Đồng hồ reo vang báo 7 giờ sáng. Đã đến giờ thức dậy. Nhưng bạn có thật sự biết mình thức dậy để làm gì không? Bạn đã tìm thấy động lực cuộc sống của mình chưa, yếu tố cung cấp năng lượng để bắt đầu một ngày mới và mỗi ngày tiến gần thêm một chút đến giấc mơ của bạn? Ở Nhật Bản, người ta gọi đó là “nghệ thuật Ikigai”.
Mang ý nghĩa cho cuộc sống quả là một mệnh lệnh lớn lao. Một số người có câu trả lời từ thời thơ ấu, số người khác thì rất muộn. Nhưng thừa nhận rằng có lý do chính đáng để thức dậy mỗi buổi sáng sẽ dễ chịu hơn nhiều so với lần lữa, chần chừ về ý nghĩa mà bạn muốn dành cho sự tồn tại của mình… Sự việc này không diễn ra rõ ràng, hiển nhiên đối với mọi người. May mắn thay, có nhiều cách để hiểu nhau nhiều hơn và biết nên dẫn dắt cuộc đời đi về hướng nào cho phù hợp với khát vọng, với một điều kiện: sẵn sàng soi rọi trong sâu thẳm của bản thân.
Ikigai là gì?
Ikigai là một khái niệm đậm nét triết học của Nhật Bản. Thuật ngữ này không có từ tương đương trong tiếng Pháp, nhưng Ikigai có thể được dịch là “lý do để tồn tại” (raison d’être) và “niềm vui để sống” (joie de vivre). Tóm lại, Ikigai là điều tạo ra hay mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của một người.
Tại Nhật Bản, đảo Okinawa được biết đến bởi tuổi thọ cao của cư dân với số lượng người bách niên khá cao. Chính hòn đảo nhỏ của xứ sở mặt trời là nơi xuất xứ của khái niệm Ikagai.
Ở Okinawa, người già không bao giờ thật sự ngừng làm việc. Họ luôn tìm thấy hạnh phúc khi vẫn còn có thể mang lại lợi ích cho người khác, cho xã hội. Cho dù đó là truyền lại kiến thức cho người trẻ tuổi hay giữ những đứa trẻ cháu và chắt…
Ở các nước phương Tây, thuật ngữ Ikigai được vận dụng lại và định nghĩa của nó thường liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp. Theo Christie Vanbrermeercsh, tác giả của quyển sách Trouver son Ikigai (Tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân) do Éditions First xuất bản, Ikigai là một thiên hướng nhưng đi kèm với tiền. Christie cho biết: “Tìm được Ikigai tức là tìm được việc làm ưa thích, công việc có ý nghĩa mà bạn có thể làm tốt và qua đó bạn nhận được phần thù lao tương xứng”.
Về mặt ý nghĩa, Ikigai còn được ứng dụng trong đời sống gia đình. Tất cả phụ thuộc vào sự cân bằng trong chính khái niệm của từ Ikigai.
Bốn vòng tròn của biểu tượng Ikigai
Xin được bắt đầu công việc hướng nội (introspection). Nhưng phải bắt đầu từ đâu ? Để hướng tới Ikigai, chúng ta có thể dựa vào một sơ đồ gồm 4 vòng tròn vẽ trên một tờ giấy trắng. Một loại hình hoa hồng xuất hiện.
Nếu đó không phải là lời hứa hẹn sự bừng sáng của một sự hiển nhiên, sơ đồ hoa hồng có thể giúp hướng suy nghĩ và đào sâu từng chút một để tìm ra điều gì thật sự có ý nghĩa trong cuộc sống. Công việc này có thể diễn ra trong vài giờ, vài tuần hay nhiều năm.
Để làm điều này, hãy vẽ (như trong hình minh họa đính kèm) 4 vòng tròn lớn. Chúng sẽ giúp định hình thật rõ nét, như màu đen và trắng, thị hiếu, sở thích của bạn, đâu là đam mê của bạn. Mục đích của mỗi vòng tròn này là trả lời các câu hỏi sau: Tôi thích làm gì trong cuộc sống? Tôi có năng khiếu hay được thừa nhận thành thạo trong những lĩnh vực nào? Cuộc sống hàng ngày của tôi dựa vào nguồn tài chính nào? Tại sao xã hội cần đến tôi và bằng cách nào tôi có thể đóng góp cho lợi ích chung?
Tại nơi giao nhau của 4 vòng tròn, bạn sẽ tìm thấy: đam mê, sứ mệnh, thiên hướng và nghề nghiệp. Rốt cuộc, trung tâm của bông hồng này chính là Ikigai.
Ikigai là những gì giúp mang lại hay sẽ mang lại lý do, ý nghĩa để bạn thức dậy với sự nhiệt tình, vui vẻ mỗi sáng, hay ít ra là một tâm trạng tốt, bởi vì bạn biết mình sẽ làm gì hôm nay.
Ikigai đối tác thân thương
Đối với Christie Vanbrermeercsh, “Ikigai giống như đối tác yêu thương, người mà bạn và tôi đều mong muốn sánh bước trong một đoạn đường dài. Tại sao? Vì khi bạn tìm thấy nó, mọi thứ sẽ không dừng lại. Bạn sẽ tiếp tục muốn khám phá con người, tìm hiểu, đặt câu hỏi…”.
Nếu không còn muốn như vậy nữa, chúng ta sẽ chán, và chúng ta có khuynh hướng đi tìm nơi khác. Điều này có nghĩa là nó không phải là đối tác tốt hay một Ikigai không đúng…
Một khi Ikigai được tìm thấy, nó sẽ trở thành nguyên liệu của tất cả các hoạt động suốt cả đời. Bạn sẽ muốn chất vấn, cải thiện và luôn kề cận bên cạnh nó. Ikigai luôn chuyển động, nó có thể tiến hóa trên đường đi hay bị thay thế bởi các Ikigai khác.
Ikigai: công việc hướng nội
Không có phương pháp duy nhất nào cũng như không có công thức kỳ diệu nào để tìm Ikigai của mình. Bạn phải tự đào sâu trong tâm khảm và tỏ ra trung thực với chính mình để tìm được Ikigai thật sự có ý nghĩa.
Một số người không cần công việc hướng nội này vì Ikigai của họ đã bộc lộ hiển nhiên từ thời thơ ấu. Đây là những người sống với giấc mơ thời thơ ấu của họ một cách trọn vẹn nhất.
Đối với số người khác, Ikigai không phải bẩm sinh. Và con đường để khám phá nó đôi khi đầy chông gai, trắc trở với nhiều thử thách, thậm chí khủng hoảng hiện sinh, bắt đầu từ tuổi thiếu niên về sự lựa chọn môn, ngành học…
“Tôi sẽ làm gì trong cuộc đời này?” Câu hỏi này đã dằn vặt rất nhiều sinh viên cũng như những người đã tốt nghiệp, có việc làm. Họ buồn bã và có cảm giác như không đứng đúng vị trí như mong muốn…
Đối diện với nỗi sợ hãi để tìm Ikigai của mình
Trong quyển sách của mình, Christie Vanbrermeercsh mời độc giả đặt câu hỏi. Điều gì làm bạn tò mò? Ganh tị, ghen tuông chăng? Khu vực sáng chói của bạn là gì? Các hoạt động nào giúp tái tạo năng lượng cho bạn?
Christie Vanbrermeercsh giải thích: “Có nhiều con đường dẫn đến Ikigai của bạn. Mỗi người tự tìm phương cách, công thức riêng cho mình bằng cách đọc lời trải nghiệm của người đã đạt được nó. Nếu không có một phương cách duy nhất, cũng có một điều chắc chắn: bạn sẽ tìm được Ikigai của mình kể từ khi bạn quyết tâm tìm kiếm nó…”.
Tìm kiếm Ikigai của mình, từ trong sâu thẳm bản thân, có thể làm dâng lên nỗi sợ. Sợ phải thực sự lắng nghe chính mình và sống giấc mơ đã bị khước từ bấy lâu nay. Christie Vanbrermeercsh cho biết:”Chúng ta không bao giờ tự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi. Nhưng sợ hãi là một dấu hiệu tốt. Chúng ta phải đối mặt với nó để tiến lên mỗi ngày, nhưng đừng để nó thay bạn đưa ra quyết định”.
Mỗi người có một phương pháp riêng để tìm hiểu nội tâm của mình. Một số chọn thiền định, số khác chơi thể thao. Riêng về phần mình, Christie Vanbrermeercsh chọn cách mỗi sáng viết 3 trang trong nhật ký của mình. Chị viết ra tất cả những gì chị suy nghĩ trong đầu:”Đó là cách tôi đối diện với chính mình”.
Theo đuổi Ikigai và biến nó thành hiện thực
Christie Vanbrermeercsh cho biết: “Tôn giáo không còn là tôn giáo nữa. Chính trị cũng vậy”. Đây là một trong những lý do tại sao ngày càng có nhiều người kìm kiếm ý nghĩa ở nơi khác, và thường thì họ tìm ra ý nghĩa đó trong công việc. Sẵn sàng chấp nhận những xáo trộn của cuộc sống để theo đuổi ước mơ…
Bạn đã tìm thấy Ikigai của mình, nhưng nó còn bị kẹt ở một ngóc ngách nào đó trong đầu của bạn? Cuộc sống không phải lúc nào cũng cho ta khả năng thay đổi, chuyển hướng 360 độ. Con cái, cuộc sống gia đình, nhiều trách nhiệm khác nhau, bế tắc, sợ hãi. Điều quan trọng là đừng bao giờ sao lãng mục tiêu, Ikigai của bạn và dần dần đạt được nó.
“Có một công việc khác hay một dịch vụ phụ là cách để kiểm tra bản thân và nuôi dưỡng các hình thức thông minh khác nhau. Ví dụ như làm giám đốc tiếp thị ban ngày và huấn luyện viên yoga vào ban đêm”, Christie Vanbrermeercsh cho biết thêm. Một ngày nào đó sẽ đến thời điểm để chuyển sang hoạt động có ý nghĩa nhất, hay giữ cả 2 hoạt động này nếu cả 2 đều có ý nghĩa để cùng tồn tại trong đời sống chuyên nghiệp. Điều quan trọng là phải biết lắng nghe từ trong sâu thẳm của chính mình.
Bị giằng xé giữa ước mơ và hối tiếc, cuộc sống là sự tiếp nối của một chuỗi những lựa chọn. Phạm vi của những khả năng là rất lớn đến nỗi thường khi chúng ta tự đánh mất chính mình và không còn biết cuộc sống cần có ý nghĩa gì. Không nhất thiết phải chờ đợi sự kiệt sức đầu tiên xuất hiện hay cuộc khủng hoảng hiện sinh của tuổi 50 để đối mặt với chính mình, vì cuộc sống, vốn vô tình, sẽ không chờ đợi bất cứ ai.