Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trong quần thể Cụm Di tích Văn hóa Lịch sử núi Sam thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997. Lăng nằm đối diện với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lưng tựa vào núi nên còn được gọi là sơn lăng.
Đây là một công trình kiến trúc đậm nét văn hóa của lăng tẩm cố đô Huế, được bố trí hài hòa với cảnh quan chung quanh. Bước lên những bậc thang được làm bằng đá ong được mang từ Biên Hòa vào là một khoảng sân rộng và phẳng rồi mới đến 2 cửa lăng nằm ở 2 bên. Ở giữa lăng là long đình, nơi đặt một tấm bia và các câu đối trên cột. Mặt trước bia là bia thờ Thoại Ngọc Hầu còn mặt sau bia là bia Thoại Sơn đã được phục chế. Lăng được bao bọc bởi một lớp tường thành dày hơn 1m, cao hơn 2m làm bằng chất liệu hỗn hợp vôi, cát, mật đường và nhựa ô dước mặc dầu trải qua gần 200 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn(1). Trong vòng thành sân lăng còn có 14 ngôi mộ bằng ô dước của những thân nhân theo ông hy sinh trong thời gian đào kinh. Có tư liệu cho rằng đây là mộ của gánh hát bội Quảng Nam đã chết trong khi phục vụ cho dân binh đào kinh Vĩnh Tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phỏng đoán chứ chưa được kiểm chứng chính xác.
Bia Vĩnh Tế Sơn được đặt ở giữa vách sau của lăng với hoa văn sắc xảo nhưng nét chữ đã mờ nhạt chỉ còn đọc được một số chữ. Bên cạnh Vĩnh Tế Sơn là 4 bia cổ của Vương quốc Phù Nam. Một số bia đã được mài nhẵn các chữ, chỉ có bia bên phải còn sót lại một số chữ Phạn chưa bị mài nhẵn nhưng nét chữ đã mờ.
Ngôi mộ của Thoại Ngọc Hầu nằm ở chính giữa sau 2 bức bình phong còn 2 vị phu nhân ở 2 bên. Nhìn từ trước vào thì mộ chính thất Châu Thị Tế nằm ở bên trái còn thứ thất Trương Thị Miệt nằm phía bên phải nhỏ hơn.
Phía sau mộ của bà Châu Thị Tế và Thoại Ngọc Hầu là 2 tấm bình phong trên đó có khắc 2 bài thơ. Do thời gian đã quá lâu nên những nét chữ trên 2 tấm bình phong này đã mờ và bị mất nét. Những người trùng tu về sau này tô lại nên không còn giữ được nguyên vẹn của bài thơ. Có người cho rằng bài thơ này được khắc cùng lúc với việc xây dựng sơn lăng vào cuối đời của Thoại Ngọc Hầu khoảng năm 1825-1829 sau khi ông hoàn thành công trình đào kinh Vĩnh Tế. Qua việc khảo sát một số nét chữ còn sót lại trên hai tấm bình phong chúng tôi đã khám phá ra một số điều thú vị mà chưa từng một nhà nghiên cứu nào nhắc đến.
Điều thú vị trước tiên là 2 bài thơ này được lấy từ bài Tống hữu nhơn và Cung trung hành lạc kỳ 4 của nhà thơ Lý Bạch đời Đường tuy đã được cải biên.
Nguyên văn của bài thơ Tống hữu nhơn như sau:
Dịch âm:
Tống hữu nhơn
Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thuỷ nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.
Bản dịch của Trần Trọng San:
Thơ tiễn bạn
Núi ngang ải bắc xanh xanh,
Một dòng sông trắng lượn quanh đông thành.
Nơi đây cất bước viễn hành,
Cỏ bồng muôn dặm một mình xa xôi.
Ý du tử: đám mây trôi;
Tình cố nhân: ánh nắng chiều vấn vương.
Vẫy tay từ đấy lên đường,
Tiếng con ngựa hý đau thương lìa đàn.
Nguyên văn của bài Trung cung hành lạc kỳ 4 của Lý Bạch:
Cung trung hành lạc kỳ 4
Ngọc thụ xuân quy nhật,
Kim cung lạc sự đa.
Hậu đình triêu vị nhập,
Khinh liễn dạ tương qua.
Tiếu xuất hoa gian ngữ,
Kiều lai trúc hạ ca.
Mạc giao minh nguyệt khứ,
Lưu trước túy Thường Nga.
Bản dịch của Nguyễn Minh:
Thú vui trong cung kỳ 4
Xuân đã về trên cây ngà ngọc
Trong cung vàng nhiều tiệc vui chơi.
Sân sau nắng sớm chưa lai,
Xe vua còn phủ đêm dài chưa qua.
Tiếng cười nói trong hoa vọng tới,
Người đẹp ca dưới bụi trúc xanh.
Đừng cho đi mất ánh trăng,
Đặng ta chuốc rượu nàng Hằng Nga say.
Một điều lạ là khi đối chiếu 2 bài thơ trên vách phía sau mộ bà Châu Thị Tế và Thoại Ngọc Hầu, chúng ta nhận thấy có một số câu không giống như nguyên tác. Nếu loại trừ những chữ bị tô sai trong những đợt trùng tu vào năm 1996 và năm 2010 thì một số câu trên bài thơ nguyên tác bị cắt đi và thêm vào những câu do người khắc tạo ra.
Một số người cho rằng 2 bài thơ này được khắc vào đầu thế kỷ 20 nhưng sau khi đối chiếu nét khắc trên 2 bia tại lăng Thoại Ngọc Hầu với nét khắc bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm kỳ 1 của Vương Xương Linh tại tấm bình phong bên mộ bà Nguyễn Thị Tuyết là mẹ Thoại Ngọc Hầu được ông trùng tu lại vào đầu thập niên 1820 thì 2 bài thơ này do cùng một người khắc. Vì thế, chúng tôi có thể khẳng định là 2 bài thơ của Lý Bạch được ông cho khắc lúc xây sơn lăng tại núi Sam, Châu Đốc.
Nếu phân tích bài Tống hữu nhơn trên tấm bình phong so với nguyên tác ta thấy có một số khác biệt như sau:
- Cách bố cục của bài thơ trên tấm bình phong mỗi cột là 6 chữ không giống với thể loại ngũ ngôn bát cú theo nguyên tác.
- Nơi cột đầu thiếu chữ quách (郭) lại dư chữ nhật (日).
- Cột thứ 2 ở 2 dòng cuối lại dùng chữ Tây Hà (西河) thay vì chữ thử địa (此 地) như nguyên tác.
- Chữ lạc (落) bị tô thiếu nét còn chữ nhật (日) cũng bị tô thiếu nét dưới.
Sai sót này có thể là do những người trùng tu về sau này không nắm rõ những chữ bị mờ hay mất trên bia nên tô nhầm.
Một điều lạ là 2 câu cuối của bài thơ lại được thay bằng 2 câu khác, chỉ giữ lại 3 chữ sau cùng là “ban mã minh”.
Nguyên văn 2 câu cuối trên bia là:
此闲来𢓸嗳 (thử nhàn lai vãng ái)
嘯?班馬鳴 ( Tiêu ? ban mã minh)
(sau chữ tiêu bị thiếu mất 1 chữ)
So với nguyên tác:
揮手自茲去 (Huy thủ tự tư khứ,)
蕭(2)蕭班馬鳴 (Tiêu tiêu ban mã minh).
Ngoài ra, ở cuối bài còn có lạc khoản ghi là: 書扵溈岐心 (thư ư vi kỳ tâm: viết cho người tên là Vi Kỳ Tâm.
Đối với bài thơ ngũ ngôn bát cú Cung trung hành lạc kỳ 4, những chữ khắc trên bia lại bố trí mỗi cột 8 chữ, một số chữ không giống như nguyên tác. Ngoài ra, 2 câu cuối của bài thơ bị cắt và thêm vào ý của người khắc. Nét chữ thư pháp của bài thơ vẫn còn sắc nét chưa bị sửa đổi chứng tỏ sự sai lệch này là do ý đồ của người khắc chứ không phải là ngẫu nhiên.
- Ở dòng thứ 4 cột đầu của bài thơ khắc trên bình phong, chữ quy (䢜) bộ xước trên bia và chữ quy (歸) bộ chỉ trong nguyên tác cùng nghĩa nhau.
- Ở dòng cuối của câu thứ 5 (cột thứ 4 dòng 2 trên bình phong) sau chữ gian (间) lại thiếu chữ ngữ (語).
- Ở dòng đầu câu chứ 6 chữ kiều (嬌) trong nguyên tác có nghĩa là người đẹp còn trên bia chữ kiêu (驕) trên bia (chữ thứ 2 cột thứ 4) có nghĩa là sự cao ngạo, mạnh mẽ không giống như ý tứ trong bài thơ.
- Phía sau chữ lai (來) ở câu 6 theo nguyên tác là trúc hạ ca (竹下歌), còn ở trên bình phong lại là bộc lục ca (六歌)
- Hai câu 7 và 8 trong nguyên tác là Mạc giao minh nguyệt khứ, Lưu trước túy Thường Nga (莫教明月去, 留著醉嫦娥) được thay bằng 2 câu Bình sinh khách thỏa chí, Tự cổ tiêu Thường Nga (平生客妥志, 自古標嫦娥).
Lạc khoản “Thư ư Thanh Phong Hiên” (書扵淸風軒) khắc ở cuối bài thơ Cung trung hành lạc kỳ 4 có khả năng chữ Thanh Phong hiên chính là chiếc chòi lá mà Thoại Ngọc Hầu đã nghỉ ngơi trong khi quan sát những người thợ xây lăng của mình. Ngoài ra, trên những tấm ảnh của người Pháp chụp mộ bà Châu Thị Tế và Thoại Ngọc Hầu vào khoảng năm 1920, chúng ta đã thấy những dòng chữ trên tấm bình phong này rồi.
Điều này, khiến chúng ta đặt ra giả thuyết rằng người viết bài thơ này giao cho người thợ khắc lên tấm bình phong. Do trình độ hiểu biết về Hán Nôm và thơ Đường bị hạn chế nên người thợ khắc nhầm và thiếu một số chữ, còn 2 câu cuối khắc không giống nguyên tác là do ý đồ của người khắc. Một khi chữ đã được khắc vào rồi thì không thể nào sửa chữa lại được.
- Xem thêm: Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu
Để bảo tồn những di tích không bị mai một theo thời gian, đồng thời tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu tìm hiểu 2 bài thơ trên tấm bình phong có những nét sai biệt so với nguyên tác của Lý Bạch, chúng tôi có những ý kiến đóng góp như sau:
- Vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ, nhưng bên cạnh hai bài thơ này phải có những chú thích và hiệu đính lại những chữ sai và thiếu so với nguyên tác.
- Bên cạnh bảng chu thích và hiệu đính nên có bản nguyên tác 2 bài thơ của Lý Bạch với bố cục theo thể ngũ ngôn bát cú để các nhà nghiên cứu tham khảo và đối chiếu với những chữ trên bia.
Đây là một việc làm mang tính thiết thực cùng với việc phục chế lại 2 bia Vĩnh Tế Sơn và Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương. Nếu làm tốt công tác này cùng với việc đào tạo những người thuyết minh về di tích bên trong lăng Thoại Ngọc Hầu sẽ thu hút nhiều du khách, các nhà nghiên cứu đến tham quan tìm hiểu. Tránh tình trạng như hiện nay, các đoàn khách đến tham quan, vào đền thờ thắp nhang tưởng nhớ Thoại Ngọc Hầu rồi ra về bởi vì không có ngươi thuyết minh để giải đáp những thắc mắc của du khách về công lao của Thoại Ngọc Hầu đối với vùng đất Nam bộ. Đây cũng là cách giáo dục các thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử các danh nhân địa phương mà hiện nay trong chương trình lịch sử trong các trường phổ thông còn đang bỏ ngỏ.