“Thiên Thọ” và “vạn Thọ”
Theo nhà thư pháp TQ nổi tiếng, GS Lưu Giang, từ cổ chí kim, có khoảng 150 cách viết chữ Thọ có xuất xứ. Tuy vậy, trong thực tiễn sáng tác, xuất phát từ nguyện vọng mong được trường thọ, người ta đã sáng tác bức “Thiên Thọ” hoặc “Vạn Thọ”. Trong những bức thư pháp đó, điều được mọi người chăm chú không còn là bản thân cách viết đúng hay sai, mà là tính thẩm mỹ nội tại của tác phẩm.
Trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật mừng Quốc khánh thứ 60 (2009) nước CHNDTH, danh họa nghiệp dư Vương Quảng Diệu đã trưng bày bức họa “Thiên thọ đồ” do ông sáng tác, khán giả đã tấm tắc khen ngợi. Bức họa dài 10m, do tác giả viết nắn nót 1.000 chữ Thọ theo thể tiểu triện. So với các bức “Thọ” trước, bức họa này quy mô hung vĩ và khí thế như trào dâng.
Nguồn cảm hứng từ bức “Thiên thọ phướn” bà Từ Hy
Được sự kiện “Thiên thọ đồ” cổ võ, nhà thư pháp Chu Kiến Nam, người tỉnh Hồ Nam TQ quyết tâm đột phá.
Từ Hy là là vị thái hậu quyền thế cuối cùng nhà Thanh TQ (?-1908). Khi bà làm đại thọ 60, triều đình đã cử người xuống dân gian sưu tầm được 4.000 chữ Thọ khác nhau theo lối chữ triện, rồi dùng sợi ngũ sắc thêu trên gấm vóc, gọi là “Thiên Thọ phướn”. Bà rất ưng ý vơi món quà sinh nhật độc đáo này.
Một chữ Thọ mà có nhiều cách viết vậy ư? Ông Chu cảm thấy khó tin, nhưng đồng thời cũng bị quyến rũ bởi hét đẹp độc đáo của chữ Hán. Ông mong mỏi tìm ra “Vạn Thọ đồ”, nhằm phá kỷ lục Guiness.
Huy động cả nhà đi tìm “con chữ”
Ông Chu bắt đầu sưu tầm từ các mẫu chữ xưa, sách vở, lịch treo tường… Ông thích du lịch, mỗi khi đến nơi nào đó, ông đều chăm chăm tìm chữ Thọ trên bia đá, đình chùa miếu mạo, điêu khắc rồi đồ theo. Con gái ông khi đi du lịch gặp chữ Thọ cũng chụp gửi cho ông. Có lần, vợ ông đi dạo gặp người mang túi giấy trên có chữ Thọ, liền đổi chiếc túi vải của mình lấy chiếc túi giấy, mang về cho chồng nghiên cứu.
- Xem thêm: Bên mâm tết “đồng phục”
Để cho tác phẩm mình đạt mức hoàn mỹ, ban ngày ông tập viết đi viết lại, đêm khuya thanh vắng mới bắt tay vào sáng tác. Qua 6 năm sưu tầm không ngớt của cả gia đình, tháng 1.2015, ông đã công bố kiệt tác của mình.
Tác phẩm dài 118m, rộng 0,5m, gồm 10.080 chữ Thọ theo thể triện thư, không có chữ nào giống nhau (hình dưới).
Thiên hạ đệ nhất Phước (Phúc)
So với “cuộc hành trình” đi tìm chữ Thọ, đi tìm chữ Phước đơn giản hơn nhiều.
Chữ Phước đã thấy ở giáp cốt văn đơi nhà Ân (tức Thương, cách đây 3.600 năm), dần dần mới diễn biến thành thư pháp hiện đại.
Vua Khang Hy là đời vua thứ 3 nhà Thanh, ông trị vị 61 năm, lâu nhất TQ. Khác với cháu ông, vua Càn Long thích khoe khoang thơ văn, Khang Hy rất ít đệ tự, ông chỉ đệ duy nhất 1 chữ Phước, lai trở thành “Tiên hạ đệ nhất Phước”.
Năm Khang Hy thứ 12 (1673), bà nội ông, Hiếu Trang thái hậu lâm bệnh trầm kha, các thái y đều bó tay. Không biết làm sao, ông đành phải nhờ cậy thần linh. Sau 3 ngày tắm gội chay tịnh, ông đã cầm bút viết một lèo đại tự “Phước”.
Kể cũng lạ, sau khi được chữ Phước, bà Hiếu Trang bách bệnh tiêu tán, chết an nhàn ở tuổi 75. Bà đã sai thợ tạc chữ Phước lên đá, trở thành vật báu trấn tại Tử Cấm thành. Sau đó, mặc dù Khang Hy nhiều lần cầm bút, cũng không thể nào viết được chữ Phước có hồn như xưa, dân gian tin rằng đó là “hồng phước trời ban”. Đến đời Càn Long, bia đá bị mất một cách bí hiểm, trở thanh nghi án lịch sử; mãi đến năm 1962, khi tu bổ phủ Cung Thân vương ở Bắc Kinh, người ta mới tái phát hiện tấm bia quý giá này.
Đa phước, đa lộc, đa thọ
Sài Gòn xưa có Thương xá Tam Đa, phản ánh tín ngưỡng dân gian về 3 ngôi sao: Phước thần, sao Lộc và ông Thọ.
Tôi từng đến Khu Du lịch Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông TQ, Khu du lịch không những tạc lên vách đá chữ “phước” 21,9×16,3m, lớn nhất TQ, còn có đảo Tam tiên, là nơi trú ngụ của 3 ông Phước-Lộc-Thọ. Trong truyện Tây du ký, Tôn Ngộ Không từng lên đảo cầu thuốc tiên cứu cây nhân sâm của Trấn Nguyên tử, nay vẫn còn di chỉ “Nơi Tôn Ngộ Không lên đảo”(!).
- Xem thêm: Đi đâu mà lắm vậy!
Hình tượng sao Lộc là ông tiên mặc lục bào, tay ẵm đứa con trai. Ông không những mang lại tài lộc, con kiêm cả chức năng “cầu tự”.
Đến nay, thư pháp chữ Lộc của nhà đại thư pháp đời Tống Nhan Chân Khanh được cho là mẫu mực nhất.
Ở Mỹ, không chỉ có một nơi được gọi là Little Saigon, nhưng tiếng tăm lẫy lừng nhất phải kể đến Little Saigon ở quận Cam, Nam bang Cali mà trung tâm là Thương xá Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa. Trước Thương xá Phước Lộc Thọ dựng tượng ba ông Phước, Lộc, Thọ, chứng tỏ Phước Lộc Thọ đã trở thành biểu tượng hồn Việt, không phải văn hóa ngoại lai nữa.