Dù chẳng có cơ sở khoa học nào nhưng các thầy thuốc cổ đại của Hy Lạp vẫn tự tin, muốn có thai con trai hay con gái là chuyện dễ như bỡn.
Muốn có con trai: uống rượu vang đỏ hòa hạt thì là đen hoặc thắt tinh hoàn bên trái khi giao hợp. Còn muốn có con gái: nhắm rượu vang trắng với rau diếp hoặc thắt tinh hoàn bên phải. Tuy phương pháp “buộc hạt giống” chỉ tổ gây đau đớn lại vô dụng, nhưng chế độ ăn uống nhằm mưu cầu trước giới tính cho đứa trẻ thì vẫn được không ít các bà mẹ phương Tây ngày nay làm theo.
Hippocrates khởi xướng
Quay về thế giới Hy Lạp thời cổ đại, trước Công nguyên (TCN), bạn sẽ thấy “đầu tàu” dẫn dắt các lương y, người có công soạn ra cả một loạt các văn bản y học được toàn thể giới đại phu ngày ấy cũng như vô số thế hệ sau này nhất nhất tin tưởng là Hippocrates (460-370 TCN).
Hippocrates chào đời tại đảo Kos, là người sáng lập nghề bốc thuốc chữa bệnh, có tài năng điều trị thần sầu và thái độ y đức hơn tất thảy. Ông cũng là người đã xác lập “Lời thề Hippocrates”, nguyên tắc y đức mà mọi y bác sĩ ngày nay đều phải thuộc nằm lòng, hứa tuân thủ suốt cuộc đời.
Sinh thời, Hippocrates khẳng định mọi bệnh tật đều có nguyên do của nó. Chỉ cần xác định được tác nhân gây bệnh, tất sẽ có cách chữa trị dứt điểm. Quả thật, với vai trò “người sáng lập ngành y”, ông là một thầy thuốc đại tài. Ngay từ thời đại này, Hippocrates đã miêu tả chính xác triệu chứng của bệnh viêm phổi và động kinh. Ông còn là người đầu tiên có nhận định: tư duy xuất phát từ não bộ chứ không phải từ trái tim. Cùng với việc hành nghề y, Hippocrates còn mở trường đào tạo môn sinh, sáng lập Trường Y học Hippocrates. Sau khi ông qua đời, các bài giảng của ông đã được tập hợp thành tập Sao lục của Hippocrates (Corpus hippocraticum), bao gồm đủ các lĩnh vực y khoa, từ chẩn đoán đến dịch tễ học, sản khoa, nhi khoa, dinh dưỡng và phẫu thuật.
- Xem thêm: Sinh con hay không sinh con?
Có điều, đại danh y Hippocrates cũng không thoát khỏi tư tưởng cho rằng mọi vấn đề sức khỏe của con người đều phụ thuộc vào thể dịch. Ông tin rằng cơ thể được cấu thành bởi 4 yếu tố là máu, đờm, mật đen và mật vàng. Chúng tương ứng với 4 nguyên tố cơ bản tạo nên vũ trụ là không khí, đất, lửa và nước. Theo thuyết thể dịch của Hippocrates thì người nhiều máu sẽ năng nổ, lạc quan; nhiều đờm thì chậm chạp, uể oải; nhiều mật đen lại u sầu; còn nhiều mật vàng thì hay nóng nảy. Riêng với cơ thể phụ nữ, ông còn “sáng tạo” ra một y thuyết cực kỳ… phi lý. Đó là tử cung có thể rời khỏi ổ bụng, di chuyển khắp cơ thể, và ông gọi hiện tượng này là “dạ con lang thang”.
Thêm vào đó, Hippocrates cũng “có công” đề xuất cái gọi là thức ăn của người mẹ sẽ quyết định giới tính của đứa con ngay từ thời trứng nước. Trước đó, phụ nữ Hy Lạp chỉ có thể cầu nguyện với thần linh hãy để đứa bé mà họ sinh sẽ là con trai hoặc con gái mà thôi. Còn sau đấy, họ có không ít giải pháp để đảm bảo sinh con như ý. Dĩ nhiên là với y học ngày nay, chẳng ai lại còn bị thuyết phục bởi “dạ con lang thang” nữa. Nhưng chuyện ăn uống làm sao để sinh con trai hay con gái thì vẫn đánh động không ít bậc phụ mẫu. Dẫu “con nào cũng vẫn là con” thật, song nhiều cha mẹ vẫn cứ nhất quyết muốn là con trai (hoặc con gái) cơ.
Ăn uống chọn giới tính cho con kiểu Hippocrates
Có một điều đặc biệt ấn tượng ở Hippocrates là ông vô cùng chú ý lĩnh vực phụ khoa. Trong Phương thuốc Hippocrates (Hippocratic recipes), văn bản y học ông tỉ mẩn ghi chép, truyền lại cho hậu thế có tổng cộng 1.500 phương thuốc. Hơn một nửa trong số chúng là liên quan đến sức khỏe sinh sản của nữ giới. Hippocrates hướng dẫn kỹ càng từ cách thức chăm sóc trong khi mang bầu cho đến sau khi sinh con. Tất nhiên không thể thiếu giải pháp nhằm quyết định trước giới tính của đứa trẻ.
Bất kể thời đại nào, dù là “trọng nam khinh nữ” hay bình quyền, vẫn có những bậc cha mẹ muốn đứa con sinh ra phải là trai hoặc gái. Ngày nay, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng biết được giới tính của thai nhi, nhưng ngày xưa thì khác. Vả lại, dù có biết trước thì việc đưa ra lựa chọn vẫn là cả một vấn đề. Cách tốt hơn hết vẫn là làm sao sinh con như ý mà không cần đến giải pháp tàn nhẫn.
Hippocrates chính là người khai sinh ra lý thuyết thể dịch. Ông tin tưởng mọi vấn đề về cơ thể con người đều có thể được giải quyết bằng thể dịch, bao gồm cả chuyện sinh đẻ. Theo phân tích của Hippocrates thì đờm là lạnh và ướt. Máu là nóng và ướt. Mật đen, mật vàng thì khô và nóng (cũng có văn bản ghi là lạnh). Sự khác biệt giữa nam và nữ là sự khác biệt giữa nóng và lạnh. Phụ nữ thuộc tính lạnh, đặc trưng bởi sự yếu đuối, ướt át. Đàn ông thuộc tính nóng, điển hình bởi sự mạnh mẽ, khô khan.
Các bác sĩ thuộc trường phái Hippocrates tin rằng thụ thai là cuộc chiến giữa hạt giống đực mạnh mẽ, nóng nảy và hạt giống cái nhu mì, lạnh lùng. Nếu hạt giống đực thắng, người mẹ sẽ sinh ra con trai. Còn nếu hạt giống cái thắng, đứa bé chào đời sẽ là gái. Vì vậy, để hỗ trợ cho hạt giống đực, người mẹ cần ăn thật nhiều thực phẩm thuộc tính khô, nóng và mạnh. Còn nếu muốn sinh con gái thì lựa chọn ngược lại, ăn những món lạnh và mềm.
Để giúp đỡ họ, các đại phu không quản ngại phân loại rau, quả, hạt ra làm 2, tương ứng với thực phẩm nóng và thực phẩm lạnh. Theo đó, rau mùi là nóng còn rau diếp là lạnh, món cay là nóng, món ngọt là lạnh, đồ nóng là nóng, đồ lạnh là lạnh… Có điều, sự phân loại đôi khi cũng mâu thuẫn khó hiểu. Ví dụ như rượu vang đỏ thì nóng và khô, còn rượu vang trắng thì lạnh và ướt. Nhưng dẫu sao, họ cũng đề ra 2 kiểu hỗn hợp “tuyệt đỉnh”, đảm bảo muốn đứa trẻ sẽ chào đời có giới tính gì là ra giới tính ấy. Đó là uống rượu vang đỏ hòa hạt thì là đen -> con trai; còn uống rượu vang trắng kết hợp rau diếp -> con gái.
Thắt một bên tinh hoàn
Tuy ăn uống theo tư vấn của các lương y theo Hippocrates là cách dễ vận dụng nhất, song chính họ cũng thừa nhận không hiệu quả hoàn toàn. Do đó, với các bậc phụ mẫu nhất quyết muốn đứa con chào đời phải là con trai (hoặc con gái), phái Hippocrates đề xuất giải pháp triệt để nhất: thắt một bên tinh hoàn.
Cũng theo quan niệm của các thầy thuốc theo Hippocrates thì phụ nữ chỉ có một tử cung, nhưng lại thụ thai và mang bầu riêng rẽ ở 2 phía tử cung trái và phải. Nếu thai nhi được hình thành và phát triển ở phía trái, nó sẽ là con gái. Ngược lại, nếu ở bên phải, đó là con trai. Vì thế, nếu muốn có con gái, người cha cần chịu đau một chút, lấy dây cột tinh hoàn bên phải lại, để tinh dịch từ tinh hoàn trái dễ bề hướng vào bên phía trái dạ con. Còn muốn con trai thì ngược lại, thắt tinh hoàn bên trái, cố gắng đưa tinh dịch sang phía phải tử cung của người vợ.
Thời gian qua đi, cái duy nhất y học kiểm nghiệm được qua giải pháp “buộc hạt giống” chỉ là… sự đau đớn khủng khiếp. Thế nên không ai còn sử dụng cách thức nhức nhối này. Song riêng “chế độ ăn quyết định giới tính thai nhi” thì vẫn ít nhiều được tin tưởng. Từ đầu Công nguyên cho đến tận thời Phục hưng, thậm chí cả bây giờ, nhiều cặp cha mẹ vẫn tìm kiếm các kiểu ăn uống để dễ sinh con trai hoặc con gái. Ngoài “chế độ Hippocrates” ra, còn cả tá những mẹo vặt ẩm thực từ các “chuyên gia” khác.
Xét ra thì chuyện ăn uống sao cho có con trai hay con gái cũng chẳng hại gì. Đằng nào cơ hội chẳng vẫn là 50-50. Nhưng đừng quên chú ý cân bằng kẻo thiếu chất vì như vậy thì thật sự là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của đứa bé trong bụng mẹ.