Vương triều Nguyễn thế kỉ XX gắn liền với vai trò cực kì quan trọng của một người phụ nữ. Bà vừa là vợ, là mẹ, là bà và là cố vấn của các đời vua Nguyễn trong suốt 78 năm.
Cả cuộc đời bà yêu thương dân, hết lòng vì sự hưng thịnh của nước nhà. Tên tuổi của bà được sử sách ghi danh muôn thuở, là bậc mẫu nghi thiên hạ của mọi thời đại. Bà là Hoàng thái hậu Từ Dũ. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới còn khắc ghi khá chi tiết hình ảnh người phụ nữ mà ngày nay tên bà được đặt cho bệnh viện phụ sản nổi tiếng ở TPHCM – Bệnh viện Từ Dũ.
Hoàng thái hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng sinh năm 1810 tại làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định. Ngay từ thuở nhỏ, bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp và hiền hậu. Năm 14 tuổi, bà được cho vào cung hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị).
Năm Tân Sửu (1841), sau khi vua Minh Mạng băng hà, hoàng tử Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà Phạm Thị Hằng được phong làm Cung tần, giữ chức Thượng nghi để coi sóc lục thượng, dần dần qua thời gian được phong làm Thần phi, Giai phi, rồi Nhất giai phi.
Hoàng đế Thiệu Trị rất yêu mến người vợ của mình. Năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị mất, để lại di chiếu tôn bà làm hoàng hậu và lời căn dặn rằng: “Ta tiếc là không được cùng ái phi chung hưởng phúc lâu dài”.
Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập đã dành 48 mặt khắc với 2 quyển là quyển 2 và quyển 3 để khắc ghi về con người và cuộc đời của bà. Theo Mộc bản, bộ chính sử này thì vua Thiệu Trị rất tin vào kiến thức và sự nhạy cảm chính trị của vợ. Khi thiết triều, vua ngồi ở điện Khâm Văn nghe chính sự, cho bà Từ Dũ ngồi sau tường nghe các quan tâu việc, nghe vua phán. Sau đó, bà sẽ nhận xét cho vua từng việc một. Khi vua Thiệu Trị đau yếu, mọi việc triều chính đều ủy thác cho bà đảm trách. Cuối năm 1847, vua Thiệu Trị qua đời, Hồng Nhậm lên ngôi đặt nên hiệu Tự Đức.
Vua Tự Đức được mẹ giáo dục kiến thức, lễ giáo từ nhỏ. Bà là người thầy quyết định sự hình thành tri thức cũng như đạo lễ và nếp sinh hoạt Nho giáo, khuôn phép của vua sau này. Chính vì vậy mà Hồng Nhậm tuy nhỏ tuổi nhưng đã chăm đèn sách, dùi mài kinh sử, được vua cha Thiệu Trị chọn làm người kế vị. Khi nối ngôi, vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà Phạm Thị Hằng đều từ chối, mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1849), bà mới nhận tôn hiệu là Hoàng Thái hậu.
Tự Đức là một nguời rất mê hát bội. Một lần vua cho đội tuồng cung đình diễn vở Tàu chuyện Phàn Lê Huê giết cha, giết anh. Bà Từ Dũ ngồi xem, nghiêm mặt bảo: “Sao lại diễn ra quá kỹ cái trò thất đức như vậy? Con giết cha, anh giết em thì còn gì là đạo lý nữa? Nước mình khác, nước người khác, không được bắt chước mà diễn xằng bậy!”. Vua Tự Đức phải nhận lỗi trước mẹ!
Tháng 6 năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức mất, để lại di chiếu tôn bà làm Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu nhưng ngay sau đó đã xảy ra tình trạng “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng 3 vua), vì thế mãi đến năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi mới làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu. Sau khi Hàm Nghi xuất bôn mở đầu phong trào Cần Vương chống giặc, triều đình mới hỏi ý kiến của bà rồi đón ông hoàng Chánh Mông là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, một trong 3 người con nuôi của vua Tự Đức lên nối ngôi, đại diện Pháp là De Champeaux cũng yết kiến Từ Dũ để xin lập Ưng Kỷ lên làm vua. Ưng Kỷ lấy niên hiệu là Đồng Khánh, trong bản chiếu ban ơn thiên hạ khi lên ngôi cũng có đoạn nhắc đến sự ơn nhớ đối với người bà của mình: “Sau khi làm lễ thỉnh mệnh ở Giao miếu, lễ cáo tại điện Hòa Khiêm, vào tâu lên Thái hoàng thái hậu Từ Dũ”.
Tháng 3, năm Đinh Hợi (1887), vua Đồng Khánh ban dụ tấn tôn mỹ hiệu cho bà thêm hai chữ là Trang, Ý. Mộc bản sách Đồng Khánh chính yếu sơ tập, quyển 1, mặt khắc 21, 22 còn ghi chép việc này như sau: “Kính nghĩ, thánh mẫu triều ta, lượng cả bao dung gây phúc trạch, dịu dàng hiền hậu giữ thước khuôn, đã phụ giúp cho hoàng khảo ta là Dực Tông Anh hoàng đế gánh vác việc nội trị trong suốt 36 năm, nối tiếp tiền nhân duy trì đức hạnh, đức hóa thấm khắp gia đình, tài năng giúp cho xã tắc.
Khi Hoàng khảo ta còn sống đã để lại di chiếu tấn phong làm Hoàng Thái hậu, nhưng đại lễ chưa kịp cử hành thì bỗng xảy ra sự biến. Kính nhờ có sự anh linh của Cửu miếu và đức trạch do Thánh Tổ mẫu và Thánh mẫu tích góp lại nên đã qua được cơn tai biến để có ngày nay. Phúc ấy là bởi hòa hợp đức trời, rạng ngời nết đất, vốn ấp ủ trong lòng mà thể hiện ra ngoài. Xuất phát từ sự thánh thực sâu xa, lại thêm tính hiền thục ý tứ, đó chẳng phải là “Trang” hay sao.
Bề ngoài thì đẹp đẽ, bên trong thì sâu sắc, đó chẳng phải là “Ý” hay sao? Trẫm được vẻ vang kế thừa cơ đồ lớn lao, tiếp nhận cả thiên hạ về tay, xuôi chèo mát mái. Bề trên với người thân cùng thuận, trên dưới đồng lòng. Bữa trước các tôn nhân cùng đình thần tâu xin gia tôn hiệu là Trang Ý hoàng thái hậu… Vậy truyền cho các quan hữu ty chiếu lệ tổ chức nghi thức lễ tấn tôn để thỏa tấm lòng thành của riêng mình trẫm và hợp với niềm mong mỏi, tôn kính của bàn dân trăm họ”.
Đến tháng 4 nhuận cùng năm, vua dẫn các hoàng thân, tôn nhân phủ cùng bá quan văn võ vào cung Gia Thọ nơi bà Từ Dũ ở để chúc mừng và dâng lên sách vàng, ấn vàng, tôn phong hiệu là Từ Dũ Bác Huệ Thái Thái hoàng Thái hậu. Năm 1889, nhân dịp mừng thọ 80 tuổi, bà được vua Thành Thái dâng tôn hiệu là Từ Dũ Bác huệ Khang thọ Thái Thái hoàng Thái hậu.
- Xem thêm: Bảo vật quốc gia Việt Nam
Ngày mồng 5, tháng 4, năm Nhâm Dần (tức 12 tháng 5 năm 1902), Từ Dũ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu qua đời, thọ 93 tuổi. Bà được dâng tên thụy là Nghi thiên Tán thánh Từ Dũ Bác Huệ Trai túc Tuệ đạt Thọ đức Nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dũ Nghi thiên Chương hoàng hậu. Ngày 20 tháng 5 cùng năm, triều đình cử hành đại lễ an táng bà phía sau bên trái Xương Lăng. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân núi thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài vị của bà được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.
Có thể nói, trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoàng Thái hậu Từ Dũ luôn được mọi người ca ngợi và thán phục. Bà đã nêu cao tấm gương sáng tuyệt vời về phẩm hạnh và đức độ của người phụ nữ Việt Nam.