Có một người chuyên đi đến các vùng xa xôi hẻo lánh, thậm chí cách biệt với thế giới để chụp ảnh về những con người đang sinh sống ở đó. Cuộc sống được phản ánh trong những bức ảnh chụp được luôn khác xa so với cuộc sống tại các tỉnh miền xuôi và chứa đựng nhiều điều thú vị.
Buổi sáng nọ, khi đi ngang qua một ngôi làng ở một vùng núi cao, người săn ảnh ấy bỗng nảy ra ý tưởng là thay vì chụp ảnh như bấy lâu nay sẽ giao máy ảnh cho các cư dân ở đó và hướng dẫn họ cách tự chụp để xem họ muốn hình ảnh của mình xuất hiện trước mắt những người khác ra sao.
Ngày hôm sau, anh quay lại để thu nhận kết quả. Ngoại trừ các bố cục còn ngô nghê của những người lần đầu tiên dùng máy ảnh, một điều kỳ lạ là hầu hết các tấm ảnh đều chụp không lấy phần chân của bất cứ người nào.
- Xem thêm: Nhân sự và câu chuyện chiếc áo
“Lúc đầu, tôi nghĩ là dân làng đã nhầm lẫn trong việc canh chỉnh máy ảnh, nhưng cuối cùng tôi nhận ra là tất cả họ đều đi chân không” – người săn ảnh giải thích. Dường như quan niệm rằng đi chân không là một dấu hiệu của sự nghèo đói nên dân làng đã chủ ý loại bỏ đôi chân ra khỏi các bức ảnh do họ chụp. Đó là một thông điệp quan trọng, đáng chú ý.
Trong mọi hoàn cảnh, nơi nào có con người đang sống và làm việc thì nơi đó người ta đều muốn có hình ảnh lý tưởng về bản thân họ và dùng hình ảnh đó để giới thiệu mình với người khác. Những dân làng trong câu chuyện kể trên đã loại bỏ phần chân trần của mọi người ra khỏi các bức ảnh vì đó là cách tạo được hình ảnh đẹp hơn, gần lý tưởng hơn của họ.
Hình ảnh của doanh nghiệp cũng tương tự như thế. Trong lúc cùng nhau bảo vệ hình ảnh chung thì các thành viên của doanh nghiệp cũng sẽ có xu hướng tìm cách loại bỏ những yếu tố không góp phần tạo nên hình ảnh lý tưởng của doanh nghiệp. Nền văn hóa doanh nghiệp giúp cho các quan điểm, triết lý kinh doanh được đông đảo nhân viên thừa nhận.
- Xem thêm: Tránh sai lầm trong thông điệp tiếp thị
Dù không phải lúc nào các nhân viên cũng nói ra những điều có thể làm cho hình ảnh của doanh nghiệp đẹp hơn cũng như những điều làm cho hình ảnh của doanh nghiệp xấu đi, nhưng những quan niệm đẹp – xấu đó dần dà đã hằn trong suy nghĩ của họ. Tuy nhiên, những hành vi mà mỗi nhân viên thể hiện tại nơi làm việc trong từng hoàn cảnh cụ thể có thể khác nhau, thậm chí rất khác nhau tùy theo nhận thức của mỗi người.
Vì vậy, thực hiện những đợt khảo sát ý kiến của đội ngũ nhân viên được xem là những dịp sơ kết, đúc rút những gì góp phần tạo nên hình ảnh đẹp, hình ảnh lý tưởng của doanh nghiệp để từ đó hướng dẫn mọi người cùng gìn giữ và xây đắp. Cũng qua đó, có thể chỉ ra được những gì mà nhiều người cùng thấy là chưa đẹp, nên loại bỏ.
Tất nhiên, còn rất nhiều điều giá trị khác có thể rút ra từ câu chuyện này. Chính Kare Anderson – người kể lại câu chuyện đã có lời kết: “Bạn không bao giờ thực sự hiểu biết được về ai đó cho đến khi bạn thấy được những lựa chọn mà họ quyết định thực hiện”.