Tích “Phong kiều” hay “Hàn Sơn tự” (chùa Hàn Sơn/San) cùng bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế thời Đường được rất nhiều nghệ nhân, hoạ sĩ, thư gia thể hiện trên đồ gốm sứ, tranh, thư pháp. Riêng trong gốm sứ, đây là một tích kinh điển mà người chơi cổ vật không thể không biết. Dưới đây là một cái bát vẽ tích Hàn Sơn tự cụ thể.
Thông tin
- Chiều cao: 7.5cm
- Đường kính miệng: 15.5cm
- Thể loại: Men lam (trắng – xanh)
- Niên đại: Ước chừng khoảng cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19
- Tình trạng: Tóc 4 đường xuyên cốt kéo dài từ vành chạy dọc xuống chạm lòng bát. Cốt đanh. Men trắng ngả xanh nhạt. Thấu quang. Đẹp.
Minh Văn
- Minh văn (chữ) trên chiếc bát gồm 2 phần: Dương văn (chữ trên thân bát) và Âm văn (chữ hiệu đề dưới trôn bát).
- Phần dương văn gồm 2 câu thơ thất ngôn, tổng cộng 14 chữ, viết thành 4 dòng dọc, từ phải qua trái, kết cấu 5/2.
Nguyên văn:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
月落烏啼霜滿天
江楓漁火對愁眠
Nghĩa là:
Từ ngôi chùa Hàn San ngoại thành Cô Tô,
Tiếng chuông vang vọng đến thuyền của khách phương xa lúc nửa đêm.
Bên phải phía trên hai câu thơ có hình một chiếc lá, bên trái phía dưới hai câu thơ có hình một triện tròn và một triện vuông kích cỡ bằng một chữ viết. Đây cũng chính là dấu hiệu mở đầu và kết thúc một đoạn thơ hay một đoạn văn được viết trên gốm.
Nguyên bài này có 4 câu với 28 chữ, được nhiều người dịch:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
月落烏啼霜滿天
江楓漁火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船
Dưới đây được xem là bản dịch hay nhất, tương truyền do Tản Đà dịch:
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Ngoài ra còn nhiều bản dịch khác, dưới đây xin giới thiệu vài bản ít người biết:
Dịch giả Nguyễn Đức Tường có hẳn 2 bản dịch theo 2 thể thức khác nhau (một lục bát, một thất ngôn) ở mục “Dịch thơ Đường” trên báo Tuần lễ năm 1940:
1.
Ác kêu trăng lặn sương mù
Lửa chài hiu hắt giấc sầu say sưa
Ngoài thành trên núi có chùa
Tiếng chuông đêm vắng xa đưa tới thuyền.
2.
Trăng lặn chim kêu lác đác sương
Lửa cây rủ rỉ giấc nằm suông
Ngoài thành trên núi chùa đâu đó
Thuyền khách canh khuya lắng tiếng chuông.
Ở đây có điều thú vị là phần tác giả, thấy ghi “Vương Xương Linh”, trong khi phần tác giả bài Khuê oán lại đề “Trương Kế”. Có lẽ do “trục trặc kỹ thuật” ở khâu sắp chữ, ấn loát, nên phần tác giả bị đảo ngược như thế.
Tiếp theo là một bản dịch của TCHYA (tức thi sĩ Đái Đức Tuấn: 1908-1969), in trên mục dịch thơ Đường của báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1949:
Quạ kêu trăng xế sương tuôn
Lửa chài cây bến đối buồn nằm khan
Thành Cô Tô, miếu Hàn San
Nửa đêm chuông vẳng tiếng sang thuyền người.
Ngoài tên gọi quen thuộc “Phong kiều dạ bạc”, bài thơ này còn có tên “Dạ bạc phong giang”, hay “Dạ bạc Tùng giang”.
Về thư pháp, nét chữ trên chiếc bát khá rõ ràng, cứng cáp, co duỗi phóng khoáng.
Phần âm văn là hai chữ viết theo lối triện thư vuông, nét chữ chất phác ra vẻ cổ kính, tạm đoán đọc là “Gia Lạc” (nghĩa đen là: tốt đẹp, vui vẻ). Đây được xem là triện hiệu hiếm gặp.
Hội hoạ
Ở trên là phần Thi, giờ nói qua phần Hoạ. Tranh vẽ trên bát cũng gồm 2 phần: Phần thứ nhất vẽ một ngôi chùa, đúng hơn là một gác chuông khá đẹp nằm giữa một bên là gốc tùng, một bên là khóm trúc, có đá bao quanh ở dưới, mây phủ phía trên; bên cạnh chùa là một toà vọng lâu được bức tường thành dài kiên cố bao bọc, tượng trưng cho thành Cô Tô. Phần thứ hai vẽ một con thuyền có mái, cờ, cửa, rèm và thấy rõ hình một người đang ngồi bên trong.
Bút pháp phần tranh khá tinh tế, điêu luyện và thống nhất, hài hoà với phần thơ, chứng tỏ khả năng người viết và người vẽ là một.
Trong bài viết này, chúng tôi cho thêm vài hình minh hoạ, lấy từ trang mạng của một khách du lịch từng đến chùa Hàn Sơn du ngoạn, để so sánh chơi giữa cảnh vẽ trên bát và cảnh chụp bên ngoài, đồng thời thấy cách người Trung Quốc gìn giữ và quảng bá di tích của họ.
Ý nghĩa
Trong thú cổ ngoạn, bát là đồ được nhiều người yêu thích, một nguyên nhân quan trọng là do ở Trung Quốc, chữ “bát” đồng âm với chữ “phát”, như chúng ta thấy phổ biến trong việc chọn số điện thoại và số xe, nhiều người sẵn sang bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu dãy số 8 đẹp, vì số 8 (bát) cũng đồng âm với “phát”. Niềm tin này vốn phát nguyên từ Trung Quốc, nhưng nó đã theo sự lan truyền văn hoá xâm nhập vào xứ ta, trở thành một nét văn hoá chung, thể hiện trên rất nhiều mô típ trang trí và niềm tin dân gian. Ví dụ: lục (số 6) – lộc, cửu (số 9) – cửu (bền lâu), cá – dư, lộc (hươu nai) – lộc (tài lộc), bức (con dơi) – phúc, hầu (khỉ) – hầu (công hầu), phong (con ong) – phong (phong tặng), giải (cua) – giải (đạt),…
Liên quan đến tích này có nhiều câu chuyện được kể. Có người bảo nguyên nhân bài thơ này ra đời là vì Trương Kế đi thi bị trượt, đón thuyền quay về ngang qua bến Phong Kiều thì đêm muộn phải dừng thuyền lại nghỉ, thế là bài thơ ra đời. Có người phủ nhận thuyết trên, bảo đường về nhà Trương Kế cách xa nơi này cả ngàn dặm, vậy không có chuyện khi ông quay về lại đi lạc đến tận đây, người ta cho duyên do bài thơ này ra đời là bởi khi ấy An Lộc Sơn nổi loạn, năm 755, vua Đường Minh Hoàng phải dắt Dương Quý Phi cùng quan quân rời kinh thành Trường An đến Giang Nam, Trương Kế cũng lưu lạc đến nơi này và bài Phong kiều dạ bạc đã ra đời trong bối cảnh ấy.
Rồi chuyện các địa danh được nhắc đến trong bài thơ này cũng nhiều chỗ ly kì. Người ta bảo con sông này xưa kia tên “Tùng giang”, còn cây cầu ở đây được gọi là “Giang Phong kiều” hay “Phong kiều”, thực ra nơi này vốn không có cây phong nào cả, mà chữ “phong 楓” (cây phong) vốn là do chữ “phong 封” (chặn, đóng) đồng âm dị nghĩa biến ra. Nguyên nhân là trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, chuyện đi lại bị giới nghiêm, không chỉ trên đường bộ mà ngay cả đường thuỷ cũng bị chốt chặn về đêm, cái chốt chặn ấy đóng ngay chỗ cây cầu, nên cầu ấy có tên là “Phong Kiều”. Sau đó người ta đổi tên, chơi chữ lâu ngày, tên cũ mất đi, tên mới thay vào, khiến hậu thế cứ tưởng tượng rằng xưa kia ở nơi này hai bờ sông từng có rừng phong đỏ thắm. Có người cho biết chữ “sầu miên” cuối câu thơ thứ 2 vốn là tên một ngọn núi “Sầu Miên sơn” nằm gần bến sông.
- Xem thêm: Sống lại những nền văn hóa cổ
Về tiếng chuông vang lên cuối bài thơ, có người cho rằng phi lý, viện vào lệ “thần chung mộ cổ” thời xưa nghĩa là sáng sớm thì đánh chuông, chiều muộn thì đánh trống, cho nên Trương Kế nói “bán dạ chung thanh” là tiếng chuông được đánh lúc nửa đêm thì trái lẽ. Người phản bác thuyết này cho rằng, “thần chung mộ cổ” là lệ ở trong quân doanh quân đội hay đời thường, còn bên nhà chùa người ta làm ngược lại: đêm xuống thì đánh trống trước đánh chuông sau, sớm mai thì đánh chuông trước đánh trống sau. Cũng có người bảo, nhà thơ Trương Kế say xỉn nên thần trí mơ màng, mở mắt thấy cảnh ban mai nghe tiếng chuông buổi sớm tưởng nhầm chuông ban đêm, vì câu “nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” (trăng sắp lặn, quạ kêu, sương rơi đầy trời) chính là cảnh sớm mai.
Trong nghệ thuật cũng như cổ vật, tích Hàn Sơn hay Phong Kiều thường được dùng để biểu hiện tâm sự cô đơn của người tha hương vì một lý do nào đó, mặt khác cũng là tích người ta mượn để tả danh lam thắng cảnh và cái không khí khung cảnh u nhã tĩnh lặng. Riêng với người chơi cổ ngoạn bình thường, câu chuyện có lẽ sẽ xoay chung quanh chuyện ngâm nga bài Phong kiều dạ bạc, bình luận về chữ nghĩa, ý tứ của bài thơ, về những giai thoại truyền thuyết liên quan đến tác giả tác phẩm, bình phẩm về nét bút trên phần thi và trên phần hoạ, rồi đoán định niên đại của chiếc bát cùng cái triện khó đọc dưới trôn. Nhìn chiếc bát, nhất là xem cái lòng ngang dọc dấu tích sử dụng và vết thời gian, chúng ta có thể hình dung được rằng nó đã từng là vật sở hữu không phải chỉ của một mà là nhiều chủ nhân và người nào cũng rất quan tâm đến nó.