Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam có nhiều vụ án liên quan đến bậc công thần. Dưới vương triều Nguyễn, đặc biệt là dưới triều vua Gia Long có một vụ án nổi tiếng là vụ Nguyễn Văn Thành nguyên do nghi án thơ phản mà phải nhận cái chết tức tưởi.
Nguyễn Văn Thành (1758-1817) là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn và là một trong những người có công lớn nhất đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên (vua Gia Long) của triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Ông bôn ba theo vua Gia Long từ lúc khó khăn nhất đến khi nhà Nguyễn thống nhất được giang sơn. Cùng với vua Gia Long, ông đã trải qua nhiều thử thách khi quân Tây Sơn truy đuổi.
Dù là công thần của triều đình nhưng Nguyễn Văn Thành đã liên quan đến một vụ án thời vua Gia Long để rồi ông đã phải chọn cái chết tức tưởi. Điều đặc biệt ở chỗ Nguyễn Văn Thành là người soạn thảo Bộ luật Gia Long nhưng chính ông đã phải nhận cái án đầy khắc nghiệt mà mình đã soạn ra.
Vụ án của Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một bài thơ và ông đã phải chịu trách nhiệm liên đới. Nguyễn Văn Thành có con trai Nguyễn Văn Thuyên. Vốn hâm mộ văn chương, Thuyên thường làm thơ, ngâm vịnh văn thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ, nghe người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, ông Thuyên làm một bài thơ tặng.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 51, mặt khắc 17 có ghi chép về nội dung bài thơ như sau: “Khi ấy có người Thanh Hoa là Nguyễn Trương Hiệu tự đến xin làm môn khách của Văn Thuyên. Ở không bao lâu, Văn Thuyên sai về. Trương Hiệu nói với đồng quận là Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hựu Nghi rằng Văn Thuyên ngầm muốn nổi loạn, dùng thơ sai Trương Hiệu gọi bọn người trong quận là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, lời rất bội nghịch. Thơ rằng:
Phiên âm
Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,
Hư hoài trắc tịch dục cầu ti.
Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác;
Thiện tướng phương tri Ký Bắc kỳ.
U cốc hữu hương thiên lý viễn;
Cao cương minh phượng cửu cao tri.
Thử hồi nhược đắc sơn trung tể,
Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky.
Dịch nghĩa:
Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt,
Dành để chiếu bên ta muốn chờ.
Vô tâm ôm mãi ngọc Kinh Sơn
Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc.
Thơm nghìn dặm lan trong hang tối;
Vang chín chằm phượng hót gò cao.
Phen này nếu gặp tể [tướng] trong núi,
Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ.
Nghi sai Trương Hiệu đem thơ ấy cáo với Lê Văn Duyệt. Duyệt với Văn Thành vốn không ưa nhau, bèn đem thơ phản nghịch của Văn Thuyên dâng lên. Vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về. Trương Hiệu nhân thế giữ bài thơ làm bằng cớ, thường đến Văn Thuyên đòi hối lộ. Văn Thuyên cho mãi không vừa. Hiệu bèn lẻn đợi Văn Thành lui chầu, đứng ở bên đường nắm lấy vạt áo mà hỏi mãi. Văn Thành bất đắc dĩ, bắt Trương Hiệu và Văn Thuyên đưa cho Quảng Đức tra hỏi, rồi tự rảo vào chầu, đem việc tâu lên. Vua sai đình thần xét án…”.
Bài thơ đến tai nhiều vị quan triều đình, trong đó có vua Gia Long. Vì Nguyễn Văn Thành là công thần nên có một số người ghen tị với công trạng của ông. Những người có hiềm khích với Nguyễn Văn Thành đã dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua của cha con ông. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 52, mặt khắc 7, 8 ghi: “Ký lục Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa vào chầu, dâng sớ hạch Nguyễn Văn Thành rằng: Con Văn Thành là Văn Thuyên âm mưu làm phản, sự cơ tiết lộ, Thành không biết đến cửa khuyết chịu tội mà còn áo triều, mũ triều nghênh ngang đứng ở trên các đình thần, như thế thì còn thể thống triều đình chi nữa. Vả triều đình là triều đình của liệt thánh, Hoàng thượng ta vâng trời chịu mệnh, giữ đất lên ngôi, chính triều đình để chính bách quan, chính muôn dân để chính bốn phương, khiến thần dân trong nước xem làm khuôn mẫu. Nay Văn Thuyên đã hạ đình nghị mà lại yên ổn ở nhà, pháp luật không được thi hành thì lấy gì mà tỏ bảo cho thiên hạ? Huống chi Văn Thành soạn điều luật, tự tiện bỏ mất điều kết giao cận thị, cử Trần Hựu là người bậy mà giấu tội cưỡng dâm với vợ người, âm kết bè đảng, dối người trên làm việc riêng, xây dựng mồ mả cho mẹ thì vượt phép phạm phận, xét đạo của người bầy tôi, tội rất lớn vậy. Nay bệ hạ nếu thương là người có công, cũng nên giao cho công luận, lấy phép mà trị, rồi sau lấy ơn mà chu toàn cho, thế thì phép nước được tỏ bày mà kẻ gian thì biết sợ hãi”.
Trước lời gièm pha của các vị quan trong triều, vua Gia Long đã nhiều lần nín lặng và bào chữa cho bậc công thần Nguyễn Văn Thành. Mộc bản triều Nguyễn cho biết: “Ngày Ất Sửu, tế Trời Đất ở đàn Nam giao, trước là bộ Lễ tâu rằng: “Tế Nam giao là đại lễ, Nguyễn Văn Thành là người có tội không nên dự”. Vua nói: “Văn Thành là người trọng thần của nước, con là Văn Thuyên dù có càn bậy, nhưng việc còn mờ tối, há nên nghe thuyết một bên mà vội xa bề tôi huân cựu sao?”. Bèn sai Văn Thành vẫn dự lễ phân hiến. Sau vài ngày, vua đương coi chầu, Văn Thành từ cửa Tả túc vào, lên thẳng điện lớn tiếng hô hào, người tả hữu cản lui xuống. Từ đấy mới cấm không được vào chầu nữa”.
Dù là bậc thiên tử nhưng trước sức ép các quan khác, Gia Long đã không thể bảo vệ được một trong những vị công thần có công lớn đưa mình lên ngôi hoàng đế là Nguyễn Văn Thành. Vụ án ngày càng trở nên căng thẳng trong triều đình, vua Gia Long buộc phải tước hết chức quan của Nguyễn Văn Thành và tiếp tục chờ xử lý. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 53, mặt khắc 28 có chép: Vua nói: “Văn Thành là kẻ có tội nhưng cũng nên có cách xử trí”. Bèn thu quan phục và kiếm, Văn Thành mất chức. Vua bảo bầy tôi rằng: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì? Lật ngôi vua ư? Phản loạn ư?”.
Và cuối cùng, không còn con đường nào khác, Nguyễn Văn Thành đã phải uống thuốc độc chết. Việc tâu lên, vua Gia Long cho triệu Hoàng Công Lý đến hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”, Công Lý nói: “Bẩm không”. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”. Đúng lúc đó, có quân lính lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành trước lúc chết ở nhà quan đem dâng. Vua cầm tờ trình khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.
Nhân đó, vua quay hỏi Phạm Đăng Hưng rằng: “Văn Thành chết, nên lấy lễ nào mai táng”. Đăng Hưng thưa: “Táng như thường dân”. Vua yên lặng. Sai một cai đội Trung quân và 30 binh lính làm việc tang, cho 500 quan tiền cấp trả mũ áo, cho thêm 3 cây gấm Tống, 10 tấm vải và 10 tấm lụa. Các con Thành bị giam tha ra hết. Lê Duy Hoán và Nguyễn Văn Thuyên bị giết.
- Xem thêm: Vua Minh Mạng xử tội tham của bố vợ
Nguyễn Văn Thành chết rồi, đình thần đem án phản nghịch dâng lên. Duy Hoán và Văn Thuyên đều bị xử lăng trì; Võ Trinh bị tội a tòng, xử trảm giam hậu; Tống Phước Ngoạn bị tội kiện điêu, xử trượng và cách chức; Trần Ngọc Nhữ bị tội vu cáo, xử tội lưu tột bậc. Nguyễn Trương Hiệu cáo giác, thưởng 500 quan tiền. Nguyễn Văn Nhân xin đình thưởng, vua không nghe. Đem tội trạng Lê Duy Hoán bố cáo khắp trong ngoài.
Có thể nói, vụ án của Nguyễn Văn Thành khép lại, nhưng nhiều câu hỏi lớn đặt ra như: Vì sao Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn người con trai của ông là Nguyễn Văn Thuyên bị trảm quyết? Và vì sao tờ di chiếu trần tình trước lúc chết của Nguyễn Văn Thành lại không đến được tay vua cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn không thể giải đáp.