Khi Thủ tướng David Cameron đề cập đến kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này nếu được tái đắc cử vào năm 2015 thì giới ngân hàng châu Âu càng bất an vì việc London rời khỏi EU được xem là một biến cố đặc biệt kéo theo nhiều hệ lụy không nhỏ và mang tính chất dài hạn.
Trước tình hình đó, ông Michael Sherwood – Phó chủ tịch Ngân hàng Goldman Sachs trong cuộc trả lời báo giới đầu tuần qua đã nhận định rằng giới ngân hàng châu Âu sẽ sớm rời bỏ London nếu nước Anh quyết định rời khỏi EU.
Thủ tướng Anh đang cân nhắc đưa Liên hiệp Anh rời khỏi EU
Ngân hàng Goldman Sachs hiện có hơn 6.000 nhân viên đang làm việc tại London trong tổng số lực lượng lao động 7.000 người của họ ở châu Âu. Những cuộc thảo luận về việc Liên hiệp Anh quay lưng lại với một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình tại châu Âu bắt đầu được nhấn mạnh từ hồi đầu năm nay. Sự kiện đáng chú ý nhất là ông Cameron lên tiếng bộc lộ quan điểm muốn tìm kiếm một hướng đi mới trong hợp tác với EU và sau đó cam kết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý trước năm 2017 để quyết định việc Anh ở lại hay rời khỏi khối liên minh gồm 28 quốc gia này. Phát ngôn đó của Thủ tướng Anh đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trong các nước đồng minh châu Âu của Anh, thậm chí đã có những lời đe dọa từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc ngành tài chính – ngân hàng rằng nền kinh tế Anh sẽ phải trả giá đắt nếu họ nằm ngoài khối EU.
Có lẽ động thái mà ông David Cameron thực hiện chỉ nhằm xoa dịu “nhóm người nổi loạn” chống lại châu Âu thuộc đảng Bảo thủ đang cầm quyền của ông, cũng như tránh bớt phản ứng của đảng Độc lập vốn ủng hộ việc Anh từ bỏ EU. Chia sẻ với phóng viên nhật báo Evening Standard, ông Sherwood dự báo các ngân hàng châu Âu sẽ sớm di chuyển đến những nước khác một khi London công bố chính thức chấm dứt mối quan hệ hợp tác với EU. Không chỉ riêng giới ngân hàng, nhiều doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế khác cũng sẽ bỏ nước Anh ra đi và khi đó sẽ diễn ra một sự thay đổi lớn về cấu trúc của nền kinh tế Anh. Tuy nhiên, theo giới phân tích của Goldman Sachs, bất kể kết quả từ cuộc trưng cầu ý dân ra sao, khu vực tập trung các tổ chức tài chính tại London có tên gọi là “The City” sẽ vẫn hoạt động bình thường. Giới tài chính quốc tế đã biết đến The City trước khi EU ra đời nên dù nước Anh có rời khỏi EU thì The City vẫn là tiêu điểm của các ngân hàng trên toàn cầu trong nhiều thập niên tới, dù chức năng của nó có thể có những thay đổi nhất định.
Lâm Kiên theo Reuters