Những năm gần đây, số lượng sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Pháp ngày càng tăng. Hiện có khoảng 6.000 du học sinh Việt, xếp thứ nhì về lượng sinh viên nước ngoài theo học tại Pháp.
Thời gian đầu mới đặt chân đến Pháp, hầu hết các du học sinh đều gặp phải những khó khăn nhất định trong các vấn đề liên quan đến thủ tục, trường học, nhà ở… Không ít người cảm thấy căng thẳng trước sức ép của việc học tập và sinh hoạt trong một môi trường hoàn toàn mới lạ. Vì thế, diễn đàn du học Pháp 2012 với chủ đề “Toàn cảnh du học Pháp từ cái nhìn người trong cuộc” vừa qua tại TP.HCM đã mang đến cho những người quan tâm một cái nhìn tổng quan cũng như cập nhật những thông tin mới về du học Pháp.
Sẽ không thừa để các bạn tham khảo nhằm chuẩn bị hành trang chu đáo nếu chọn Pháp làm điểm đến cho tương lai của mình.
Những việc cần làm trước khi đến Pháp
1. Tìm học bổng và đăng ký học: Học bổng là một yếu tố quan trọng mà bạn không nên bỏ qua vì nó giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí học tập. Chỉ cần thường xuyên truy cập thông tin trên các trang mạng về du học và học bổng như
http://www.vietnam.campussfrance.org bạn có khả năng tìm được chương trình phù hợp cho mình. Hoặc bạn có thể tìm hiểu thêm vài chương trình học bổng chính như học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp (dành cho người học năm thứ hai thạc sĩ và người làm nghiên cứu sinh). Học bổng này dành cho các ngành khoa học cơ bản, kỹ sư, kinh tế và quản lý, luật, khoa học chính trị. Học bổng tài năng Eiffel tài trợ cho các khóa đào tạo trình độ thạc sĩ hay du học thời gian 10 tháng trong khuôn khổ đồng hướng dẫn luận án tiến sĩ. Tài trợ của Bộ Giảng dạy đại học và nghiên cứu, Tiến sĩ Erasmus Mundus – DEM cấp cho sinh viên đã được lựa chọn để tham gia vào một trong các chương trình chung ở trình độ tiến sĩ. Học bổng của Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) cấp học bổng tại 779 cơ sở đại học và nghiên cứu của 94 nước thành viên, ưu tiên dành cho các nước đang phát triển.
2. Đăng ký với Campus France: Văn phòng Campus France là nơi giúp bạn thực hiện kế hoạch du học của mình bằng cách tư vấn, cung cấp thông tin về các chương trình đào tạo tại Pháp, và sẽ đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình làm thủ tục đến khi xin thị thực.
3. Chuẩn bị hồ sơ xin visa: Nếu hộ chiếu của bạn được cấp ở Hà Nội thì bạn liên lạc với bộ phận visa của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội (57 Trần Hưng Đạo). Còn nếu hộ chiếu được cấp tại Huế, Đà Nẵng, TP.HCM thì bạn đến Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM (27 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) để nộp hồ sơ, hộ chiếu và lệ phí xin visa.
4. Tìm nhà ở tại Pháp: Dù du học tự túc hay có được một học bổng, bạn nên xúc tiến việc tìm nhà càng sớm càng tốt, vì đây là việc tương đối khó. Ngay khi nhận được giấy chấp nhận của trường, bạn cần liên hệ với bộ phận phụ trách đời sống sinh viên của trường để hỏi về các thủ tục xin ở ký túc xá.
Các việc cần làm khi đến Pháp
1. Đăng ký nhập học: Thời gian đăng ký nhập học phụ thuộc vào từng trường, thường là vào tháng 9, 10. Để hoàn thành việc đăng ký nhập học, bạn phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc (đóng tiền cùng lúc với học phí). Ngoài ra bạn cũng nên mua luôn bảo hiểm y tế bổ sung. Chỉ trả thêm một phần chi phí nhỏ nhưng bạn sẽ được lợi rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe. Vào thời điểm nhập học, các quỹ bảo hiểm sinh viên sẽ có mặt tại hầu hết các trường đại học để cung cấp thông tin cho bạn. Khi hoàn thành thủ tục nhập học, bạn được cấp thẻ sinh viên và chính thức trở thành sinh viên của trường. Bạn sẽ được sử dụng thư viện và các dịch vụ khác của trường ngay khi khóa học chưa bắt đầu.
2. Đăng ký với cơ quan quản lý nhập cư (OFII): Từ năm 2009-2010, sinh viên quốc tế đến Pháp được cấp visa sinh viên dài hạn có giá trị như Thẻ cư trú và có giá trị từ bốn tháng đến một năm, tùy theo chương trình học. Quy định này kéo theo vài thay đổi về thủ tục hành chính mà các bạn cần phải thực hiện khi đến Pháp. Trước đây, với visa ngắn hạn (ba tháng), du học sinh phải đến Sở Cảnh sát để làm Thẻ cư trú có giá trị một năm. Với visa dài hạn, du học sinh đến OFII trong vòng ba tháng kể từ khi đến Pháp để lấy giấy chứng nhận dán vào hộ chiếu. Có visa này, các bạn được quyền làm thêm nhưng không quá 60% thời gian làm việc theo quy định.
Quy định mới này có những ưu điểm như thủ tục đơn giản hơn trước đây, tiết kiệm thời gian cho sinh viên. Và giấy chứng nhận dán vào hộ chiếu nên khi làm các thủ tục hành chính chỉ cần đem theo hộ chiếu là được, tránh nguy cơ làm thất lạc thẻ cư trú. Tuy nhiên, quy định mới cũng có một số điểm hạn chế là sinh viên vẫn phải đến một cơ quan quản lý để làm thủ tục xin giấy chứng nhận mặc dù đã có visa dài hạn.
3. Mở tài khoản ngân hàng: Ở Pháp, bạn cần mở một tài khoản để nhận tiền học bổng, hỗ trợ nhà cửa, tiền hoàn trả khám chữa bệnh của bảo hiểm xã hội, để đảm bảo các chi tiêu hằng ngày và để thanh toán phí nhập học, tiền thuê nhà và các dịch vụ… Việc này là miễn phí và giảm cho bạn được nhiều khoản phí so với việc sử dụng thẻ tín dụng quốc tế gắn với tài khoản của bạn tại Việt Nam.
4. Liên hệ với đại sứ quán Việt Nam tại Pháp: Việc đăng ký với Đại sứ quán là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của sinh viên, được bảo vệ những quyền lợi hợp pháp.
Cuộc sống tại Pháp
1. Nhà ở: Nhà dành cho sinh viên thường phổ biến nhất là phòng trong ký túc xá. Loại này có không khí sinh viên và gần với trường học, thường ưu tiên cho các sinh viên được học bổng hoặc chứng mình được hạn chế về tài chính. Cũng có các khu ký túc xá tư nhân được xây dựng tiện nghi, hiện đại và giá cũng đắt hơn. Nhưng nếu muốn có một suất ở đó bạn cũng phải liên hệ và đặt trước khá lâu. Nếu muốn ở nhà riêng, ở Pháp mỗi thành phố đều có rất nhiều các trung tâm môi giới nhà, các bạn cũng có thể liên hệ với nơi này để thuê nhà theo ý muốn. Chi phí môi giới thường bằng một tháng tiền nhà và bạn phải đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết mà trung tâm đưa ra. Còn nếu tiết kiệm chi phí này, bạn có thể liên hệ trực tiếp với chủ nhà cần cho thuê nhưng phải chịu mất nhiều thời gian hơn và hiệu quả cũng không cao, do không có lợi thế bằng sinh viên Pháp.
2. Khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế: Tại các nước phát triển như Pháp, tiền viện phí, thuốc men rất đắt. Nếu không có bảo hiểm thì khi bệnh, tiền viện phí bạn phải trả sẽ rất nhiều. Vì vậy, việc mua bảo hiểm là rất cần thiết để phòng khi ốm đau, bảo hiểm sẽ giúp bạn thanh toán từ 15 – 70% tổng chi phí. Là sinh viên, bạn được ưu đãi khi đóng bảo hiểm mà vẫn hưởng quyền lợi như người đang đi làm.
3. Tìm việc làm thêm: Dù là việc làm thêm bạn cũng nên chú ý thư xin việc, nên trình bày rõ ràng, ngắn gọn, đừng ngần ngại nêu các việc đã làm vì nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào đó để đánh giá sự năng động, không ngại va chạm của bạn. Ở Pháp, đặc biệt là ở Paris, có rất nhiều công việc làm thêm phổ biến trong giới sinh viên như trông trẻ, công việc nhà hàng, tính tiền ở siêu thị, trông khách sạn, dọn nhà hoặc công việc ở nông trại vào mùa thu hoạch, trực điện thoại, phát tờ rơi… Điều quan trọng là bạn phải biết cách tìm kiếm việc phù hợp với khả năng và thời gian biểu học của bạn.
* *
*
Có mặt tại diễn đàn du học Pháp, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã chia sẻ với các sinh viên: dù xu hướng chuộng tiếng Anh có phổ biến hơn nhưng một khi đã chọn tiếng Pháp, các bạn hãy cứ tự tin học đến nơi đến chốn. Mỗi ngoại ngữ là một nền văn hóa mà nếu khám phá được, bạn sẽ làm giàu tri thức cho mình. Bạn Khánh Châu, sinh viên học ngành truyền thông năm thứ nhất tại Pháp thì đúc kết kinh nghiệm giản dị, đó là dù làm gì, ở đâu hãy luôn giữ nụ cười trên khuôn mặt mình. Bởi dù khác nhau về màu da, văn hóa, ngôn ngữ nhưng nụ cười sẽ gắn kết mọi người với nhau hơn. Khánh Châu cũng nhắc nhở, trong hành trang của các bạn khi sang Pháp, nên đem theo một số post card để giới thiệu về Việt Nam với bạn bè thế giới. Một món quà nhỏ nhưng sẽ làm bạn bè rất thú vị và ấn tượng về bạn, về đất nước của bạn nhiều hơn.
Hồng Ân