Nằm ngay trên con đường đẹp nhất, Nhà hàng Brodard là một trong những nơi nổi tiếng còn lại của thời thuộc Pháp. Hương vị riêng biệt không lẫn vào đâu được của bánh trái, mùi cà phê, những bức tranh nho nhỏ và âm nhạc thật nhẹ nhàng. Benoit Nalin – Tổng giám đốc Nokia Vietnam, tới rất đúng giờ, ông nở một nụ cười thật tươi và bắt đầu câu chuyện bằng… ẩm thực, âm nhạc… Ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe về rock, về ban nhạc pop – rock mà ông đã tham gia trong vai trò người chơi piano… Ông bảo mình cũng đang tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam.
Nhìn ông khác hẳn với vẻ thường thấy ở công ty. Đôi mắt sâu thẳm quả quyết chợt ánh lên những tia nhìn rộn ràng, nét mặt cương nghị bỗng nhiên mềm mại và trẻ trung. Ông liên tục làm chúng tôi bật cười qua những câu đùa dí dỏm bằng tiếng Việt và luôn hỏi ngược lại rất bất ngờ về những bí ẩn của văn hóa Việt, về Sài Gòn…
Ông nói tiếng Anh giọng Pháp trầm nặng và vững chãi, mang đậm khí sắc quê hương, một hòn đảo nhỏ gần Marseille miền Nam nước Pháp. Ngay từ bé ông đã thấm vào mình chất phóng khoáng, mạnh mẽ, thích khám phá, thích phiêu lưu của những chàng trai biển. Cuộc đời ông là một chuỗi khát vọng, một cuộc hành trình bất tận để hiểu thế nào là hạnh phúc. Và ông thực hiện nó với tất cả niềm vui, sự hứng thú hồn nhiên.
Trước khi phụ trách thị trường Việt Nam của Nokia, ông đã từng làm việc về bán hàng và tiếp thị ở châu Âu tám năm, sau đó rong ruổi cùng Nokia khắp thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Những con người mới, những công việc mới đầy thách thức luôn có sức hấp dẫn lạ lùng với ông. Với những chiến lược marketing có chiều sâu, độc đáo, đi thẳng đến đối tượng riêng biệt, ông từng đưa Nokia vượt qua bao sóng gió để giữ được vị trí đầu bảng cả về chất lượng và dịch vụ hậu mãi, cùng một hình ảnh đẹp trong người tiêu dùng Việt Nam.
____
So với lần đầu gặp gỡ khi ông mới qua Việt Nam, thấy ông đã thay đổi rất nhiều, cởi mở, vui vẻ hơn. Ông đã đi nhiều nơi, Việt Nam có điều gì làm ông ngạc nhiên? Ông có cảm thấy gần gũi khi sống và làm việc tại đây?
Tôi ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam am hiểu về nước Pháp, về nền văn hóa Pháp hơn rất nhiều so với các nước châu Á khác trong khu vực. Văn hóa Pháp, ẩm thực Pháp, kiến trúc Pháp ẩn hiện trong mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà, những nhà thờ, những tòa biệt thự, như Nhà thờ Đức Bà Paris, Nhà hàng Brodard, Paris Deli trên đường Đồng Khởi này… Rất nhiều người Việt Nam nói được tiếng Pháp… Tất cả đều làm tôi cảm thấy rất gần gũi, thân thiện. Ngoài đường có rất nhiều xe máy, nhiều shop nho nhỏ và người ta có thể buôn bán kinh doanh ở mọi lúc, mọi nơi, kiếm tiền từ những việc nhỏ nhất.
Đầu óc kinh doanh dường như có sẵn trong máu người Việt Nam. Khác với Việt Nam, người Singapore… lúc nào cũng lo lắng, rất ít cười, luôn bị stress vì công việc, một “bệnh” thường thấy của nhịp sống quá công nghiệp và hiện đại. Có lẽ văn hóa Phật giáo làm cho con người dễ gần, cởi mở và hiền hòa hơn… Tôi luôn tự hỏi ý nghĩa của hai từ Sài Gòn là gì? Và thích thú khám phá nó mỗi ngày. Tôi hy vọng lần sau gặp lại, chị sẽ thấy tôi vui hơn nữa, vì hiểu biết người Việt Nam hơn, hiểu biết kinh doanh ở đây hơn…
____
Trước thềm năm mới, ông có thể cho biết cảm xúc sau một năm nhìn lại chính mình và với thị trường điện thoại di động tại Việt Nam?
Năm nay, sự kiện quan trọng nhất với tôi là được chính thức gia nhập đội ngũ Nokia tại Việt Nam. Năm 2004 thực sự là một chuyển đổi quan trọng, thị trường phát triển đột biến, tăng trưởng rất nhanh trong ngành viễn thông di động ở Việt Nam. Trước đây Việt Nam là một thị trường khá bằng phẳng. Theo thông tin nghiên cứu thị trường về hàng điện tử và điện thoại di động, trước 2003 thì số máy điện thoại di động (ĐTDĐ) được bán ra trong một tháng chỉ vào khoảng 60 ngàn.
Nhưng từ 2003 đã tăng lên 70 ngàn số máy/tháng, và 2004 tăng 140 ngàn số máy/tháng. Trên thế giới, thị trường điện thoại di động thường phát triển, từ từ nhích dần, sau đó mới mạnh lên. Việt Nam đã bỏ qua giai đoạn đầu và tăng vọt không theo quy luật thông thường. Khi có sự cạnh tranh diễn ra giữa các nhà khai thác mạng, nhất là năm 2004 lại có thêm SFone, Viettel… đã làm cho giá cước, giá thuê bao giảm đáng kể, bên cạnh đó giá thuế nhập khẩu đánh vào điện thoại di động cũng giảm, giúp cho người lao động mua được điện thoại giá rẻ hơn.
Tôi tin rằng trong tương lai, xu hướng “di động hóa” tất cả mọi phương tiện thông tin sẽ phát triển mạnh cùng thiết bị mạng cho công nghệ không dây.
____
Vậy theo ông, những thành tựu quan trọng mà Nokia đạt được trong năm nay là gì?
Chính là giữ vững vị trí dẫn đầu ở Việt Nam trong việc cung cấp những thiết bị đầu cuối về ĐTDĐ, đáp ứng nhiều sự lựa chọn, nhiều phân khúc thị trường khác nhau, với nhiều dòng sản phẩm riêng biệt. Năm 2005, Nokia sẽ xây dựng được hệ thống phân phối tiện ích, để người tiêu dùng có thể đến kiểm tra chất lượng sản phẩm, hiểu rõ mọi tính năng trước khi mua, cùng một dịch vụ hậu mãi trọn gói.
Trước đây một năm, nhãn hiệu ĐTDĐ ở Việt Nam ít hơn 10, giờ đã tăng lên 20 hãng với hơn trăm mẫu mã trên thị trường. Cạnh tranh này là một thách thức lớn, đồng thời là một cơ hội giúp cho mọi người đều thức tỉnh, để sản xuất nhiều hơn, tốt hơn, đa dạng hơn, nỗ lực phấn đấu hơn. Nokia hiện đang chiếm khoảng hơn 50% thị trường về cả doanh thu lẫn số lượng máy bán ra.
____
Ông có thể cho biết chiến lược của Nokia trong năm tới và trong tương lai?
Một chiến lược rất đơn giản, dễ nhớ, nhưng khó thực hiện, đó là “Nokia muốn liên kết mọi người”. Mục tiêu của Nokia về lâu dài cũng như ngắn hạn là mong muốn mỗi người Việt Nam đều có máy ĐTDĐ để sử dụng hàng ngày.
____
Nokia nổi tiếng với slogan rất ấn tượng: “Công nghệ mang tính nhân bản”, ông có thể nói rõ hơn về triết lý kinh doanh này?
Tính nhân bản thể hiện rõ ở việc sản xuất những sản phẩm phục vụ con người. Không phải ai cũng rành về kỹ thuật, công nghệ, cho nên công nghệ đó phải dễ dàng sử dụng, có nhiều mẫu mã và chất lượng tốt. Nhờ triết lý này mà sản phẩm Nokia rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi giới, và giúp cho mọi người tiếp cận sản phẩm một cách tốt nhất.
____
Theo ông, xu hướng phát triển của công nghệ viễn thông trong thời gian tới là gì? Xu hướng đó có đáp ứng được nhu cầu riêng biệt của thị trường Việt Nam? Ông có thể cho biết những thông tin nóng nhất về công nghệ viễn thông?
Tôi tin rằng trong tương lai, xu hướng “di động hóa” tất cả mọi phương tiện thông tin sẽ phát triển mạnh cùng thiết bị mạng cho công nghệ không dây. Song song là những thành tựu về công nghệ, kiểu dáng, thiết kế. Hiện trên thị trường Nokia có khoảng 26 mẫu điện thoại khác nhau, Nokia sẽ nghiên cứu thị trường để sản xuất đúng với nhu cầu, thị hiếu và thói quen tiêu dùng từng địa phương. Việc ra đời bộ sưu tập “Huyền thoại đương đại”đáp ứng nhu cầu rất thời trang của phụ nữ Việt.
Lần đầu tiên ĐTDĐ được tung ra dưới dạng một bộ sưu tập, với những thiết kế như một mẩu son, có gương soi. Sắp tới là bốn mẫu điện thoại máy gập rất điệu đàng, một bước đột phá về kiểu dáng. Nokia là công ty đầu tiên tích hợp ngôn ngữ tiếng Việt trong ĐTDĐ, giúp cho người sử dụng đọc được những nội dung phần mềm bằng tiếng Việt. Nokia 6630, Nokia 9500 nằm trong thế hệ điện thoại thông minh, cũng là một đáp ứng kịp thời cho người Việt Nam khi nền kinh tế đang phát triển mạnh.
Công nghệ hình ảnh cũng đang là một xu hướng phát triển mạnh trong tương lai. Theo thống kê của GFK (Công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng của Đức), cách đây 12 tháng, tỷ lệ ĐTDĐ có chức năng máy ảnh bán ra trên thị trường Việt Nam trên tổng số ĐTDĐ chỉ chiếm 10-13%. Bây giờ cứ hai máy bán ra thì một có máy ảnh.
Trong giao tiếp, hình ảnh có sức mạnh rất lớn trong việc truyền đạt thông tin. Việc khai thác tối đa hình ảnh một cách sinh động và ý nghĩa nhất để truyền đạt điều mình muốn là rất thực tế. Với tầm nhìn xa, Nokia đã dự đoán trước bước tiếp theo của giao tiếp bằng thoại sẽ là giao tiếp bằng hình ảnh. Người ta sẽ sử dụng phương tiện kỹ thuật số này để truyền cho nhau những hình ảnh, biến ĐTDĐ thành một máy “truyền hình di động” vào những mục đích khác nhau như hội thảo từ xa, khai thác hình ảnh, dữ liệu, giọng nói song song cùng một lúc.
Đời người như một hành trình không dừng lại, làm thế nào để hưởng thụ nó một cách ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất.
____
Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ĐTDĐ, sự thay đổi tích cực này đã mang lại lợi ích quan trọng như thế nào cho Nokia, các đối thủ, và người tiêu dùng?
Đây thực sự là một bước chuyển biến rất tốt của Nhà nước. Hiếm có một thị trường nào mà hàng nhập lậu chiếm hơn 50% thị phần! Người tiêu dùng, Nhà nước, doanh nghiệp đều không được lợi gì từ hàng nhập lậu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu từ 10 xuống 5% là một tín hiệu tốt và tôi rất vui mừng về điều này, nhưng vẫn mong muốn trong thời gian tới Nhà nước sẽ cắt giảm xuống 0%, lúc ấy người người đều có thể mua điện thoại, và hiển nhiên việc doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước sẽ tăng lên. Khi thị trường ĐTDĐ phát triển, những phụ kiện đi kèm cũng phát triển, nhưng thuế đánh trên phụ kiện của ĐTDĐ rất cao, từ 20-50%, đó là điều bất hợp lý. Trong tương lai nên giảm thuế đánh vào phụ kiện, để người tiêu dùng có thể tiếp cận trọn gói sản phẩm.
____
Trong bước đường khởi nghiệp của mình, vì sao ông lại chọn ngành công nghệ thông tin? Việc thâm nhập vào nhiều thị trường khác nhau đã giúp ông tạo được một bản lĩnh kinh doanh như thế nào?
Tôi không nghĩ rằng kinh doanh chỉ để kiếm tiền. Triết lý của tôi là kinh doanh để thể hiện mình, làm được công việc mình muốn, học hỏi được nhiều điều. Tôi là người rất thích khám phá cái mới, nên cách đây tám năm, tôi bắt đầu tham gia vào ngành viễn thông. Người ta cứ nghĩ kinh doanh viễn thông là kinh doanh công nghệ, kỹ thuật, nhưng ít ai hiểu rằng đây là ngành kinh doanh hướng đến người tiêu dùng nhiều nhất, vì công nghệ luôn đi trước, luôn cải tiến, phát triển theo người tiêu dùng.
Khi công nghệ gắn với người tiêu dùng thì cuộc sống sẽ phong phú hơn. Tham gia vào đội ngũ Nokia, tôi được đến với nhiều thị trường khác nhau. Tôi thích là người bắt đầu, khởi sự, khai phá khi thâm nhập vào thị trường mới hơn là những trật tự đã được thiết lập sẵn. Tôi nghĩ chính thị trường chưa hoàn thiện mới đầy tiềm năng và thử thách, sẽ khiến mình luôn phải động não. Một thị trường trẻ là điều thú vị dành cho những người thích hành động.
____
Có bao giờ ông cảm thấy quá căng thẳng, mệt mỏi vì áp lực kinh doanh?
Không hề! Bởi ngoài kinh doanh tôi còn chơi nhạc, còn có gia đình là chỗ dựa vững chắc. Cách thư giãn của tôi là… học tiếng Việt (cười tươi) và chăm sóc con cái.
____
Khám phá những bí ẩn của nhiều nền văn hóa khác nhau có mang lại thú vị cho ông?
Với tôi, sống để sống. Cái “được” lớn nhất của tôi là được đi nhiều, được gặp gỡ nhiều, nó giúp tôi hiểu được con người và hiểu được chính mình một cách rõ ràng hơn, làm cho đầu óc thoáng, không bị đóng khung. Tôi dần hiểu không có sự khác biệt nào giữa người ở đất nước này và đất nước khác. Điều đó giúp tôi hòa nhập cộng đồng dễ dàng, sáng tạo nhiều hơn, không bị chủ quan khi đưa ra các chính sách của mình cũng như nhận xét về một con người.
Đối với tôi, đời người như một hành trình không dừng lại, làm thế nào để hưởng thụ nó một cách ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất. Muốn vậy, phải hiểu được giá trị của nó. Chính việc đi nhiều, gặp gỡ nhiều đã giúp tôi “thấy”, từ đó không quá thất vọng, cũng không quá ảo tưởng, để đón nhận cuộc sống như nó vốn thế.
____
Trong công việc, ông là người thẳng tính, quyết đoán, nhưng ngoài đời ông lại là người rất gần gũi, hài hước, ông muốn thiết lập một không khí như thế nào trong công ty mình?
Tôi cố gắng tạo cho mỗi nhân viên của mình một mục tiêu riêng, và giúp họ hòan thiện mục tiêu đó trong sự hợp tác chặt chẽ với đội, nhóm, để hoàn thành sứ mệnh của toàn công ty. Người Việt Nam quen làm việc một cách độc lập rất giỏi, nhưng khi kết hợp với đội nhóm thì rất khó khăn. Nếu không có tinh thần đội nhóm tốt thì không thể tạo nên hiệu quả công ty.
Một mình tôi không thể làm được gì nếu không có các cộng sự giỏi, các đối tác tin cậy, đặt hết niềm tin vào Nokia, đồng lòng dốc sức đi với nhau trên một con đường. Người lãnh đạo không chỉ quản lý con người, mà phải lôi cuốn sự thích thú khi người ta làm việc với mình, khiến họ yêu thích những công việc mà mình giao cho họ. Phải biến nhân viên thành những người biết làm chủ phần công việc của mình, có như vậy mới kích thích được sự sáng tạo và giúp họ hòa nhập được vào đội nhóm một cách tự tin hơn.
Tôi nghĩ muốn làm tốt công việc kinh doanh lúc nào cũng phải biết hài hước. Hài hước với cả những thất bại của mình, để giảm bớt căng thẳng và lấy lại sự lạc quan. Nietzsche – một triết gia Đức rất nổi tiếng đã nói: “Khi làm một điều gì đó hãy nhìn vào một đứa trẻ. Thường trẻ con làm gì cũng rất vui thú và tập trung”. Nếu có niềm vui, đam mê, công việc sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Người lãnh đạo không chỉ quản lý con người, mà phải lôi cuốn sự thích thú khi người ta làm việc với mình.
____
Trong cuộc đời kinh doanh, ông đã từng gặp thất bại? Ông đã vượt qua nó như thế nào?
Trong cuộc đời, không ít những giai đoạn khó khăn đã đến với tôi. Nhưng chính nó lại là những yếu tố làm tôi mạnh mẽ hơn khi đã vượt qua. Cách để tôi vượt qua khó khăn là phải suy nghĩ nhanh để tìm những giải pháp, và hành động thật nhanh.
____
Ông có thể nói một chút về quê hương mình, về hòn đảo nhỏ nơi ông đã sinh ra?
Nơi ấy có mẹ tôi. Tôi luôn nhớ về mẹ khi đi xa. Marseille là một nơi rất kỳ lạ, một vẻ đẹp khó tả của nhiều thứ hòa quyện, từ thiên nhiên, không khí, mùi hương…tất cả đều đáng nhớ. Ngày bé, tôi rất thích đi dạo trên bờ biển vào mùa trăng tròn, thích mùa thu… Nhưng rồi lớn lên, muốn phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình, tôi đã đến Paris.
Nước Pháp có một thiên nhiên đa dạng và tuyệt đẹp, miền Nam gần biển, khí hậu ôn hòa, con người thân thiện, miền Trung lại là những đồng cỏ xanh mướt, những trang trại nên thơ, miền Bắc với những núi tuyết khổng lồ… Nói đến nước Pháp, người ta hay liên tưởng đến những thành phố lãng mạn, những con người lãng mạn, tôi đã xa nước Pháp trong một thời gian dài, nhưng lại được đến một đất nước lãng mạn hơn, đó là Việt Nam. Kinh doanh rất cần đến sự lãng mạn.
____
Vào những buổi tối, ông thường đi nghe nhạc ở đâu?
Tôi thích nghe nhạc Flamenco ở Carmen, hay nghe nhạc ở Sheraton. Tôi cũng rất thích rock, thích nhảy, và nhảy không đến nỗi tồi… (cười)
____
Điều quý giá nhất mà ông muốn dành cho hai đứa con của mình?
Giúp các con tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, tạo cho con một bản lĩnh sống vững vàng, đi đến nơi nào cũng có thể hòa nhập được. Tôi cũng muốn hướng con đến những công việc mang tính toàn cầu, để có thể đi được nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người.