Vua Tự Đức không thể có con nối dõi nên nuôi ba người cháu làm con nuôi.
Hoàng dưỡng tử đầu tiên là Ưng Kỷ (1864-1889) con trưởng của Kiên Thái Vương Hồng Cai được đưa vào cung lúc mới hai tuổi (1865) và giao cho bà Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm nuôi nấng và dạy dỗ.
Không may cho Tự Đức, Ưng Kỷ theo thời gian cho thấy là một đứa bé ốm yếu và phát triển không bình thường. Nguyễn Phúc tộc thế phả cho biết thêm: “Ngài vốn thể chất yếu đuối, nhiều bệnh, tính tình hiền lành, thích trang sức, hay đọc sách và thích nghiên cứu Kinh dịch, bói toán”, “thích chuyện huyền bí, hết sức tôn sùng Đức Thiên Y A Na tại đền Ngọc Trãn (điện Hòa Chén)”.
Thể chất yếu đuối, nhiều tật bệnh nên Ưng Kỷ, sau này là vua Đồng Khánh mất lúc mới 25 tuổi (28-1-1889). Còn tâm tật? Chắc là không phải kiêu ngạo và bởi chuyện riêng của người khác. Có lẽ vua Tự Đức muốn nói đến tính cách đồng bóng (ưa trang sức), ưa bói toán và chuyện huyền bí, Điều này thì vua Đồng Khánh chẳng giấu giếm gì. Chính nhà vua đã đề trên chân dung của mình là:
“Ta vốn là người cõi tiên, là con thứ của Long cung. Ngày Thượng nguyên đã kính vâng mệnh, thân ngồi xe ngọc, đầu đội mũ vàng, đầu thai vào Bùi quý phi của Kiên Thái vương để sinh ra đời.”
Nguyên văn:
“Dư mãi Thanh dương chi nhan, Long cung thứ tử, Thượng nguyên thời phụng mệnh, thân thùy ngọc lỗ, thủ chính kim quan, đầu vu Kiên Thái vương Bùi quý sinh hạ.”
Ngay lúc còn là hoàng tử, Ưng Kỷ thường viếng đền Ngọc Trãn (Hòn Chén) và cầu nguyện, được cho là ứng nghiệm nên khi vừa mới lên ngôi đã cho đổi tên đền Ngọc Trãn thành Điện Huệ Nam và gia phong thần hiệu cho chư thần ở Điện Huệ Nam trong đó Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi là Thượng đẳng thần và nhà vua tự xem mình là một trong hàng bảy vị tôn thần.
Năm 1883, Tự Đức hoàn toàn thất vọng về đứa con nuôi được chọn đưa vào cung đầu tiên này:
“Ưng Kỷ người yếu hay ốm, có tâm tật, học chưa thông mà kiêu ngạo, hay bới việc của người cho lạm thẳng, đều không phải do tư chất thuần lương theo lời phải, sợ bọn ngươi khó lấy lời nói cam được”.
Pháp chiếm kinh thành Huế (5-7-1885), vua Hàn bỏ kinh đô ra Tân Sở (Quảng Ninh) ban Dụ Cần Vương. Người Pháp bèn đưa Ưng Kỷ lên làm vua bù nhìn, chống lại Phong trào Cần Vương
Thời bấy giờ có câu hát:
Ngẫm xem có sự lạ đời
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi!
Và
Hàm Nghi ma chánh, Đồng Khánh vua xăng
Đồng Khánh hoàn toàn theo Pháp, bị đường thời gọi là vua xăng, thân thể ốm yếu, hay bịnh có phải vì thế mà nhà vua trở nên hoang tưởng?