Trong tuần qua, dưới áp lực từ thị trường, đặc biệt là do kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, giới đầu tư quốc tế tái định vị nguồn quỹ, đồng tiền Ấn Độ đã giảm 3%, xuống còn 66,3 rupee đổi được 1 USD. Đó là mức giảm mạnh nhất trong vòng hai thập niên qua, trong khi đó thị trường chứng khoán của nước này cũng giảm mạnh 3,18% sau khi Hạ viện thông qua dự luật về an ninh thực phẩm do chính phủ trình bày.
Thừa nhận tình hình tài chính trong nước ảm đạm, nhưng ông P. Chidambaram đã cố gắng trấn an giới đầu tư bằng việc cam kết chính phủ sẽ nỗ lực đạt được chỉ tiêu về giảm thâm hụt ngân sách, cho dù chương trình lương thực miễn phí cho người nghèo hằng năm sẽ tiêu tốn một khoản kinh phí tới 19 tỉ USD. Một số nhà kinh tế học hiện đang rất quan tâm về gánh nặng tài chính có thể nảy sinh từ kế hoạch này nếu nó được thực hiện vào đúng thời điểm giới đầu tư đang rút vốn ra khỏi Ấn Độ. Ngoài ra, nhiều người lo ngại nguy cơ tham nhũng sẽ hoành hành trong hệ thống phân phát lương thực.
40% trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng
Điều luật mới về an toàn thực phẩm được xem là chương trình khởi đầu của đảng cầm quyền hiện nay nhằm xóa bớt tình trạng nghèo đói “thâm căn cố đế” ởẤn Độ bằng cách cung cấp lượng bắp được trợ giá cho hơn 800 triệu người nghèo trong nước. Khẳng định New Delhi đã giải được bài toán về chính sách và Ấn Độ hoàn toàn có đủ năng lực tiến hành tự viện trợ lương thực, nhưng ông P. Chidambaram cho rằng giới làm luật trong nước nên đoàn kết lại để xây dựng một chiến lược cụ thể nhằm giúp vực dậy nền kinh tế. Trong quý II năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống, còn 5% – mức thấp nhất trong vòng một thập niên vừa qua. Nhiều nhà phân tích đã quy trách nhiệm của sự tuột dốc ấy cho năng lực điều hành yếu kém của chính phủ. Tuy nhiên, ông P. Chidambaram đã phản biện rằng nếu New Delhi không xác định được hướng đi đúng cho nền kinh tế quốc gia thì ắt hẳn Ấn Độ không thể có tiếng nói đủ mạnh trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cũng đã phác họa ý đồ chiến lược mới gồm mười điều cần làm để chấn hưng nền kinh tế và khôi phục niềm tin của giới đầu tư, trong đó có việc thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, tăng cường xuất khẩu và nâng cao năng suất nông nghiệp. Dù phần đóng góp từ nông nghiệp đối với GDP đã giảm xuống từ 50% (năm 1950) xuống còn khoảng 15%, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tếẤn Độ khi hỗ trợ việc làm cho hơn 700 triệu người dân ở nông thôn và giúp họ mua sắm được nhiều loại hàng hóa tiêu dùng có giá trị như tivi, tủ lạnh, xe máy và cả xe hơi. Hiện nay, Ấn Độ vẫn đang cố gắng thực hiện thành công nhiệm vụ cung cấp đủ nguồn lương thực cho hơn một tỉ dân và không để hơn 40% trẻ em dưới năm tuổi tiếp tục bị suy dinh dưỡng. Chủ tịch Quốc hội Sonia Gandhi cho hay dự luật an toàn lương thực sẽ gửi đi một thông điệp lớn đến toàn thế giới rằng Ấn Độ đang thực hiện trách nhiệm đảm bảo có đủ lương thực cho tất cả công dân nước mình. Theo ước tính, một khi được Thượng viện phê chuẩn và Tổng thống ký ban hành, luật mới về an toàn lương thực sẽ giúp cải cách hoàn toàn hệ thống phân phối lương thực hiện tại bằng việc cung cấp 5kg thức ăn mỗi tháng cho khoảng 2/3 dân số trong nước (800 triệu người), đưa ngân sách viện trợ thức ăn mỗi năm lên đến 1.250 tỉ rupee (tương đương 19 tỉ USD).
Lâm Kiên theo AFP