Chỉ có 1,5% tác phẩm nghệ thuật được tìm lại sau khi bị đánh cắp. Tại sao bảo tàng không đặt hệ thống GPS trên mọi thứ?
Năm 2014, một kiệt tác thời Phục hưng – một bức tranh có kích thước 6m x 4m do Guercino vẽ năm 1639 và trị giá trên 8 triệu USD đã bị trộm mất. Kẻ trộm bức tranh đã không cần làm gì nhiều; hệ thống an ninh bảo vệ của nhà thờ đã không hoạt động và chưa được sửa chữa do thiếu ngân sách, theo tờ The Telegraph.
Khi một tác phẩm nghệ thuật biến mất khỏi một bảo tàng hay một nhà thờ, cơ hội tìm lại được nó là vô cùng mong manh. Theo thời báo The Art, chỉ có 1,5% tác phẩm nghệ thuật được tìm lại sau khi bị đánh cắp. Sau khi rời khỏi nơi trưng bày, thật khó để truy tìm dấu vết của tác phẩm nghệ thuật. Theo dấu một chiếc iPhone bị cướp giật còn dễ dàng hơn theo dấu một bức tranh thời Phục hưng bởi vì iPhone liên tục gửi tín hiệu đến các trạm thu phát xung quanh nó. Đơn giản chỉ cần nhấp vào ứng dụng “Find My iPhone” là xác định được ngay vị trí của nó thông qua GPS. Vậy tại sao các bảo tàng không làm điều tương tự?
Robert Wittman, một cựu nhân viên đặc biệt của FBI, đã tìm lại được những tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp với tổng giá trị hơn 225.000.000 USD (và đã viết về chuyện này trong cuốn sách Priceless), nói rằng về cơ bản không tồn tại loại công nghệ như trên. Ít nhất là không phải ngay bây giờ. “Để làm được điều đó, bạn phải có hệ thống GPS tương tự như điện thoại di động gắn vào mặt sau của mỗi bức tranh. Bạn phải gắn cho mỗi bức tranh mỗi đêm”.
- Xem thêm: Những bức tranh nổi tiếng bị đánh cắp
Wittman giải thích: việc gắn một thiết bị theo dõi vào mỗi bức tranh nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây thực sự là một thách thức rất lớn. Bạn sẽ cần một thiết bị có tuổi thọ pin dài hạn để bạn không cần phải sạc liên tục. Nó phải đủ nhỏ để đưa vào tác phẩm mà không gây hư hỏng và đủ nhỏ để không bị những tên trộm phát hiện. Đồng thời, nó phải được thiết kế sao cho nếu kẻ trộm phát hiện ra, nó có thể được gỡ ra mà không làm tổn hại đến tác phẩm nghệ thuật. Thiết bị viễn tưởng này sẽ phải đủ mạnh để truyền tải tín hiệu từ bên trong những chiếc hộp hoặc tủ quần áo, hoặc nhà kho, nơi kẻ trộm đột nhập lấy nó, nhưng giá cả cũng phải tương đối rẻ để các bảo tàng có thể mua hàng ngàn cái. “Công nghệ này chỉ đơn giản là không tồn tại”, Wittman nói.
Điều đó không có nghĩa là không thể áp dụng các giải pháp công nghệ cao vào việc bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật. Trong những năm gần đây, công nghệ RFID, sử dụng trường điện từ để xác định và theo dõi các thẻ gắn trên các đối tượng đã trở nên phổ biến hơn trong các bảo tàng. Theo đó, tác phẩm nghệ thuật được gắn một thẻ RFID nhỏ sẽ phát tín hiệu nếu nó bị di dời khỏi vị trí của nó trên tường hoặc trên sàn. Một đầu đọc RFID trong tòa nhà sẽ theo dõi các vị trí này. Vì vậy, nếu một người nào đó gỡ một bức tranh ra khỏi tường, báo động sẽ vang lên ngay lập tức. Tuy nhiên, hệ thống RFID chỉ làm việc bên trong tòa nhà. Người quản lý chỉ có thể theo dõi trên thẻ trong khoảng 70m. Sau khi bức tranh bị đưa ra khỏi cửa, về mặt điện từ, nó trở nên vô dụng.
Wittman còn chỉ ra rằng nếu phần còn lại của công tác an ninh không tốt, RFID cũng không thể giúp ích. “Trong một tình huống, nếu có 4 tên cướp đi vào với súng máy, họ không quan tâm đến RFID. Mọi người sẽ chỉ quan tâm rằng chúng có súng máy”. Và trong trường hợp những kẻ trộm đã lấy được tác phẩm nghệ thuật, việc biết được rằng vật thể đã bị gỡ khỏi bức tường không còn hữu ích nữa. Trong một trường hợp tại Bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna, một tên trộm đã đột nhập thông qua cửa sổ và lấy đi một tác phẩm điêu khắc Cellini Salt Cellar chỉ trong 58 giây. Không có hệ thống báo động nào có thể phản ứng nhanh như thế.
Steve Layne, Giám đốc sáng lập của Quỹ bảo vệ tài sản văn hóa quốc tế, nói rằng tốt hơn những bảo tàng nên tập trung vào việc trang bị cho khu trưng bày hơn là vào chính các tác phẩm nghệ thuật. “Những người quản lý bảo tàng không thích bất cứ thứ gì gắn lên các tác phẩm nghệ thuật”, ông nói. Thay vào đó, ông cho rằng ưu tiên hàng đầu của hầu hết các bảo tàng là cố gắng đảm bảo các tác phẩm nghệ thuật không rời khỏi bảo tàng. “Sự tập trung chính không phải là theo dấu nghệ thuật bên ngoài bảo tàng, mà là theo dấu trong khi nó đang ở trong viện bảo tàng. Trọng tâm là ngăn chặn bất cứ thứ gì rời khỏi các bức tường”.
Các viện bảo tàng không thích tiết lộ những gì họ làm và không làm để đảm bảo an ninh. Cả Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại cũng như Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Mỹ đều không chia sẻ bất cứ điều gì liên quan đến các loại tính năng bảo mật mà họ sử dụng trên từng tác phẩm.
- Xem thêm: 5 tuyệt tác nghệ thuật bị mất cắp
Công tác ngăn chặn tình trạng trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật cần tất cả các loại hệ thống an ninh công nghệ cao và thấp, từ máy phát hiện chuyển động đến các ổ khóa trên cánh cửa và các nhân viên bảo vệ lão luyện. Cả Layne lẫn Wittman đều nói đó là những gì mà an ninh bảo tàng sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. Layne nói: “Bây giờ các hệ thống video là dựa trên máy tính và họ có thể truyền tải đi một hình ảnh ở bất cứ nơi nào”. Wittman đặt cược vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt. “Những kẻ cắp nghệ thuật sẽ không ăn cắp chỉ một lần. Chúng sẽ tiếp tục hành vi đó bởi vì chúng bị ám ảnh bởi những bức tranh này”.
Vì vậy, một ứng dụng hay ho, chẳng hạn như “Find my Caravaggio”, có thể sẽ chưa ra đời trong tương lai gần. Nhưng vẫn có chỗ cho GPS trong công tác an ninh nghệ thuật. Khi các tác phẩm được trưng bày trong một cuộc triển lãm di động hoặc được vận chuyển từ một bảo tàng đến một bảo tàng khác, người phụ trách và các chuyên viên an ninh sẽ đặt các thiết bị theo dõi GPS trên những xe tải và thùng chứa. Và đôi khi Wittman để một điện thoại di động không dùng nữa vào buồng lái của chiếc xe tải để đề phòng trường hợp xấu. “Kẻ trộm có thể tìm kiếm thiết bị theo dõi GPS để tháo ra nhưng chúng sẽ không để ý đến một điện thoại di động nhỏ dưới ghế ngồi”.