Trong một động thái nhượng bộ trước làn sóng tẩy chay quảng cáo của các thương hiệu, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, cho biết sẽ thay đổi chính sách để cấm nội dung gây thù hận trong các quảng cáo. Đồng thời, ông chủ Facebook khẳng định sẽ gỡ bỏ các bài viết kích động bạo lực, gây cản trở bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới cũng như dán nhãn cảnh báo vào những bài viết có giá trị nhưng vi phạm các chính sách của Facebook.
Nỗ lực ngăn chặn nội dung gây thù hận
Hôm 26-6, trong bài viết trên trang Facebook cá nhân, Zuckerberg thông báo theo các chính sách mới, Facebook sẽ cấm quảng cáo đăng trên các nền tảng của Facebook khẳng định rằng người thuộc một nhóm chủng tộc, sắc tộc, dân tộc, giới tính, xu hướng tính dục và nguồn gốc nhập cư cụ thể là mối đe dọa đối với an toàn và sức khỏe đối với bất kỳ ai khác.
Ngoài ra, Zuckerberg cho biết Facebook sẽ hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ người nhập cư, người tị nạn và người xin tị nạn trước các quảng cáo gợi ý rằng họ thấp kém hơn các nhóm người dân khác hoặc các quảng cáo thể hiện sự khinh thường, gạt bỏ, phẫn nộ nhắm vào họ.
Ông cho biết sẽ gỡ bỏ các bài viết kích động bạo lực hoặc gây cản trở việc bỏ phiếu cho dù tác giả bài viết là các lãnh đạo chính trị.
Ông nhấn mạnh: “Tôi cam kết bảo đảm Facebook là nơi mà mọi người có thể sử dụng tiếng nói của họ để thảo luận các vấn đề quan trọng. Nhưng tôi cũng chống lại nội dung gây thù hận hay bất cứ điều gì kích động bạo lực hoặc gây cản trở việc bỏ phiếu và chúng tôi sẽ gỡ bỏ những nội dung như vậy tác giả của nó là ai đi nữa”.
Zuckerberg cũng nói rằng Facebook sẽ dán nhãn cảnh báo vào các bài viết có nội dung vi phạm các chính sách của công ty nhưng vẫn được giữ lại vì có giá trị tin tức và được công chúng quan tâm.
Những người dùng Facebook muốn chia sẻ nội dung đó sẽ thấy một cảnh báo nhắc nhở rằng nội dung mà họ đang chia sẻ có thể vi phạm các chính sách của Facebook. Twitter cũng có chính sách tương tự khi quyết định dán nhãn cảnh báo chứ không gỡ bỏ những nội dung có giá trị tin tức nhưng gây tranh cãi, thường là các dòng tweet của các lãnh đạo thế giới.
“Chúng tôi thường nhìn nhận rằng phát biểu của các nhà chính trị được công chúng quan tâm giống như cách mà các tờ báo đưa tin về những gì mà một nhà chính trị nói. Nên chúng tôi nghĩ rằng nói chung, mọi người nên có thể nhìn thấy phát biểu đó trên các nền tảng của chúng tôi”, Zuckerberg nêu quan điểm.
Facebook hứng làn chỉ trích nặng nề từ công chúng và ngay cả những nhân viên Facebook vì từ chối kiểm duyệt nội dung một bài viết của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 5. Trong bài viết đó, ông Trump cho rằng “khi nạn cướp bóc bắt đầu, thì súng cũng sẽ nổ” để ngầm răn đe những người cướp phá ở các cửa hàng khi tham gia các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát ghì cổ giết chết một người đàn ông da đen. Một số kỹ sư của Facebook đã nghỉ việc để phản đối vụ việc này.
Các thay đổi chính sách của Facebook thu hút sự chú ý vì trước đây, Zuckerberg liên tục nhấn mạnh rằng Facebook không phải là “người phán xét sự thật”. Ông cũng nói rằng Facebook không kiểm duyệt bài viết của Tổng thống Trump vì cho rằng nó không vi phạm chính sách của Facebook.
Chịu sức ép trước chiến dịch tẩy chay quảng cáo
Thông báo của Zuckerberg về các thay đổi chính sách của Facebook được đưa ra sau khi gần 100 nhãn hàng tuyên bố họ sẽ dừng quảng cáo ở Facebook trong suốt tháng 7 hoặc lâu hơn như là một phần của cuộc vận động tẩy chay quảng cáo trên Facebook có tên gọi #StopHateForProfit (Dừng khai thác nội dung thù hận để kiếm lợi nhuận).
Cuộc vận động đó phản đối việc Facebook không giải quyết triệt để tình trạng nội dung gây thù hận xuất hiện tràn lan trên các nền tảng của Facebook. Các tổ chức đứng sau cuộc vận động này gồm Liên minh chống phỉ báng (ADL), Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP), Sleeping Giants , Color of Change, Common Sense, Free Press.
Chiến dịch tẩy chay này có sự góp mặt các công ty lớn như Tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever, hãng viễn thông lớn thứ hai Mỹ Verizon, Tập đoàn nước giải khát Coca-Cola, hãng xe Honda và một danh sách dài các công ty nhỏ hơn như Levi’s, Patagonia, REI, Lending Club, The North Face.
Cuộc vận động #StopHateForProfit bắt đầu thu hút chú ý khi hôm 25-6, hãng viễn thông khổng lồ Verizon, trở thành nhãn hàng lớn nhất tuyên bố dừng quảng cáo ở Facebook. John Nitti, Giám đốc truyền thông Verizon, nói: “Chúng tôi dừng quảng cáo cho đến khi Facebook có thể tạo ra một giải pháp có thể chấp nhận được, giúp chúng tôi cảm thấy dễ chịu và phù hợp với những gì chúng tôi đã làm với YouTube và các đối tác khác”.
Trước đó, Liên minh chống phỉ báng gửi một bức thư ngỏ đến các nhãn hàng đang quảng cáo ở Facebook, trong đó nêu ra ví dụ về một quảng cáo của Verizon xuất hiện bên cạnh một video với nội dung gây thù hận của nhóm chuyên gieo rắc thuyết âm mưu QAnon.
Ngày 26-6, Tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever thông báo dừng quảng cáo trên các nền tảng của Facebook và Twitter ở Mỹ cho đến hết năm 2020. Giải thích lý do dừng quảng cáo, Unilever cho biết “các nhãn hãng có nghĩa vụ hỗ trợ xây dựng một hệ sinh thái số hóa an toàn và đáng tin cậy”. Thông tin này khiến giá cổ phiếu của Facebook và Twitter lần lượt giảm 8,32% và 7,4%. Giá cổ phiếu giảm mạnh khiến vốn hóa của Facebook bốc hơi 56 tỉ đô la.
Cùng ngày, Coca-Cola tuyên bố dừng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội trên toàn cầu ít nhất 30 ngày bắt đầu từ ngày 1-7. Giám đốc điều hàng Coca-Cola, James Quincey, cho biết sẽ sử dụng thời gian dừng quảng cáo để thẩm định lại các tiêu chuẩn và chính sách quảng cáo để quyết liệu có cần có sự điều chỉnh hay không.
Ông cũng muốn xác định xem Coca-Cola nên mong đợi thêm điều gì liên quan đến việc các đối tác mạng xã hội loại bỏ khỏi các nền tảng của họ các nội dung gây thù hận, kích động bạo lực và không phù hợp khác.
Năm ngoái, Facebook kiếm được gần 70 tỉ đô la Mỹ doanh thu quảng cáo từ khoảng 8 triệu nhà quảng cáo trên toàn cầu. Unilever và Coca-Cola nằm trong só những những nhà quảng cáo lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Unilever chi 42,3 triệu đô la cho ngân sách quảng cáo trên Facebook ở Mỹ.
Tính từ đầu năm đến nay, tập đoàn này chi 11,8 triệu đô la cho hoạt động quảng cáo trên Facebook ở Mỹ, theo công ty nghiên cứu thị trường Pathmatics. Trong khi đó, Coca-Cola chi 22,1 triệu đô la cho các quảng cáo trên Facebook ở Mỹ vào năm ngoái.
Brandi Collins-Dexter, Giám đốc vận động cấp cao ở tổ chức thúc đẩy quyền tự do dân sự Color of Change, nói: “Facebook đang cảm nhận sức ép và đó điều tốt. Nhưng tôi nghĩ rằng, rốt cục, họ vẫn còn nhiều việc cần phải làm”.