Nhiều học giả tin rằng Lưỡng Hà chính là khu vực Vườn Địa đàng trong Kinh thánh nằm giữa sông Tigris và Euphrates mà hiện nay là nước Iraq. Khu vực này bị chi phối bởi nhiều nền văn hoá, trong số đó là văn hóa của người Sumer, Assyria và Babylon. Dọc theo những vùng đất màu mỡ, với sự hình thành của các thành phố – quốc gia đầu tiên, kiến trúc Lưỡng Hà bắt đầu phát triển.
Kiến trúc cổ phần lớn chịu ảnh hưởng của các vị thần, được gọi là “Anunnaki” hoặc những người đến từ thiên đường. Người Lưỡng Hà rất sợ các vị thần của họ và luôn gắng sức làm hài lòng họ. Ở mỗi thành phố, họ xây dựng các đền thờ để thờ cúng các vị thần. Đền thờ thường được thiết kế như cung điện của vua chúa, với nhà bếp, phòng ngủ, và sân để phục vụ các vị thần và gia đình của họ.
Các đền thờ, cùng với các cung điện, được xây dựng ở trung tâm thành phố. Người Lưỡng Hà coi việc xây dựng như một món quà liêng thiêng mà các vị thần ban cho con người và thường cúng tế các lễ vật cho Mushdammu – thần Kiến trúc và Kulla – thần Gạch.
Vật liệu xây dựng chính được sử dụng cho các công trình tư nhân và công cộng là gạch bùn, được tạo thành từ các khuôn gỗ có hình dạng và kích thước khác nhau. Sau khi gỡ bỏ các khuôn, gạch được nung bằng sức nóng của mặt trời hoặc đốt trong lò, kết quả của quá trình sản xuất là loại gạch bùn bền nhất, nhưng do khan hiếm gỗ để làm nhiên liệu, các gạch này hiếm khi được sử dụng. Giá gạch phải chăng, và mỗi gia đình có thể tự xây dựng nhà riêng mà không có sự trợ giúp chuyên nghiệp.
- Xem thêm: Sống lại những nền văn hóa cổ
Ở vùng Lưỡng Hà, đá ít khi được sử dụng do khan hiếm, chỉ những người giàu có nhập khẩu từ xa mới dùng. Gỗ cũng được nhập khẩu từ Lebanon hoặc Elam, đặc biệt là cây tuyết tùng – loại đắt nhất. Thay thế cho gỗ, họ sử dụng cây sậy mọc ở các con sông.
Nhà của người Lưỡng Hà được xây dựng với các kích cỡ và hình dạng khác nhau tùy theo địa vị của họ trong xã hội. Các giai cấp thấp hơn có những căn nhà nhỏ, không có cửa sổ, trong khi những người Lưỡng Hà giàu có ở trong những ngôi nhà lớn hơn được xây dựng theo hình chữ U với một khu vườn rộng lớn ở giữa. Viên gạch đầu tiên của ngôi nhà được làm từ bùn trộn với rượu vang, bia và mật ong. Nhiều nghi thức khác theo sau để thần thánh hóa ngôi nhà mới và bảo vệ nó chống lại ma quỷ. Một đặc tính của kiến trúc người Lưỡng Hà là mái bằng.
Một trong những cấu trúc Lưỡng Hà nổi bật nhất và lớn nhất là ziggurats, lần đầu tiên xuất hiện khoảng 3500 TCN. Đó là những tháp cổ lớn, có dạng hình kim tự tháp bậc thang xây bằng gạch bùn, có hình vuông hoặc chữ nhật. Bên ngoài thường được trang trí với bức tranh tường, tranh khảm và gạch men.
Các Ziggurats được coi như một dạng đền thờ cho các vị thần cổ đại của vùng Lưỡng Hà. Tuy nhiên, công chúng không được phép vào đền thờ, chỉ có các thầy trợ tế và nữ tu ở đó để đáp ứng tất cả yêu cầu của các vị thần. Ở trung tâm Ziggurat, một căn phòng hình chữ nhật được xây dựng, với bức tượng của một vị thần chính mà ngôi đền thờ cúng và một bàn thờ cho họ. Trong các buổi lễ công cộng, đám đông tụ tập trong sân của đền thờ.
- Xem thêm: Tình Óc Eo
Ngày nay, khoảng 30 ziggurats vẫn còn tồn tại. Nổi tiếng nhất là Tháp Babel trong Kinh thánh, mà theo kinh Cựu Ước là một nỗ lực của loài người để vươn tới vương quốc của Thiên Chúa nhưng không được Đức Chúa Trời chấp thuận.
Vòm hình tròn xuất hiện đầu tiên trong kiến trúc Lưỡng Hà, không phải ở Rome cổ đại như người ta thường tin. Một ví dụ điển hình là Cổng Ishtar, hiện nay ở Bảo tàng Pergamon tại Berlin. Cổng này là một phần của Con đường đám rước ở thành phố Babylon, được khai quật vào đầu thế kỷ 20 và được xây dựng lại bằng cùng loại gạch.
Cổng được trang trí bằng đá quý lapis lazuli, trong khi các bức tường được sơn bằng những hoa văn, hình sư tử, và các phù điêu động vật được kết nối với Ishtar – nữ thần của tình yêu, vẻ đẹp, sự sinh sản và chiến tranh. Bởi vì nhiều công trình được xây dựng bằng vật liệu dễ hư hỏng, nên rất ít công trình đáng kể của kiến trúc Lưỡng Hà còn tồn tại.