Trên thế giới, có rất nhiều nền văn hóa khác nhau, đồng nghĩa với những phong tục, tập quán lạ mắt và chúng giống như một bức tranh đa dạng về bản sắc dân tộc để mỗi khi tới đâu, ta đều cảm thấy muốn khám phá, tìm hiểu thật kỹ từ những điều đối lập, tương phản.
Dưới đây là một số thói quen sinh hoạt độc đáo như vậy, lôi cuốn du khách.
Nigeria: Nằm, quỳ gối hành lễ trước người già
Khác với nhiều nơi, đứng để chào đón, chúc tụng một ai, người Yoruba, một bộ tộc ở Nigeria, lại có tục lệ người ít tuổi hơn phải tới trước mặt người cao tuổi, nhất là người già và quỳ xuống thành kính, thậm chí còn nằm úp mặt sõng soài dưới chân họ, đến khi được bảo đứng lên mới thôi. Điều này là để tỏ lòng kính trọng, mừng thọ cha mẹ, ông bà, các bậc phụ lão.
Trung Quốc: Từ chối nhận quà nhiều lần mới lấy
Bình thường, khi có ai tặng quà, người châu Âu rất hay đưa tay ra nhận, song người châu Á, như Trung Quốc thì cứ phải dền dứ một hồi, hay cả ngày thì món quà ấy mới được lấy. Sở dĩ như vậy vì người ta cho rằng, lấy ngay sẽ rất thô thiển, bất nhã nên thường từ chối khéo vài lần, dẫn tới cảnh đẩy đưa giữa chủ và khách. Để chủ nhận, khách thường phải nói những câu có cánh và đáp lại, chủ cũng từ chối bằng những lý do cực hợp lý.
Chile: Mời sớm, đến muộn
Đi học, đi làm hay gặp gỡ đúng giờ từ lâu đã là một tác phong công nghiệp, song ở nhiều nơi rừng núi, nhà này cách nhà kia cả ngày đường, thì điều ấy khó lòng thực hiện. Thế nhưng ở đây không phải là vấn đề đường xa, tới muộn mà vì sự tế nhị, muốn người mời có sự chuẩn bị kỹ, khách mới tới. Tại Chile, khi chủ nhà ngỏ ý mời khách đến dùng cơm vào lúc tám giờ tối, thì người ta luôn đến vào tám giờ 15 phút hoặc hơn.
- Xem thêm: Tục ăn trầu ở châu Á
Đến đúng giờ hoặc sớm, sẽ làm gia chủ cập dập, còn khách thì lúng túng không biết phải làm gì, chẳng lẽ lại cùng họ dọn nhà, thay vì chỉ cần ngồi vào ghế dùng bữa. Không chỉ tại Chile, ở Ecuador đến muộn nửa tiếng cũngmới là đúng giờ, còn tại Brazil thì giờ dây thun, khách muốn tới muộn thế nào cũng được.
Nga: Cứ gặp nhau là uống rượu
Với đức tính hồn hậu, hiếu khách, người Nga luôn mời thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp uống rượu. Cứ gặp gỡ là họ kéo nhau ra quán. Ở Nga, thứ rượu truyền thống thường là rượu vodka trắng làm từ lúa mì chứ không phải bằng nho, nên có độ cồn rất cao, uống vào say bí tỷ. Vậy mà ngày nào, họ cũng uống. Đến nhà họ, bạn sẽ không thể chối bỏ việc “cụng chén”, và nếu đã là bạn thân mà tới muộn thì còn bị phạt vạ- nốc cả chai.
Nhật Bản: Ăn uống xì xụp
Đối với các nước phương Tây, việc ăn uống như nhai, tu, húp phát ra tiếng động là điều rất thiếu lịch sự, song ở một số nước phương Đông như Nhật Bản thì chẳng sao. Bạn có thể tu, húp ừng ực mà không ai nói vì họ xem món canh hoặc mỳ là một món ăn rất ngon, nhiều chất bổ dưỡng, đa nguyên liệu như cá, tôm, thịt, rau, dưa và khi ăn cần phải xuýt xoa, mới ngon.
Mỹ: Cho tiền tip rất thoải mái
Sau khi ăn, người Mỹ thường cho người phục vụ họ rất nhiều tiền lẻ, mà thường là từ 10 đến 20% hóa đơn, thậm chí người giàu còn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, mà ta phải ăn hàng tháng mới hết, để cho các nhân viên phục vụ. Họ làm việc này không chỉ bởi pháp luật quy định, mà còn vì nghề phục vụ bàn ở Mỹ có đồng lương rất thấp, và những khoản tiền tip của thực khách sẽ giúp họ có một cuộc sống dễ dàng hơn.
Hy Lạp: Răng rụng vứt lên mái nhà
Ở một số nơi, trẻ em thường được cha mẹ dạy rằng, hễ bị rụng răng thì hãy đặt ngay dưới gối để tiên răng mang đi và tặng lại một răng mới hay một món quà. Tùy từng nước như tại Đan Mạch, tiên răng là Tann Feen, Pháp là chú chuột La Petite Souris, Tây Ban Nha – Ratoncito Perez và Colombia – El Raton Miguelito. Nhưng cũng có nơi các em không làm như vậy như trẻ Hy Lạp và Mauritania sẽ quẳng ngay nó lên mái nhà, càng cao càng tốt.
- Xem thêm: Tập tục ở rể của người miền Tây Nam bộ
Tất cả là do người Hy Lạp tin rằng, răng trả về trời sẽ đem lại sức khỏe, sự may mắn cho con cháu. Tại Jamaica, trẻ em lại cất răng vào trong một cái lọ và lắc liên tục, để đuổi một con bê được tin là sẽ ăn răng trẻ con, và vì răng bê, bò rất xấu xí, lại không có hàm trên. Trẻ em Malaysia thì chôn răng xuống đất để nó mọc thành cây, còn trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ thì chôn ở những nơi các em mong muốn sau này sẽ làm việc, như muốn thành bác sĩ chôn ở gần bệnh viện, muốn thành doanh nhân chôn cạnh siêu thị.
Đan Mạch: Đi chơi trong bãi tha ma
Mọi người thường giao lưu, hò hẹn ở những chỗ nên thơ – lãng mạn, song người Đan Mạch lại thích cắm trại tại những nghĩa trang, có người thân hoặc các danh nhân an nghỉ. Hàng loạt nghĩa trang của nước này đều là các tụ điểm vui chơi công cộng, và có vẻ như một công viên thiên đường.
Malaysia: Chỉ chỏ bằng ngón cái
Để giới thiệu, thông báo nhanh chóng điều gì, bạn chỉ cần chỉ chỏ bằng các ngón tay, thường là ngón trỏ, tuy rằng không đẹp mắt lắm, song hiệu quả. Thế nhưng, ở Malaysia, Indonesia và nhiều nước Hồi giáo, hành động đó thường được xem là sự khiếm nhã, gây gổ, và thay vì dùng ngón trỏ, người Malaysia hay dùng ngón cái giơ ra phía trước. Tại một số nước châu Phi, nhiều vùng cũng chỉ chấp nhận việc chỉ tay vào vật, chứ không được vào người.
Nicaragua: Chỉ chỏ bằng môi
Bằng cách tru môi, nhếch mép, người Nicaragua có thể cho ta biết hướng đi hoặc vị trí của ai, vật gì phía nào. Họ điều khiển môi điêu luyện đến nỗi, nó giống như một ngón tay có thể lệch sang bên này – bên kia, song thông thường để nói về một thứ gì đó ở gần mà không muốn phát ngôn. Nó giống như một ám hiệu nhắc khéo người đối diện vậy!.
Ấn Độ: Ngồi thiền, thủ ấn
Người Ấn Độ thường ngồi thiền hàng tiếng vì họ xem thiền như một hình thức thể dục. Hơn thế, còn làm thủ ấn, tức bấm, móc, vặn, xoay các ngón tay, bàn tay với nhau ra các hướng. Có đến 500 kiểu thủ ấn, chứa những ý nghĩa sâu sắc và tác dụng cho sức khỏe. Chúng giúp điều tiết, kiểm soát dòng năng lượng sống prana trong cơ thể.
Với thủ ấn gyana mudra: ngón cái chạm vào ngón trỏ trong khi các ngón khác duỗi thẳng, cách đều, người thủ ấn được tin sẽ có một đầu óc thanh thản, minh mẫn. Vì gyana mudra có tác dụng mang tới sự tập trung, trí nhớ và hiểu biết. Thủ ấn (agni mudra) là ngón cái chạm vào ngón giữa, với các ngón còn lại giơ thẳng sẽ thúc đẩy trao đổi chất, tiêu mỡ, giảm stress, đốt cháy mọi ách tắc. Song hay gặp nhất là thủ ấn abhaya mudra, một bàn tay phải xòe rộng, trong đạo Phật gọi là “ấn vô úy”, nghĩa là không sợ hãi và khiến cho tâm hồn nhẹ nhõm, cởi mở.
Pháp: Nhiều kiểu ôm hôn
Ôm hôn kiểu Pháp rất thắm thiết. Ngoài ra, còn có rất nhiều cách ôm hôn cho cả nam lẫn nữ, cùng quy định về số lượng nụ hôn phải thực hiện theo từng vùng. Chỉ đơn thuần, bạn bè gặp gỡ, ôm hôn cũng đã cầu kỳ. Thay vì bắt tay, vẫy chào, hai người sẽ phải nhào tới, chạm má, hôn gió, đồng thời tạo ra những tiếng hôn chùn chụt bằng miệng, và trong danh sách các kiểu hôn của Pháp, nó có tên là La Bise.
Maroc: Vẽ henna ngày cưới
Henna là những họa tiết rực rỡ được vẽ bằng màu nhuộm lên da, móng, tóc nhằm trang trí cơ thể. Chúng được thấy ở rất nhiều nước Hồi giáo, từ Ấn Độ, Pakistan tới bán đảo Ả Rập, Trung Cận Đông và Bắc Phi… Do có ý nghĩa linh thiêng gắn với tín ngưỡng, như là các biểu tượng về sắc đẹp, tuổi trẻ, tình yêu, sự sinh sản-tài đảm, henna thường được vẽ lên người thiếu nữ sắp cưới. Vào khoảng hai hôm trước lễ thành hôn, gia đình, bạn gái của cô dâu sẽ kéo tới, vẽ trên tay, chân của chị đủ loại mô típ, và chị sẽ phải giữ nó trong nhiều ngày nhằm bảo đảm hạnh phúc lâu bền.
Scotland: Bôi đen dâu rể
Khác hoàn toàn nàng dâu Maroc trong đêm quyến rũ với những henna lộng lẫy, nàng dâu Scotland vào ngày cưới sẽ bị trói cùng chú rể trong một bồn tắm, kéo rê khắp phố và tưới vẩy những chất dịch đen ngòm, hôi thối cũng như ném các loại rau củ mục úa, trứng ung, lông gà lông vịt cho người nhớp nhúa. Truyền thống này là để xua đuổi ma tà-vận xấu, ngoài ra thắt chặt tình cảm vợ chồng, sướng khổ, vui buồn đều có nhau.
Indonesia: Chà răng căng tai
Dù rằng tục căng tai không còn nữa, song tục chà răng vẫn còn ở nhiều địa phương Indonesia, cũng với ý nghĩa đuổi tà và cho con người chịu được gian khổ, cực nhọc. Tại Bali, khi trai gái sắp thành thân, sẽ phải làm lễ chà răng-cưa răng. Ai nấy sẽ bị cắt, trám ít nhất hai cái răng, để tượng trưng cho những đau khổ, giận hờn, ghen tuông trong cuộc đời hai vợ chồng sẽ không còn.
Đức: Đập vỡ chén bát trong ngày đại hỷ
Ngay sau khi dâu rể làm lễ, nhà trai-nhà gái cùng quan khách sẽ thi nhau đập vỡ các loại bát đĩa ở trên bàn, và để hai vợ chồng mới cưới dọn dẹp. Qua đó ghi nhớ tầm quan trọng của việc đỡ đần, bảo ban nhau làm việc nhà. Cả vợ lẫn chồng đều phải biết nội trợ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ thì gia đình mới yên vui.