Đó là khúc sông, bọn nhóc lớp 7 chúng tôi thường tắm mỗi buổi tan học, cũng là nơi chị neo thuyền ăn trưa khi đò vắng.
– Đứa nào đói bụng thì ăn cơm với chị nào!
Sau lời mời, chị mở cà mèn ra dọn bữa: nhúm rau luộc, vài con cá đồng be bé kho tiêu, chút cơm trắng bám quanh mấy củ khoai lang ghế (độn).
Đói khổ, nắng gió vẫn không bào mòn được dung nhan đang thời kỳ rực rỡ. Tuổi 24, chị là thôn nữ đẹp nhất xã Đức Thắng này. Đêm nào cũng có các chàng trai mon men đến nhà tìm cơ hội. Chị lảng hết, nhờ mẹ ra tiếp. Va phải “bức bình phong” ấy, các chàng trai ngao ngán dần dần rồi bỏ cuộc.
Người khiến chị khước từ tất cả thanh niên khác chính là Tuấn. Anh trúng tuyển quân sự và đăng lính đã hai năm, đang chiến đấu bên Campuchia. Nhà anh bên kia sông, thuộc xã Nghĩa Hiệp. Hai xã cách nhau con sông mà chị hằng ngày đưa đón người qua lại…
Con sông trong xanh, hiền hòa thế kia lại là chiến tuyến khốc liệt giữa thanh niên hai xã. Như con sư tử đầu đàn bảo vệ giang sơn, các chàng trai bản địa cũng cấm cửa thanh niên lạ tìm tới tán tỉnh con gái trong lãnh thổ của mình.
Mỗi tháng vài lần, ban văn hóa thông tin huyện mang máy quay về chiếu phim màn ảnh rộng. Họ rào gai tre chu vi sân bóng rồi bán vé. Những đêm ấy thật sự là lễ hội. Bọn nhóc chúng tôi mê xem phim nhưng chẳng có tiền, lén lén xé rào xem “chùa”. Mấy anh chị nam thanh nữ tú bỏ tiền mua vé lại chẳng buồn ngó ngàng phim phiếc. Với họ, đây là phiên chợ tình như ở Sa Pa vậy, đầu mày cuối mắt hò hẹn cũng từ “phiên chợ” này.
Nhiệm vụ đầu tiên của thanh niên bản địa là tảo thanh một vòng cái đã! Xem có khuôn mặt nào khả nghi là đòi kiểm tra “thẻ căn cước”. “Thẻ” là chiếc dép. Nếu dép dính cát thì chủ nhân nó no đòn. “Mày vừa lội sông sang hả?”. Bịch! Bịch! Kẻ đột nhập chạy không kịp thở…
- Xem thêm: Dòng trôi
Cực đoan, cục bộ vậy đó, nhưng không thù dai. Một khi “kẻ đột nhập” chinh phục thành công, sẽ được coi là rể, là người nhà, bôi xóa hết vết bầm quá khứ.
Cũng cần nói thêm vì sao lại ra nông nỗi. Số là thời ấy xe đạp đã hiếm, huống hồ xe máy. Chẳng có phương tiện đi xa nên xu thế “trâu ta, cỏ đồng ta” là tất yếu. Cả ngàn hộ mới có vài chiếc honda dame hoặc 67. Lắm chàng trai đến ngày làm rể mới biết đi xe máy. Chỉ cần bãi đất trống và 2 tiếng đồng hồ tập dượt là có thể “đưa nàng về dinh”. Cô dâu ngồi sau lưng chú rể, cười ỏn ẻn e lệ mà không hề hay biết mình “giao cuộc đời” theo nhiều nghĩa…
Ăn trưa xong, chị tựa lưng vào mạn thuyền bồi hồi nhớ lại ngày đầu yêu Tuấn. Chị với anh là một ngoại lệ, bởi không tìm hiểu nhau qua “phiên chợ tình” ấy. Ngày nhập ngũ, anh cười trêu chị: “Cưới nhau xong, anh bắt em trồng lại 2 tấn rau cải. Đó là số cải anh bán lấy tiền chỉ để… đi đò!”.
Tiếng gọi đò hối hả cắt đứt thước phim hồi tưởng. Bờ bên kia, bờ bên này tấp nập lại qua… gánh thóc, thùng mắm đưa sang đổi lấy rau quả mang về. Theo ngôn ngữ của dân thương trường thì hôm nay là ngày trúng mánh của chị. Thiên hạ đi đâu lắm thế nhỉ? Có đâu như chị, ngày ngày bình yên, lặng lẽ trên khúc sông này…
Nắng vẫn còn gay gắt mà sao lại có người đàn ông đi dọc bãi sông thế kia? Dường như người ấy muốn tìm chỗ nước cạn để lội qua. Rõ khổ! Chân đi tập tễnh thì lội làm sao? Có cái gì đó gợi niềm trắc ẩn, chị muốn chạy theo bảo: “Bác ơi! Cứ lên đò em chở! Chẳng tiền bạc gì đâu!”. Nhưng rồi, người ấy đi ngược vào xóm rồi khuất hẳn sau rặng tre dày…
Trời nhá nhem tối, chị vội vàng về nấu cơm phụ mẹ. Hôm nay, đò đông cũng vui, dư được một khoản sắm cho mẹ vài món… đôi dép chẳng hạn. Dép mẹ đi mòn vẹt cả gót. Lòng chị ấm lên khi hình dung mẹ xỏ chân vào đôi dép mới. Ơ sao vẫn gợn điều gì bồn chồn ray rứt? Lạ nhỉ. Ừ, phải rồi, người đàn ông ấy! Có khi nào là Tuấn của chị chăng?
Nấu nướng đơn sơ nên 20 phút sau, hai mẹ con đã ngồi vào mâm. Chị khoe: “Hôm nay đò đông mẹ ạ. Khi nào rỗi, con ra chợ sắm vài món”. Mẹ chị chặn trước: “Đừng mua gì cho mẹ đấy. Mẹ già rồi, lại chả đi đâu. Con may vài bộ đồ mặc cho tươm tất”. Chị cười làm nũng: “Lụa là châu ngọc khoác lên, làm sao biết người ta yêu mình thật lòng hở mẹ?”.
Mẹ chị mắng yêu: – Bố nhà cô! Rõ giống… à, mẹ quên! Chiều có người gửi con lá thư.
Thực ra, bà đâu có quên? Bà muốn chị có bữa cơm ngon miệng. Bà linh cảm bức thư mang đến chuyện chẳng lành.
Tim chị nhảy trong lồng ngực. Chị vặn to bấc dầu chiếc đèn quả trứng, cắm cúi đọc:
Chào chị! Tôi là Minh, bạn cùng đơn vị với Tuấn. Tuấn bị thương và không qua khỏi. Tuấn chuyển lời nhắn với chị, hãy mạnh mẽ vượt qua… hạnh phúc mới của chị cũng sẽ là hạnh phúc của Tuấn, dù ở nơi nào…
Nước mắt chị chảy dài. Mẹ chị chẳng hỏi gì, bà lặng lẽ vuốt tóc và ôm chị vào lòng…
Bỗng một suy nghĩ vụt qua như tia chớp rạch bầu trời đêm. Người đàn ông đó! Là Tuấn của chị chứ không ai khác! Ơn trời! Anh chưa chết! Được rồi, trưa mai, giờ đò vắng, chị sẽ đến nhà anh, nói tạt vào anh rằng, lý do anh tránh chị là không thỏa đáng.
Đêm thật dài. Chị vờ thở đều đều như đã ngủ say. Chị nằm nghe đám thạch sùng chậc lưỡi đuổi nhau trên vách đất. Đêm yên ắng quá! Tiếng thạch sùng vang to như tiếng súng…
Quả như linh tính chị mách bảo, người đàn ông đi dọc bãi sông xế qua là Tuấn. Anh giải ngũ trước thời hạn khi đã để lại một bàn chân nơi chiến trường. Rời quân y viện, anh bắt xe về thăm nhà. Con sóng tâm trạng cứ xô đập trong anh suốt lộ trình mấy trăm cây số. Vừa nôn nao mong gặp cha mẹ và các em, vừa bùi ngùi nghĩ đến lúc giáp mặt chị. Cuối cùng, anh quyết định, thăm gia đình xong, sẽ chuyển đến chị mấy dòng, rồi quay ngược vào Sài Gòn đi bán vé số dạo. Anh có người bà con mở đại lý vé số ở cái thành phố hoa lệ ấy.
Hệ thống suy nghĩ một cách đinh ninh là vậy, nhưng rồi không cưỡng được, anh tất tả ra bờ sông nhìn chị từ xa thay lời giã biệt. Ngay chiều ấy, anh đón xe Nam tiến…
Buộc xong dây neo, chị đi như chạy đến nhà anh. Cha mẹ anh tiếp chị với vẻ ngượng ngùng lẫn thương xót. Ông bà cứ chối quanh việc anh về thăm nhà. Đến khi nghe chị bảo, anh ra bờ sông mà không dám gặp chị, cả hai ông bà cùng rơi nước mắt. Chị vào rót nước mời hai ông bà uống và cùng lên phương án…
Với Tuấn, Sài Gòn là thành phố hội đủ sắc thái cả hai nơi anh từng gắn bó. Ngày thì cứ hừng hực như chiến trường K, nhưng đêm về là một vẻ vắng lặng bao trùm lên căn phòng trọ chừng chục mét vuông. Được cái ở đây đèn néon sáng trưng chứ không như đèn dầu leo lét quê nhà. Thêm nữa, thu nhập từ công việc bán vé số một tháng nay của anh có khi bằng cả năm lợi tức nông sản mà cha mẹ và các em của anh đổ mồ hôi tưới xuống đất đai, và bằng mấy tháng chèo đò của chị. Nhớ đến chị, anh thở dài… Anh nhẩm tính, 7 tháng nữa đến tết, sẽ về quê ăn tết với gia đình. Nếu chị đã có đối tượng khác, anh sẽ sang thăm, tặng mẹ chị món quà bà yêu thích, xin lỗi chị về việc tránh mặt và thành tâm chúc phúc cho chị cùng người mới…
Anh đang đếm trả những tờ vé số bán không trôi thì cha anh lừng lững bước vào. Sau lưng ông là một người con gái nón lá che nửa mặt. Anh tái đi như người trúng gió. Không cần nhìn, anh thừa biết ai rồi. Chị gỡ nón, bước đến nhìn thẳng vào anh. Mắt chị đầy lửa… lửa yêu thương xen lẫn dỗi hờn…
Thế là chị cùng cha chồng tróc nã anh về làm đám cưới. Chẳng cần mượn xe máy ra bãi đất trống tập chạy để đón dâu, anh chị quyết định đưa dâu bằng chiếc thuyền 3 C (cần câu cơm) của chị. Cô dâu, chú rể cùng hai họ ngồi vừa đủ khoang thuyền. Mái chèo khua dậy mặt sông trong một ngày màu nắng vàng như pha mật…
Cưới xong, anh xin phép cha mẹ sang ở rể. Hiểu cảnh neo đơn bên nhà sui gia, ông bà vui vẻ tán thành.
Từ ngày có anh, căn nhà thêm luồng sinh khí mới. Vạt cải, đám ngò xanh hơn, đàn gà phổng phao hơn. Chiều chiều, tiếng chiếp đàn gà vang lên rộn rã khi anh chị vung cho nắm thóc.
- Xem thêm: Sông linh
Anh bàn với chị nhường mái chèo cho anh. Dẫu gì, việc canh tác hoa màu vẫn nhẹ nhàng hơn chèo chống. Thêm đó, chị được gần gũi mẹ, săn sóc, bù đắp cho bà. Thế là, mỗi trưa chị ăn hai suất: ăn với mẹ một bát, một bát mang ra sông ăn cùng chồng. Vẫn khúc sông bọn nhóc chúng tôi tắm, vẫn chiếc cà mèng cũ kỹ, vẫn nhúm rau luộc, ít con cá đồng be bé kho tiêu, nhưng lần này có thêm bát đũa và tiếng cười giòn lan dài trên mặt nước…
Mẹ chị bảo: “Hai đứa có cháu cho mẹ đi nào! Mẹ còn khỏe, mẹ chăm cho. Có nó, hai đứa có kéo hết ra sông thì mẹ cũng chẳng cần!”. Cả ba cùng cười vang sau câu đùa ấy.
Trời chẳng chiều người. Nhân khẩu không tăng mà lại vơi đi sau một đêm mưa nguồn đổ lớn. Ngày sau, nước sông dâng cao. Khách sang đò là một thiếu phụ cùng cậu con chừng 7, 8 tuổi. Do mệt mỏi, người mẹ dựa lưng vào mạn thuyền thiu thiu chợp mắt. Bỗng có quả bóng nhựa trôi ngang, cậu bé nhoài người ra vớt và rơi tõm. Không chậm một giây, anh lao ngay xuống con nước lạnh. Mò mẫm một lát, anh đưa được cậu bé lên trao cho mẹ nó. Phần anh, một phần vì thương thế khó xoay trở, phần vì nước lạnh quá khiến anh bị chuột rút, anh chìm xuống trong tiếng la thất thanh của người thiếu phụ…
Chị giành lại tay chèo từ anh, đúng hơn, chị giành lại từ tay định mệnh. Bến sông vẫn tấp nập người qua kẻ lại. Bờ Nam vẫn chuyển sang gánh thóc, thùng mắm đổi lấy mớ rau quả từ bờ Bắc mang về. Lũ nhóc chúng tôi vẫn tắm mỗi trưa tan học và nhìn chị thẫn thờ dọn bữa trưa nơi ấy. Vẫn cái cà mèn cũ kỹ, chút rau dưa, vài con cá đồng, hai đôi bát đũa… giờ thêm lư trầm tỏa hương nghi ngút…