Ông nêu lên ba chuyển biến lớn nhất, một là Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, hai là đã có những tiến bộ đáng kể trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và ba là các nước đang phát triển đã tham gia vào hơn 50% hoạt động kinh tế thế giới và cung cấp hơn 50% hàng xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên ông Lamy cũng cho rằng, trong ngần ấy thời gian, nhân loại đã đối mặt với nhiều thách thức như hai cuộc khủng hoảng lương thực, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính lớn nhất kể từ thập niên 1930, cùng những thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh ảnh hưởng bất lợi cho sự phát triển sản xuất trên thế giới.
Ông Pascal Lamy, người đã có tám năm gắn bó với WTO
Về phần WTO, ông Lamy cho rằng tổ chức này cũng đã làm được nhiều điều đáng kể, trước tiên là việc vận dụng Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) và sự điều hành một hệ thống hòa giải độc nhất góp phần giải quyết nhiều mối bất đồng trong thương mại quốc tế. Kể từ khi được phát động vào năm 2005, Chương trình Viện trợ Thương mại do WTO đề xướng đã huy động được 200 tỉ USD, đồng thời đặt chế độ bảo hộ mậu dịch trong khuôn khổ có thể kiểm soát được. Vai trò các tác nhân thương mại cũng có những thay đổi sâu sắc. Năm 1980, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 1% tổng khối lượng của cả thế giới, đến năm 2011, tỷ lệ này đã là 11%. Trong cùng thời gian đó, hàng xuất khẩu của Hàn Quốc tăng gấp ba và Mexico tăng gấp đôi. Sự xuất hiện của những nền kinh tế đang vươn lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico… là một trong những sắc thái mới của thập niên đầu thế kỷ XXI, hứa hẹn những sự lật đổ ngoạn mục trong mấy thập niên tới.
Đề cập đến những rào cản kinh tế trong thời gian tới, ông Lamy cho rằng đó không còn là biện pháp thuế quan nữa, mà là những biện pháp phi thuế quan. Các nhà xuất khẩu trong tương lai sẽ phải đối mặt với những hạn ngạch ôtô, những quy định về ngân hàng, những tiêu chuẩn an toàn sản phẩm và thực phẩm cùng những thủ tục thuế quan. Ông Lamy nhận định: “Chúng ta không thể đoán trước được mọi đột biến về kinh tế hay tác động của các bước đột phá mới về công nghệ. Nhưng chúng ta biết rằng sẽ có những rối loạn kinh tế trong tương lai và những sáng kiến công nghệ ngày mai sẽ định hình môi trường thương mại, cũng như máy tính bảng, điện thoại di động và hệ thống định vị bằng vệ tinh đã ảnh hưởng lên mô hình thương mại hôm nay vậy”.
Lê Nguyễn theo IPS, Telegraph