Một số sự cố ghi dấu ấn trong cuộc đời lắm thăng trầm của nữ diễn viên kiều diễm Marilyn Monroe.
Đầm mini bằng bao khoai tây
Trang sức bằng kim cương, găng tay bằng nhung, trang phục xa hoa…, hình ảnh ấy hiện ra trong đầu ta khi nhắc đến nữ diễn viên quyến rũ ấy. Tuy vậy, vào năm 1951, Marilyn gây sửng sốt khi diện đầm may bằng bao đựng khoai tây để chụp ảnh. Loại vải thô ấy không làm mất vẻ tươi tắn và sức thu hút nơi cô. Một chiến dịch quảng cáo cho khoai tây? Hay vì một lý do nào khác?
Khó thể đưa ra một câu trả lời duy nhất, nhưng phổ biến hơn cả là chuyện liên quan đến một nữ nhà báo. Phóng viên này hiện diện trong một dạ hội, đưa ra nhận xét trang phục của ngôi sao điện ảnh thật “phô trương và tầm thường”, cô nhà báo sau đó nói thêm Marilyn mặc váy bằng bao khoai tây có lẽ dễ coi hơn.
Chuyện đến tai người bị phê phán, trở thành trò đùa ồn ào đến độ hãng phim Twentieth Century Fox quyết định tổ chức một buổi chụp ảnh trong đó Marilyn Monroe mặc đầm ngắn may bằng vải thô, in những chữ khổ to ca ngợi tính chất của khoai tây bang Idaho. Áo ôm sát thân, kèm với giày màu cam. Bộ trang phục mộc mạc ấy đem lại thành quả ngoài mong đợi cho nông dân ở bang tây bắc nước Mỹ này.
Để cám ơn cô về sự quảng cáo bất ngờ và hiệu quả , một nông dân đã gửi đến Marilyn một bao đầy khoai tây. Nữ diễn viên phải thốt lên: “Lúc ấy thiếu khoai tây, người ta trộâm khoai ở các cửa hàng. Tôi không hề thấy bóng dáng củ khoai tây nào”. Theo một lời kể khác, đơn giản hơn, có người cho rằng Marilyn vẫn đẹp dù mặc áo may bằng bao khai tây. Nói là làm.
Những trang phục váy bao khoai tây trên ảnh ấy dù đạt thành công rực rỡ, vẫn chưa trở thành mốt. Phải chờ đến hơn nửa thế ky ưsau đó, trang phục bằng vải đay mới xuất hiện trên sàn trình diễn thời trang, bởi những nhà thiết kế như Dolce & Gabbana (trang phục may sẵn xuân-hè 2013) hay Maison Martin Margiela (thời trang cao cấp thu-đông 2015). Một bằng chứng cho thấy nhờ Marilyn Monroe và những nhà thiết kế tài ba, trang phục bằng bao khoai tây rất bắt mắt, không hề xấu.
Với Ella Fitzgerald, thân thiết như chị em và hỗ trợ nhau
Khi được báo chí hỏi ai là nữ ca sĩ mà cô yêu thích nhất, Marilyn Monroe đáp: “Người mà tôi yêu thương nhất, như một con người và như một ca sĩ, chính là Ella Fitzgerald”. Một tình bạn thân thiết và bền vững đã nối kết 2 nữ nghệ sĩ này.
Nhiều yếu tố liên kết họ. Khởi đầu là những chấn thương mà cả hai phải chịu đựng trong thời thơ ấu. Marilyn lớn lên trong thời kỳ Đại suy thoái, không biết cha mình là ai và sống bên một người mẹ tâm thần bất ổn. Cô lần lượt được nhiều gia đình nhận nuôi dưỡng và bị xâm hại tình dục. Còn mẹ của Ella Fitzgerald qua đời năm 1932, lúc cô 15 tuổi, khiến cuộc sống của cô bị đảo lộn.
Cha dượng hành xử bạo lực, khiến Ella phải đến nương náu nơi nhà dì, ở Harlem. Ella bỏ học để kiếm sống bằng công việc gác cửa nhà thổ. Cuộc chia sẻ những kinh nghiệm khổ đau hẳn tạo thuận lợi cho sự nẩy nở tình bạn giữa 2 nữ nghệ sĩ.
Họ gặp nhau năm 1954, khi Ella Fitzgeral đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng. Nhưng đa số những câu lạc bộ jazz mời cô hát đều quá nhỏ, những nơi khác từ chối tuyển một nữ ca sĩ da đen to béo. Tình huống ấy khiến Ella Fitzgerald đau lòng: “Tôi biết tôi kiếm được nhiều tiền tại những CLB jazz mà tôi trình diễn, nhưng tôi cũng muốn được hát tại những nơi thanh lịch”.
Trong thời gian ấy, Marilyn Monroe dành nhiều thời gian để lắng nghe những bài hát của Ella Fitzgerald. Lý do chính: một hướng dẫân viên thanh nhạc yêu cầu cô làm vậy để cải thiện kỹ thuật hát của cô. Nhưng trên hết, Marilyn yêu nhạc jazz, và hâm mộ nữ ca sĩ Ella Fitzgerald. Vào tháng 11.1954, 2 người gặp nhau lần đầu tiên, nhân một buổi trình diễn của nữ ca sĩ tại một câu lạc bộ ở Los Angeles. Ella tâm sự với Marilyn về việc cô không thể biểu diễn ở Mocambo, một hộp đêm nổi tiếng ở California, vì chủ hộp đêm cho rằng nữ ca sĩ “quá khổ”, nên cô sẽ không thể tạo sức thu hút cho câu lạc bộ. Marilyn quyết định dùng tầm ảnh hưởng của mình để giúp nữ ca sĩ.
Marilyn hứa với chủ hộp đêm Mocambo cô sẽ ngồi trước cửa hộp đêm vào mỗi tối mà Ella Fitzgerald biểu diễn, cả đưa những nhân vật nổi tiếng khác đến. Marilyn cả quyết cách ấy sẽ là một kiểu quảng cáo lôi kéo đông đảo khách cho hộp đêm. Ai có thể từ chối một đề nghị hấp dẫn như vậy. Chủ hộp đêm chấp nhận để Ella Fitzgerald hát tại hộp đêm trong vài tuần suốt tháng 3.1955. Một hợp đồng đã làm thay đổi con đường sự nghiệp của nữ ca sĩ.
Sau thành công ở Mocambo, Ella Fitzgerald được mời trình diễn tại nhiều khán phòng lớn. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng đối xử lịch sự với cô, cũng chỉ vì màu da và trọng lượng của cô. Một số ông chủ còn nhắc khéo Ella, rằng cô nên vào cơ sở của họ bằng cửa sau, thay vì cửa trước.
Khi Marilyn Monroe biết sự thể không hay trên, cô ra tay giúp bạn lần nữa. Cô đích thân đến bang Colorado để xem bạn hát trên sân khấu. Cô chứng kiến Ella không thể vào phòng hòa nhạc bằng cửa chính. Marilyn bảo với chủ nhân cô sẽ không vào nếu Ella không được phép bước qua cửa chính. Sau sự cố trên, những người quản lý các câu lạc bộ và các phòng hòa nhạc cư xử với Ella Fitzgerald đàng hoàng, đúng phép.
Tình bạn của 2 nghệ sĩ càng gắn bó, cho đến khi Marilyn Monroe qua đời đột ngột vào năm 1962.
Ảnh Marilyn Monroe trên bìa tạp chí Playboy, số ra mắt
Dưới mắt Hugh Hefner, ông chủ tạp chí Playboy, Marilyn Monroe là “giai nhân tóc vàng”. Suốt cuộc đời, Hugh Hefner dành một nỗi đam mê vô hạn cho Marilyn Monroe, đến độ muốn được chôn cạnh nàng khi ông qua đời. Ông hẳn mơ ước biểu tượng tình dục này làm người mẫu cho tạp chí của ông, nhưng 2 con người với 2 tính cách khác biệt ấy không bao giờ gặp nhau. Dù vậy, doanh nhân này đã đăng ảnh của nữ diễn viên trên bìa tạp chí số ra mắt vào năm 1953, mà không có sự chấp thuận của cô.
Hugh Hefner đã mua bản quyền ảnh của Marilyn Monroe, trong đó có cả ảnh khỏa thân, từ nhiều năm trước, với giá 500 USD. Khi nghề nghiệp trì trệ, lại cần tiền để mua xe, Marilyn Monroe chấp nhận làm mẫu chụp ảnh trước ống kính của nhiếp ảnh gia Tom Kelly vào năm 1949. Loạt ảnh mang tên “Red Velvet”, người mẫu mang biệt danh Mona Monroe. Cô yêu cầu tác giả ảnh chỉnh sửa để không ai nhận ra cô, như giải thích: “Tôi không biết mình mong đợi điều gì. Có lẽ tôi muốn tự bảo vệ. Tôi bức rức, bối rối, xấu hổ vì những gì mình đã làm, tôi không muốn tên tôi xuất hiện”.
Sau đó, ảnh được bán với giá 900 USD, được sử dụng làm ảnh lịch, chẳng hạn lịch của công ty Golden Dreams. Vào đầu thập niên 1950, Marilyn Monroe đạt những thành công đầu tiên, với các phim Gentlemen prefer blondes hay How to marry a millionaire, cả hai đều công chiếu vào năm 1953. Cùng năm ấy, Hugh Hefner quyết định sử dụng những ảnh Marilyn Monroe cho số báo Playboy đầu tiên, như nàng thơ của tạp chí.
Trên bìa một là ảnh thần tượng tươi cười kèm lời giới thiệu ỡm ờ “Ảnh khỏa thân nổi tiếng của Marilyn Monroe, lần đầu tiên trên một tạp chí in màu”. Thành công đến tức khắc, hơn 50.000 bản được bán ra, với giá 50 cent/số. Người mẫu ảnh chỉ nhận được 50 USD, là người duy nhất không được hưởng lợi về tài chính từ lợi nhuận sinh ra từ những ảnh trên. Ảnh cũng đem lại tiền bạc hậu hĩ cho những công ty làm lịch. Marilyn Monroe thổ lộ: “Tôi chẳng nhận được một lời cám ơn”, tuy vậy cô cũng mua một tạp chí đăng ảnh của mình.
Nhưng nữ diễn viên cũng biết chuyển sai lầm ấy thành điều có lợi cho bản thân. Khi studio của cô yêu cầu cô phủ nhận cô là người phụ nữ trong ảnh, Marilyn quyết định làm điều ngược lại, kèm với lời xin lỗi: “Tôi thừa nhận người trong ảnh chính là tôi, ngay cả khi ban lãnh đạo hãng Fox bắt đầu e ngại sự tẩy chay những phim có tôi thủ vai và toàn bộ sự nghiệp của tôi. Họ đã lầm. Những người hâm mộ tôi đều hoan nghênh và số báo báo Playboy đầu tiên đã giúp ích cho sự nghiệp của tôi”.
Ngay cả sau khi Marilyn Monroe qua đời vào năm 1962, Hugh Hefner vẫn tiếp tục bị ám ảnh bởi cô. Năm 1992, Hugh Hefner mua một lô đất cạnh mộ của Marilyn tại Westwood Village Memorial Park, ở Los Angeles, với số tiền 75.000 USD, để có thể vĩnh viễn nằm cạnh kiều nữ mà ông tôn thờ. Ước nguyện cuối cùng của ông đã thành hiện thực khi ông qua đời vào năm 2017, ở tuổi 91.
Bài hát Happy Birthday to You mừng sinh nhật Tổng thống J.F. Kennedy
Một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng hơn cả của minh tinh màn bạc tóc vàng: Marilyn Monroe hát bài Happy Birthday to You, Mr. President dành tặng Tổng thống John F. Kennedy, vào ngày 19-5-1962, tại Madison Square Garden.
Để mừng sinh nhật thứ 45 của Tổng thống Mỹ, hơn 15.000 người tụ tập ở sân vận động nổi tiếng nhất New York. Giá vé vào cửa lên đến 1.000 USD (tương đương 8.500 USD hiện nay), nhằm gây quỹ cho đảng Dân chủ. Bầu khí rất ồn ào, chỉ khi Marilyn Monroe xuất hiện, trong đầm dài đính kim cương, khán giả lập tức im lặng.
Áo lộng lẫy ấy là thành quả của nhà thiết kế người Pháp Jean Louis. Nhiếp ảnh gia Bill Ray, làm việc cho tạp chí Life, nhớ lại: “Không có một tiếng động nào. Một khoảng lặng dài, rồi âm thanh nhẹ như tiếng thì thầm cất lên Happy birthday to you. Tất cả như phải lòng cô”. Sự kiện tiếp theo là một dạ hội riêng tư được tổ chức tại nhà của Arthur Krim, chủ tịch studio United Artists, cũng là một nhân vật thuộc đảng Dân chủ.
Còn phu nhân tổng thống, Jac Kennedy, vẫn ở trong ngôi nhà của gia đình tại Glen Ora (bang Virginia), chỉ buông một câu: “Cuộc sống quá ngắn ngủi, chẳng có thời gian để quan tâm đến Marilyn Monroe” khi thấy sự hâm mộ dành cho nữ diễn viên. Tuy vậy, ngày hôm sau, đệ nhất phu nhân lại nổi giận, không phải với chồng mà với em chồng. Bà bày tỏ sự bực mình với em gái qua điện thoại: “Chính Bobby (Robert Kennedy) đã bày ra những trò này. Ngài tổng chưởng lý là kẻ gây rối”. Chẳng ai biết ý nghĩa lịch sử của khoảng khắc trên, 3 tháng trước khi nữ minh tinh tự sát…
- Xem thêm: Quyến rũ, chiếc váy đầm