Đầu năm nay, vào sinh nhật lần thứ 80 của nhà văn John Maxwell Coetzee, trang chính thức của giải Nobel đã đăng lại video bài diễn từ của ông, khi đến Thụy Điển nhận giải Nobel Văn chương 2003. Thay vì nói về sự nghiệp văn chương, hay muốn truyền đi thông điệp về nghề viết, Coetzee đã dành nhiều lời lẽ yêu thương và trân trọng gửi đến mẹ ông.
“Và chúng ta làm những việc để đoạt giải Nobel cho ai nếu không phải vì mẹ chúng ta?… Mẹ ơi, mẹ ơi, con đã giành được giải thưởng!… Thật tuyệt vời, mẹ ơi. Bây giờ hãy ăn cà rốt của mẹ trước khi chúng nguội lạnh… Lòng biết ơn chân thành của con gửi đến cha mẹ, con rất tiếc vì cha mẹ không thể ở đây”.
Đọc đến đây, có lẽ độc giả của Coetzee sẽ nhớ đến tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Cuộc đời và thời đại của Michael K (Mạnh Chương dịch, NXB Hội Nhà Văn). Cũng chính tác phẩm này mang lại cho ông giải thưởng Man Booker đầu tiên.
Cuộc đời và thời đại của Michael K kể về hành trình kỳ lạ của Michael K băng qua cuộc nội chiến ở Nam Phi. Đầu tiên anh đưa mẹ mình thoát khỏi cảnh bom rơi đạn lạc, đến một miền hoang vắng thanh bình. Nhưng rồi cuộc chiến leo thang, mẹ anh qua đời, anh tiếp tục sống bên cạnh cuộc đời, mặc thời thế, mặc bạo tàn.
Michael K như một tấm gương khúc xạ lại thứ hiện thực soi tỏ lên anh, và từ đó hình ảnh của đất nước Nam Phi hiện ra. Nơi chính quyền dân sự sụp đổ, kéo theo một cuộc binh lửa suốt nhiều năm, với những phận người vô tội bị kéo vào guồng máy chiến tranh. Anh là một nhân vật “phản anh hùng” sinh ra với khiếm khuyết, mang trong mình khiếm khuyết đó đi hết một đời, mà không ngả về một phe phái chính trị nào, không ủng hộ một thứ tư tưởng nào, bởi với anh những thứ đó không có ý nghĩa, anh không thể dành tình yêu cho chúng, và có lẽ anh cũng không thể hiểu những điều đó.
J.M.Coetzee đã viết nên Cuộc đời và thời đại của Michael K bằng một văn phong giản dị, những câu từ đơn giản, trong cấu trúc mạch lạc sáng tỏ, như thể giống như Michael K, văn bản viết nên cuộc đời anh cũng thật khiêm cung, mà người đọc có thể thấu suốt dễ dàng. Và cũng chính sự thấu suốt này buộc ta phải nghĩ ngợi bởi cái sự nhẹ bẫng trong cách Coetzee kể lại một câu chuyện lạ kỳ, làm cho tất cả những tuyên ngôn, những thậm xưng hay những bản anh hùng ca, phút chốc trở thành một nụ cười mỉm.
Nhiều năm sau này, khi gần như đạt mọi vinh quang trong nghề viết, Coetzee viết bộ ba tác phẩm mà sau này vẫn được gọi chung (hoặc in chung) dưới cái tên Những cảnh đời tỉnh lẻ mà chỉ chuyện xác định nó là hồi ký hay tiểu thuyết cũng đã làm dấy lên tranh cãi giữa mỗi người đọc.
Gọi Những cảnh đời tỉnh lẻ là hồi ký bởi nó có nhân vật chính là John Coetzee, với một tiểu sử trùng khít với những tháng năm ấu thơ ở Nam Phi, du học Luân Đôn, trở về cố quận, thất bại trong đời, thành công trong văn chương và được ngưỡng vọng. Là hồi ký, nhưng tác giả lại sử dụng ngôi thứ hai, gọi John Coetzee là “hắn”. Là hồi ký, nhưng đến phần cuối cùng của tập sách, tác phẩm lại trở thành một bản thảo tiểu sử do một phóng viên thực hiện sau khi nhà văn Coetzee qua đời dù tác giả vẫn sống sờ sờ… sau ngày tác phẩm này được xuất bản cho đến ngày nay.
Nhà văn cho ta một định nghĩa mới về “hồi ký”, khi phóng trí tưởng tượng vượt ngoài những đường biên của hồi ức để hình dung bao quát về cuộc đời của một cá nhân sinh ra, trưởng thành ở châu lục vẫn được mệnh danh là nơi tận cùng thế giới.
Châu Phi dưới mắt của J.M.Coetzee cũng mang dáng hình của trong các trang văn của Chinua Achebe hay Joseph Conrad. Châu lục mà Ryszard Kapuciski phải thú nhận rằng “quá lớn để miêu tả” và “ngoài cái tên địa lý, châu Phi không tồn tại”. Châu lục “không tồn tại” ấy đã sản sinh ra những người “không tồn tại” như Michael K, những người không có số phận, bị lịch sử dai dẳng của những năm tháng thực dân, nội chiến, bạo lực. Nơi vẫn được xem là cái nôi của sự sống, với thiên nhiên hoang dã, những bộ lạc nguyên thủy.
Trong trang văn của Coetzee, đất Nam Phi hiện lên tách lìa khỏi những định kiến trên. Ta thấy một đất nước có chính quyền, với những thiết chế xã hội, những hệ thống y tế, từ thiện… mà có thể tạm xem là biểu hiện của nền văn minh. Michael K đã ra đời trong xã hội đó và bị chính những thiết chế đẩy dần ra bên lề, trở về với cuộc sống nguyên sơ đầy bản năng, và cũng tránh xa những tranh đoạt, tham tàn của con người.
Tình yêu duy nhất của anh là dành cho người mẹ đã khuất, cho những hạt giống anh sẽ gieo trồng trên mảnh vườn của anh, nơi ai cũng có thể ghé lấy. Anh không mang nợ ai và cũng không muốn mang thứ gì khác ngoài đất đai, thiên nhiên của xứ sở Phi châu.
Cái thế giới mà Coetzee đã ném nhân vật của mình vào, trong Đợi bọn mọi, trong Ruồng bỏ… Cái thế giới mà ông muốn bỏ lại, như nhiều lần trong phần Tuổi trẻ của bộ Những cảnh đời tỉnh lẻ, ông đã ao ước.
Có nhiều nhận định Michael K là một “người hùng phản chiến”, một nhận định dẫu đúng đi nữa cũng sẽ cố ép nhân vật này vào một nét nghĩa. Michael K đi xa hơn, không chỉ thoát khỏi cái phi nhân của chiến tranh, anh còn thẳng thắn khước từ những mặt trái của xã hội văn minh đã đẩy những con người vô tội như Michael K vào vòng xoáy của âm mưu quyền lực.
Michael K đi đến tận cùng để phản kháng lại một thế giới như vậy. Không chỉ tránh xa mọi người, những thành phố, anh cũng khước từ cả những trại tị nạn, nơi anh được chăm sóc, cho thức ăn. Không thể chấp nhận cuộc sống bên trong những bức tường của nền văn minh đó, anh leo rào chạy trốn. Cuộc đời của Michael K là cả một cuộc chạy trốn “chuyên nghiệp” đến độ Coetzee gọi anh là “một nghệ sĩ chạy trốn vĩ đại”.
Những “nghệ sĩ chạy trốn” như thế chỉ có thể được xin ra từ một vùng đất như Châu Phi. Một vùng đất trong suốt lịch sử của mình luôn bị hiểu lầm là kém văn minh, cần được “khai hóa” trong các trang văn của nhiều nhà văn phương Tây. Với Cuộc đời và thời đại của Michael K, nhà văn trình ra cho độc giả thế giới thấy nét đẹp của những con người vốn thường xuyên bị cho là giản đơn ấy.
Michael K trong sự dị hình (sứt môi) với những tư duy khác thường vượt ra khỏi những khuôn khổ định sẵn của xã hội văn minh, đã trả con người về cái tròn vẹn ban đầu của nó, trong sự hòa hợp với đời sống vật chất và tinh thần. Bằng cách khước từ bạo lực, bằng cách chạy trốn khỏi những bức tường, Michael K trở thành một trong những nhân vật văn chương kỳ lạ và gây khó hiểu cho độc giả dù tác phẩm ra đời đã hàng chục năm.
- Xem thêm: Giải Nobel Văn chương: Lựa chọn an toàn
Trong thực tế, thời trẻ Coetzee đã muốn làm cuộc chạy trốn đến một thế giới khác, không có phân biệt chủng tộc, không có xung đột bạo lực, một “thiên đường” đối lập với “địa ngục” Phi châu ông đang sinh sống. Nhưng cũng giống Michael K, nhà văn đã được chọn để làm chứng nhân cho thời đại của mình. Cho sự sụp đổ của hệ thống thực dân, chứng kiến chủ nghĩa thực dân mới, sự ra đời của chủ nghĩa khủng bố, những cuộc cách mạng, những nhà độc tài…
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an với những xung đột hiển lộ lẫn ngấm ngầm diễn ra hàng ngày hàng giờ. Và những nhân vật, những câu chuyện của Coetzee ngày càng trở nên gần gũi và sống động. Coetzee từng giống như chúng ta ngày nay, đã tin tưởng và vỡ mộng như lời thú nhận của ông trong bức thư gửi độc giả Việt Nam nhân lần đầu ra mắt Những cảnh đời tỉnh lẻ: “Anh càng ngày càng phiền lòng hơn về câu hỏi: mình có thể sống ở đâu trên thế giới này, nơi mà mình có thể hãnh diện, hơn là hổ thẹn, vì bộ mặt mà đất nước của mình phô bày ra trước thế giới”.