Các dữ liệu được công bố tại Diễn đàn Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế tổ chức ở vương quốc Tonga vào những ngày đầu tháng 7-2013 cho thấy trong thời gian những năm 2008-2012, dù thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính, du lịch tại các đảo quốc vẫn có những bước phát triển ổn định. Năm 2012, có gần 1,6 triệu khách du lịch đến thăm các đảo quốc này, tăng 14% so với năm 2011. Những nơi đón nhiều khách nhất là Fiji, Cook, Papua New Guinea, Samoa và New Caledonia. Hai thị trường du lịch lớn cung ứng nhiều khách cho các đảo quốc là Úc và New Zealand với trên 50% lượt khách; phần còn lại thuộc về Bắc Mỹ và châu Âu với 30%, Nhật Bản và châu Á nói chung chiếm 9%…
Du lịch trên đảo quốc Fiji
Dịch vụ du lịch chiếm khoảng 12% GDP của các đảo quốc vào năm 2012. Tại một số đảo, tỷ lệ này rất cao, chẳng hạn Palau (56% GDP), quần đảo Cook (44,4% GDP), Vanuatu (34,1% GDP) và Fiji (23,4% GDP). Hiện nay, ở phần lớn các đảo quốc, du lịch tiếp tục là động lực chính của phát triển kinh tế và dự trữ ngoại hối. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng xác định tác động tích cực của du lịch trong phát triển nông nghiệp khi sản lượng nông nghiệp được nâng cao để phục vụ một lượng du khách đông đảo như: thức ăn, thức uống, hàng thủ công, mỹ phẩm, hoa quả, tinh dầu… Tuy nhiên, tác động của du lịch không chỉ có thế, mà còn có những biểu hiện buộc các nhà bảo vệ môi trường phải quan tâm. Gần đây, nhiều người đã lên tiếng báo động về nguy cơ tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại, đời sống sinh vật vốn rất phong phú bị đe dọa, nguồn nước và bầu không khí vốn rất trong lành bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đầu tháng 8 vừa qua, có tin chính phủ Venezuela sẽ thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tại một số đảo không người ở tại phía nam vùng biển Caribê, bước đầu tại đảo La Borracha thuộc Công viên Quốc gia Mochima. Những cơ sở hạ tầng quan trọng trên hòn đảo này gồm một khách sạn năm sao 150 phòng, với 300 giường, hai hồ bơi, sân tennis, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, công viên và một sân golf chuyên nghiệp. Ngoài ra, còn có trung tâm mua sắm, nhà hàng, hộp đêm, cửa hàng quần áo, hiệu thuốc tây, rạp chiếu bóng, phòng trưng bày nghệ thuật… Tất cả những hoạt động đó sẽ là mối đe dọa đối với môi trường trong lành của đảo, là nguy cơ cho đời sống và sự phát triển của các loài sinh vật trên đảo và quanh đảo, trong đó đáng quan tâm nhất là loài rùa biển và các loài chim thiên di. Dung hòa giữa phát triển du lịch để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ đời sống tự nhiên luôn là một bài toán khó, nhất là đối với các đảo quốc, nơi du lịch là một thế mạnh.
Lê Cẩn tổng hợp