Khi những cơn mưa mùa gần cuối năm sắp dứt, người bản địa cao nguyên lại băng rừng tìm một loài cỏ dại. Loại cỏ bí ẩn ấy phát ra một hương thơm kỳ lạ. Muốn tìm cỏ chỉ cần lần theo hương thơm phảng phất trong gió núi đại ngàn…
Ký ức mùi cỏ dại
Cỏ thơm, người Jrai còn gọi là cỏ groach. Mùi cay nồng. Cây lá mỏng, cao chưa đầy hai gang tay người lớn. Nếu không phải là người bản địa có kinh nghiệm, rất dễ nhầm với các loại cỏ dại khác. Loại cỏ này rất hiếm, vài năm mới xuất hiện một lần. Nó chỉ mọc ở những cánh rừng khộp hoặc trên các vùng bình nguyên ẩm ướt.
Gần cuối năm, đất trời cao nguyên chuyển mình. Nắng vàng óng màu mật ong. Gió se sắt lạnh. Các cung đường trên cao nguyên bắt đầu “lễ hội” của hoa dại. Đó cũng là lúc những hạt cỏ thơm bừng tỉnh sau “giấc ngủ” suốt mùa mưa dài. Chúng lặng lẽ lớn lên, tận hiến hương thơm quyến rũ cho đất trời cao nguyên chừng hơn một tháng, rồi lại vùi mình vào đất.
Với đồng bào bản địa, groach là món quà thơm tho của Yàng. Tự tại mọc giữa thiên nhiên trong lành. Được nắng gió cao nguyên nuôi dưỡng. Đó là loài cỏ bí ẩn mà cứ mang về vườn nhà trồng là héo rũ rồi chết. Ngày trước, ở Tây Nguyên nhiều vùng có cỏ thơm. Giờ ít dần.
Nâng niu nắm cỏ thơm trên tay, bà Siu H’bai, làng Jut, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai), cho biết: “Giờ cỏ thơm vẫn còn nhưng hiếm lắm. Để có nắm cỏ thơm này phải đi xa, xa lắm. Ngày trước, trên những bờ bao lúa rẫy sau khi thu hoạch xong thì cỏ thơm cũng nảy hạt, mọc lên. Cứ sau khi đi làm về, người lớn, trẻ em cũng đi kiếm cỏ. Nó mọc rải rác mỗi nơi một cây, nhổ được ít thôi nhưng quý”.
Người ta lý giải do quá trình di dân, khai hoang cùng biến đổi khí hậu, loài cỏ quý này dần biến mất. Nhiều nơi, cỏ thơm chỉ còn trong ký ức.
“Ngày trước, cứ dứt mưa là người làng vào rừng khộp kiếm cỏ. Đàn bò đi trước gặm cỏ, mình chỉ đi sau, ngược hướng gió. Hễ ngửi được mùi thơm từ hướng gió ngược ấy là y rằng có cỏ thơm. Kiếm được ít thôi nên quý lắm. Mỗi lần may lắm chỉ được trên dưới chục gốc. Ngày xưa đã hiếm, giờ càng khó tìm”, anh Rơmah H’Com, người dân ở huyện Chư Prông (Gia Lai), nhớ lại.
Mỹ vị mặn mòi
Nói đến sự độc đáo của ẩm thực Tây Nguyên, không thể không nói đến muối. Vùng đất mà trong lịch sử một thời, thiếu muối trở thành nỗi ám ảnh. Còn nhớ câu hát trong bài Tình ca Tây Nguyên của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Hạt muối năm xưa từng trông chờ đỏ mắt. Anh gùi muối về trong cái chết gần kề”. Thời “đói” muối, người bản địa lấy gốc cỏ tranh đốt cháy, tổ kiến vàng thay thế. Nói vậy để thấy hạt muối quan trọng thế nào trong đời sống hàng ngày ở đây ngày trước. Và có lẽ từ sự trân trọng ấy, cư dân bản địa Jrai, Bana, Ê Đê, Xê Đăng… đã sáng tạo nên những món chấm từ muối.
Từ muối, người bản địa Tây Nguyên có thể kết hợp với các nguyên liệu tại địa phương chế biến thành những muối é, muối kiến… Nhưng đặc sắc nhất là muối cỏ thơm.
Cách chế biến muối cỏ không quá cầu kỳ. Chỉ cần muối hạt, bột ngọt, nhiều ớt và dĩ nhiên phải có cỏ thơm. Đặc biệt, khi khô, cỏ thơm phảng phất mùi đặc trưng. Lúc giã lôi kéo nhiều người làng vây quanh hít hà. Vị mặn mòi của muối. Vị cay của ớt. Chút thơm ngát nồng say của cỏ hòa quyện, tạo thành một gia vị khó lẫn giữa muôn vàn món ngon vật lạ trên đời.
- Xem thêm: Lịch sử của một người thợ chiêng
Siu H’bai – người đàn bà 61 tuổi – cả đời gắn bó với gian bếp và những lọ muối cỏ thơm nồng – hồi tưởng: “Ngày trước nghèo, không có nhiều đồ ăn đâu. Muối cỏ chấm với măng rừng, với rau cũng ngon. Muối này dùng chấm các loại thịt nướng thì không gì bằng. Ngày nay, muối cỏ thơm chỉ dùng khi có lễ hội lớn hoặc để đãi khách quý thôi”.
Cao nguyên khốn khó nhưng ngập tràn sự hào sảng. Mỗi khi khách đến thăm, họ đều đem những thứ quý nhất ra tiếp đón. Đó là ghè rượu cần, là con gà nướng chấm chút muối thơm mời nhau, song hàm chứa cả sự phóng khoáng nơi núi rừng. Hay đó là mùa lễ hội, những ngày “ăn năm uống tháng”. Nơi ấy, khách lạ được chủ đặc cách với sự chăm sóc chu đáo nhất. Nơi ấy, trai gái tìm mắt nhau. Những người già nhìn nhau cười hể hả, không màng đến cuộc sống khốn khó.
Dư âm phong vị cao nguyên
Chiều muộn dần. Ánh dương dần tắt từ rặng núi xa. Cao nguyên sắp vào đêm lạnh của những ngày cuối năm. Bà Siu H’bai vào nhà lấy cái cối được làm bằng gỗ cây kơnia – một loại cây được xem là biểu trưng cho sự bất khuất, kiên cường của người Tây Nguyên. Chiếc cối gỗ cũ kỹ, ám màu thời gian và như còn thơm mùi cỏ quyện dưới đáy cối.
Bà dùng kéo cắt nhỏ bó cỏ groach bỏ vào cối cùng muối, ớt, bột ngọt rồi giã nhỏ. Mùi thơm nồng, ngan ngát phảng phất. “Phải giã thật nhuyễn, khi chấm mới thấm, mới ngon. Giờ hiếm lắm, nhà mình cũng phải đặt mua mãi mới có. Vào rừng xa mới nhổ được cỏ nên cũng ít người đi. Có nhiều người tìm hỏi, đặt mua nhưng không có để bán đâu”, bà Siu H’bai nói.
Không biết tự bao giờ, ông Rơ Châm Nguich, chồng bà đã đem cây đàn goong ra trước hiên, vừa gảy vừa hát một bài dân ca của người bản địa Jrai. Bài hát ấy trong tiếng Việt có nghĩa là “Đêm trăng”:
Rừng rì rào cùng suối reo
Quê hương thân yêu
Nương rẫy được mùa vui sao
Trong ánh trăng buôn làng yên vui
Tiếng t’rưng ngân vang rộn ràng ngày đêm
Đất Tây Nguyên khi trăng lên…
Tiếng đàn goong réo rắt vang cả một góc làng. Buông đàn, ông nhón một chút muối cỏ thơm bà vừa giã cho vào miệng. Họ như tan mình vào những hoài niệm nơi buôn làng xa vắng…
Không gian buôn làng ấy như dòng mạch ngầm chảy suốt trong mỗi con người cao nguyên. Và đó là khởi nguồn cho những nhớ nhung, cho niềm hoan ca ngày lễ hội, của bao biến động cuộc đời…
- Xem thêm: Trời không đủ chỗ cho MÂY
Ông Ksor Hoan, một người Jrai ở huyện Chư Prông (Gia Lai) từng kể với chúng tôi rằng: “Ngày trước mình phải đi sang tận tỉnh Kon Tum để học văn hóa. Gần cả năm mới được về nhà. Có mấy anh em ở Gia Lai đi cùng nữa. Cứ buổi chiều thấy nhà nhà nổi bếp, làn khói bay lên báo hiệu sắp buổi cơm chiều là mọi người nhớ nhà không chịu nổi. Đến khi nghỉ học được về nhà, từ đằng xa thấy cây kơnia của làng sừng sững, mừng không tưởng tượng nổi. Thèm từng vị muối mặn mòi, thèm cả nghe tiếng cồng, tiếng chiêng của làng mình lắm”.
Chỉ là cọng cỏ hoang dã thôi. Nhưng ở đó, con người nhìn thấy sự sống kỳ diệu giữa thiên nhiên trong lành. Tây Nguyên, từng là một khoảng trời hoang sơ, nơi hạt cỏ bình dị cũng có thể nảy mầm, sinh ra mùi hương quyến rũ, góp thêm mỹ vị cho đại ngàn. Về miền cỏ thơm bây giờ, nhà rông bị bê tông hóa. Nhà dài không còn nữa. Không gian văn hóa bị phôi phai rất nhiều. Hỏi về cọng cỏ thơm, nhiều người già ngơ ngác. Người trẻ gần như không biết gì. Đến cây cỏ dại cũng dần mất đi. Hương thơm cũng dần nhạt nhòa giữa đất trời. Thử hỏi có gì là bất biến được đâu.
Muối cỏ thơm – còn chút mặn mòi, cay nồng, thơm tho sót lại.