Phụ nữ, ngoài Marilyn Monroe ra, ai cũng có khiếm khuyết về thể hình. Một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng chuyên chụp hình nude nghệ thuật từng nói với tôi rằng gái đẹp ông ta từng gặp rất nhiều, nhưng với thân hình Venus thì chỉ có trong thần thoại Hy lạp mà thôi. Không sao, đã có chiếc váy.
Áo liền váy che bớt cái bụng hơi bự, áo đầm rộng có thể che bớt bộ ngực hơi lép, áo đầm dài có thể che bớt cặp giò ngắn… cái đẹp phô ra, cái xấu che lại mà đôi lúc chiếc áo dài truyền thống bó tay. Phụ nữ có thể không đeo nhẫn hột xoàn lóng lánh, không có vàng đeo đỏ tay, nhưng không thể thiếu chiếc váy đầm.
Theo khai quật khảo cổ, chiếc váy có từ thời cổ Ai Cập, cách nay đã 5.000 năm. Có lẽ từ khi loài người thoát ra khỏi cảnh ăn lông ở lỗ, chiếc váy đã là trang phục chính thống của phụ nữ. Phụ nữ nước ta ngày xưa cũng mặc váy.
Tuy từ thời Minh Mạng cách đây 180 năm, nhà vua đã ban lệnh “cấm mặc quần không đáy”, nhưng phụ nữ nông thôn miền Bắc vẫn mặc váy cho đến Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công mới đoạn tuyệt với nó. Do đó, “váy Việt Nam” không được kế thừa, đa số người Việt đều chê nó xấu, gọi bằng “váy đụp” mang tính khinh miệt. Trong một cuộc tái hiện trang phục xưa được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2011, tôi thấy váy đen phối hợp với chiếc yếm đào hở lưng, đủ ma lực làm xiêu lòng bất kỳ đấng mày râu nào. Ca dao xưa là hòa tòa có lý:
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yêm thắm bỏ bùa cho sư,
Sư về sư ốm tương tư…
Có người nói, phụ nữ chung tình với chiếc váy còn hơn cả đối với đàn ông. Bất kể câu nói đó có hơi ngoa hay không, chiếc váy có thể vượt qua sự gò bó về không gian và thời gian, bất kể Xuân, Hạ, Thu, Đông, để mang về vẻ đẹp cho chủ nhân mình, là điều khỏi cần bàn cãi. Thế giới của phụ nữ là bản trường ca bất tận về những chiếc váy: như cánh én mang lại mùa Xuân, như cánh bướm lượn đi lượn lại giữa các lùm hoa, như chiếc lá phong đỏ rụng trên phố mùa Thu…
- Xem thêm: Các lỗi mắc phải khi chọn đầm dạ hội
Tuy cả 4 mùa đều thích hợp, nhưng chỉ có mùa hè mới là mùa phô diễn đủ kiểu thời trang váy. Đừng tưởng “văn hóa váy” chẳng liên quan gì đến nam giới, chính quý ông mới là người thụ hưởng qua chiếc váy: tầm mắt được thư giãn.
Nhà văn hóa hài hước nổi tiếng của Trung Quốc, GS Lâm Ngữ Đường có câu rất nổi tiếng: “Bài diễn văn cũng như chiếc váy mi-ni, càng ngắn càng hấp dẫn”. Ngụ ý chính của câu nói trên là đề xướng diễn văn nên thật ngắn gọn, chẳng hạn bài diễn văn trước Cổng mộ Gettysburg của Tổng thống A.Lincohn chỉ 10 câu, 272 từ, nhưng đã trở thành kinh điển trong sách giáo khoa của tất cả các dân tộc nói tiếng Anh. Câu nói của Lâm Ngữ Đường cũng ca ngợi sức hấp dẫn của chiếc váy ngắn. Nếu váy ngắn cộng với cặp giò thon, phối hợp áo hở vai, không có dây đeo, là một kiểu khoe khoang đường cong một cách phô trương.
Không chỉ váy ngắn, váy dài cũng có sức quyến rũ vô cùng. Nếu bạn có cặp giò cao, thân hình đầy đặn, khuôn mặt thanh tú, thêm đôi giầy cao gót, cộng thêm chiếc váy dài, sẽ tạo ra một phong cách sang trọng, tựa như từ trên cao nhìn xuống, khiến đàn ông thiện hạ đều bị hớp hồn, nhưng lại chỉ dám ngắm nhìn từ xa. Các loại váy khác như váy ôm, váy xẻ tà, váy xếp, váy công sở, váy dạ hội, mỗi thứ đều có vẻ đẹp riêng.
Nếu bạn có làn da trắng mịn, lại đang tưởi xuân thì, nên mặc váy áo màu vàng lạt, sẽ được tôn thêm vẻ đẹp. Nếu nước da bạn hơi tối, nên chọn màu vàng đất hoặc màu vàng xanh pha gam màu tối. Nếu nước da trắng bợt, chớ nên chọn màu xanh lá mạ, vì sẽ gây cảm giác yếu ớt. Nước da ngăm đen không thể mặc màu cánh sen hay màu vàng nhạt; chỉ có màu trắng là thích hợp cho mọi làn da.
Màu sắc còn liên quan đến lễ nghi: màu đen là màu của váy dạ hội, nổi bật nét sang trọng; màu trắng áo cưới tượng trưng cho sự trong trắng của cô dâu.
- Xem thêm: Váy đầm phụ nữ qua nhiều thập kỷ
Trong các phim truyền hình Trung Quốc nói về thời kỳ cuối đời Thanh đầu những năm Dân Quốc, ta thấy các mệnh phụ phu nhân hay mắc váy đỏ. Điều đó cũng có những quy định bất thành văn nghiêm ngặt: Chỉ được mặc khi phu thê song toàn; chỉ dành riêng cho chánh thất, các bà vợ thứ hoặc tỳ thiếp không được mặc. Người ta thường nói, người Trung Quốc trước kia theo chế độ đa thê, nhưng họ thường biện minh họ là “nhất thê đa thiếp” (?).
Hình ảnh Triều Tiên thường gây cho ta ấn tượng đằng đằng sát khí, nhưng lính nữ của họ trong bộ váy quân phục vẫn rất quyến rũ, đâu kém gì tài tử Hán Quốc.
Tuy khá hiếm hoi, nhưng nam giới cũng mặc váy. Thế chiến II, trong cuộc quyết chiến tại chiến trường Bắc Phi, nguyên soái Rommel khét tiếng với biệt danh “Cáo sa mạc” của Đức đau đầu vì bị “đoàn quân mặc váy” (kilt army) thiện chiến của Anh đánh cho xấc bất xang bang. Đó không phải là lính nũ, mà là đoàn quân Scott mặc váy ca-rô. Scotland đã bị sáp nhập vào Anh Quốc từ lâu, người Scott cũng thông dụng tiếng Anh, nhưng họ vẫn kiên trì bộ váy dân tộc.
Các đảo quốc Tây Samoa và Fiji ở Tây Thái Bình Dương, trong các buổi khánh tiết, từ nhà vua cho đến tất cả thành viên nội các, đều mặc bộ quốc phục váy trắng.
Người ta thường nói, sự sa đọa của đàn ông phấn lớn do phụ nữ gây ra, váy đầm đã đóng vai trò “tòng phạm” tích cực.
Chiếc váy đúng là quà tặng của Thượng đế dành riêng cho phái nũ.