Mặc dù Trung cổ là một thời kỳ có nhiều chiến loạn, dịch bệnh, nghèo đói cộng với nhà thờ cũng hay cấm cản các nhà khoa học làm việc và những công bố của họ. Song giai đoạn này, từ thế kỷ V tới thế kỷ XV, vẫn có khá nhiều phát minh, sáng chế ra đời, đóng góp cho thế giới.
Về lĩnh vực văn hóa, tôn giáo là sự xuất hiện của máy in, cho phép sản xuất hàng loạt sách vở, nhất là kinh sách. Trước đó, để ghi lịch sử, giữ gìn các kinh nghiệm quý báu, người xưa đều phải viết tay và chép ra nhiều bản, nhưng tới thế kỷ XI ở Trung Quốc, đã có kỹ thuật in khắc gỗ tạo ra khá nhiều sách tranh và tới thế kỷ XV tại Đức, tiếp tục có kỹ thuật in chữ rời, giúp một lúc in được nhiều sách hơn, mà một tác phẩm tiêu biểu bấy giờ là cuốn Kinh thánh của Gutenberg.
Sách nhiều lên, nhu cầu đọc tăng thêm, song người châu Âu cũng bị tật cận thị, và thật may mắn, nó đã được cải thiện ngay sau đó nhờ một sáng chế đặc biệt vào thế kỷ XIII, ấy là kính đeo mắt, cho phép nhìn rõ và phóng được chữ to hơn. Mới đầu, người ta phải mua sách và đọc tại gia hay trong một số địa điểm ít người do luật cấm tụ tập, nhưng đến năm 1452 ở Ý đã có dịch vụ cho mượn sách không thu phí và xem ở một thư viện công cộng đầu tiên trên thế giới: Thư viện Malatesta Novello (Cesena). Đến đây, mọi người có thể gặp hàng nghìn đầu sách và đọc thoải mái từ sáng tới chiều.
- Xem thêm: Những phát minh giải cứu trái đất
Tuy giấy đã có từ thời Ai Cập cổ đại, song giấy làm nên tiền bạc thì phải đến thế kỷ VII mới thấy ở Trung Quốc, nhờ thế thương nhân không cần phải mang theo nhiều dây tiền xu nặng trĩu ở cổ, ngang lưng hay tay nải nữa. Học hỏi Trung Quốc, các nước châu Á cũng làm tiền giấy, và sau các chuyến hải hành của Marco Polo tới châu Á vào thế kỷ XIII, phương Tây cũng tiếp thu tiền giấy ở đây và từ năm 1661 đã có tờ bạc tiền phong của châu Âu được ấn hành bởi ngân hàng Thụy Điển.
Xưa kia, mỗi khi làm gì để biết giờ giấc, mọi người đều phải ngó lên giời, xem đồng hồ mặt trời, sự đi kiếm ăn hoặc lục đục về tổ của một số loài vật, nhưng tới thời Trung Cổ, dường như không ai còn phải lo lắng đến thì giờ nữa, vì đã có đồng hồ cơ học, với các bộ máy tự hành, cho biết khá chính xác từng khoảnh khắc ngày đêm. Nhờ đồng hồ cơ học, không chỉ xem ngày, giờ, tháng-năm, họ còn xem được sự di chuyển của các vị sao, tinh tượng. Mỗi thành phố lớn ở các nước nói chung đều có một tháp đồng hồ cho cả vùng xem giờ, và vì vai trò quan trọng, nhiều tháp cổ hãy còn tồn tại đến nay.
Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lúc này cũng có các cối xay gió và cọn nước, lợi dụng sức gió và thủy triều (sông, biển) nhằm vận chuyển nước tưới tiêu và xay sát lương thực. Thay vì phải dùng lừa, ngựa, trâu, bò hay người để làm vật kéo các tay cối.
Nông nhàn nên nhiều người đã có thời gian rảnh rỗi để đàm đạo bên chén trà, chén cà phê, và vào thế kỷ XV ở các nước Ả Rập thuộc đế chế Ottoman, đã xuất hiện những quán cà phê cho thưởng thức đồ uống và giao tế.
Về kiến trúc từ thế kỷ XI, XII trở đi, tại châu Âu cũng có một phương pháp, đồng thời là phong cách tuyệt vời: đó là kiến trúc đệm bay, giàn chống, thường áp dụng để xây dựng nhà thờ Gothic, và nhờ sự bay bổng cho phép tòa nhà có trần cao hơn, tường mỏng hơn, cửa sổ lớn hơn tất cả những kiến trúc còn lại. Đại khái, nó là một hệ thống các tầng bậc dưới dạng các vòng cung, nối từ cột này sang trụ kia, tạo ra một sự vững chãi mà gợi cảm.
Ai cũng biết tới uy lực của bom đạn vì những vụ nổ chói tai và phá tan mọi thứ. Hoặc ít ra là biết tới pháo hoa do khi cháy bay lên, chúng luôn nổ tung, mang lại vô vàn màu sắc, âm thanh vui tai. Song để có nó, phải cần thuốc súng, một chất liệu ghê gớm được phát minh tại Trung Quốc vào thế kỷ IX, giúp nước này chế tạo nhiều vũ khí (tên lửa, hỏa châu). Tuy nhiên, chỉ đến thế kỷ XIII, mọi người mới biết chính thức về nó, khi quân Mông Cổ tràn qua Á – Âu, và nhất là qua các trận đánh nảy lửa của Napoléon. Sau khi lấy được thuốc súng, thậm chí đại bác từ đây, người châu Âu đã thực hiện rất nhiều cuộc chiến, có thể nói làm thay đổi toàn thế giới.
Ngoài ra, vào thời Trung cổ, lần đầu tiên con người cũng có máy cày, xe cút kít, máy xe sợi, lò cao, ống khói, cần cẩu, nam châm, bẫy chuột, gương soi, thước đo độ, bảng màu, đồng hồ cát, chuông gió, dù lượn, máy bay, bản đồ thế giới, bộ giáp sắt, môn bóng golf, rượu Liquor, rượu Whiskey…