Ngày 30-5, tên lửa đẩy Falcon 9 của Hãng SpaceX mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon cùng 2 phi hành gia Mỹ rời bang Floria, và chưa đầy 19 giờ sau, kết nối thành công với ISS.
Chặng đường gần 20 năm, từ khi Elon Musk thành lập Hãng hàng không vũ trụ SpaceX cho đến cột mốc rực rỡ trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên Trạm không gian quốc tế (ISS), đã có những ý tưởng táo bạo nào được hoài thai và những thất bại nào đáng buồn nhưng không nản?
Ngày 30-5, tên lửa đẩy Falcon 9 của Hãng SpaceX mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon cùng 2 phi hành gia Mỹ rời bang Floria, và chưa đầy 19 giờ sau, kết nối thành công với ISS. Những hạt giống mà Elon Musk – tỉ phú công nghệ, gã điên hay tên vĩ cuồng, tùy người đánh giá – gieo cách đây đúng 18 năm, giờ đã vươn thành cây xanh quả ngọt.
Khởi nghiệp tầm vũ trụ
Tháng 6-2001, bước qua tuổi 30, Elon Musk nhận ra mình không còn trẻ. “Anh đã quá tuổi làm thần đồng rồi” – anh nói với Justine, vợ mình khi đó, nửa đùa nửa thật. Vừa rời Công ty X.com do chính anh sáng lập mà sau này trở thành PayPal, Musk thấy cuộc sống khởi nghiệp giờ đây thật cũ kỹ. Anh cần một mục tiêu lớn hơn.
Musk và Justine quyết định chuyển đến miền nam nước Mỹ, bắt đầu cuộc sống mới ở thành phố Los Angeles (bang California). Từ nhỏ anh đã biết mơ về tàu không gian và du hành vũ trụ. Los Angeles, cái nôi của ngành công nghiệp vũ trụ Hoa Kỳ, là bệ phóng hoàn hảo cho giấc mộng chinh phục không gian của Musk.
Cơ hội tiếp xúc đầu tiên của Musk với giới du hành không gian là tại một sự kiện của Mars Society – một nhóm chuyên gia và nhà đầu tư đam mê không gian hoạt động với mục tiêu thám hiểm và đưa người lên sao Hỏa. Sau sự kiện, Musk trở thành thành viên ban giám đốc Mars Society và đóng góp thêm 100.000 USD để xây một trạm nghiên cứu trên sa mạc.
Càng nghĩ về không gian, Musk càng nhận ra tầm quan trọng của việc thám hiểm nó. Musk tập hợp một nhóm các chuyên gia giỏi nhất mà anh có đầu mối, rời bỏ vị trí giám đốc ở Mars Society và lập quỹ Life to Mars của riêng mình.
Trong số những người được Musk mời về khi đó có Michael Griffin, một chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật hàng không vũ trụ mà 4 năm sau đó trở thành tổng giám đốc Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).
Tự làm tên lửa, tại sao không?
Với Life to Mars, Elon Musk có một ý tưởng mới: đưa lên sao Hỏa một “vườn ươm” rau có khả năng sống và phát triển trên đất lấy từ chính hành tinh đỏ. Để làm được chuyện này, trước hết anh cần một quả tên lửa để phóng các thiết bị cần thiết vào không gian.
Tháng 10-2001, Elon Musk và 3 người cộng sự đáp chuyến bay thương mại đến thủ đô Moscow của Nga, với mục tiêu tìm mua lại 3 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với ngân sách 20 triệu USD.
Phía Nga ra giá 8 triệu USD/quả. Trên chuyến bay trở về Mỹ sau bốn lần ngã giá thất bại vào tháng 2-2002, không khí trong nhóm chùng xuống hẳn. Ngồi ở hàng ghế phía trước, Elon Musk dán mắt vào chiếc laptop, cặm cụi gõ phím lọc cọc trong suốt chuyến bay, rồi quay lại nói với những người trong nhóm: “Này, tôi nghĩ chúng ta có thể tự tay làm một quả tên lửa đấy”.
Các cộng sự tưởng Musk nói đùa, nhưng anh lập tức cho họ xem bảng kê chi tiết các chi phí để chế tạo, lắp ráp và phóng một quả tên lửa cỡ nhỏ vào không gian mà anh vừa thảo ra trên máy tính. Ít ai ngờ Musk đã dành nhiều tháng nghiên cứu sâu về ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và tích lũy những kiến thức cần thiết để chế tạo tên lửa.
Musk chẳng còn tha thiết với chuyện gửi chuột (một dự án của Mars Society) hay rau vào không gian nữa. Làm cách nào để “bình dân hóa” thám hiểm không gian và biến du hành vũ trụ trở nên phổ biến như đi máy bay là khát khao mới của anh.
Thờ ơ là phản ứng chung của người trong ngành đối với kế hoạch táo bạo của Musk. Người ta xem anh là tỉ phú mới nổi thích chơi ngông lấy tiếng. Musk có lý do của riêng anh để tin vào sự thành công của dự án: Tom Mueller, một trong những người nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực chế tạo động cơ tên lửa, là một cái tên đắt giá trong đội ngũ kỹ sư được Musk chiêu mộ.
Để giảm thiểu chi phí, Musk không đặt mục tiêu sản xuất tên lửa cỡ bự để mang các vệ tinh to bằng chiếc xe tải lên không gian như các chương trình vũ trụ cấp quốc gia khi đó, mà nhắm đến tên lửa cỡ nhỏ với chi phí phóng tối ưu và tần suất hoạt động cao, phục vụ du lịch, thương mại hoặc nghiên cứu khoa học mà ông dự đoán sẽ là triển vọng của ngành hàng không vũ trụ trong tương lai gần.
Với khối tài sản ròng tăng từ vài chục lên vài trăm triệu USD nhờ giá cổ phiếu PayPal tăng vọt 55% sau màn ra mắt công chúng vào tháng 2-2002, Elon Musk thành lập Space Exploration Technologies (SpaceX) để nghiêm túc đầu tư cho tầm nhìn của mình vào tháng 6 cùng năm.
Những thất bại đầu tiên
Vận dụng tác phong điều hành công ty khởi nghiệp từ thời gian ở Thung lũng Silicon, tại SpaceX, Musk muốn mọi thứ phải được triển khai nhanh gọn.
Anh tuyên bố động cơ chính của Falcon 1, tên lửa đầu tiên của SpaceX, sẽ được hoàn thành vào tháng 5-2003 và đợt phóng thử đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng 11 cùng năm, tức chỉ 15 tháng sau khi thành lập SpaceX. Musk tự tin mục tiêu chinh phục sao Hỏa sẽ được SpaceX thực hiện vào cuối thập niên 2000.
Từ năm 1957 – 1966, Chính phủ Mỹ đã thực hiện xấp xỉ 400 vụ phóng tên lửa lên không gian, 100 lần trong số đó cho kết quả thất bại.
Với nguồn tài chính giới hạn của một công ty tư nhân, SpaceX chỉ được phép thất bại với Falcon 1 tối đa 3-4 lần trước khi phá sản. “Mọi người đều nghĩ chúng tôi bị điên. Không ai nghĩ SpaceX có thể thành công” – Tom Mueller nhớ lại.
Tháng 11-2003, thời điểm mà Elon Musk hứa hẹn phóng quả tên lửa Falcon 1 đầu tiên, đến rồi đi trong im lặng. Động cơ chính của Falcon 1 đã hoàn thiện, nhưng câu hỏi đau đầu của SpaceX lúc bấy giờ là tìm kiếm địa điểm cho vụ phóng thử.
Tháng 5-2005, quả tên lửa được vận chuyển đến căn cứ không quân Vandenberg ở bang California, nhưng SpaceX được thông báo rằng họ sẽ phải xếp hàng nhiều tháng chờ đến lượt vì bệ phóng đã được xí chỗ bởi Lockheed và Boeing, hai đối tác hàng không vũ trụ quan trọng của quân đội Mỹ.
Không từ bỏ
Tháng 6-2005, SpaceX vận chuyển toàn bộ thiết bị cần thiết đến Omelek, một hòn đảo nhỏ gần Kwaj – hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương từng được quân đội Mỹ sử dụng làm bãi thử tên lửa, sẵn sàng cho thời khắc lịch sử.
Tháng 11-2005, SpaceX đã sẵn sàng cho đợt phóng thử đầu tiên, nhưng một sự cố kỹ thuật khiến sự kiện bị hủy vào giờ chót. Vụ phóng được dời lại tháng 12, nhưng vì lý do thời tiết và nhiều vấn đề kỹ thuật nên tiếp tục bị hoãn.
Ngày 24-3-2006, mọi thứ cuối cùng cũng đã sẵn sàng. Tên lửa Falcon 1 được đưa lên bệ phóng, khởi động và bay khỏi mặt đất. Chưa đầy nửa phút sau, lửa phát ra từ động cơ chính của Falcon 1. Tên lửa mất phương hướng trong không trung rồi lao trở lại mặt đất chỉ 25 giây sau khi phóng.
Musk và lãnh đạo công ty ban đầu cho rằng sự cố xuất phát từ sơ suất của một kỹ sư đã không kiểm tra kỹ đường ống nhiên liệu của tên lửa, nhưng một cuộc điều tra kỹ hơn sau đó phát hiện ra rằng một con ốc có thể đã bị gãy trong quá trình phóng sau thời gian bị bào mòn bởi không khí mặn trên đảo.
Chưa đầy 1 năm sau, tháng 3-2007, SpaceX đã sẵn sàng cho vụ phóng tiếp theo. Lần này, tên lửa không gặp sự cố nào trong nhiều phút và phần chính của Falcon 1 tách thành công khỏi động cơ đẩy sau khi tiến vào quỹ đạo Trái đất.
“Tôi ngồi kế bên Elon Musk, nhìn sang anh ấy và nói “Chúng ta thành công rồi”” – Tom Mueller hồi tưởng lại. Nhưng khi đội ngũ SpaceX còn chưa kịp ăn mừng thì bộ phận vừa tách rời khỏi tên lửa bắt đầu rung lắc dữ dội và phát nổ trong sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến.
Thất bại lần này là gáo nước lạnh nữa với Musk và các thành viên SpaceX. Công ty chỉ còn đủ tiền để thử 1 hoặc 2 lần nữa, và đã có lời ra tiếng vào về khả năng hiện thực hóa dự án táo bạo của Musk. Ngày 28-9-2008, ở lần phóng thứ 4, Falcon 1 trở thành thiết bị phóng sử dụng nhiên liệu lỏng do tư nhân phát triển đầu tiên bay thành công vào quỹ đạo Trái đất. Và phần còn lại là lịch sử.
* Theo sách “Elon Musk: Tesla, SpaceX, and the Quest for a Fantastic Future)”.