Sau một thời gian tạm hoãn vì dịch COVID-19, ngày 22-10, lớp múa đương đại “Tìm to, nghe nhỏ” của nghệ sĩ múa Lê Mai Anh trở lại TP.HCM. Điều đặc biệt của khóa học này là học viên mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đều có thể tham gia. Học viên không cần biết múa và đến lớp không chỉ để múa mà cái chính là học cách lắng nghe hơi thở, cảm xúc, rung động của mình, giải tỏa căng thẳng và vượt qua những tự ti vốn có.
Lê Mai Anh đã có 7 năm học về phương pháp giảng dạy và làm việc tại Pháp trước khi về Việt Nam. Sau 1, 2 năm dạy múa, dạy trình diễn, chị đã có sự chuyển đổi đặc biệt sau một dịp tham gia dự án với các bạn khuyết tật.
Lần đầu tiên đến với “nghệ thuật trị liệu” là khi Mai Anh dựng các bài tập cho các bạn khuyết tật, giúp các bạn yêu cơ thể mình hơn, yêu đời hơn. Cảm nhận được công việc của mình có ích khi tác động đến những người kém may mắn, Mai Anh ngưng việc dạy múa để trình diễn thông thường mà chuyển sang các chương trình dành cho những người đặc biệt. Các lớp học, dự án mang tính xã hội cũng bắt đầu ra đời từ đó.
Chuyển động để giảm thiểu căng thẳng, lắng nghe cơ thể
Lời giới thiệu về khóa học “Tìm to, nghe nhỏ” của Mai Anh cũng thật đặc biệt: “Lần này, khóa học sẽ giúp học viên khám phá, giải phóng những gì có vẻ “to”, rõ ràng: cơ thể, các chi… của mình, bằng các bài tập chuyển động, kết nối đơn hoặc theo nhóm; rồi tâm tình, thủ thỉ cùng những gì vốn “nhỏ” như hơi thở, những rung động vi tế bên trong, những cử động, những cái chạm khẽ…”.
Không tập trung vào các kỹ thuật biểu diễn hay tính thẩm mỹ thuần túy theo cách tiếp cận truyền thống của múa cổ điển, khóa học chỉ mong muốn người học sẽ sẵn sàng để chân thật, dấn thân và bộc lộ mình trong không gian của lớp học, cùng vượt qua sự ngại ngùng, thiếu tự tin để nâng cao khả năng làm chủ cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể, tự tin cất lên “tiếng nói riêng” của mình – dù còn đơn giản, thô sơ hay vụng về.
Sau nhiều khóa học, Mai Anh chia sẻ: “Học viên đến lớp không phải để học múa mà là tập chuyển động, tập thở. Thành phần của lớp học cũng rất đa dạng, đó có thể là một bác gần 60 tuổi bị hen suyễn; là bạn diễn viên, sinh viên, là anh đạo diễn. Ở lớp học chỉ kéo dài gần hai tháng này, mọi người đã tìm được chính bản thân mình sau khi học cách hít thở, nhắm mắt lắng nghe, chuyển động theo cách của riêng mình, theo sự tưởng tượng của mình. Tôi thật vui khi nhiều bạn trong thời gian ngắn đã vượt qua được những căng thẳng, đôi khi cả trầm cảm”.
Không chỉ các lớp ngắn hạn, ở Trường Nghệ thuật Erato nơi Lê Mai Anh đang làm việc, chị còn là cộng tác viên thường xuyên của dự án Sầu Đông – WinterCearig của người sáng lập Tricia Nguyễn.
Sầu Đông là một dự án vô cùng đặc biệt và thành công sau nhiều lần tổ chức, khi khóa học tập trung hướng đến những bạn trầm cảm, rối loạn tâm lý. Được tuyển từ nhiều đơn đăng ký tham gia, Sầu Đông sẽ chọn ra những bạn 16 – 30 tuổi, đang có vấn đề tâm lý và thực sự cần có sự thay đổi. Trong khoảng 3 – 6 tháng, các bạn được học về chuyển động; được học vẽ, nhạc, kịch… với mục đích là được bộc bạch, được giải tỏa tinh thần mà không cần dùng lời nói.
“Dự án Sầu Đông của sáng lập viên Tricia Nguyễn mà tôi tham gia với tư cách người hướng dẫn chuyển động, là một dự án vô cùng ý nghĩa khi những bạn bị rối loạn tâm lý, trầm cảm, thậm chí tâm thần phân liệt đã có nhiều tiến bộ sau khi tham gia. Kể từ khi giúp nhiều người cảm nhận được cuộc sống, hạnh phúc hơn, tôi đã không đi theo hướng dạy múa để trình diễn, giải trí nữa mà chuyển sang con đường của nghệ thuật trị liệu. Tôi hạnh phúc khi theo đuổi con đường này”, Mai Anh tâm sự.
Dùng âm nhạc giải tỏa sang chấn tâm lý
Một người cũng khá bền bỉ và lâu năm trong lĩnh vực nghệ thuật trị liệu này là NSƯT, nhạc trưởng Huỳnh Hoàng Điệp. Từ 10 năm trước – khi chưa nghỉ hưu, công việc bận rộn nên bà chỉ nhận can thiệp cho con cái của bạn bè, những ai biết về “sở trường” của bà đối với “trẻ đặc biệt” từ thời sinh viên học bên Nga và cần tư vấn hoặc cho lời khuyên đối với con em của họ. Đa phần kết quả đều theo hướng tích cực.
Đối với âm nhạc trị liệu, điều mà nghệ sĩ Huỳnh Hoàng Điệp đang tiếp tục thực hiện, bà muốn mọi người hiểu rằng “trẻ đặc biệt” không chỉ có trẻ tự kỷ mà trẻ khiếm thính, khiếm thị cũng có thể dùng âm nhạc để trị liệu.
“Tôi muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh về cách thức dùng âm nhạc để trị liệu như sau: nếu trị liệu theo Tây y (dùng thuốc) thì sẽ “dứt cơn”; trị liệu theo Đông y (dùng thảo dược và những phương pháp trị liệu như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt…) để “dứt căn”. Còn “Âm nhạc trị liệu/ Music Therapy” là sự kết hợp giữa âm nhạc và y học trong trị liệu, là cách sử dụng âm nhạc nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và các chức năng của cơ thể. Trị liệu bằng âm nhạc là một liệu pháp sáng tạo nghệ thuật, không dùng thuốc và không bị phản ứng phụ… Âm nhạc trị liệu kết hợp với tâm lý trị liệu có thể ứng dụng tốt trong hỗ trợ điều trị các hội chứng/căn bệnh: trầm cảm – tự kỷ – tăng động – stress – down – hoang tưởng – Alzheimer – tâm thần phân liệt…” – nghệ sĩ Hoàng Điệp bày tỏ.
Trong 10 năm gắn bó, đối tượng can thiệp của bà hầu hết là các em trong độ tuổi từ 4 đến 21 tuổi, trong đó, theo bà giai đoạn vàng để can thiệp là 4 – 10 tuổi. Bà kể: “Những ‘nhân vật đáng nhớ’ của tôi thì nhiều lắm vì mỗi “nhân vật” là một trường hợp đặc biệt và đều đáng nhớ như nhau. Bỏ qua những trường hợp bệnh lý và di truyền, tôi thường gặp những trường hợp bị ảnh hưởng từ “sang chấn tâm lý” nhiều hơn. Chỉ mong các bậc phụ huynh hãy quan tâm tới con em mình nhiều hơn để sớm giúp con vượt qua những giai đoạn “khủng hoảng” của tuổi lên 10 và “tuổi teen”. Đây là những cột mốc khủng hoảng mà nếu người thân không kịp thời phát hiện để chia sẻ, các bé dễ lâm vào tình trạng “rối loạn tâm lý” dẫn đến trầm cảm, lo âu lan tỏa, rối loạn cảm xúc lưỡng cực (đối với trẻ từ 10 tuổi đến dưới 17 tuổi)”.
Theo nghệ sĩ Hoàng Điệp, âm nhạc trị liệu, nghệ thuật trị liệu khá mới mẻ đối với Việt Nam nên dễ có những nhận thức sai lệch. Rất nhiều người nghĩ rằng âm nhạc trị liệu là dạy nhạc cho trẻ tự kỷ hoặc nghệ thuật trị liệu là dạy vẽ cho trẻ tự kỷ. Trong khi những phương pháp này đã có từ lâu tại các nước Âu – Mỹ, kể cả trong y học cổ truyền Trung Hoa và Ấn Độ.
Một sai lầm cơ bản nữa là nhiều phụ huynh ở Việt Nam mặc định các chuyên gia về âm nhạc trị liệu, nghệ thuật trị liệu phải là bác sĩ và coi đây là một “nghề y tế” mà không hiểu được đây là những phương pháp kết hợp với nhiều phương pháp đa ngành để giúp đối tượng cần can thiệp khắc phục tình trạng rối loạn tập trung, củng cố trí nhớ, hỗ trợ khả năng giao tiếp, cân bằng cảm xúc, nâng cao khả năng quan sát, tưởng tượng và một cái nhìn đa chiều. Đa phần mọi người không hiểu rằng những chuyên gia của hai phương pháp trị liệu này phải là những người “có tay nghề” về âm nhạc – mỹ thuật và tâm lý trị liệu.
Từ kinh nghiệm bản thân và thực tế trị liệu cho các bé, nghệ sĩ Hoàng Điệp đề xuất nên mở hẳn môn học về “âm nhạc trị liệu” và “nghệ thuật trị liệu” trong các trường đại học như các nước Âu- Mỹ, mời chuyên gia từ các nước hoặc những chuyên gia “nội địa” thật sự “có nghề và hiểu nghề” dạy những chuyên đề liên quan tới hai lĩnh vực này.
– Ảnh NVCC