gia đình tôi đều không kinh doanh theo kiểu mua đi bán lại. Làm gì mà không cộng thêm giá trị của mình vào trong ấy thì sẽ không bền. Đam mê kỹ thuật đeo đẳng tôi từ nhỏ, tôi chưa bao giờ đọc một cuốn tiểu thuyết tình cảm hay võ hiệp, nhưng rất mê sách kỹ thuật, khoa học.
Những ngày trong quân đội, tôi đọc tất cả những gì vớ được, tự học tiếng Anh qua vốn tiếng Pháp từ nhỏ… Tôi không bao giờ để thời gian trống, không dám ngồi uống cà phê đến một tiếng đồng hồ chỉ vì tiếc thời gian… Làm với các anh như anh Khanh và các anh ở Công ty AA, tôi đã được các anh nhìn nhận đúng khả năng, tạo điều kiện, chứ hoàn toàn không bao bọc, “ô dù”. Dù là anh em, nhưng mọi công trình tôi nhận từ AA đều qua đấu thầu, báo giá cạnh tranh như tất cả những người khác. Không đạt yêu cầu vẫn bị loại như các đơn vị khác.
Ba cha con tôi hàng ngày vẫn hay thường đàm đạo với nhau về chuyện kinh doanh. Ba tôi là người hướng dẫn, cố vấn hai anh em tôi rất nhiều. Cả đời ba mẹ tôi hy sinh vì con, cuộc đời của ba mẹ là hành trang lớn nhất giúp chúng tôi “biết” và “nhớ”, như một sợi dây vô hình, một trọng tâm để sống và vươn lên, để biết tự kiềm chế mình.
Tôi đã nếm trải tất cả những gì khốc liệt nhất của chiến tranh, với cuộc sống gian khổ nơi rừng thiêng nước độc, nhưng chưa bao giờ tôi bi quan về cuộc sống.
____
Vậy thì anh còn có lúc nào để… yêu?
(Cười rạng rỡ)… Hai tám tuổi rời quân ngũ, có người khuyên lấy vợ ngay đi. Nhưng cũng phải tìm hiểu, phải yêu mới lấy được chứ. Sau này tôi cứ hay nói với vợ: “Em “xui” mới lấy phải anh, là doanh nhân thì làm sao mà có thời gian chở nhau bằng xe đạp đi uống cà phê, làm sao có thời gian mà hờn giận trách móc, rồi làm lành… Chúng tôi yêu nhau không hề lãng mạn, bởi bao nhiêu lãng mạn dồn hết cả vào… đèn đóm rồi còn đâu” (cười).
____
Tại sao anh lại bước chân vào nghiệp doanh nhân? Theo anh, quản lý chiến sĩ có gần với quản lý nhân viên?
Nếu chỉ vì mục đích làm giàu thì chắc chắn sẽ thất bại. Làm doanh nhân là để được thể hiện ý chí, sáng kiến, ý đồ của riêng mình mà khi đi làm cho người khác mình không dám hoặc không có điều kiện thực hiện. Kết quả trả lại cho mình là sự thành công, chứ không phải là tiền.
Tiền phải thể hiện được năng lực của mình, phải thể hiện được giá trị, ý nghĩa, có thế mới làm mình vui. Tôi biết nhiều bạn trẻ đang làm ở một nơi được trả lương cao, điều kiện làm việc rất tốt, nhưng chỉ vì không muốn mang tiếng “làm thuê” nên đã rời nhiệm sở để “ra riêng” trong khi chưa có hoài bão nào, chưa chuẩn bị kỹ càng, như thế rất dễ thất bại. Trong quân đội, mọi sai lầm đều trả bằng máu, chính vì vậy người chiến sĩ tiến bộ rất nhanh.
Nó đòi hỏi nghị lực, tinh thần, bản năng sống của con người nhiều lắm. Quản lý kinh doanh là quản lý con người. Những năm quản lý tài chính, kế hoạch hậu cần trong quân đội, tham mưu cho cấp trên về quân lực, thực phẩm, vũ khí… đã giúp tôi rất nhiều trong tính toán tổ chức kinh tế. Tôi muốn mỗi nhân viên của tôi khi đến công ty phải thực sự yêu thích công việc, muốn “được” tới văn phòng cho nhanh, còn ai “phải” tới, “phải” làm là nên đánh dấu hỏi.
Tôi hay nói với mọi người: “Nếu ai đánh dấu hỏi đến lần thứ ba, hay đang làm việc trong tình trạng ức chế, hãy lên gặp giám đốc. Tôi sẵn sàng lắng nghe, nhưng đừng chọn lúc tôi đang… stress!”. Khi mắc sai lầm, tôi sẵn sàng chấp nhận nhanh lắm, và tập cho nhân viên phải biết “cãi” lại mình. Tuy nhiên là “cãi” trong sự kiềm chế. Khéo léo, chi tiết là “gen” của nhà tôi. Là một người lãnh đạo mà quá chi tiết thì rất mệt, nhưng tôi chấp nhận mệt để tạo được nền tảng vững vàng.
____
Vậy sau 10 năm làm doanh nhân, anh học thêm được những điều gì?
Học được sự chịu đựng, thần kinh vững vàng. Tiền mất hôm nay, có thể kiếm lại ngày mai. Chỉ sợ là đường kinh doanh mình đã chọn có đúng hay không?”. Nhiều doanh nhân có những nỗi sợ thường trực không nằm trong kinh doanh, nhất là khi đụng đến công an, thuế vụ, hải quan… Riêng tôi lại không hề sợ. Tôi đọc rất kỹ tất cả mọi văn bản của Nhà nước, và làm việc với các cơ quan công quyền tự tin, thoải mái.
Hồi xưa tôi từng làm công tác chính trị mà, nên tôi rất hiểu nỗi khổ của những người làm công tác này. Họ cũng ngại phải đối đầu với doanh nghiệp lắm, khi không có được cái nhìn thân thiện từ phía các doanh nghiệp. Bởi vậy, theo tôi làm kinh doanh cũng phải có trình độ chính trị, am hiểu luật pháp, nếu không cũng dễ rơi và “mê hồn trận”.
Sung sướng của những người làm kinh doanh như tôi ở Việt Nam là tất cả những chính sách của Đảng và Nhà nước đều có sự đóng góp của mình. Nếu kinh doanh trong một môi trường quá ổn định như ở Mỹ chẳng hạn thì có gì vui! Từ khi đất nước đổi mới, trải qua bao khó khăn, có chính sách mở cửa nào mà không có sự đóng góp của doanh nhân, nhờ vậy mới có được môi trường thông thoáng như hôm nay, dù chưa thật sự hiệu quả. Tôi mừng là Nhà nước đã tin vào doanh nhân, và tin đúng, cũng như cho doanh nhân được phép đối thoại với các cơ quan công quyền.
“Cạnh tranh trong thân thiện”, dùng trí tuệ để cạnh tranh, chứ không dùng thủ đoạn, như vậy khách hàng sẽ có lợi thực sự.
____
Thị trường kiến trúc, xây dựng, trang trí nội thất hiện đang rất phát triển, nhưng các công ty thực sự chuyên nghiệp thì chưa nhiều, vậy tại sao chúng ta không biết cùng làm cho nhau mạnh lên bằng cách liên kết, để có thể giành được những hợp đồng thực sự lớn ngay trên đất nước mình?
Tôi cũng rất buồn vì chuyện đó. Tôi không đồng ý với quan niệm “thương trường là chiến trường”. Tôi đã từng biết thế nào là chiến tranh. Chiến tranh là điều không ai muốn, là điều không bình thường, để tồn tại phải một mất một còn, phải bằng mọi cách để chiến thắng. Còn trong kinh doanh, chỉ có cạnh tranh mới có thể tồn tại và phát triển. Cạnh tranh là phải tìm mọi giải pháp để cùng thắng, chứ không phải “giết” ai đó, bởi còn đạo đức kinh doanh nữa chứ.
Trong làm ăn, tôi quý trọng triết lý Win-Win, nhiều bên cùng thắng, cùng có lợi. Có một lần chúng tôi đang quyết liệt dành được hợp đồng một công trình lớn, nhưng khi nghe nhân viên của mình rỉ tai: “Em nghe đối thủ đã bán hết nhà cửa, bỏ cả gia đình ăn chực nằm chờ cả mấy tháng ròng để lấy được hợp đồng này”, thế là tôi quyết định lẳng lặng rút lui. Mình không thể cướp nồi cơm mà cả gia đình họ đã trông chờ vào.
Tôi đã không giành được hợp đồng đó, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn cho là mình “được”, đó là được một bài học cho chính nhân viên của mình, được những kinh nghiệm sống. Từ suy nghĩ này, kiểm nghiệm lại đời kinh doanh của mình, tôi đã rút ra chân lý: “Cạnh tranh trong thân thiện”, dùng trí tuệ để cạnh tranh, chứ không dùng thủ đoạn, như vậy khách hàng sẽ có lợi thực sự.
Môi trường kinh doanh hiện nay người ta đang dùng mọi cách để cạnh tranh, dù không muốn mình cũng vẫn bị ảnh hưởng, đôi lúc phải chịu thiệt, chịu nhường. Nhưng tôi tin đến một lúc nào đó người tiêu dùng sẽ nhìn ra được điều đó. Trong cạnh tranh, tôi chỉ nhận mình là “chuyên nghiệp”, chứ chưa bao giờ tự nhận là “hàng đầu”. Người ta cứ nói đến đạo đức doanh nhân một cách chung chung, theo tôi nên dựa vào truyền thống của dân tộc, đó là tôn trọng danh dự.
Lấy vợ là “bán tự do, mua hạnh phúc”. Bây giờ thì tôi hiểu tự do chẳng là gì nếu không có hạnh phúc.
____
Anh hay nói đến chữ lạc quan, làm thế nào để có được nó?
Hãy biết chia sẻ với mọi người, đối xử với họ một cách chân tình, thì trái tim mình sẽ không bao giờ tồn tại sự thù ghét. Trái đất tròn lắm, hãy sống để có thể ngẩng mặt mà nhìn nhau, dù không phải không có người phải cúi đầu khi gặp lại mình… Tôi đã từng bị nhiều ganh ghét, giành giật công việc, thậm chí còn bị “chơi” cả đòn chính trị, nhưng tôi vẫn tin trong xã hội người tốt nhiều hơn người xấu, và chẳng có ai là xấu hoàn toàn.
Công ty tôi đã trải qua vài lần sóng gió vì “chảy máu” nhân lực, mà lại chính công ty bạn của mình chiêu dụ. Mỗi lần một người ra đi, tôi đau lắm, nhưng vẫn dành nhiều thời gian để trò chuyện với họ. Tôi nói: “Nếu bạn tìm được công việc tốt hơn để khi gặp lại nhau có thể tự hào thì tôi rất vui, dù công ty có tổn hại, vì đó là một hy sinh đúng. Nhưng nếu bạn ra đi mà thất bại, thì có tới hai tổn hại”. Tôi luôn đứng vào vai trò của họ, để biết làm gì cho họ hiểu mình hơn, biết nghĩ cho người khác hơn, vì thế đâu có gì phải bực bội.
____
Học nhiều trường, rồi đi lính, làm doanh nhân, hẳn anh có rất nhiều bạn?
“Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”, đó là hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi. Tôi hiểu về luật âm dương, về sự cân bằng, “được” không vội mừng, và “mất” cũng không vội buồn, bởi trong được có mất, trong mất có được. Tôi có rất nhiều bạn, mà nhiều bạn thì rất mất thời gian, nên tôi phải cân nhắc để không vì công việc làm ăn mà mất những người bạn thân, những người chí cốt.
Bạn bè là nơi mình san sẻ kinh nghiệm, học hỏi, nhận được những lời khuyên sáng suốt mà đôi khi không thể sẻ chia cùng vợ, bởi nếu thế là lại bắt cô ấy gánh vác nỗi lo với mình. Chính vì vậy mà tôi không thể để vợ tôi làm chung trong một công ty, vì như vậy tôi sẽ mất một mái ấm. Lấy vợ là “bán tự do, mua hạnh phúc”. Bây giờ thì tôi hiểu tự do chẳng là gì nếu không có hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì có một đại gia đình, hạnh phúc vì có bạn bè, hạnh phúc trong sự yêu thương…