Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 11/3 nói rằng dịch Covid-19 đã tới giai đoạn có thể gọi là đại dịch toàn cầu.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 11/3, (tức tối khuya cùng ngày, giờ Việt Nam), từ Thụy Sĩ, các lãnh đạo của WHO chính thức tuyên bố dịch bệnh hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) là đại dịch toàn cầu.
Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lây nhiễm hơn 118.000 ca nhiễm đã được ghi nhận tại 114 quốc gia, và 4.291 ca tử vong. Số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua, trong đó hơn 80.000 người ở Trung Quốc.
“WHO đã và đang đánh giá sự bùng phát từng giờ và chúng tôi quan ngại sâu sắc về cả mức độ lây lan và nghiêm trọng đáng báo động, cũng như mức độ thiếu hành động đáng lo ngại”, Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết trong cuộc họp báo.
“Do đó chúng tôi đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được mô tả như một đại dịch”.
“Đại dịch không phải từ để sử dụng dễ dàng hoặc bất cẩn. Đó là một từ mà, nếu sử dụng sai, có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý, hoặc sự chấp nhận một cách phi lý rằng cuộc đấu tranh đã kết thúc, dẫn đến sự chịu đựng và những cái chết vô lý. Việc diễn tả tình hình hiện nay là đại dịch sẽ không thay đổi những đánh giá của WHO đối với mối đe dọa từ virus corona”, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh trong cuộc họp báo.
“Mọi quốc gia cần phải công khai chiến lược của họ ngay bây giờ”, ông Mike Ryan – giám đốc điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh khi tuyên bố COVID-19 là “đại dịch”.
Ông Tedros cho rằng tình hình dịch bệnh hiện tại là “cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực”. “Đây là việc của mọi người”, ông Tedros nói.
Tổng giám đốc WHO cũng cho rằng số các ca nhiễm và số các nước xuất hiện ca nhiễm “không nói lên bức tranh toàn cảnh”. “Tất cả quốc gia vẫn có thể làm thay đổi hướng đi của đại dịch này”, ông Tedros khẳng định.
Các biện pháp nhanh chóng có thể giúp ngăn chặn các ổ dịch lớn cũng như việc lây nhiễm trong cộng đồng, mặc dù có thể điều này sẽ không làm “thay đổi xu thế”.
Theo ông Tedros, thách thức giờ đây không phải là việc các quốc gia có thể thay đổi tiến trình lây lan của virus hay không, mà nằm ở chỗ họ có quyết định hành động hay không. Giám đốc WHO cho rằng một số nước đang vật lộn vì thiếu nguồn lực, nhưng có một số nước khác đang vật lộn với sự “thiếu quyết tâm”, nhưng không nói rõ là nước nào.
WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với virus corona chủng mới vào ngày 30/1 vào thời điểm số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc chưa đầy 100 trường hợp.
Lần gần nhất WHO tuyên bố một đại dịch là trong giai đoạn bùng phát cúm H1N1 năm 2009. Ông Tedros cho biết đây là lần đầu tiên một chủng virus corona tạo ra đại dịch. Đợt bùng phát dịch SARS năm 2002-2003, cũng do một chủng virus corona khác gây ra, đã không được gọi là đại dịch vì kịp thời ngăn chặn.
Thực tế, WHO không còn có hạng mục phân loại bệnh là “đại dịch”, ngoại trừ cúm. Các quan chức WHO đã báo hiệu trong nhiều tuần rằng họ có thể sử dụng từ “đại dịch” như một thuật ngữ mô tả dịch Covid-19 nhưng nhấn mạnh rằng nó không mang ý nghĩa pháp lý.
Ông Ryan khẳng định các nước cần phải công khai chiến lược (khống chế dịch) của họ ngay bây giờ: “Thực tế là ngay bây giờ ở các nước, chúng ta đều có nhân viên y tế tuyến đầu đang cần được giúp đỡ. Chúng ta có các bệnh viện cần hỗ trợ.
Chúng ta có những người cần được chăm sóc và chúng ta phải tập trung vào việc giúp cung cấp thiết bị cho nhân viên y tế tuyến đầu, cũng như những hỗ trợ và đào tạo mà họ đang cần để làm tốt công việc”.