Cuộc đàm phán sáp nhập giữa – hai ứng dụng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á là đã đạt được nhiều kết quả khả quan, theo tin từ Dealstreet Asia. Đây là tin vui cho các nhà đầu tư, nhưng không vui cho hãng Be cũng như người dùng.
Như “hổ thêm cánh”
Cả Grab và Gojek đều là các “siêu kỳ lân” với định giá hơn 10 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài Visa là nhà đầu tư chung của cả hai, thì danh sách nhà đầu tư của mỗi bên toàn những ông lớn như Microsoft, Toyota, SoftBank, Honda, Google, Samsung, Facebook, Mitsubishi, PayPal… Đầu năm ngoái, Grab đã kêu gọi được 4,5 tỷ USD đầu tư từ Toyota và Hyundai, Microsoft và Oppenheimer Funds của Mỹ. Sau đó, Grab lại được “đổ” thêm 1,46 tỷ USD từ Softbank – Tập đoàn Nhật Bản do tỷ phú Masayoshi Son làm Giám đốc điều hành.
Trong khi đó, Gojek cũng nhận được nguồn đầu tư lớn từ Facebook, PayPal, Google, Tencent và nhiều công ty khác, theo Financial Times. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Facebook vào một doanh nghiệp có trụ sở tại Indonesia. Ngoài ra, các tính năng thanh toán của PayPal sẽ được tích hợp vào các dịch vụ của Gojek, cho phép khách hàng của GoPay (ví điện tử của Gojek) có quyền truy cập vào mạng lưới hơn 25 triệu đối tác nhà hàng của PayPal trên toàn thế giới.
Thương vụ sáp nhập của hai “người khổng lồ” được giới đầu tư ví là như “hổ thêm cánh”, vì cả hai startup này sẽ có chung nguồn vốn khổng lồ để quá trình scale up dễ dàng hơn. Đồng thời, cả hai thương hiệu cùng “thừa hưởng” kho dữ liệu người dùng lớn và thế mạnh truyền thông tiềm năng từ các nền tảng media “siêu to khổng lồ” như Facebook, Google…
Điều quan trọng nhất, khi về một nhà, Grab và Gojek sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiên đổ cho các khoản khuyến mãi và tiếp thị. Trước đó, để tăng thị phần, Grab phải tập trung tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng để tạo sự khác biệt và tăng chi phí tiếp thị để Gojek không chiếm lấy được “Tương quan truyền thông” (Share of voice). Grab cũng đã phải chi không ít tiền cho các khoản khuyến mãi để hạn chế sự mở rộng của Gojek. Ngoài ra, Grab sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Grab Food để cạnh tranh trực tiếp với với GoFood khi hay tin đây sẽ là sản phẩm chiến lược của Gojek. Việc đầu tư vào Grab Food cũng là bước để loại hai đối thủ yếu thế hơn là NOW và Baemin đang chuyển mình phát triển.
Ngược lại, khi cạnh tranh với Grab, Gojek cũng phải liên tục “đốt tiền” để đẩy mạnh mặt truyền thông và khuyến mại để từ đó mở rộng được thị phần. Khoản chi này không hề nhỏ vì mã khuyến mãi của Gojek phải đủ hấp dẫn mới làm cho người dùng trung thành với Grab chuyển qua Gojek.
Trong đợt dịch vừa qua, cả Gojek và Grab đều phải chuyển từ chiến lược tìm kiếm lợi nhuận sang cuộc chiến sinh tồn trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Việc sáp nhập thành công sẽ giúp cả hai phục hồi nhanh chóng để trở lại tốc độ phát triển như trước khủng hoảng.
Be trụ lại bao lâu trong cuộc chiến này?
Cuộc chơi trên thị trường đặt xe công nghệ chỉ dành cho những hãng nhiều tiền. Chính vì vậy, trong năm qua, rất nhiều hãng âm thầm biến mất khỏi thị trường, để lại ba ông lớn là Grab, Gojek và Be. Theo cáo cáo gần nhất của ABI Research, Grab hiện đứng đầu thị trường Việt Nam, chiếm đến 73% thị phần. Be đang đứng ở vị trí thứ hai, với hai dịch vụ chính là BeBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và BeCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh). Đến cuối năm ngoái, Be có 110.000 tài xế và ứng dụng đạt 6,6 triệu lượt tải. Gojek thay thế cho vị trí của Goviet chỉ đứng thứ ba.
Trong bức tranh khá gay cấn của thị trường đặt xe công nghệ, Be sẽ khó cạnh tranh được với Grab. Sau khi Grab sáp nhập với Gojek, cuộc chơi lại càng khó khăn hơn. Liệu Be có thể làm nên kỳ tích tại sân chơi này?
Theo CEO của Be, thì hãng này sẽ ưu tiên chú trọng chiều sâu chất lượng dịch vụ, tinh gọn cơ cấu tổ chức, hướng đến việc phát triển bền vững lâu dài với mục tiêu thành ứng dụng gọi xe có chất lượng tốt nhất thị trường. Be cũng tự tin cho rằng họ đang làm miếng bánh thị trường nở ra, tạo ra tệp khách hàng mới, hướng đi mới để cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Thị trường vận tải Việt Nam tăng trưởng rất hấp dẫn với mức trung bình 38%/năm. Be chỉ cần tăng trưởng theo sự phát triển của ngành đã là rất tốt, chúng tôi xác đinh rõ rằng mình có tệp khách hàng, tài xế riêng và chắc chắn sẽ rút ngắn dần khoảng cách với đối thủ về doanh thu và số chuyến.
Cuộc sáp nhập giữa Grab và Gojek cũng khiến cho người dùng không khỏi lo lắng. Cạnh tranh chính là yếu tố để giá cước không tăng cao và người tiêu dùng có thêm các mã khuyến mãi từ các ứng dụng. Mặt khác, sau sáp nhập, chiết khấu của Grab sẽ tăng cao mà thưởng cho tài xế thì giảm hoặc dần cắt hết như lần sáp nhập với Uber trước đây, có thể khiến dịch vụ Grab đi xuống. Đây sẽ là một lợi thế cho Be, nếu hãng này có thể trụ vững trong cuộc cạnh tranh không mấy dễ dàng.