Cuốn hồi ký “Nhất Linh, cha tôi” của tác giả Nguyễn Tường Thiết vừa chính thức ra mắt độc giả trong nước (Phanbook & NXB Phụ Nữ, 2020) đã gây chú ý đặc biệt không chỉ về những tư liệu giúp làm sáng rõ hơn bức chân dung nhà văn, chính trị gia Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam và nhiều nhân vật cùng thời, mà còn chinh phục người đọc bằng giá trị văn chương nội tại.
Tác giả Nguyễn Tường Thiết là con trai út của nhà văn Nhất Linh, người con 10 tuổi mới thấy mặt cha nhưng bên cha trong những ngày ông sa cơ chính trị, lên Đà Lạt sống ẩn dật rồi trở về An Đông (Sài Gòn) làm xuất bản, báo chí và phản kháng chính trị như một trí thức đầy chính trực.
Là người trực tiếp chứng kiến cái chết chủ động của cha mình và giữ bức di ngôn nổi tiếng “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả”, nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã đưa vào cuốn sách nhiều tư liệu, giúp minh định rõ ràng hơn những giá trị, khí chất của người cha mình ở khía cạnh con người văn chương và xã hội.
Kỷ niệm ngày mất của nhà văn Nhất Linh (7.7), và nhân dịp Nhất Linh, cha tôi ra mắt độc giả trong nước, Người Đô Thị có cuộc trao đổi với tác giả Nguyễn Tường Thiết xoay quanh cuốn sách đang gây dư luận này.
_______
Xin ông cho biết về quá trình viết cuốn hồi ký này nhân lần đầu sách được ra mắt tại Việt Nam?
Cách đây 14 năm, tuyển tập hồi ký Nhất Linh, cha tôi được xuất bản lần đầu ở Hoa Kỳ vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thân phụ tôi, ngày 25 tháng 7 năm 2006. Hôm nay, cũng vào dịp kỷ niệm 57 năm ngày mất của ông, ngày 7 tháng 7 năm 2020, tác phẩm này được tái bản và phát hành lần đầu tiên ở Việt Nam. Nếu không xảy ra đại dịch Covid-19 thì chắc hẳn giờ đây tôi đã hiện diện tại Việt Nam để có thể gặp gỡ người đọc.
- Xem thêm: Đọc lại đời Nhất Linh
Cuốn hồi ký Nhất Linh, cha tôi trước hết là kết quả một cuộc hành trình dài, phải nói là rất dài, đi tìm Nhất Linh. Tại sao, là con, tôi lại phải đi tìm Nhất Linh? Bởi vì khi ông cụ tôi còn sống tôi chỉ biết ông như một người cha. Và khi tôi muốn thực sự tìm hiểu về người cha ấy thì ông lại không còn trên dương thế để tôi có thể trực tiếp hỏi ông về cuộc đời ông, một cuộc đời phức tạp, đa dạng, và đầy bí ẩn.
Sự tìm hiểu về con người Nhất Linh lại càng thôi thúc tôi hơn, gần như một bổn phận, sau khi tôi biết là ông đã để lại di chúc cho tôi, người con út trong gia đình, trông nom tất cả gia tài văn hoá mà ông đã để lại cho hậu thế, trước khi ông qua đời.
_______
Hành trình “đi tìm Nhất Linh” đã được ông dụng công thể hiện thế nào?
Như bạn thấy, cuốn sách là đúc kết của những tư liệu sưu tập trên cuộc hành trình. Tuy nhiên những tư liệu này mà tôi thu thập được, thật ra chúng chỉ là những cái xác, chúng cần được làm sống lại, được bơm cái hồn vào, bằng phương tiện văn chương mà tôi đã vận dụng trong khi viết cuốn sách, cốt cho người đọc, có cảm tưởng không phải đọc những trang hồi ký khô khan, mà là đọc những mẩu chuyện ngắn mang tính sống động và hấp dẫn.
Nhà phê bình văn học Thụy Khuê viết trong Lời bạt cho quyển sách này đã ghi nhận cuốn sách hồi ký như những truyện ngắn, những truyện ngắn hồi ký, vừa có tính chất rất thực, mà còn chuyên chở những giấc mơ huyền ảo, mà hồi ký truyền thống không có.
_______
Như vậy, cuốn sách này, ngoài tính tư liệu về cuộc đời của Nhất Linh và những người cùng thời, những mảnh ký ức về gia đình Nguyễn Tường trong cơn ly loạn… thì văn chương là một yếu tố quan trọng cần để nói đến và ghi nhận. Hẳn đã có một huyết thống văn chương chảy từ Tự Lực Văn Đoàn đến ông, một cây bút hậu duệ?
Cuốn hồi ký Nhất Linh, cha tôi có thực sự thể hiện “huyết mạch văn chương Tự Lực Văn Đoàn” trong con người của tác giả, như một số người thường hỏi tôi? Xin thú thật là tôi không biết rõ và khó trả lời. Nhưng về kỹ thuật viết thì hiển nhiên có sự khác biệt giữa hai thế hệ ông cụ tôi và tôi.
Ông cụ tôi “viết” trên giấy, còn tôi “gõ” trên máy. Trên các bản thảo của Nhất Linh mà tôi hiện giữ, khi ông cụ muốn thêm một đoạn văn vào một trang đã viết, ông cụ phải viết ra ngoài lề, muốn đổi thứ tự trên dưới một đoạn văn ông cụ phải chú thích bên lề: đoạn này cho xuống dưới, đoạn kia cho lên trên v.v.. rất khó khăn phức tạp; trong khi tất cả những việc này tôi dễ dàng làm trong nháy mắt trên bàn máy vi tính: highligh đoạn văn ấy rồi paste vào một chỗ mới. Vì thế trong cuốn Nhất Linh Cha Tôi, tôi đã sử dụng nhiều kỹ thuật flashback, đảo lộn thời gian, hoàn toàn không thấy trong lối viết cũ thời Tự Lực Văn Đoàn.
_______
Và ông đã tìm thấy chân dung thân phụ mình như thế nào sau cuộc hành trình – từ phương diện nhà văn Nhất Linh và chính trị gia Nguyễn Tường Tam?
Nhất Linh là một con người đa năng, đa dạng, phức tạp, đã đóng góp nhiều vai trò trong lịch sử văn chương lẫn chính trị trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động của dân tộc Việt Nam. Là tổng hợp của hai con người: con người nghệ sĩ Nhất Linh và con người cách mạng, chính trị Nguyễn Tường Tam, cuộc đời của ông sở dĩ phong phú và khác thường cũng chính vì sự pha trộn hai con người ấy.
Hai con người nghệ sĩ, chiến sĩ thay phiên nhau chi phối cuộc đời ông. Nếu thập niên 1930 của thế kỷ trước người nghệ sĩ Nhất Linh thắng thế qua những hoạt động trong lãnh vực văn hóa như thành lập hai tờ báo Phong Hoá & Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, thì qua thập niên 1940, con người chính trị Nguyễn Tường Tam sáng lập đảng Đại Việt Dân Chính, làm bí thư Việt Nam Quốc Dân Đảng, giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến.
Nhất Linh sống trong văn chương và chết trong chính trị. Một bên là niềm vui: Nhất Linh, một bên là nỗi khổ: Nguyễn Tường Tam.
Tuy khổ mà ông vẫn làm. Tuy khổ mà ông vẫn sa vào con đường chính trị. Bởi vì ông không những đa tài mà còn có cái tâm rất lớn. Con người Nguyễn Tường Tam thực sự là con người yêu nước, không phải yêu nuớc trên cửa miệng mà yêu nước trong tâm hồn. Khi sống ông tranh đấu cho lý tưởng tự do, khi chết ông bảo vệ nền dân chủ. Tất cả hành động chính trị này phản ánh lòng yêu nước chân thực của ông.
_______
Hẳn rằng nhiều tư liệu trong cuốn sách sẽ minh định lại các luận điểm về Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam mà bấy lâu nay đã bị thông diễn và định kiến sai lệch…
Vâng, cuốn hồi ký này được viết ra và tái bản tại Việt Nam lần này không ngoài mục đích giúp độc giả trong nước tìm hiểu rõ hơn chân dung đích thực của con người Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, con người mà, buồn thay, lại bị nhiều oan khiên nhất, trong một thời gian lâu dài nhất, ở trên chính cái dải đất nước Việt Nam thân yêu mà ông đã bỏ cả một đời người để sống và chết cho nó và vì nó. Xin cảm ơn quý độc giả trong nước đã quan tâm đến Nhất Linh, cha tôi.
_______
Xin cảm ơn ông.