Lý do khiến Phan Khôi (1887 – 1959) phải tìm gặp bằng được Vũ Hoàng Chương – tác giả “Bài ca sông Dịch” – là sau khi ông được nghe đọc bài thơ này.
Ngày 6.7.1946 Phan Khôi ra tới Hà Nội để dự Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất, dự định khai mạc vào đầu tháng 8, nhưng do tình hình chiến sự ngày một căng thẳng, Hội nghị phải lùi đến ngày 24.11. Phải chờ đợi chừng đó thời gian là một cực hình đối với Phan Khôi, nhưng ông ra Hà Nội là để dự Hội nghị, thì cứ phải chờ thôi.
Kể từ năm 1941 Phan Khôi gác bút, từ Sài Gòn về quê, ông chưa có dịp trở ra Hà Nội, cũng không có điều kiện quan tâm đến đời sống văn nghệ ở đất Hà thành. Bây giờ phải chờ đợi đến mấy tháng mới tới ngày Hội nghị, tự nhiên bị rơi vào cảnh vô công rỗi nghề, ngày rộng tháng dài, nên ông tận dụng bằng hết thời gian, không bỏ sót một cuộc họp mặt nào của giới trí thức và văn nghệ sĩ cả nước đang tề tựu về Hà Nội để dự Hội nghị như ông.
Ông có mặt trong ngày giỗ Vũ Trọng Phụng do Nhà xuất bản Minh Đức tổ chức trong dịp ra mắt tiểu thuyết Số đỏ của cố nhà văn. Ông tham dự buổi liên hoan của trí thức và văn nghệ sĩ Hà Nội tổ chức để chào đón trí thức và văn nghệ sĩ Trung – Nam – Bắc. Ông ngồi với tốp này, ngồi với người kia ở bất cứ chỗ nào, vào bất cứ lúc nào để thăm hỏi, để đàm đạo chuyện làng văn, làng báo.
Những cuộc gặp mặt lớn, nhỏ đó giúp ông nhận thấy một điều lạ, là người ta bàn luận rất nhiều về các quan niệm văn nghệ khác nhau, như hồi trước đã có một dạo bàn luận trên mặt báo về “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh” vậy.
Hồi này thấy giới “nghệ thuật vị nhân sinh” như là thắng thế, nhiều người lớn tiếng cổ xúy cho một nền văn nghệ chỉ nhằm phục vụ cho giới cần lao. Có người mới hôm qua còn là trí thức như ông, tôn trọng tự do cá nhân như ông, thì nay tuyên bố từ bỏ tự do cá nhân để chỉ sáng tác phục vụ cho công nhân, cho nông dân.
Ông chưa hiểu ra thế nào, chỉ thấy nếu không có tự do thì sẽ không có văn nghệ, đơn giản thế thôi. Mấy năm vừa qua phe Trục làm mưa làm gió, với những Đức, Ý, Nhật đã chẳng chứng tỏ điều đó rồi sao? Chính chế độ phát xít và nền độc tài đã giết chết văn nghệ. Trong các cuộc gặp gỡ, một đôi lần nghe phải những điều chướng tai, ông cũng định trao đổi lại đôi câu, nhưng rồi thấy mình là khách, làm thế không tiện, nên thôi.
Ngày nay, chúng ta cần thấu hiểu Phan Khôi ở một điểm rất quan trọng, đó là cái cách hiểu của ông về chủ nghĩa cá nhân, cụ thể là tự do cá nhân; trong văn nghệ, là tự do sáng tác. Ngay từ những năm 30 thế kỷ trước, dưới ách cai trị của triều Nguyễn và chế độ bảo hộ của người Pháp ở Việt Nam, Phan Khôi đã hiểu đúng nội dung chủ nghĩa cá nhân của xã hội phương Tây đương thời.
Trong các bài báo của mình, ông đã cố gắng diễn đạt để người Việt Nam hiểu đúng về chủ nghĩa cá nhân mà ở xã hội phương Tây thời đó người ta đang chủ trương và đang sống trong các nguyên tắc của nó; cụ thể là nhân quyền, là quyền và lợi ích hiển nhiên của cá nhân mỗi người trong xã hội. Không ai và không thế lực nào được phép tước bỏ các quyền thiêng liêng đó của mỗi người.
Trong một buổi liên hoan, kịch sĩ Hoàng Cầm được Ban tổ chức đề cử ngâm mấy bài thơ gọi là để thắt chặt mối duyên văn nghệ Trung – Nam – Bắc. Tình cờ trong bốn bài thơ ấy có Bài ca sông Dịch của Vũ Hoàng Chương (1916 – 1976), một nhà thơ trẻ mà ông chỉ mới nghe tên chứ chưa biết mặt.
Ngồi nghe đọc bài thơ, Phan Khôi rất cảm kích, ông nghĩ tác giả phải là người thế nào mới sáng tác được một bài thơ hào hùng đến như vậy và nóng lòng muốn được gặp mặt tác giả ngay. Với một người như Phan Khôi, không dễ gì có chuyện đó xảy ra bởi một bài thơ khác, bởi một tác giả khác! Qua cử chỉ đó của ông, có thể hiểu giá trị của bài thơ và tài năng thơ của Vũ Hoàng Chương. Nếu không, làm gì Phan Khôi lại phải nhọc lòng đến thế!
Đối với Vũ Hoàng Chương thì lại khác. Ngay từ khi bước chân vào làng văn để nhận lấy cái nghiệp dĩ của người cầm bút, Vũ Hoàng Chương đã nghe đại danh ông Tú Phan Khôi như sấm dậy vang tai. Nhưng phải chờ đến cuối mùa thu năm Bính Tuất (1946) ấy, Vũ Hoàng Chương mới dó dịp cùng Phan Khôi hạnh ngộ tại Hà Nội. Với thi sĩ họ Vũ, buổi nhất kiến đó như đã được định trước bởi duyên trời!
Hôm đó mới cuối thu mà cái lạnh như đã thấm vào lòng người thi sĩ vốn ưa họp bạn ngâm văn. Để thỏa nỗi nhớ bạn văn, Vũ Hoàng Chương từ Nam Định đáp xe lửa lên Hà Nội để tự cởi mở lòng mình theo niềm hứng khởi, để được hòa vào nhịp sống vừa tao nhã vừa sôi động của đất ngàn năm văn vật, của hồ Trúc, của sông Hồng.
Bước xuống ga Hàng Cỏ, nhà thơ đi về trụ sở Ban kịch Đông Phương. Ông lấy làm tiếc lắm vì buổi liên hoan bắt đầu từ năm giờ chiều, mà lúc ông đặt chân lên vỉa hè phố Hàng Lọng thì ba mươi sáu phố phường đã nhất tề khai đăng.
Vũ Hoàng Chương ngồi cùng họa sĩ Hoàng Tích Chù và nữ kịch sĩ Tuyết Khanh, câu chuyện chưa đi hết một tuần trà, thì Nguyễn Tuân đã lừng lững hiện ra từ cái cầu thang dẫn lên gác. Nguyễn Tuân lấy bộ trịnh trọng, lên tiếng:
– Xin lỗi toàn thể Ban kịch, tôi có chút việc riêng, cần phải mượn tạm Vũ quân đây!
Vừa nói, Nguyễn Tuân vừa đưa tay hướng về phía Vũ Hoàng Chương. Mọi người phá lên cười, có tiếng trả lời:
– Bất phương! Bất phương! Cứ mượn dài hạn đi cũng được, ông Tuân ạ!
Thế là Vũ Hoàng Chương cùng Nguyễn Tuân vội vã ra đường. Nguyễn Tuân nói giọng quan trọng, vừa đủ nghe:
– Này! Ông Phan Khôi muốn gặp anh đó! Mà gặp ngay tức khắc kia! Sao, đi chứ?
Nói rồi, không đợi Vũ Hoàng Chương trả lời, Nguyễn Tuân vẫy luôn một chiếc xe kéo, rồi lệnh cho “cọp” lồng thẳng xuống bãi Phúc Xá, nơi Thế Lữ có một túp nhà. Đến nơi, Nguyễn Tuân chỉ tay về phía một ông già cao gầy, vai rộng, râu dài, mắt sáng, mặc bộ vét phẳng phiu, đầu đội mũ phớt, tay chống ba toong, có vẻ như đang nóng lòng đợi ai.
Linh tính giúp Vũ Hoàng Chương nhận ra đó là Phan Khôi, trong lòng không khỏi hồi hộp pha chút ngại ngùng. Thế nhưng cái phút hai người họ – một già một trẻ – nhìn mặt, cầm tay thật đã hào hứng phi thường. Đó là lần đầu tiên Vũ – Phan hạnh ngộ, để rồi không lâu sau đó, con tạo xoay vần, bể dâu thay đổi, biến cuộc hạnh ngộ bắt đầu từ phút ấy trở thành duy nhất cho cả hai người!
Hai người họ nói chuyện thâu đêm suốt sáng, toàn chuyện văn. Chiều hôm sau, Vũ Hoàng Chương ngỏ lời cáo biệt để về lại Nam Định khiến Phan Khôi trầm ngâm nửa khắc, gương mặt lộ rõ vẻ tiếc nuối, bởi đối với ông, câu chuyện chỉ vừa mới bắt đầu, còn dang dở. Ông quyết định ngay, giọng dứt khoát:
– Được, hai ta sẽ cùng đi!
Vũ Hoàng Chương mừng thầm, tự nhủ: “Thế là gió đã lên!”. Rồi bắt chước kiểu Nguyễn Tuân “mượn tạm” mình ở Ban kịch Đông Phương, ông chỉnh lại áo khăn, trịnh trọng xin phép Ban kịch Thế Lữ cho “mượn tạm” ông Tú Khôi ít bữa(1). Rồi cùng Vũ Hoàng Chương, Phan Khôi đáp tàu lửa thẳng đường về bến Vị, non Côi, mảnh đất không mấy xa lạ với ông từ bốn mươi năm trước, lúc còn đầu xanh tuổi trẻ, đã tìm đến nhà thầy Nguyễn Bá Học để học tiếng Pháp. Mươi năm nay mảnh đất đó còn trở nên gần gũi với ông hơn vì nó là quê hương người vợ hai do ông tự chọn cho mình sau này!
Xuống ga Nam Định, Vũ Hoàng Chương mời Phan Khôi ngồi xe kéo về phố Bờ Sông, chui vào một căn gác xép dài như cái ống và tối như cái “hũ Xuân Thu”, đó là theo nhà thơ tả lại như vậy. Ông nhận thấy Phan Khôi rất hào hứng, vẻ như trẻ lại, và hai người coi đây mới thực sự là thời gian dành riêng cho họ, chứ không như một đêm với nửa ngày trên nhà Thế Lữ ở bãi Phúc Xá Hà Nội, người đông quá, ồn ào quá.
Ngồi trước người bạn trẻ, Phan Khôi không hề giấu giếm nỗi cảm kích của mình đối với Bài ca sông Dịch. Ông thẳng thắn nói rằng: nghe đọc bài thơ, là ông thấy thú tác giả liền! Tự coi mình là kẻ trẻ người non dạ, Vũ Hoàng Chương thật lòng không dám nhận lời khen đó. Ông cố hiểu rằng Phan Khôi bảo thú là thú cái tinh thần hào hiệp, cái lòng can đảm của người anh hùng đã quyết một đi không trở lại, của người anh hùng đã đánh đổi tính mạng mình trong vụ giết hụt Tần bạo chúa ở Hàm Dương kia, chứ đâu phải thú tác giả bài thơ!
Vũ Hoàng Chương nhận thấy lời bộc bạch chân tình đó của Phan Khôi đã nói lên tất cả con người ông! Phan Khôi hỏi về hoàn cảnh sáng tác bài thơ, Vũ Hoàng Chương kể rằng ông bắt đầu thai nghén Bài ca sông Dịch từ năm 1940 kia, nhưng chưa kịp động bút vì các đề tài khác cứ cuốn ông đi. Nhưng rồi Ban kịch Thế Lữ thúc đẩy ông bằng mọi phương tiện để bài thơ sớm chào đời, vì vậy mà nó ra đời năm 1943. Lập tức Ban kịch Thế Lữ mượn bài thơ làm lời khai từ cho vở kịch Kinh Kha của Vi Huyền Đắc (1899 – 1976) trong năm đó được công diễn tại Hà Nội.
Nhắc đến Thế Lữ và Ban kịch Thế Lữ, câu chuyện của hai người họ càng có cái vẻ hào hứng lạ. Phan Khôi bảo đó là chỗ quen biết cũ của ông, và mới năm ngoái đây, Thế Lữ dẫn ban kịch của mình vào Bảo An diễn liền mấy tối, ông mời cả đoàn về nhà mình ăn ở rất vui vẻ. Còn Vũ Hoàng Chương thì nói không hiểu sao cái Ban kịch đó lại cũng rất có duyên nợ với mình, cái duyên đó cũng lại diễn ra lần nữa hồi năm 1944 đây thôi.
Năm đó, Thế Lữ đề nghị Vũ Hoàng Chương viết lời khai từ cho vở kịch Nguyễn Thái Học, hạn bốn mươi tám giờ phải hoàn thành, để kịp công diễn. Như có phép thần nhập vào ngòi bút, nguồn cảm hứng mỗi phút một dâng trào, nhà thơ cắm cúi trên trang giấy suốt đêm, đến nỗi trời sáng lúc nào không hay, thì cũng vừa làm xong bài thơ Trả ta sông núi dài 120 câu!
Lời khai từ hùng hồn vang lên trong đêm diễn vở kịch Nguyễn Thái Học hôm đó khiến cho kẻ thù khiếp sợ, bọn hiến binh Nhật xộc vào rạp gây khó dễ, nhưng nhờ tài chống chế của đạo diễn, chúng buộc phải rút lui và đêm diễn lại tiếp tục trong sự hân hoan nức lòng của người xem. Nghe chuyện, Phan Khôi lấy làm thích thú lắm. Ông thấy quả là mình nhìn người không sai, anh bạn trẻ này là người có tài thơ rất đáng khâm phục.
Rồi câu chuyện của họ, khởi đầu từ Bài ca sông Dịch, chuyển sang hai nhân vật lịch sử Tần Thủy Hoàng, Kinh Kha cùng cuộc hành thích bất thành, khiến Kinh Kha phải bỏ mình. Câu chuyện về lịch sử của nước Trung Hoa cổ đại cũng không kém phần hào hứng vì là sở đắc của cả hai người, chưa kể là nó đã trở thành đề tài cho một bài trường thi mà mới được nghe đọc lần đầu, Phan Khôi đã cho là rất hay.
Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN) vốn có tên Doanh Chính, là vua thứ 36 của nước Tần, là hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa do chính tay ông ta làm cuộc thống nhất sau khi giành chiến thắng trong cuộc Chiến quốc thất hùng, thôn tính sáu nước Hàn, Ngụy, Sở, Tề, Triệu, Yên vào năm 221 TCN. Doanh Chính nối ngôi vua nước Tần năm 13 tuổi – gọi là Tần vương – làm hoàng đế Trung hoa năm 38 tuổi, là người khởi đầu của nhà nước phong kiến Trung Hoa thời cổ đại cho đến khi nó sụp đổ ở triều Mãn Thanh năm 1912.
Sau khi xưng đế, Tần Thủy Hoàng ban bố hàng loạt cải cách lớn về kinh tế, chính trị và xã hội: thiết lập hệ thống quan lại ở địa phương do triều đình chỉ định (thay vì phân chia ban tước cho các quý tộc như trước đây); cho phép nông dân sở hữu đất đai; thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ; xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ; tiến hành nhiều đại dự án: như đặt nền móng cho việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành, kênh Linh Cừ, cung A Phòng, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được bảo vệ bởi đạo quân đất nung hàng ngàn người; chinh phạt phương Nam mở rộng lãnh thổ.
Dưới bàn tay tàn bạo của Tần Thủy Hoàng, tất cả được tiến hành với cái giá đắt của hàng triệu, triệu sinh mạng. Để dập tắt sự phản ứng của nhân dân và áp đặt tư tưởng Pháp gia, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh thiêu cháy vô số những pho sách quý, chôn sống nhiều học giả.
Với 37 năm trị vì, Tần Thủy Hoàng xưng vương 25 năm, xưng đế 12 năm, chết vì ngã bệnh năm 49 tuổi, có vô số thê thiếp và khoảng 50 người con, nhưng sử sách không nhắc đến tên một người vợ nào. Dù làm Tần vương Chính hay làm Tần Thủy Hoàng, thời nào ông ta cũng có rất nhiều kẻ thù, đã ba lần bị hành thích, nhưng vẫn bảo toàn được mạng sống. Lần thứ nhất, năm 227 TCN bởi Kinh Kha. Lần thứ hai, bởi Cao Tiệm Ly. Lần thứ ba, năm 218 TCN bởi Trương Lương(2).
Còn với Kinh Kha thì thiên Thích khách liệt truyện trong bộ Sử ký của Tư Mã Thiên cũng có chép cả. Kinh Kha người nước Vệ, là môn khách của Thái tử Đan nước Yên. Thái tử Đan là bạn của Doanh Chính, nhưng Tần vương Chính cũng không tha trong công cuộc chinh phạt sáu nước láng giềng. Khi quân Tần tiến sát biên giới nước Yên, vì sức yếu, Thái tử Đan lập mưu ám sát Tần vương Chính, chứ không tổ chức chiến đấu chống lại, và giao Kinh Kha thực hiện.
Có một vị tướng nhà Tần là Phàn Ư Kỳ từng bị Tần vương Chính cho thất sủng, cũng là môn khách của Thái tử Đan. Tần vương Chính rất tức giận Phàn Ư Kỳ, một hai muốn lấy đầu Kỳ bằng được. Biết vậy, Phàn Ư Kỳ quyết định tự sát để Kinh Kha lấy thủ cấp của mình làm vật làm tin để tiếp cận Tần vương Chính. Khi lên đường, tới bờ sông Dịch thuộc biên giới nước Triệu, Kinh Kha ứng tác hai câu thơ để tiễn biệt đoàn người đưa tiễn:
Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về
Cùng đi với Kinh Kha có Tần Vũ Dương. Vật làm tin với Tần vương Chính là thủ cấp của Phàn Ư Kỳ và tấm bản đồ nước Yên được cuộn tròn lại, bên trong giấu một thanh chủy thủ. Bước chân vào triều đình nhà Tần, Kinh Kha bưng thủ cấp Phàn Ư Kỳ, Tần Vũ Dương bưng cuộn bản đồ nước Yên. Tự dưng Tần Vũ Dương hoảng sợ, mặt biến sắc, Kinh Kha vội cầm lấy cuộn bản đồ trong tay Tần Vũ Dương để tự mình dâng nộp cho Tần vương Chính. Khi mở cuộn bản đồ ra, Kinh kha rút thanh chủy thủ đâm Tần vương Chính, nhưng trượt, binh lính Tần xông vào giết chết Kinh Kha(2).
Cái chết oanh liệt của Kinh Kha thức tỉnh lòng dân trước mọi thứ cường quyền. Dân chúng bảy nước Tần, Hàn, Ngụy, Sở, Tề, Triệu, Yên; cho đến dân chúng của nước Trung Hoa thống nhất sau này; đều coi Tần Thủy Hoàng là bạo chúa và tôn vinh Kinh Kha là vị anh hùng. Đã có biết bao thiên truyện, bài thơ, vở kịch, phim điện ảnh, phim truyền hình… của Trung Quốc và của các nước ca ngợi cái chết bất tử của Kinh Kha.
Vở kịch Kinh Kha được công diễn tại Hà Nội năm 1943 với lời khai từ là Bài ca sông Dịch của Vũ Hoàng Chương, gây được tiếng vang lớn, là một ví dụ sinh động cho việc cổ võ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam đứng lên đánh đuổi mọi thứ giặc ngoại xâm.
Sau một khoảng lặng đầy suy tư giữa câu chuyện, Phan Khôi đề nghị Vũ Hoàng Chương cho ông được nghe một lần Bài ca sông Dịch(3) do chính tác giả của nó đọc. Vũ Hoàng Chương như được nhập thần, lúc khoan thai, lúc dồn dập, ông đọc từng câu, từng chữ với giọng vừa ấm, vừa nóng, vừa như có tiếng gươm khua lạnh người trong đó:
Đời lắng nghe đây trầm tư hồn bể dâu
Bàng bạc trường giang lạnh khói
Đìu hiu điệp khúc ly sầu
Đã mấy thời gian nằm u hoài sông Dịch
Tiễn kẻ một đi người kiếm khách Đông Châu
Ôi sông ngát dư linh! trải bao đời có biết
Hào khí ai xưa giờ vang bóng nơi đâu
Phải chăng ngươi! phải chăng kìa dấu vết
Tình anh rờ rỡ ngàn sau
Nước trôi đây nước trôi bờ cõi Việt
Âm u gợn tiếng ghê màu
Ai tráng sĩ bao năm mài gươm dưới nguyệt
Còn tưởng nghe hồn thép múa sông sâu
Kinh Kha hề Kinh Kha
Vinh cho người hề! ba nghìn tân khách
Tiễn người đi tiếng trúc nhịp lời ca
Biên thùy trống giục
Nẻo Tần sương sa
Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà
Buồn xưa giờ chưa tan
Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn
Bạch vân! Bạch vân! kìa ngang rừng phất phới
Ôi màu tang khăn gói lũ người Yên
Nhịp vó câu nẻo Hàm dương tung bụi
Ta nghe, ta nghe! này cuồng phong dấy lên
Tám phương trời khói lửa
Một mũi dao sang Tần
Ai trách Kinh Kha rằng việc người đã lỡ
Ai khóc Kinh Kha rằng thềm cao táng thân
Ai tiếc đường gươm tuyệt diệu
Mà thương cho cánh tay thần
Ta chỉ thấy
Tơi bời tướng sĩ thây ngã hai bên
Một triều rối loạn ngai vàng xô nghiêng
Áo rách thân rung hề ghê hồn bạo chúa
Hùng khí nuốt sao Ngâu hề nộ khí xung thiên
Một cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổ
Hiệp sĩ Kinh Kha hề người thác đã nên
Ta há quan tâm gì việc thành hay bại
Thế gian ơi kìa bãi bể nương dâu
Cung điện Hàm Dương ba tháng đỏ
Thành xây cõi dựng là đâu
Nào ai khởi nghiệp đế
Nào ai diệt chư hầu
Ca trùng lửa đóm cùng hoàn phản không hư
Dù lăng ngà hay cỏ khâu
Riêng tồn tại với thời gian việc làm chính nghĩa
Tranh sáng với trăng sao tấm lòng trượng phu
Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư
Kìa uy dũng kẻ sang Tần không trở lại
Đã trùm lấn Yêu Ly hề át Chuyên Chư
Ôi Kinh Kha
Hào khí người còn sang sảng
Đâu đây lòa chói giấc mơ
Nước sông Dịch còn trôi hay đã cạn?
Gương anh hùng vằng vặc sáng thiên thu!
Vũ Hoàng Chương đọc xong bài thơ dài, cả hai người ngồi lặng! Rồi câu chuyện của họ lại tiếp tục, và không biết từ lúc nào, câu chuyện đang từ một sự tích của lịch sử cổ đại, bắt sang câu chuyện văn nghệ của nước Việt Nam thời hiện tại với nỗi quan tâm của cả hai: rồi ra, tương lai của văn nghệ nước nhà sẽ đi về đâu? Hai người, một già một trẻ, sẵn sàng nghe nhau, nhưng cũng sẵn sàng tranh luận với nhau, không dễ dàng nhượng bộ.
Chuyển qua câu chuyện văn nghệ, Phan Khôi như sống lại cái không khí văn nghệ mấy tháng vừa qua ở Hà Nội; cảm xúc của ông tuôn trào, ông cao đàm hùng biện, hứng khởi thao thao, giọng sắc như chém đinh chặt sắt. Ông bày tỏ sự căm thù bạo lực, sự phản kháng độc tài, ông lên án mọi hình thức dân chủ giả hiệu.
Vũ Hoàng Chương ngồi nghe, thấy Phan Khôi có thừa phong độ cốt cách của một nho sĩ ngang tang bất khuất, cộng thêm khối kiến thức sâu rộng của một bản lĩnh lịch lãm, giang hồ. Lắm lúc Phan Khôi nói như gào, như quát, giọng cứ sang sảng lạnh người. Nhiều lần ông nhắc đi nhắc lại:
– Không thể được! Sao lại thế được? Văn nghệ phải là văn nghệ. Thiếu tự do, thà ném bút đi, cầm lấy một mũi nhọn khác!
Vũ Hoàng Chương ngồi nghe ông nói mà không khỏi nghĩ thầm trong bụng: phải chăng hào khí Kinh Kha đã nhập vào con người thâm trầm quắc thước này? Không, còn hơn thế! Lòng phẫn nộ của Phan Khôi còn có thể bốc lên cao hơn và mãnh liệt hơn cái oán khí cầu vồng trắng xuyên mặt trời của kẻ một đi không trở lại trên bến Dịch nữa kia(1)!
Trong cái dài dằng dặc và tối mò mò của căn gác xép hình ống ở phố Bờ Sông, mới đó mà câu chuyện của hai văn nhân đã tiêu béng mất hai ngày dài và hai đêm trắng. Rồi cũng đến lúc họ tạm biệt nhau để Phan Khôi trở về Hà Nội. Tàu chuyển bánh, ông rời ga Nam Định, nơi có người bạn trẻ tài danh mới quen mà đã trở thành tri âm, tri kỷ; ông biết rằng mình khó mà quên được con người ấy. Cũng như vậy, Vũ Hoàng Chương nghĩ rằng: người bạn già ấy, buổi hạnh ngộ ấy, ông lại có thể quên được ư? Rồi đây cả đời ông sẽ còn ghi nhớ mấy ngày ngắn ngủi của tháng 9.1946 ấy, tính chi li thì vừa đúng 13 tháng trời kể từ ngày triều Nguyễn bị chấm dứt!(1)
Về Vũ Hoàng Chương, trong cái lưng vốn học vấn ít ỏi của mình, tôi không thấy có bóng dáng của ông! Đôi điều được biết từ ghế nhà trường về nhà thơ lại là những điều chẳng hay ho gì, đáng bị rũ sạch đi cho rảnh. Hồi đó đi học, tôi bị gieo vào cái đầu non nớt của mình rằng ông là nhà thơ của rượu, của gái, của say, của trụy lạc.
Câu thơ của Vũ Hoàng Chương được trích dẫn mà chúng tôi nhớ đến thuộc lòng, là: Say đi em! / Say đi em! / Say cho lơi lả ánh đèn / Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt! / Rượu, rượu nữa! Và quên, quên hết! (1940). Tôi có biết đâu, dù cuộc đời có dẫn ông đi muôn nẻo và buộc ông kiếm sống với đủ thứ nghề, thì từng giây từng phút của cuộc đời ông đều dâng mình cho thơ, với sức viết phi thường: mười lăm tập thơ với hơn năm trăm bài thơ, cùng ba vở kịch thơ Trương Chi, Vân muội và Hồng Diệp; ông hai lần được Giải thưởng văn chương (Sài Gòn, 1959 và 1972), được tôn vinh là Thi bá Việt Nam.
Điều tôi nhắc lại ở đây là một bằng chứng bác bỏ cách nhìn nhận, đánh giá về nhà thơ Vũ Hoàng Chương theo lối thiển cận, sai lệch, đầy ác ý và tất cả đều nằm ngoài khung trời xanh của thơ ca. Trong thời khắc hết sức ngặt nghèo của Tổ quốc, của nhân dân trước họa xâm lăng từ các loại kẻ thù, Vũ Hoàng Chương đã dốc cạn lòng yêu nước của mình để sáng tác hai bài trường thi bất hủ. Hai bài trường thi đó là lời khai từ – lời mở đầu – cho hai vở kịch lịch sử của những người yêu nước ở Hà Nội thời đó.
Trong văn giới lúc đó, có ai làm được như ông?
Sau cuộc hạnh ngộ cuối mùa thu năm 1946, cuộc đời dẫn Phan Khôi và Vũ Hoàng Chương mỗi người đi một ngả. Vũ Hoàng Chương lúc ở Hà Nội, lúc ở Thái Bình, Nam Định, làm nhiều nghề mà nghề chính là dạy học, nhưng trên tất cả là ông dâng mình cho thơ. Còn Phan Khôi thì tự ông đi thẳng lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp chứ không ai bắt buộc, cũng không ai rải thảm đỏ đón chào. Sau đó mấy năm, còn có một sự kiện nữa xảy ra giữa hai người, rồi bặt vô âm tín, cho đến lúc chết hai người họ không còn gặp nhau lần nào nữa.
Chính cái sự kiện đó đã biến cuộc hạnh ngộ của Phan Khôi và Vũ Hoàng Chương vào mùa thu năm 1946 ở Hà Nội, trở thành cuộc gặp gỡ tri âm của hai người tri kỷ. Thiển nghĩ, cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi, của Vũ Hoàng Chương đã đi vào văn học sử nước nhà, thì cuộc gặp gỡ tri âm của họ cũng rất đáng được ghi lại vì nó thật là hiếm có! Muốn lý giải ngọn ngành sự kiện đó, tôi đã phải lần theo từng bước đi của Phan Khôi trên Việt Bắc thông qua một số bài thơ của ông.
Phan Khôi là nhà báo tự do, ông đề cao tự do cá nhân, đề cao tự do sáng tác; nhưng từ Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất cùng bản Đề cương Văn hóa Việt Nam với ba nguyên tắc Dân tộc – Khoa học – Đại chúng, mà ông là người có can dự, thì ông biết cuộc đời mình rồi đây sẽ phải đổi khác, nhưng ông không mấy bận tâm. Lúc đó, ông chỉ chăm chăm một điều, là thế nào giặc Pháp cũng sẽ quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, và ông cần Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thật tâm đánh Pháp, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia.
Được như thế thì ông ủng hộ, thì ông sẽ đi cùng để góp chút sức lực còn lại. Và quả có thế thật! Đêm 19.12.1946, đang trú trong nhà một người dân ở Láng, ông được trực tiếp chứng kiến hơn 60 phát đại bác của ta từ Pháo đài Láng bắn vào nội thành Hà Nội, mở đầu cho cuộc kháng chiến, đã xác nhận quyết tâm đánh Pháp của Chính phủ Việt Minh, khiến ông quên cả tuổi già, vừa hăm hở, vừa bươn bả lao theo, với quyết tâm đánh đến khi nào thắng mới thôi.
Mùa hè năm 1947, nghe có nhiều lời bàn không nên tiếp tục đánh Pháp vì chúng mạnh lắm, không thể thắng chúng được, chi bằng điều đình với chúng có khi lại hơn, ông liền phản đối. Ông ngồi viết luôn bài Cứ đánh đi, không điều đình gì hết, rồi gửi ngay cho báo Cứu quốc. Có thể nói Phan Khôi gạt hết tất cả lại phía sau, đi kháng chiến với tâm trạng phơi phới, quên cả tuổi già, ông như trẻ lại với cuộc kháng chiến của dân tộc!
Năm 1947, cơ quan Đoàn Văn hóa Kháng chiến nơi ông làm việc đóng trụ sở tại xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Lần đầu tiên sống ở vùng đất trung du lắm núi nhiều đồi, lắm sông nhiều suối, vốn là vùng đất cổ, là trung tâm sinh tụ đầu tiên của nước Đại Việt thời Âu Lạc, cư dân đông đúc, phong tục thuần phác, khiến ông rất xúc động.
Ông quên đi cuộc sống thiếu thốn, kham khổ để thả hồn thơ còn nguyên vẹn của mình vào hai bài thơ chữ Hán Xuân Áng tức cảnh 1 và Xuân Áng tức cảnh 2. Năm 1975, tại Sài Gòn, nhà thơ Đông Xuyên dịch hai bài thơ này:
Bài 1: Ba mặt non xanh đứt lại liền / Giữa là xóm núi, ruộng đồng chen / Thật thà quen thói, dân theo cổ / Thừa thãi hằng năm, lúa được rền / Khói sớm, đùm cơm, trâu đuổi tới / Đá tầng, ống trúc, nước đeo lên / Rừng xanh lánh nạn, đùa chim vượn / Cái thú lâm tuyền được ngẫu nhiên!
Và bài 2: Biếc biếc, xanh xanh, vun vút xa / Lùm cây, nương lá ngó bao la / Chiều vàng, lửa đỏ ven rừng đốt / Đập biếc, làn trong suối mỏ pha / Tóc gió tắm về, hong mụ trẻ / Bừa trăng cày đoạn, vác ông già / Lom khom dãy núi như mời khách / Muốn dọn nhà lên… sống tuổi già(4). Xem đó thì thấy Phan Khôi đi kháng chiến với một tấm lòng thật thanh thản, một tâm hồn thơ vẫn rất nguyên vẹn và nhạy cảm.
Sau Tết Mậu Tý 1948 được mấy tháng, một hôm Phan Khôi nhận được thư nhà, ông vui lắm. Trong thư gửi về Quảng Nam cho vợ con, ông gửi theo bài thơ Nhớ nhà 1 và 2 ông làm trước đó ít lâu:
Bài 1: Vì có trông người, nhớ đến ta / Nhà Hai, nhà Cả, cả hai nhà / Tài không tháo vát, nhưng cần kiệm / Họa có ghen tuông, vẫn thuận hòa / Tình nặng nhớ nhung, thơ vụng tả / Biệt ly khao khát, tuổi quên già / Loạn ly, sống chết, còn chưa biết / Đã một, hai rồi, chẳng lẽ ba.
Và bài 2: Hai nhà cộng lại có mười con / Năm gái năm trai nhắm cũng giòn / Gả cưới tạm yên nguyền một nửa / Sữa măng riêng mủi máu ba hòn / Tư trào thôi hẳn đành chia rẽ / Nhân cách còn mong được vẹn tròn / Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi / Tên mày ghi cái nhục sông non(5).
Đất nước đã gần 80 năm nằm trong tay thực dân, sau lại rơi vào tay phát xít, là nỗi quốc nhục. Nay Việt Minh làm cuộc kháng chiến chống Pháp, thì ông vì nghĩa lớn mà để lại vợ con ở phía sau để ra đi phục vụ kháng chiến, âu đó cũng là cách giữ tròn nhân cách của một người yêu nước vậy.
Tuổi cao, sức yếu, lại không quen cuộc sống kham khổ nơi rừng thiêng nước độc, nhưng ông vui vẻ vượt qua, tận tâm với công việc, các bản dịch Lỗ Tấn, các bài nghiên cứu tiếng Việt của ông được xuất bản ngay trên Việt Bắc. Phan Khôi tự khép mình lại, tự giác hòa vào cuộc kháng chiến với niềm tin như nhất, với lòng yêu thương rất cảm động dành cho tất cả mọi người, không kể gần gũi hay xa lạ. Năm 1948, trong bài Thơ tặng một vệ quốc đoàn, ông viết: Vượt suối trèo non tôi đến đây / Gặp anh ngồi nghỉ dưới chân mây / Chúc anh mạnh khỏe rồi ra trận / Máu sức càng hăng để đánh Tây / Đánh đến bao giờ độc lập thành / Tôi dù già rụi ở quê anh / Cũng nguyền nhắm mắt không ân hận / Nằm dưới mồ nghe khúc thái bình(6).
Hội nghị Văn hóa lần thứ hai họp từ 16 đến 20.7.1948 tại thôn Đông Lĩnh, xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ với bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam, đã làm rõ bản Đề cương Văn hóa Việt Nam với các nội dung cụ thể: về xã hội lấy giai cấp công nhân làm gốc; về chính trị lấy độc lập, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc; về sáng tác lấy hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc. Liền sau đó là Hội nghị Văn nghệ toàn quốc từ 23 đến 25.7.1948 tại thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ với nội dung cũng từa tựa như Hội nghị Văn hóa, dành riêng cho các văn nghệ sĩ.
Theo một định hướng như thế, cỗ máy văn hóa – văn nghệ chạy bằng năng lượng chuyên chính vô sản cứ quay với tốc độ mỗi ngày một cao. Các văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến, tức là tự nguyện làm một cái đinh ốc trong cỗ máy – không phân biệt trường phái lãng mạn hay hiện thực, nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh – tất cả đều vận hành đồng tốc, hết lòng cho công cuộc kháng chiến.
Trong một môi trường như thế, văn nghệ sĩ tự hòa tan, như tuyệt đại đa số trường hợp. Riêng Phan Khôi nằm ngoài cái đại đa số trường hợp đó, ông hăng say làm việc, nhưng hòa tan thì không; có thể vì ông cao tuổi, mọi thứ đã trở nên cố định làm hạn chế khả năng thích ứng với hoàn cảnh; cũng có thể ông không chấp nhận bởi có quan điểm riêng.
Trên thực tế không phải chỉ có chừng đó thứ. Tư tưởng Mao Trạch Đông với chính trị là thống soái, tư tưởng là hàng đầu, đã từ biên giới phía Bắc, theo chân những Lý Ban, những La Quý Ba cùng các đoàn cố vấn, xâm nhập mọi ngõ ngách của cuộc kháng chiến với đầy rẫy tài liệu, với các cuộc chỉnh đảng, chỉnh phong, chỉnh huấn từ cao đến thấp.
Trong mọi cuộc tắm rửa, kỳ cọ tư tưởng đó, theo phương châm trị bệnh cứu người, mỗi cá nhân đều không được nói về ưu điểm của mình, mà chỉ nói mọi thứ khuyết điểm mình đã phạm phải, thành thử sau đó, mỗi người thấy mình bé nhỏ như con sâu cái kiến, chỉ còn biết tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa, trung thành với đường lối.
Phan Khôi chấp nhận tất cả để đi đến ngày kháng chiến thắng lợi. Đến cuối năm 1949, người ta vẫn còn chứng kiến hình ảnh lồng lộng của ông giữa hàng quân, trong một cuộc xuất quân của văn nghệ sĩ đi chiến dịch cùng với một đơn vị bộ đội chủ lực.
Một trí thức cũ như ông, tuổi tác như ông, mà chịu đựng đến như thế, cũng đã là can trường. Nhưng càng ngày, Phan Khôi càng nhận thấy sự cách biệt giữa đảng viên và những người không phải đảng viên; giữa lãnh đạo văn nghệ với quần chúng văn nghệ; nhận thấy không khí nguội lạnh của cơ quan; nhận thấy phê bình và tự phê bình chỉ là dịp tốt để cấp dưới rót những lời đường mật vào tai cấp trên. Phan Khôi nhận ra tất cả và thử ra tay cải tạo tình hình bằng vài lần phát biểu trong các cuộc họp cơ quan, chỉ ra khuyết điểm, đề nghị sửa chữa, nhưng thảy đều không đi đến đâu.
Lâu dần ông rơi vào tâm trạng lẻ loi, cô độc, rõ nhất là từ đầu năm 1950 với một bài thơ chữ Hán có tên Giao thừa năm Canh Dần. Về sau, nhà phê bình văn học Thiếu Sơn dịch nghĩa và in trong bài Bài học Phan Khôi của sách Những văn nhân chính khách một thời xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975: Một mình đêm giao thừa / Đến ngọn đèn làm bạn cũng không có / Đắp lên thân suy tàn một tấm mền kép / Chợp mắt mơ là nhấm miệng chua cay / Có vợ con mà cam sống chia cách / Không sinh kế phải ăn nhờ / Nghe gà gáy mừng vùng dậy / Kháng chiến bốn xuân rồi(7).
Phan Khôi tham gia kháng chiến trong tư cách một nhân sĩ yêu nước, một nhà Hán học giỏi tiếng Pháp, chuyên về nghiên cứu và dịch thuật, chứ không phải nghệ sĩ sáng tác, nên “cái tôi” của ông ít có cơ hội biểu lộ trong tác phẩm. Nói vậy thôi, chứ “cái tôi” của ông không phải không bị cọ xát, chưa kể là ông chứng kiến nhiều cuộc cọ xát “cái tôi” của những nghệ sĩ sáng tác chung quanh ông, buộc ông phải bày tỏ thái độ của mình.
Nhân thấy ở Việt Bắc có một thứ cây mà lá giống y như lá hồng, nhưng chỉ có gai mà không có hoa, ông liền làm bài thơ Hồng gai: Hồng nào hồng chẳng có gai / Miễn đừng là thứ hồng rài không hoa / Là hồng thì phải có hoa / Không hoa, chỉ có gai mà ai chơi / Ta yêu hồng lắm hồng ơi / Có gai mà cũng có mùi hương thơm(8). Đã là nghệ sĩ thì phải có cá tính, không có cá tính thì bất thành nghệ sĩ. Ví như cây hồng, có gai, có hoa và hoa thơm; đừng bắt cây hồng chỉ được ra hoa mà không được có gai. Bắt thế là vô lối, vì gai là thứ cây hồng phải có để tồn tại cùng muôn loài, nó có tồn tại thì mới có hoa đẹp, hoa thơm!
Bị bệnh sốt rét quật lên quật xuống, sức khỏe ngày một tệ, nên năm 1951 lúc đang là người của Sở Văn nghệ Trung ương, Phan Khôi được nghỉ làm việc để dưỡng sức. Đầu năm 1952 ông lại bị đau dạ dày, được đưa vào bệnh viện quân y để mổ. Trước khi ra viện, trong tâm trạng buồn bã và cô độc, ông làm bài thơ Hớt tóc trong bệnh viện quân y: Tuổi già thêm bệnh hoạn / Kháng chiến thấy thừa ta / Mối sầu như tóc bạc / Cứ cắt lại dài ra(8).
Lúc này cơ quan ông đã di chuyển về Thái Nguyên. Ông ra viện trở về cơ quan thì tiết trời đã chuyển từ xuân sang hè. Cuối hè, cơ quan cử ông và nhiều người khác đi dự một lớp chỉnh huấn kéo dài một tháng ở Phủ Bình, Thái Nguyên. Cuộc chỉnh huấn này chủ yếu làm rõ vai trò của văn nghệ là phục vụ chính trị, không chấp nhận thứ văn nghệ chung chung, phi giai cấp và đả phá tư tưởng đòi văn nghệ độc lập với chính trị hay đứng ngoài chính trị.
Theo đó, những người làm văn nghệ như ông phải tự nguyện đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng yêu cầu thế nào phải làm đúng thế ấy, phải quên cái riêng của mình đi để phục vụ cái chung. Ông thấy mình đã tự nguyện rồi, có tự nguyện thì ông mới đi kháng chiến, mới vui vẻ làm được chừng đó việc. Nhưng ông vẫn nghĩ ngợi: văn nghệ cứ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, văn nghệ cứ phục vụ kháng chiến, nhưng muốn làm được thứ văn nghệ đó thì người nghệ sĩ phải xuất phát từ cảm xúc nghệ thuật của riêng mình, chứ sao lại bắt họ phải quên cái riêng của mình đi?
Trong nghệ thuật ngụ cái cá tính của mỗi người một khác, do đó cái nghệ thuật tính của mỗi tác giả cũng một khác. Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm loài cúc đều nở ra hoa cúc vạn thọ hết! Cái lỗi đó không phải của loài cúc, không phải của nghệ sĩ, mà là lỗi của người làm vườn, của người lãnh đạo. Văn nghệ là công việc của sáng tạo mà không xuất phát từ cái riêng của mỗi người, thì sáng tạo làm sao? Đòi quên cái riêng đi, là quên thế nào?
Ông biết nhiều người cũng nghĩ như ông, nhưng khi ông nêu ý kiến đó trong buổi thảo luận, thì tất cả đều lặng ngắt. Nhiều nhà văn, nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn, nổi tiếng từ trước 1945 bởi những áng văn, những thi phẩm xuất phát từ chính “cái tôi” rất riêng của họ; không hiểu sao trong cuộc chỉnh huấn lại quay ra phản đối ý kiến của ông!? Đến cuối cuộc chỉnh huấn thì ông hiểu ra rằng: hóa ra những nhà văn, nhà thơ đó đã kịp trở thành đảng viên hết cả, và nay họ đều có chỗ ngồi cao hơn người trong các cơ quan văn hóa, văn nghệ.
Không biết những người tổ chức cuộc chỉnh huấn đánh giá thế nào về kết quả chỉnh huấn một tháng ở Phủ Bình, riêng với Phan Khôi thì ông thấy không có mấy kết quả, tệ hơn nữa là ông thấy bế tắc. Mấy năm nay, trong các cơ quan, đã có nhiều người “dinh tê”, tức là rời bỏ kháng chiến, trở về sống ở vùng Pháp tạm chiếm. Người ta “dinh tê” với những lý do khác nhau, người thì không chịu được cuộc sống kham khổ, người thì bất đồng chính kiến, tất thảy họ đều bị phê phán kịch liệt, bị coi là đầu hàng giặc.
Ông thì không, ông cho là mỗi người có quyền lựa chọn con đường đi của mình: anh có quyền đi với kháng chiến, cũng có quyền không đi với kháng chiến, miễn là đừng theo giặc. Ông chỉ thấy tiếc cho những người “dinh tê”: giá kể trước đây họ cứ ở yên trong thành, đừng đi kháng chiến, là hơn!
Ông không ân hận vì đã đi kháng chiến bởi kháng chiến là nghĩa lớn, kháng chiến lại đang mỗi ngày một tấn tới, giặc Pháp rồi sẽ phải đầu hàng, sẽ phải cút khỏi Việt Nam. Nhưng ông thất vọng, rất thất vọng về cái mình đã tin, đã hy vọng và chờ đợi! Trong nỗi thất vọng đó, ông chợt nhớ đến người bạn trẻ ở Hà Nội mà ông được làm quen và đàm đạo suốt mấy ngày đêm hồi cuối thu năm 1946, chính là tác giả Bài ca sông Dịch.
Quan điểm về tự do sáng tác của Phan Khôi thế là bị tổn thương, tâm hồn thơ của ông thế là bị tổn thương, nhưng ông vẫn sống cách nghiêm túc và cần mẫn với công việc nghiên cứu, dịch thuật, không rơi vào tình trạng mà người ta thường gọi là bất mãn.
Ông vẫn rất thành tâm với kháng chiến, chủ động tìm tiếng nói chung với kháng chiến một lần nữa bằng cách tự mình đề nghị được đi dự một lớp chỉnh huấn khác dài tới ba tháng ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang vào năm 1953. Và năm sau, ông chủ động giúp Hội Văn nghệ trong việc xuất bản các tác phẩm của Lỗ Tấn. Đặc biệt ông hoàn thành một chuyên đề nghiên cứu rất công phu là Thử tìm sử liệu Việt Nam trong ngữ ngôn ngay trước ngày ta giành chiến thắng ở trận Điện Biên phủ.
Trong tập bút ký Ta đã làm chi đời ta, sau khi kể về cuộc hạnh ngộ cuối mùa thu năm 1946 ở Hà Nội, Vũ Hoàng Chương kể tiếp: khói lửa bùng lên từ Hải Phòng, từ Hà Nội… và lan tràn khắp các thị trấn trung châu. Nhà thơ phải tạm dời về miền duyên hải. Ngày dài đằng đẵng, hết xuân rồi lại thu, lòng nhớ bè bạn làng văn của ông càng như thiêu như đốt.
Bỗng một hôm ông nhận được từ Thái Nguyên gửi về không phải một lá thư thắm buông theo dòng nước biếc, mà là một lá thư trao theo kiểu chim xanh. Ngoài phong bì chỉ có hai dòng, dòng trên: Vũ Hoàng Chương, dòng dưới: Nam Định. Và bên trong vẻn vẹn một bài luật thi với chữ ký: Phan Khôi! Thật không sao kể xiết những cảm xúc của Vũ Hoàng Chương phút ấy. Cảm xúc dâng tràn đến nỗi ông suýt quên rằng phong thư gửi cho ông, nhưng chưa chắc ông là người đầu tiên mở ra đọc… chỉ vì là thư tay, không dán kín(1)!
Bài thơ luật Đường không có đầu đề ấy, bây giờ tôi tạm đặt tên là Thơ gửi Vũ Hoàng Chương. Nó như thế này:
Ngừng tim lặng óc bặt dòng tình
Tai mắt như không phải của mình
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc
Nghe trong tiếng ếch một màu xanh
Suối tiên đắm đuối bao cho chán
Khối mộng vờn mơn mãi chẳng thành
Thú ấy từ lâu không có nữa
Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh
Những năm tháng ấy Vũ Hoàng Chương không sống cùng Phan Khôi, nhưng qua bài thơ, ông có vẻ như hiểu tất cả những gì người bạn cao niên đang gặp phải. Tâm hồn thơ của Vũ Hoàng Chương thốt kêu lên: Ôi! Câu phá đề sao mà u uất thế? Cả một dòng máu bị thắt nút đang sôi sục, phá phách, đòi tự do! Con người cầm bút đó sẵn sàng vì tự do mà lưu huyết.
Câu thừa đề mới lại mỉa mai, não nuột đến đâu! Tai mắt còn không phải của mình, hỏi ngọn bút cầm ở tay có thể nào là của mình được nữa chứ? Nghe thấy màu, trông thấy nhạc, tai mắt thế là loạn rồi ư? Mà không loạn sao được? Không phải của mình kia mà! Đến như suối tiên đắm đuối, khối mộng vờn mơn, niềm khát khao tự do quả đã tuôn tràn đè trĩu khắp trang giấy. Ôi! Thật là hiển nhiên với hai câu kết:
Thú ấy từ lâu không có nữa
Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh
Thú ấy là thú nào? Nếu không phải là cái thú tự do mà con người văn nghệ quyết tranh đấu cho kỳ được, nắm giữ lấy như tính mạng, hơn cả tính mạng, có khi!
Vũ Hoàng Chương nằm trong túp lều tranh tại phủ lỵ Xuân Trường, ngâm đi ngâm lại bài thơ của Phan Khôi mà cả một bầu tâm sự đột nhiên được cởi tung, mở phắt. Một tiếng xướng đòi tự do như thế, phải được muôn tiếng họa lại, mới là công bằng. Lẽ nào trong muôn tiếng họa ấy lại thiếu tiếng họa của một kẻ từng bằng lòng lấy văn chương làm nghiệp dĩ, hay sao?
Nhà thơ hiểu tính Phan Khôi nóng như lửa, nếu khoảng giữa tiếng xướng tiếng họa mà im lặng đến hai mươi bốn giờ, ấy là Vũ Hoàng Chương đã đắc tội với bậc vong niên tri kỷ lắm rồi đó. Cho nên Vũ Hoàng Chương, ngay lập tức, họa nguyên vận bài thơ của Phan Khôi:
Trời vô tâm quá, đất vô tình…
Biết gửi vào đâu cái “chính mình”?
Tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng
Màu đen lại ngả xuống màu xanh
Uổng cho thơ dẫu bày trăm trận
Ngán nhẽ sầu khôn phá một thành
Tưởng tới nguồn đào thôi lại tiếc
Con thuyền đêm ấy nhẹ tênh tênh
Vũ Hoàng Chương gửi đi ngay tức khắc. Thơ trao đi mà lòng còn thắc mắc cho mãi đến sau này. Không biết Phan Khôi có tiếp được thư không, mà từ đó bặt vô âm tín!(1)
***
Trong cuộc gặp gỡ tri âm Phan Khôi – Vũ Hoàng Chương, có vẻ như trước, sau, phần chủ động đều thuộc về Phan Khôi. Trước, là mùa thu năm 1946 do Phan Khôi được nghe Bài ca sông Dịch mà chủ động tìm gặp tác giả. Sau, là từ cuộc chỉnh huấn một tháng ở Phủ Bình, Thái Nguyên vào mùa hè năm 1952(9), trong tâm trạng bế tắc và thất vọng, Phan Khôi làm bài thơ để trang trải lòng mình, ông không gửi cho ai, mà gửi cho Vũ Hoàng Chương.
Có vẻ như từ năm 1946 Phan Khôi đã phát hiện ra Vũ Hoàng Chương và tìm thấy ở người bạn trẻ một tài năng thơ và một tâm hồn thơ chân chính, rất đáng tin cậy, để mình có thể gửi gắm, chia sẻ mọi nỗi niềm. Nhưng chính Phan Khôi lại hoàn toàn im lặng, không có lấy một dòng viết về cuộc gặp gỡ tri âm của hai người, mà chỉ có Vũ Hoàng Chương ghi lại và đưa vào sách, nên người đời sau mới được biết.
Chắc chắn bài thơ họa nguyên vận của Vũ Hoàng Chương, do hoàn cảnh kháng chiến, đã không đến được tay Phan Khôi, nên cuộc gặp gỡ tri âm của họ phải dừng lại ở đó và Phan Khôi mất đi một cơ hội để chứng giám tấm thịnh tình của người bạn trẻ đối với mình. Thật đáng tiếc cho Phan Khôi và thật đáng ghi lòng tạc dạ tấm thịnh tình của Vũ Hoàng Chương đối với người bạn văn cao niên!
Còn bằng cách nào mà Phan Khôi từ Thái Nguyên là vùng Việt Minh lại gửi được bài thơ cho Vũ Hoàng Chương ở Nam Định là vùng Quốc gia, là một câu hỏi khó trả lời cho chính xác. Tôi chỉ suy đoán rằng: Phan Khôi đã nhờ một văn nghệ sĩ “dinh tê” – người này cũng biết Vũ Hoàng Chương – cầm cái phong thơ không dán kín, về Nam Định trao tận tay người nhận. Tôi ngẫm đi ngẫm lại, thấy chỉ có cách đó là khả dĩ nhất. Và tôi tin như thế!
Tôi đã đi đến tận cùng cuộc gặp gỡ tri âm Phan Khôi – Vũ Hoàng Chương để bày tỏ lòng ngưỡng vọng của mình đến hai cố nhân có đường đời khác nhau, nhưng cùng yêu tự do và cùng chết trong cảnh mất tự do!
________
(1) Theo cuốn hồi ký của Vũ Hoàng Chương Ta đã làm chi đời ta, Nhà xuất bản Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, 1974, từ trang 110 đến 114; bản e-book (PDF) của độc giả Phạm Quang Ái gửi tặng ngày 29.9.2020 qua e-mail.
(2) wikipedia tiếng Việt.
(3) www.thivien.net: Trang thơ Vũ Hoàng Chương, Rừng phong (1954). Đăng bởi Vanachi vào 3.6.2005, sửa lần cuối bởi Vanachi vào 4.4.2006.
(4) Đông Xuyên, Tuyển tập thơ Hán – Việt, Nhà xuất bản Cảo Thơm, Sài Gòn, 1975; trang web www.thivien.net: Trang thơ Phan Khôi, hạng mục “Những bài thơ mới nhất”, đăng bởi hongha83 vào ngày 19.4.2020, sửa 2 lần.
(5) Phan An Sa, Nắng được thì cứ nắng – Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2013, trang 442.
(6) Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ cha tôi – Phan Khôi, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2001, trang 162.
(7) Phan An Sa trích đăng, sách đã dẫn, trang 349.
(8) Giai phẩm mùa thu 1956, tập III, nhà xuất bản Minh Đức, Hà Nội, tháng 11.1956. Dẫn theo Lại Nguyên Ân, Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo, in sách 1948 – 1958, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, 2019, trang 222.
(9) Chủ nhân một trang facebook cá nhân, ngày 1.6.2020 có bài Nhà thơ Vũ Hoàng Chương họa thơ nhà báo Phan Khôi, viết rằng: “Năm 1946, lúc gia đình ông đang ở tại lỵ phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định thì nhận được thư của Phan Khôi đến từ Thái Nguyên”. Viết 1946 là sai, gây sự nhầm lẫn rất có hại cho việc tìm hiểu Phan Khôi giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Văn bút ký của Vũ Hoàng Chương có một đặc điểm là đọc lên như thơ, cứ lơ lửng, lửng lơ, như bay, như liệng; người đọc thiếu cẩn thận một chút là bị nhầm lẫn liền. Người sở hữu trang facebook nói trên viết sai, chính là do sự nhầm lẫn đó. Tôi đã mất cả sáu tháng trời loay hoay trong sự nhầm lẫn do đọc phải các thông tin trên, khiến không thể lý giải được sự bất hợp lý giữa thời điểm Vũ Hoàng Chương nhận được bài thơ và địa danh Thái Nguyên là nơi Phan Khôi gửi bài thơ đi. Cho đến khi được trực tiếp đọc tập bút ký Ta đã làm chi đời ta, mà đọc rất kỹ, mới luận ra được, mới thoát khỏi sự nhầm lẫn tai hại lúc đầu.
Nên nhớ rằng, chỉ khi Vũ Hoàng Chương kể về cuộc hạnh ngộ giữa ông với Phan Khôi tại Hà Nội thì ông mới nhắc đến năm 1946. Ông còn viết kỹ càng thế này kia mà: “Con người ấy! Buổi hạnh ngộ ấy! Tôi mà quên được ư? Và năm ấy, tôi còn nhớ là năm 1946! Triều Nguyễn chấm dứt vừa đúng mười ba tháng trời!”.(Lấy 19.8.1945 làm mốc, 13 tháng trời, thì tôi đoán cuộc hạnh ngộ của hai người diễn ra vào hạ tuần tháng 9. 1946).
Còn về việc nhà thơ nhận được thư của Phan Khôi gửi từ Thái Nguyên, thì ông viết thế này: “Sau đó ít lâu… khói lửa bùng lên từ Hải Phòng, từ Hà Nội… và lan tràn khắp các thị trấn trung châu… Ngày dài đằng đẵng, hết xuân rồi lại thu… Lòng nhớ bè bạn làng văn càng như thiêu đốt…” . Tôi gạch chân cụm từ hết xuân rồi lại thu để nhấn mạnh rằng: nhà thơ viết như thế là để chỉ thời gian đã trôi ra khỏi năm 1946 rồi, đã trôi đi nhiều năm nữa rồi, chính Vũ Hoàng Chương cũng không còn nhớ chính xác là năm nào nữa.
Nghiên cứu kỹ quá trình Phan Khôi tham gia kháng chiến chống Pháp, thì thấy rằng: Từ 19.12.1946 cho đến đầu năm 1947 ông vẫn còn ở Hà Nội và các vùng phụ cận. Chỉ từ sau Tết năm 1947 trở đi ông mới di chuyển lên Phú Thọ, rồi Tuyên Quang, rồi Thái Nguyên.
Từ lời văn nói trên của Vũ Hoàng Chương, từ hành trạng của Phan Khôi mấy năm đầu đi kháng chiến, thì không thể có chuyện ông làm bài Thơ gửi Vũ Hoàng Chương và gửi cho nhà thơ vào năm 1946 được.
Mấy năm tiếp sau đó như 1947, 1948, 1949 cũng khó xảy ra vì không khí kháng chiến đầy hứng khởi còn đang cuốn hút ông, những bài thơ ông làm trong mấy năm này đều rất ấm áp, tình cảm, như đã kể ở trên. Từ năm 1950 trở đi thì có thể, nhưng đáng tin nhất là vào cuối mùa hè 1952 sau khi ông dự lớp chỉnh huấn một tháng tại Phủ Bình, Thái Nguyên, khiến ông bị rơi vào bế tắc và thất vọng. Trong hoàn cảnh đó, ông làm bài thơ Đường luật với tâm trạng não nề như thế gửi Vũ Hoàng Chương, người bạn tri kỷ của ông, là rất có lý.