UBND TP.HCM vừa công bố xếp hạng di tích cấp thành phố cho hai công trình kiến trúc gồm Trường THCS Võ Trường Toản và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Theo đó, ông Lê Thanh Liêm – Phó chủ tịch UBND TP.HCM, vừa ký hai quyết định về xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cho hai công trình có kiến trúc nghệ thuật, gồm: Trường THCS Võ Trường Toản (số 11 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (số 53 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1).
Quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố cho hai ngôi trường này, theo Zing, là dựa vào đề xuất trước đó của Sở Văn hóa và Thể thao, ý kiến thống nhất của Hội đồng xét duyệt xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh TP.HCM.
Quyết định nêu rõ nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích phải được phép của Chủ tịch UBND TP.HCM.
Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận 1, UBND phường Bến Nghé (quận 1), được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với 2 di tích vừa được xếp hạng.
Được biết, trường THCS Võ Trường Toản được xây dựng trước năm 1975 và giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc từ thời Pháp. Tiền thân là Trường Nam trung học công lập Võ Trường Toản (trên cơ sở vật chất của Trường Sư phạm Nam Việt), một trong những trường đào tạo học sinh giỏi thời bấy giờ, có các lớp từ đệ thất đến đệ nhất (lớp 6 đến lớp 12) và phụ trách thêm một ban tiểu học.
Trong khi đó, với trường hợp Trường THPT Trần Đại Nghĩa, trước năm 1975 ngôi trường này là trụ sở Trường THPT Trần Đại Nghĩa là Trường Trung học Lasan Taberd, thành lập từ năm 1874 bởi Cha Henri De Kerlan. Trường Lasan Taberd bị đóng cửa năm 1976, sau đó cơ sở này được dùng làm Trường Trung học Sư phạm và tiếp đó là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (năm 2000).
Như vậy, chỉ trong ít ngày, UBND TP.HCM đã ra nhiều quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố cho nhiều công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hoá. Theo đó, cách nay gần một tuần (ngày 24.12), UBND TP.HCM cũng đã ban hành các quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật đối với: Nhà thờ Thủ Thiêm (số 58 Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM) và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (số 76 Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM).
* Trước đó, Thường trực UBND TP.HCM cũng đã có kết luận về phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND – UBND TP và giải pháp bảo tồn công trình tại Dinh Thượng thơ cũ tại 59 – 61 Lý Tự Trọng (hiện đang là trụ sở Sở Thông tin – Truyền thông). Thường trực UBND TP.HCM thống nhất chọn phương án thiết kế của đơn vị tư vấn Gensler, theo hướng phủ khối kiến trúc mới lên trên và bảo tồn công trình hiện hữu Dinh Thượng thơ.
UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc làm việc với đơn vị tư vấn Gensler để nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với chủ trương nêu trên; tham mưu phương án kinh phí thuê đơn vị tư vấn, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo.
Như vậy, tính đến tháng 11.2019, trên địa bàn thành phố có 172 di tích được xếp hạng. Trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt (là di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (gồm 02 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 114 di tích cấp thành phố (gồm 66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích-lịch sử) và 100 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020.
Lăng Võ Tánh được xếp hạng di tích cấp thành phố
Được trao bằng di tích kiến trúc nghệ thuật dịp này còn có Lăng Võ Tánh (tọa lạc tại số 19, đường Hồ Văn Huê, Phường 9, quận Phú Nhuận), bao gồm phần đền thờ và mộ, mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam bộ như: bình phong tiền, tường bao, bệ thờ, mộ, bình phong hậu, trụ cột hình chữ kim…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nhân vật lịch sử Võ Tánh (không rõ năm sinh – mất năm 1801), quê gốc ở huyện Phước An, trấn Biên Hòa là người tinh thông võ nghệ, binh thư.
Từ năm 1784-1788, ông xây dựng lực lượng mở rộng ra cả vùng Gò Công (Tiền Giang ngày nay); năm 1788, ông nhận lời, đem quân phò tá Nguyễn Ánh; năm 1799, ông trấn thủ thành Bình Định (Quy Nhơn ngày nay) và bị quân Tây Sơn vây suốt gần 2 năm.
Cuối cùng ông đã gửi thư cho Trần Quang Diệu xin không giết hại binh sĩ trong thành, riêng bản thân ông tuẫn tiết trên lầu Bát giác hỏa thiêu.
Võ Tánh được vua Gia Long truy tặng tước Quốc Công sai người thu liệm hài cốt về chôn cất tại Phú Nhuận, Gia Định; sau đó, vua Minh Mạng truy phong ông tước Hoài Quốc Công.