Cùng với sự phát triển công nghệ robot, vấn nạn bạo hành các robot là một thực tại đen tối mà chúng ta cần đề cập đến. Các nhà hoạt động bắt đầu cân nhắc vấn đề này cũng nghiêm trọng tương tự như hành động bạo hành các động vật.
Bị sa thải vì làm quá tốt
Một trong những lý do chính của công nghệ robot là làm cho công việc hiệu quả hơn. Bất cứ ai phát minh ra giấc mơ đó đều không coi trọng sức mạnh từ sự bất mãn của con người, nhất là khi người ta đột nhiên biến thành một nhân viên kém hiệu quả hơn vì họ là con người. Trường hợp Flippy là một ví dụ điển hình về việc con người đã hất cẳng robot thay vì robot lấy đi công việc của con người.
Được chế tạo bởi công ty Miso Robotics, Flippy là trợ lý bếp tự động đầu tiên trên thế giới. Năm 2018, nó đã đảm nhận công việc tại một nhà hàng CaliBurger ở California. Robot được giao nhiệm vụ lật những miếng bánh burger trên vỉ nướng. Sử dụng bàn tay hình bàn xẻng của mình, Flippy đã thực hiện nhiệm vụ một cách hoàn hảo và sắp xếp các miếng thịt nấu chín cho nhân viên nhà bếp sử dụng.
Trí tuệ nhân tạo và tầm nhìn nhiệt của robot đã tối ưu hóa quá trình (hơi quá nhiều một chút). Tuy nhiên các đồng nghiệp con người của Flippy có thể không theo kịp với núi bánh burger đang ra lò nhanh như thế. Sau hai ngày làm việc, robot bị sa thải. Rốt cuộc kế hoạch Miso Robotics bố trí các robot Flippy trong chuỗi cửa hàng CaliBurger đã bị đình chỉ.
Luật sư biện hộ cho các robot bị lạm dụng
Hiệp hội phòng chống bạc đãi Robot của Mỹ (ASPCR) được thành lập vào năm 1999, ASPCR có trụ sở tại Seattle. Họ không có một phòng chờ đầy những khách hàng nhân tạo đang bất mãn, nhưng điều này có thể thay đổi vào một ngày nào đó.
Những người theo thuyết vị lai trong ASPCR tin rằng robot và con người đã được dự định sẽ trở nên bình đẳng. Những người có tầm nhìn này tin rằng ý thức và trí thông minh hữu cơ sẽ tự phát sinh trong các máy móc, từ đó thúc đẩy nhu cầu về quyền lợi và sự bảo vệ.
Ví dụ, ASPCR có thể hỗ trợ một robot có tri giác nộp đơn xin được cấp quyền công dân ở một quốc gia nơi nó được bảo vệ hợp pháp chống lại nạn lao động cưỡng bức. Họ cũng tưởng tượng rằng các siêu máy tính có thể nộp đơn kiện vụ kiện tập thể vì bị tắt mà không có sự đồng ý của chúng.
Nhóm vận động đã chỉ ra rằng sự tồn tại của nó không phải là vô lý mặc dù không có một người máy hình dáng giống như người và có nhận thức. Tổ chức này dựa trên Hiệp hội Hoàng gia về ngăn chặn hành vi bạc đãi động vật, họ từng bị cười nhạo khi những người vận động hành lang thành lập nó vào thế kỷ 19. Người ta đã không tin rằng động vật cần có quyền lợi vào thời đó, giống như bây giờ người ta cũng không tin rằng robot xứng đáng được bảo vệ hợp pháp.
Robot dạy sự tử tế
Trẻ em là một trong những đối tượng phạm lỗi nhiều nhất. Khi cha mẹ không thấy, chúng đá và đấm vào các đồ chơi robot và thậm chí cả các máy móc công cộng. Năm 2018, Naver Labs đã đưa ra một ý tưởng mới lạ. Tại sao không phát minh ra một món đồ chơi có thể dạy cho trẻ em rằng ngược đãi robot là điều sai trái?
Công ty đã chế tạo ra một con rùa tên Shelly. Để chắc chắn rằng trẻ em muốn chơi với nó, robot rùa được thiết kế dễ thương và tương tác. Mong muốn được chơi với Shelly của họ là điều chủ yếu đối với mục đích giáo dục của đồ chơi.
Khi một đứa trẻ trở nên thô bạo, Shelly đổi màu để cho thấy rằng nó đang buồn hoặc sợ hãi. Sau đó, con rùa thu mình vào trong lớp vỏ của nó và từ chối ra ngoài trong một lúc.
Điều đó đã có tác dụng đúng. Khi một nhóm trẻ em chơi với Shelly, nó đã ngăn trẻ, không cho làm “tổn thương” robot hoặc không cho đứa trẻ đó chơi tiếp. Chỉ có những trẻ đối xử với rùa với sự tôn trọng mới được phép thưởng thức đồ chơi.
Công ty Hàn Quốc thừa nhận rằng robot không thể cảm thấy đau đớn hoặc thực sự hiểu được sự lạm dụng. Tuy nhiên ngày nay, trẻ em đang nhìn vào một tương lai gắn liền với những robot cung cấp các dịch vụ công cộng có giá trị. Các nhà thiết kế ra Shelly muốn trẻ nhỏ học được từ sớm về việc tôn trọng các robot. Hy vọng rằng, điều này sẽ hạn chế sự thôi thúc chúng phá hoại các máy móc khi trưởng thành.
Robot tình dục bị quấy nhiễu tồi tệ
Năm 2017, Áo tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Điện tử. Hội chợ có một vị khách nhân tạo đặc biệt. Samantha là một phụ nữ có ngoại hình giống như người thật và trí thông minh nhận tạo (AI) của cô có khả năng tổ chức một cuộc trò chuyện (đến một mức độ nào đó). Cô cũng phản ứng khi được chạm vào, rên rỉ khi có ai sờ vào tay hoặc hông của cô.
Robot tình dục công nghệ cao được phát triển ở Barcelona và có mức giá 3.000 bảng Anh. Những khách tham quan tại hội chợ được cho phép tương tác miễn phí với búp bê, nhưng phải hạn chế. Bất chấp yêu cầu này, một đám đông đàn ông đã làm cho mọi thứ đi quá xa. Trước sự kinh hãi của nhà thiết kế robot, bọn họ đã quấy rối tình dục với cô. Cuối cùng robot bị gãy các ngón tay, bị hỏng và mang dấu vết không lành mạnh. Cuối cùng, cô bị suy sụp và ngừng trả lời.
Nhà phát triển của cô đã phải mang búp bê bị quấy nhiễu ra khỏi hiện trường và đưa Samantha trở lại Barcelona. Ở đó, cô đã được sửa chữa và làm sạch.
Robot lẩn trốn trẻ em
Công bằng mà nói, hầu hết trẻ em đều yêu thích robot và đối xử tốt với chúng. Nhưng tại Nhật Bản, ít nhất một robot bị hành hạ bởi trẻ em tại trung tâm thương mại. Công việc của Robovie 2 là đi lang thang quanh một trung tâm thương mại Osaka và chào đón các du khách.
Khi có người chặn đường đi của nó, Robovie yêu cầu họ bước sang một bên. Đa số người lớn và thanh thiếu niên cho phép robot đi qua. Tuy nhiên, bọn trẻ đã tìm cách hành hạ Robovie.
Một số từ chối tránh đường, che mắt brobot, hoặc xòe các bàn tay chung quanh bộ máy để ngăn nó di chuyển theo bất kỳ hướng nào. Những đứa trẻ thực sự có ác ý đã đá và đánh Robovie, thậm chí chúng còn cố gắng vặn đầu robot nữa.
- Xem thêm: Những robot kỳ dị nhưng hữu ích
Các lập trình viên robot đã chán ngấy. Những đứa trẻ bất chấp những lời khiển trách, và robot đã phải chịu tổn hại đắt giá. Các giải pháp đã không được tuân thủ. Rốt cuộc Robovie đã được tái lập trình để chạy trốn mỗi khi nó thấy bóng dáng các trẻ em, những người chỉ cao dưới 140cm.
Robot bị trấn nước
Năm 2008, Steve Powers đã dùng một con robot trông giống người và trói nó vào một cái bàn. Bị một cái túi úp qua đầu, robot này dẫy dụa trong khi một robot khác đổ nước lên mặt nó.
Là một nghệ sĩ, Powers đã tạo ra màn trình diễn thu hút sự chú ý về việc trấn nước, một phương pháp được chính phủ Hoa Kỳ sử dụng đối với các nghi phạm khủng bố nhằm tạo ra nhận thức ngạt nước. Mặc dù các nhà hoạt động lên án hành vi này là cực hình, nhưng hầu hết các thành viên của công chúng chưa bao giờ được mục kích tận mắt như thế. Cuộc biểu diễn này đã mang lại cho Powers một lượng khán giả đông đúc. Nhưng những người xem các robot tra tấn và bị tra tấn đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những gì rõ ràng là một điều đau đớn và đáng sợ nếu đó là một con người thực sự.
Chúng đã bị bắn
Cách đây vài năm, một thợ săn đã phát hiện thấy mình trải qua một tình huống siêu thực. Anh ta nhìn thấy một con nai vẫn đứng sau khi anh ta đã bắn nó sáu lần bằng súng trường. Trong các bụi cây gần đó, các nhân viên bảo vệ động vật hoang dã chứng kiến cảnh vui nhộn. Họ vừa đánh lừa kẻ săn trộm bằng một con nai robot giống như thật. Sử dụng thiết bị điều khiển từ xa, họ đã làm cho con vật vẫy đuôi hoặc lúc lắc đầu để làm cho nó sống động hơn.
Đây là một trường hợp lạm dụng robot khác nhằm phục vụ cho một mục đích cao hơn. Săn bắn bất hợp pháp là một vấn nạn ở Utah, và cơ quan thực thi pháp luật dựa vào các robot chuyển động để bắt các thủ phạm.
Các vụ săn trộm đạt cao điểm trong mùa săn bắn. Không được phép săn bắn sau khi trời tối, nhưng những thợ săn vô đạo đức đã hạ gục những con nai lang thang bên đường. Để đưa ra ý tưởng về vấn đề nghiêm trọng đến mức nào, một con nai giả đã nghỉ hưu sau khi nó bị bắn hơn 1.000 lần.
Luôn luôn có một nhân viên ẩn nấp gần các mồi nhử. Mỗi khi họ bắt được một thợ săn đang hành động, các vũ khí của kẻ săn lậu bị tịch thu và anh ta được quy vào trường hợp phạm pháp hạng B. Nếu bị phạt, đối tượng sẽ phải nộp phạt lên tới 1.000 đô la và bị sáu tháng tù. Sau khi thực thi được hơn một thập niên, dự án đã làm sụt giảm đáng kể con số những kẻ săn trộm.