Câu tục ngữ này, ai cũng hiểu rằng “lề” từ “lệ” mà ra, là quy định, lề lối, quy tắc, thông lệ; “thói” là cách thức, tục lệ, tập quán, phong tục… Nếu quan niệm Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá; Nhập gia tùy tục thì khi đến địa phương nào ta phải hiểu biết, tôn trọng lề, thói nói ấy để có phép ứng xử phù hợp. Tạo ra lề, thói ấy chính là quần thể cư dân nơi ấy. Dù vẫn biết, trên dải đất non sông gấm vóc hàng ngàn năm văn hiến đã tạo dựng nên bản sắc văn hóa Việt thống nhất từ Nam chí Bắc, tuy nhiên, trong tương đồng vẫn có dị biệt.
Vậy thử hỏi, ăn giỗ ở Nam bộ có khác gì ở miền Trung, miền Bắc? Khoan trả lời vội. Ăn giỗ là gì? Gọi nôm na, có thể ban đầu ông cha mình gọi “giỗ lạp” dần dà biến hóa thành “giỗ chạp”. Bằng chứng Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích: “Kỵ lạp là giỗ quải, dùng đồ săn bắn mà quải giỗ”. Lạp có nghĩa “săn bắn”. Từ đó, có thể suy luận giỗ, cúng cơm, kỵ cơm đã đã phong tục có từ thời xa xưa lắm, thời con người còn săn bắn và truyền đến ngày nay. Mục đích cuối cùng của giỗ chạp, đầu tiên là thể hiện chữ Hiếu với người đã khuất; kế đến là dịp anh em, họ hàng, bà con, đồng nghiệp có dịp gặp gỡ, trò chuyện, gắn kết tình thân trong gia tộc, đoàn kết với bà con chòm xóm…
Ăn giỗ ở Nam bộ có khác gì với miền Trung, miền Bắc? Xét về góc độ truyền thống gia đình, sẽ thấy giống hệt nhau. Từ đời này qua đời nọ đã trở thành một nề nếp bất di bất dịch. Đó là chỗ mâm trên, nơi cánh đàn ông đang ồn ào “làm chủ tình hình” dạt dào nâng ly, đố ai có thể tìm được bóng dáng của người phụ nữ. Họ chỉ thấp thoáng đôi chút là quay ngược vào bếp. Cái bếp vẫn là nơi chốn của họ, dù tiệc tùng khách khứa ồn nào nhưng họ vẫn lặng lẽ phía sau.
Nhìn hình ảnh ấy, bỗng dưng tôi lại nhớ đến mẹ, đến chị mình ngoài quê Quảng Nam xa tít. Vẫn bóng dáng lặng lẽ chịu thương, chịu khó ấy. Những gương mặt quê mùa ruột thịt ấy dần dần hiện lên khi nhìn thấy các mẹ, các chị trong ngày giỗ chạp tại nhà bạn ở Nam bộ. Lại dần dần hiện lên loáng thoáng trong cốc rượu trắng đang cầm trên tay nên hào hứng ngửa cổ rót ực qua cổ họng. Một dòng men nóng ran. Như lửa. Tê rần rần đầu lưỡi. Thật chậm. Men của lửa trôi dần. Trôi dần. Rất chậm. Lòng rưng rưng và cảm động quá đỗi. Trộm nghĩ, tài bồi nên nếp nhà, không thể không nghĩ đến các mẹ, các chị lặng lẽ, lẳng lặng phía sau bếp.
Rồi vẫn là lúc tiễn khách ăn giỗ, các chị, các mẹ lại gửi họ một ít trái cây đem về, gọi “ăn lấy thảo”. Lại tần ngần nghĩ “ăn lấy thảo” là ăn ra làm sao? Là ăn để cảm nhận, ghi nhận tấm lòng hiếu khách, thơm thảo của gia chủ. Cách nói của người Việt ở Nam bộ cũng giống hệt ở ngoài Trung, ngoài Bắc. Chẳng khác gì. Vì thế, đến xứ lạ, đất lạ ta lại thấy lòng ấm áp, thân mật. Rõ ràng, phép ứng xử không khác, cùng một nguồn cội văn hóa Việt, thế nhưng vẫn có khác đấy. Cái sự khác ở đây, đôi lúc mờ nhạt, khó có thể nhận ra, nếu lúc quan sát, ta không có sự liên tưởng xa gần và so sánh.
- Xem thêm: Tục ăn trầu ở châu Á
Tôi còn nhớ, ở quê nhà Quảng Nam, chừng hơn nửa thế kỷ trước, vào chiều ngày ba mươi Tết, bà ngoại tôi đặt một mâm trầu cau, hoa quả, nhang đèn lên thành giếng nhà, dù đơn sơ nhưng thành tâm nhằm tạ ơn cái giếng đã quanh năm cho mình nguồn nước trong veo, mát ngọt, gọi là Lễ giếng. Từ lúc cúng, không ai sử dụng nữa. Mãi rạng sáng hôm sau mới bắt đầu thả gàu xuống giếng, múc những gàu nước đầu tiên được đổ vào vài cái thau sạch, trong đó có hoa thơm, lá thơm dùng rửa mặt – ngụ ý bước sang năm mới mọi việc hanh thông, tươi mới, xuôi chèo mát mái… Thú thật, tôi không biết ở Bến Tre có tục lệ này không, nhưng biết chắc một điều là có Lễ Tết trâu.“Giã ơn cái cối cái chày/ Đêm khuya giã gạo có mày có tao”, dù cái cối, cái chày là vật vô tri vô giác, người ta cũng không quên ơn, chứ huống gì con vật đã từng gắn bó từ ngày này qua tháng nọ: “Trên đồng cạn, dưới dồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.
Trước đây từ năm 1969, khi thuật lại chuyện cảnh cũ – người xưa, nhà nghiên cứu Việt Cúc đã làm một việc đáng quý là đi điền dã ghi chép nhặt nhạnh, gom góp lại phong tục, tập quán đã diễn ra tại nông thôn miền Nam là Gò Công, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Mỹ Tho… thời xa xưa, trong đó có Lễ Tết trâu. Xin chép lại hầu bạn đọc: “Làm ruộng nhờ có đôi trâu giúp sức, ngày Tết người được thong dong, nghĩ đến đôi trâu cực khổ với mình thì cũng cho nó hưởng Lễ Tết. Chiều mồng 3, người trong nhà hoặc đứa ở tắm rửa cho trâu sạch sẽ, cắt vài gánh cỏ non, một thùng nước trong, trong buổi chiều và đêm ấy, cho ăn uống đầy đủ. Khuya sáng mồng 4 làm lễ tại Ông chuồng, Bà chuồng và một mâm bánh và trái cây, một thúng gạo, rượu, trà, giấy vàng bạc… Người chủ đem rượu và trà đến trước chuồng trâu, nắm hàm con trâu đực, đổ một ly rượu vào miệng, mũi trâu. Kế lấy nắm lá vàng bạc, hai miếng dán lên hai sừng con trâu, sáng ra thả đi ăn thong dong. Còn đứa chăn trâu được thưởng một thùng gạo trắng, hễ một con trâu đực thì được thưởng 1 cặp bánh chưng và hai quan tiền. Cho về nhà nghỉ ngơi ba ngày rồi trở lại công việc” (Gò Công cảnh cũ – người xưa, tác giả XB năm 1969, tr.94).
Nét chung của Lễ Tết trâu là vậy nhưng đôi chỗ có sự du di chút đỉnh, ông Nguyễn Văn Phải ở Lộc Thuận, Bình Đại kể: “Hằng năm đến ngày mồng 3 Tết, Lễ Tết trâu được cư dân vùng này tổ chức. Người dân gói hai loại bánh: bánh tét và bánh chung, hai thứ bánh làm bằng gạo nếp, nhân đậu xanh, làm thành cặp chứ không làm thành chiếc. Mỗi con trâu đực một cặp bánh tét, mỗi cion trâu cái một cặp bánh chưng. Sừng trâu được quấn giấy như kiểu giấy bao nhang, màu đỏn có đính kim nhũ. Ngoài ra là gạo, nhang đèn, nước. Tất cả bày mâm cúng trước chuồng trâu, chủ nhà thắp nhang đèn cúng vái, sau đó, người chăn trâu được sử dụng những cặp bánh ấy” (Bình Đại địa chí – Nhiều tác giả, Huỳnh Văn Tháp, Phan Ngọc Đằng chủ biên – UBND huyện Bình Đại XB năm 1987, tr.131).
Xét ra, Lễ Tết trâu ở trong Nam không khác gì ngoài Trung, nếu có khác là khác gì? Tôi lan man nghĩ đến Lễ Mục đồng tại làng Phong Lệ (Đà Nẵng) điễn ra vào ngày 2.4 Âm lịch diễn ra vào các năm Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu. Ngày đó, trẻ chăn trâu là nhân vật chính, được khiêng bài vị thờ thần của làng, được mời vào ăn cỗ cùng với chư vị chức sắc trong làng, lúc này không phân biệt thứ hạng, chứ làng không thưởng tiền. Trong Lễ Tết trâu cũng không có quy định cụ thể dành cho trẻ chăn trâu như ở trong Nam. Cái chi tiết vừa nêu cho thấy khi lưu dân Ngũ Quảng vào Nam, do nhiều lý do, họ phóng khoáng, rộng rãi hơn với người ăn kẻ ở, xin nói nhỏ, hoàn toàn khác với chi tiết keo kiết, bủn xỉn rợn người như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, lúc nghị Quế sai cái Tý đem dĩa thịt ăn thừa đem cất vào chạn, sợ nó ăn vụng nên… đếm cẩn thận còn bao nhiêu miếng!
- Xem thêm: Những phong tục tập quán lạ mắt
Đất đai làm ăn dễ, làm chơi ăn thiệt cũng khiến tâm tính, tính nết người ta thay đổi theo chiều hướng nhìn sự việc nhẹ nhàng hơn, thong dong hơn. Ngày nọ, con rể nhà văn hóa Nam bộ Ca Văn Thỉnh là ông Nguyễn Long Trảo tặng tôi quyển hồi ký, kể lại dăm ba chi tiết thời thơ ấu đã trải qua. Tôi thích chi tiết này, lúc tát đìa: “Có quy ước rất hay là mỗi con cá khi vọt ra phía sau là đã thuộc về quyền sở hữu của những “con hôi” lúc nhúc bám theo sau, chủ nhà không được tiếc của mà quay lại bắt. Vì toàn là sình lầy nên cá thoát ra phía sau là chuyện bình thường, nên chủ nhà bắt được mười thì “con hôi” cũng được hai ba, có thể mang về làm mắm chứ không bao giờ hết”.
Chỉ một chi tiết nhỏ, có thể biết thêm tính cách chịu chơi, khoáng đạt của cư dân nơi đây, mình có cơm thì người ta cũng có cháo, chan hòa vui vẻ, chứ nào bo bo giữ riệt lấy cho riêng mình, nhờ thế, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, gắn bó, nhờ cậy lẫn nhau lúc tối lửa tắt đèn. Trong ngữ cảnh tát đìa nêu trên, “con hôi” là từ “hôi” mà ra. “Hôi” có nghĩa mót, nhặt những thứ còn sót lại; dần dần “hôi” mang nghĩa xấu như hôi của, hôi cá, đánh hôi…
Thường những nhà khá giả, có nhiều ruộng đất riêng mới đắp đập, thả chà, tức bỏ nhánh bần, tre, tàu dừa trong ao đìa, mương rạch để nuôi cá và có thời gian nhất định để “xả đập”, tát đìa, tát mương. Thế người nghèo thì sao? Ngoài việc đi “hôi cá”, họ có thể khai thác kinh rạch của làng xã, theo lệ ở Bến Tre, muốn như vậy thì họ phải trả một khoản tiền gọi là “thuế thủy lợi” tính gộp vào thuế thân.
Ừ, sau khi tát đìa, có cá lóc đem nướng trui, tuyệt quá. Chỉ cần nghĩ đến lúc ngồi trên triền đê, chiều râm mát, lai rai ba sợi, nhìn sợi khói bay lững lơ lượn lờ lúc nướng cá, nghe điếc mũi rồi… hát Lý con cá, thử hỏi còn gì thanh cảnh hơn, hào hứng hơn? Hát rằng:
Y a… Đập lưng con cá nướng trui
Ý a ý a… mừng tân gia đôi bạn
Lý tăng lý… Lý tăng ớ ơ đãi đãi người
Đãi đãi người phương xa năm ba kia hỡi
Tàu lại phương xa…
Nghe rạo rực, tình cảm, luyến láy nào khác gì lúc các bà Nguyễn Thị Tý, Kiều Thị Xuyến hát cho vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – Lê Giang ký âm ở Sơn Hòa, Châu Thành đấy nhỉ. Người Việt xa xứ, nếu nghe được ắt cầm lòng không đậu, bèn ra sân bay mua ngay cái vé bay vèo về quê thưởng thức, chứ gì? Mà thưởng thức món cá lóc nướng thế nào mới đúng điệu? Chỉ cần thanh tre vạt nhọn hai đầu, xiên từ miệng cá xuống đuôi. Cứ thể cắm thẳng phần xiên đầu cá chúc xuống đất, phủ rơm và nướng. Bằng không, lấy bùn trét kín con cá, vùi luôn vào lửa. Chỉ nháy mắt, cá chín, bóc bỏ lớp đất đã khô, cá lồ lộ nguyên con tươi rói. Ăn đã thèm. Đã khá lâu rồi, một anh bạn người miền Nam quả quyết ở miền Đông Nam bộ khi trui cá lóc, người ta thường dùng lá sầu riêng vì loại lá này giữ nhiệt lâu.
- Xem thêm: Tập tục ở rể của người miền Tây Nam bộ
Ngay cả thời chiến tranh ác liệt, người dân miệt vườn cũng ăn đầy đủ ngon lành, nhà văn Nguyễn Hồ cho biết: “Còn thức ăn, du kích ăn toàn chữ C: cò, cua, còng, cá chốt, đọt chà là, dây cóc kèn… được coi là món ăn “chiến lược”. Căn cứ núp trong rừng cò, ăn tỉa cò mới ra ràng lột da, xẻo đùi hầm với củ hũ chà là hoặc rô ti đường chảy, ăn ngày này qua tháng nọ. Tỉnh ủy sợ lộ căn cứ, sợ cò bỏ đi nên buộc phải ngưng, thế là tắt nguồn, chúng tôi phải quay sang cua, cá chốt. Những thứ này phải câu và cũng hiếm nên cứ phải luân phiên từ cá cua, tới còng. Mùa còng lột vỏ, mỗi năm một lần vào mồng 5 tháng 5 ta. Lớp áo giáp đủ màu được trút bỏ, những chú còng mềm như lụa, thân ngậm đầy sữa, chỉ cần nấu qua loa cũng thành món ăn “cao cấp” liền. Nhưng còng lột nhiều vô kể, ăn đâu hết một lần, nên phải làm mắm để dành ăn dài hạn cả năm”.