Bắt đầu từ 0h ngày 18/3, Việt Nam sẽ tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài trong khoảng thời gian 30 ngày, để phòng dịch Covid-19.
Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực về phòng, chống dịch Covid-19, đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 18/3/2020.
Các trường hợp được miễn thị thực hoặc có Giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao…) khi nhập cảnh phải có Giấy xác nhận không dương tính với virus Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và giấy này được Việt Nam chấp thuận. Các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.
Các trường hợp nhập cảnh phải qua kiểm tra và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng quy định.
Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung hiện nay, thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung.
Chính quyền cấp xã, phường và ngành y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp này, bảo đảm cách ly, giám sát đúng đối tượng, đủ thời gian theo quy định. Nghiêm cấm việc kỳ thị người mắc bệnh, người nghi mắc bệnh.
Tiếp tục hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định vị trí hạ cánh của các chuyến bay từ vùng dịch bảo đảm thuận lợi cho thực hiện việc cách ly người nhập cảnh và các yêu cầu phòng, chống dịch.
Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc tổ chức sàng lọc các trường hợp nhập cảnh từ trên máy bay, kiểm soát về y tế tại các sân bay và xét nghiệm đối với hành khách nhập cảnh.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly trong quân đội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly và giao Tư lệnh các quân khu điều phối để sẵn sàng tiếp nhận và cách ly số lượng lớn.
Các bệnh viện trung ương, của quân đội, công an, địa phương đều phải có phương án nóng, chuẩn bị tốt nhất điều kiện và phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ngành y tế phát động và thực hiện đợt thi đua đặc biệt, huy động toàn lực lượng của ngành, người có chuyên môn y tế, (kể cả người về hưu) ở tất cả các tuyến cho phòng, chống dịch.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, cách thức tự bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, khai báo y tế tự nguyện, các điển hình tốt trong phòng, chống dịch; tiếp tục lên án và xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, khai báo y tế không trung thực, không chấp hành việc cách ly theo quy định.
Tiếp tục khuyến cáo việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh ngay từ trong gia đình, chú ý khuyến cáo đối với người có bệnh nền, người cao tuổi theo dõi sức khỏe, khai báo y tế tự nguyện. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp phường, xã, tổ dân phố trong giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ gia đình có người nghi nhiễm, bị cách ly.
Về việc công bố dịch đối với Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu các Bộ và địa phương liên quan thống nhất thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thủ tướng cũng giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề xuất định mức chi phù hợp cho người bị cách ly, cán bộ, nhân viên y tế, chiến sỹ và những người trực tiếp thực hiện tiếp nhận người cách ly, làm việc, phục vụ tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại bệnh viện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định kịp thời những vấn đề cần thiết.