Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, đến 6h ngày 14-5 Việt Nam không có ca bệnh mới. Như vậy đã 7 ngày liền Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.
Việt Nam: 28 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng
28 ngày Việt Nam không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng.
Đến nay tổng số ca bệnh cả nước vẫn là 288 (gồm 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay), trong đó 252 người đã được công bố khỏi bệnh. Hiện chỉ còn 36 trường hợp đang điều trị, trong đó 11 ca đã có kết quả âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2.
“Không có miễn dịch cộng đồng tại Tây Ban Nha”
“Nghiên cứu phát hiện 5% dân số Tây Ban Nha đã tiếp xúc với virus, tương đương hơn 2 triệu người” – hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa nói, cho biết “không có miễn dịch cộng đồng tại Tây Ban Nha”.
Theo nghiên cứu, thực hiện từ 27-4 trên 60.000 người, virus tập trung tại khu vực miền trung của Tây Ban Nha, nơi có số người tử vong cao nhất. Ngoài ra, kết quả cho thấy một số người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng dù vẫn có thể lây virus cho người khác.
Tây Ban Nhà là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 với hơn 27.000 ca tử vong và khoảng 228.600 ca bệnh được xác nhận.
Brazil vượt Pháp về số ca bệnh
Với 11.385 ca bệnh mới ngày 14-5, Brazil đã vượt Pháp trở thành quốc gia bị ảnh hưởng thứ sáu thế giới với tổng cộng 188.974 ca tính đến nay. Số người chết ở nước này tăng thêm 749 ca, nâng tổng số tử vong lên 13.149 trường hợp.
Chính quyền cũng dự báo tăng trưởng sẽ giảm 4,7% trong năm 2020, mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua.
Pháp thêm 83 ca chết
Tại Pháp, 3 ngày sau khi nới lỏng phong toả, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này ngày 13-5 chỉ tăng thêm 83 ca, giảm mạnh so với 348 ca của ngày trước đó. Tổng số ca tử vong của Pháp là 27.074 người, bao gồm 17.101 ca trong bệnh viện và 9.973 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 13-5 cho biết nước này ghi nhận thêm 888 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 222.104 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng 195 lên 31.106 trường hợp.
Bỉ chuẩn bị mở cửa lại bảo tàng và trường học
Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes khẳng định nước này sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai của việc dỡ bỏ các hạn chế chống đại dịch COVID-19 vào ngày 18-5, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Theo đó, các cơ sở giáo dục, ngoại trừ các trường tiểu học, sẽ mở cửa trở lại. Các bảo tàng, và địa điểm văn hóa và lịch sử cũng sẽ nối lại hoạt động, với việc bán vé được thực hiện qua mạng và tránh tập trung số lượng người đông cùng lúc trong các tòa nhà. Ngoài ra, các cửa hàng làm tóc và cửa hiệu thẩm mỹ sẽ được phép mở lại với điều kiện nhân viên và khách hàng bắt buộc phải mang khẩu trang.
Thủ tướng Wilmes cho biết chính quyền địa phương sẽ có thể điều phối việc mở lại các chợ ngoài trời từ ngày 18-5. Tuy nhiên, số lượng tối đa gian hàng được phép là 50. Đồng thời, các sự kiện văn hóa đại chúng vẫn bị cấm cho đến ngày 30-6. Các nhà hàng, quán cà phê, quán bar và câu lạc bộ đêm sẽ có thể dần dần hoạt động trở lại vào ngày 8-6.
Trung Đông vẫn đáng lo ngại
Ai Cập ngày 13-5 thông báo phát hiện thêm 338 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 10.431 người. Bên cạnh đó, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 556, sau khi có ghi nhận thêm 12 trường hợp tử vong trong ngày.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận thêm 1.639 ca mới và 58 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 143.114 trường hợp và 3.952 người thiệt mạng.
Tại Iraq, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày tăng kỷ lục 119 ca, cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.032 người. Cho đến nay, 115 bệnh nhân đã tử vong do COVID-19 tại Iraq.
Cùng ngày, Saudi Arabia cho biết số ca bệnh ở nước này đã tăng thêm 1.905 người lên tổng cộng 44.830 trường hợp. Số bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua do COVID-19 cũng tăng 9 trường hợp lên 273 người.
Thử nghiệm thuốc favipiravir cho kết quả khả quan ở Nga
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 13-5 cho biết favipiravir, một loại thuốc được cho là có thể điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đã cho kết quả hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu ở nước này.
Ông Kirill Dmitriev, lãnh đạo RDIF, cho biết 60% trong số 40 bệnh nhân COVID-19 được sử dụng thuốc favipiravir đã có xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới sau 5 ngày. Ông nhận định việc điều trị bằng thuốc này có thể giảm một nửa thời gian phục hồi.
“Thuốc này sẽ giảm gánh nặng cho các trung tâm y tế, và theo đánh giá của chúng tôi, cũng sẽ giảm 50% số bệnh nhân nặng”, ông Dmitriev nói. Theo kế hoạch, cuộc thử nghiệm lâm sàng với 330 bệnh nhân nhiễm COVID-19 sẽ kết thúc vào cuối tháng 5-2020.
ChemRar, công ty tiến hành thử nghiệm trên, có thể sản xuất hàng chục nghìn liều điều trị trên mỗi tháng, con số được cho là mức cần tối thiểu cho cả nước.
Favipiravir do Nhật Bản bào chế từ cuối những năm 1990, với tên thương mại là Avigan. Loại thuốc này hiện cũng đang được công ty dược phẩm Glenmark thử nghiệm tại Ấn Độ.