Cuộc sống hiện đại, tiện nghi đã khiến cho thế giới thay đổi từng ngày, và một trong đó là cách ăn mặc, sao cho trông thật trang trọng song cũng hợp thời và xu thế hơn.
Đa số các nước đều đã mặc đồ phương Tây, nhưng cũng hãy còn khá nhiều dân tộc vẫn còn diện trang phục cổ truyền, tức là quần áo được truyền thụ lâu đời ở bản xứ với muôn vàn lý do khác nhau, mà tựu trung là do thời tiết, địa vị, màu sắc, họa tiết làm nên vẻ đẹp. Họ cũng coi đó là một nét văn hóa riêng, khó pha trộn, nhầm lẫn với ai, và khiến mọi người phải tôn trọng những giá trị truyền thống lâu đời.
Điển hình cho điều này là Indonesia, quốc đảo với hàng trăm dân tộc, đa phần theo Hồi giáo nên chỉ vận trang phục đặc trưng dân tộc mình. Thế nhưng, đại thể ở đây có 3 loại trang phục thường thấy là kebaya, kebaya không khuyu và sarong- tựa như một mảnh vải dài quấn túm.
Cũng dùng tới khăn choàng và quấn quanh eo là Ấn Độ, với đại đa số nữ giới ở nông thôn dùng tới sari, đặc biệt nhiều dân tộc như Angami, Kuri, Lotha, Pochury… họ còn có các loại trang phục riêng, in đính các họa tiết và màu sắc độc đáo. Họ chỉ mặc chúng vì trang phục phương Tây không thể có hoa văn này cùng những ý nghĩa biểu tượng trong từng màu sắc.
Bhutan là một quốc gia theo đạo Phật, nên việc ăn vận rất nhẹ nhàng, giản dị. Trẻ em thường mặc áo kiểu chú tiểu (nhà sư), còn nam giới trưởng thành vận áo gho – một cái áo dài đến gối, bắt chéo 2 vạt và buộc ở lưng, nữ giới vận váy kira mà về thực chất là một mảnh vải quấn quanh người, vắt qua vai, gập gọn ở trước ngực và giữ lại bằng ghim bạc. Trong trường hợp có lễ Tết, người ta sẽ khoác trên vai trái một chiếc khăn lụa kabney. Tuy mộc mạc về cách mặc, song trên áo người Bhutan thấy rất nhiều hoa văn, hình tượng Phật giáo linh thiêng được thêu thùa và dệt thủ công sặc sỡ.
Một quốc gia nữa, phụ nữ, thậm chí nam giới cũng phải mặc trang phục cổ truyền mới đẹp, mới toát lên vẻ hấp dẫn là Nhật Bản. Tại đây, cả nam lẫn nữ đều mặc kiểu áo dài tay, có vạt vắt chéo và buộc ngang bụng – kimono, song của nữ cầu kỳ, diêm dúa hơn vì có nhiều lớp và chứa tới 12 cấu kiện kèm theo. Ngoài ra, còn có kimono mặc thường ngày, kimono mặc ngày lễ, kimono cưới xin và kimono dành để đi ngủ hay tắm. Nam giới thường mặc màu đen, xanh xám, ít họa tiết còn nữ giới mặc màu rực rỡ, thêu thùa họa tiết hoa lá, chim muông…
Tại xứ lạnh như Mông Cổ, người dân dùng áo rất dày và dài, có cả mũ, giày gọi là deel và thường làm bằng bông, len, gấm… Áo của họ luôn có hàng cúc từ vải đan ở hai bên, trên thân cũng thấy nhiều hình thêu kim tuyến và người già thường vận màu đỏ với ngụ ý về tuổi thọ, sống lâu.
Người Sami ở Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga cũng mặc rất dày, với loại áo gakti song bằng da hươu Bắc Cực và nhiều loài thú trên tuyết. Do đi trong sương mù ảm đạm, họ cũng nhuộm màu nó cực kỳ sặc sỡ giúp dễ nhận và phân biệt mình với những loài thú dữ.
Ở xứ nóng, ít ra là miền nhiệt đới không sợ cái lạnh như Tahiti, dân gian thường cởi trần và chỉ đóng khố – tapa. Trước khi thực dân tới, nam nữ Tahiti chỉ đóng khố bằng sợi dừa khô, dứa dại, vỏ sa kê… song hôm nay đã chuyển sang dùng các chất liệu mới để có màu sắc, độ lấp lánh quyến rũ hơn.
Với người Himba tại Namibia, việc mặc áo cũng không cần thiết, do nhiệt độ ban ngày lúc nào cũng trên 40oC. Cả 2 giới đều không che ngực, thay vào đó bôi một hỗn hợp bùn, bơ và nhựa cây đỏ chống nắng cho da, trong khi nửa thân dưới che chắn bằng một cái váy ngắn từ da bò. Họ cũng không đội mũ mà bọc những lọn tóc bằng đất bùn nhão, cho ra một kiểu tóc như những rễ cây cổ thụ, và chỉ khi cần thiết mới gỡ ra để tóc khỏi “cháy”.
Cũng chỉ cần một mảnh vải mà nên một bộ y phục là người Maasai của Kenya và Tanzania. Trước thập niên 70 của thế kỷ trước, họ chỉ dùng một tấm da dê hay bò, đục lỗ và chụp qua đầu là xong, nhưng bay giờ đã dùng tới vải, thường là vải đỏ có sọc để làm cái áo kanga. Không ai biết rõ tại sao họ phải dùng vải đỏ song có lẽ là để chỉ dòng máu bộ tộc đang chảy trong người, sự đoàn kết thắm thiết và sự dũng cảm dám chiến đấu với sư tử trên sa mạc. Ngoài vải đỏ, họ cũng đeo những chuỗi hạt cườm sặc sỡ và nay là vòng xương, gốm, nhôm, đồng. Với họ, chuỗi hạt cườm còn quý hơn vàng vì là tác phẩm thủ công phụ nữ phải làm hàng tháng và trong lúc chờ đợi chồng con đi chiến đấu (có thời họ là chiến binh) và chăn thả gia súc xa nhà.
Một số nước khác thường mặc trang phục cổ truyền là Việt Nam với bộ áo dài dân tộc, Hàn Quốc với hanbok, Kakakhstan với shapan, Pakistan với shalwar kameez, Jordan với shemagh, Bulgaria với soukman, Nga với sarafan, Slovakia với kroj, Scotland với kilt, Đức với tracht, Tây Ban Nha với traje de flamenco, Madagascar lamba, Senegal với boubou, Tunisia với kachabiya, Canada với parka, Panama với pollera, Chile với huaso attire…