Bạn có thể chưa biết nhiều triết gia vĩ đại không có con hoặc là những ông bố tồi. Trong giây phút cuối đời, Socrates, nhà triết học đặt nền móng cho tư tưởng triết học phương Tây, đã đuổi tất cả con cái ra khỏi phòng để được chết giữa các bằng hữu và môn đệ. Nhà triết học thế kỷ Ánh sáng đình đám nhất nước Pháp, Jean-Jacques Rousseau, thì bỏ mặc con ruột. Một loạt các bậc thầy của chủ nghĩa hiện sinh như Friedrich Nietzsche, Søren Kierkegaard, Jean-Paul Sartre không có con.
Những người cha tồi
Từ thời cổ đại, triết học đã là thế giới của đàn ông. Dù tại phương Đông hay phương Tây, đa phần triết gia là nam giới. Họ dành cả đời để lý luận về thế giới quan, con người, vị trí và vai trò của con người trong thế giới quan. Trong các mối quan tâm của thế giới triết gia có mảng đạo đức bao gồm cả vấn đề trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm cha với con cái.
Có điều, lý thuyết và hiện thực là hai lĩnh vực khác nhau. Tuy đã viết hẳn một chuyên luận về “cách thức nuôi dạy trẻ em nên người”, Émile hay là về giáo dục, Jean – Jacques Rousseau (1712-1778, triết gia Khai sáng người Pháp gốc Thụy Sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc Cách mạng Pháp năm 1789) chưa bao giờ tham gia vào việc giáo dưỡng những đứa con của mình. Socrates (470-399 TCN), cha đẻ của triết học phương Tây, còn đuổi tất cả thân nhân ra khỏi phòng trước lúc lâm chung để được nhắm mắt xuôi tay trong vòng vây của các triết gia bằng hữu.
Thời kỳ phong kiến, con người bị bó buộc bởi nghĩa vụ với gia đình, họ tộc. Các nam học giả cũng không thoát khỏi trách nhiệm lấy vợ sinh con, duy trì dòng dõi. Nhiều người giống như Socrates, trút hết gánh nặng chăm sóc, dạy dỗ con cái lên vai thê thiếp. Bước sang nửa cuối thế kỷ XIX, 2 triết gia Soren Kierkegaard (1812-1855, Đan Mạch) và Friedrich Nietzsche (1844-1900, Đức) đặt những viên gạch đầu tiên cho triết học hiện sinh. Kể từ lúc này, tự do cá nhân trở thành một thuật ngữ và lý tưởng quen thuộc. Con người thoát khỏi nghĩa vụ với người khác, toàn quyền lựa chọn lối sống.
“Tự do là bản án chung thân của mỗi chúng ta”, Jean-Paul Sartre (1905-1980, Pháp) tuyên bố. Ông lập luận mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường riêng và tiến về phía trước. Trong các con đường riêng này, có một lựa chọn là không con cái. Cả Sartre lẫn Nietzsche và Kierkegaard đều không để lại hậu duệ nào.
Bất an xuyên thế hệ
“Nuôi dạy trẻ là chuyện khó nói trước”, Democritus (460-370 TCN, Hy Lạp) từng nhận định. “Thành công chỉ đến sau cả cuộc đời chiến đấu và lo toan”. Triết gia là những người hiểu sâu biết rộng, sớm thấu hiểu áp lực của việc làm cha mẹ. “Ta hỏi thi ca này, liệu đàn ông có quyền khao khát một đứa con không?”, Nietzsche viết trong Zarathustra đã nói như thế (Thus Spoke Zarathustra). Đây không phải chuyện lo nghĩ của riêng ông, mà là nỗi đắn đo của hầu hết các triết gia trước lựa chọn làm bố.
Trở lại thời trước Công nguyên, Socrates từng ghi nhận: “Chỉ những ai lo sợ và run rẩy khi phải đối mặt với tình nghĩa phụ tử mới xứng đáng làm cha”. Mặc dù đề cao tự do, Sartre nhấn mạnh vào việc tự chịu trách nhiệm, chấp nhận mọi rủi ro, bất kể nó nhục nhã, kinh hoàng hay đáng ghét đến mức nào. Con cái là bạn đồng hành suốt kiếp. Kể từ khi chào đời, chúng và bạn lệ thuộc vào nhau. Bạn được phép chọn có con hay không có con nhưng theo Kierkegaard, “lựa chọn nào cũng đáng hối hận cả”.
Với tư cách là một triết gia hiện sinh, Kierkegaard đặt tự do cá nhân lên đầu tiên. Trẻ con cũng là một cá nhân, nhưng bậc phụ mẫu nào cũng cấm đoán và áp đặt lên chúng đủ thứ. Ví dụ như con gái thì không được phép trèo cây hay nhảy qua mương, con trai không được mặc váy và phải biết chơi khúc côn cầu, trai hay gái cũng phải nghe lời người lớn… Chúng ta đều biết tất cả những lời răn dạy này là vì an nguy của đám nhỏ. Song nếu đi sâu vào tranh cãi, đó là vì sự an toàn của chúng hay chính mẹ cha? Trẻ em như tờ giấy trắng, ngây thơ và đầy hiếu kỳ. Thay vì để chúng tự khám phá và thu thập kinh nghiệm, người lớn đua nhau viết đủ các quy tắc và không ngừng ép buộc phải tuân thủ. Tự do ở đâu?
Khi đứa trẻ bước vào tuổi thiếu niên, việc dạy bảo trở nên khốc liệt. Thời kỳ dậy thì thúc đẩy chúng nổi loạn, khiến người làm cha, làm mẹ bất an không kể xiết, dùng mọi cách kìm hãm. Bất kể bạn yêu thương con cái nhiều đến thế nào, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc đứa trẻ sẽ ngoan ngoãn nghe lời. Ngay cả nếu chúng một mực vâng lời, điều đó cũng chưa hẳn là tốt. “Nuôi dạy con cái chiếm toàn bộ phần đời còn lại, là nhiệm vụ bắt buộc phải hoàn thành”, Arthur Schopenhauer (1788-1860, Đức) khẳng định. Dù có tô điểm bằng các mỹ từ đẹp nhất thế giới, “sống với trẻ con là hỗn loạn nhất”, Sartre phàn nàn. Mọi thứ đều trật đường ray và nếu một người đàn ông nói rằng làm cha không khó, anh ta chỉ đang tự lừa dối.
Trong mắt các triết gia hiện sinh, sự lạc quan của các bậc sinh thành là “hạnh phúc không thành thật”. Họ lờ đi những vất vả, khó chịu, chỉ nhớ những phút vui vẻ và phóng đại chúng lên. “Nuôi dạy và sống với con cái nói chung là chuyện chẳng bao giờ đi đúng hướng như kịch bản sắp đặt trước”, Schopenhauer kết luận. Tập hợp của hàng loạt những nỗi lo này đánh vào tâm lý của các triết gia, khiến họ không thể ngừng bất an trước quyết định làm cha. Chúng đẩy họ vào bế tắc, cuối cùng dẫn đến hành động trốn tránh.
Điều chỉnh sự kỳ vọng
Có một điều cực kỳ thú vị là chính từ những triết gia sợ phải làm bố, nhân loại học được rất nhiều thứ. Trong bài khảo luận Về những đau khổ của thế giới (On the Sufferings of the World), Schopenhauer mổ xẻ chi tiết nguồn gốc sự bất hạnh của người cha. Anh ta đặt quá nhiều kỳ vọng không tưởng lên người đứa con, cuối cùng thất vọng và sụp đổ vì thực tế bất như ý. “Một người cha hiện sinh thông minh sẽ dự đoán và chuẩn bị tâm thế đón nhận cả những kết quả ngoài mong muốn. Nếu bạn cũng biết điều chỉnh mức kỳ vọng và đừng quá to các bất đồng, sự thống khổ, nỗi bất an… bạn sẽ thấy mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Sống trong thế giới này, ai trong chúng ta mà chẳng phải trả giá cho sự hiện diện của mình bằng cách nào đó”.
Theo nhận định của Nietzsche thì mỗi người đều là một “ngôi sao nhảy múa”. Chúng ta lựa chọn, chịu trách nhiệm và mạo hiểm. Không có bất cứ cách thức giáo dưỡng nào đảm bảo sẽ dạy dỗ ra một đứa trẻ hoàn hảo, cũng như chẳng có phương pháp nào khai thác tận mọi tiềm năng của một người. Triết gia kiêm nhà văn Albert Camus (1913-1960, Pháp) thì bảo: sự nỗ lực của con người trong cuộc sống thường giống như nỗ lực đẩy tảng đá lên đỉnh núi của Sisyphus (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp). Chúng ta dùng toàn bộ sức lực để đến đích và rồi bất lực nhìn thành quả tan biến, trở về số 0.
Trong thực tế, điều chỉnh sự kỳ vọng không phải là chuyện quá khó. Bất kể ai trong chúng ta cũng vấp muôn nỗi khổ ải trên đường đời. Dù bạn có bao bọc con cái cỡ nào, điều đó cũng không ngăn được các bi kịch lớn nhỏ sẽ xảy ra trong đời chúng. Cuộc sống không dễ dãi với ai cả. Cảm giác của mỗi người về sự tồn tại cũng khác nhau. “Hãy nhẫn nại ngay trong phút gấp gáp nhất”, Schopenhauer khuyên nhủ. Điều này nghe có vẻ vô lý, nhưng lại cực kỳ hợp lý. Nó đưa bạn vào con đường đúng đắn, nhắc nhở những thứ thiết yếu nhất trong cuộc đời là lòng khoan dung, tính kiên trì, sự quan tâm và tình yêu thương từ những người xung quanh. Chúng ta cần tất cả và do đó mắc nợ tất cả.
- Xem thêm: Khi triết học còn là thế giới của phụ nữ