Ước tính đến năm 2050, họ sẽ tạo ra gần 50% sản lượng thế giới, vượt xa nhóm G7. Trong khi đó, trong vòng một thập niên tới, giới trung lưu ở châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giảm từ tỷ lệ hơn 50% so với toàn thế giới hiện nay xuống còn không đến một phần ba. Trong phạm vi toàn cầu, hiện có 1,8 tỉ người thuộc giới trung lưu và đến cuối thập niên 2010, con số đó sẽ vọt lên đến 3,2 tỉ người. Châu Á sẽ là khu vực tạo ra sự khác biệt lớn nhất, ước tính giới trung lưu trong khu vực này sẽ lên đến 1,7 tỉ người vào năm 2020 (tăng gấp ba so với hiện nay) và 3 tỉ người vào năm 2030, mười lần hơn Bắc Mỹ và ba lần hơn châu Âu. Ở phần còn lại của thế giới những nước đang vươn lên, vào năm 2030, giới trung lưu ở khu vực châu Mỹ Latinh sẽ tăng từ 181 triệu người (hiện nay) lên 313 triệu người, dẫn đầu là Brazil. Cũng vào thời điểm trên, tại châu Phi và Trung Đông, giới trung lưu sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 137 triệu lên 341 triệu người.
Giới trung lưu Brazil đang tăng nhanh
Về tiêu chí để xác định thế nào là một người trung lưu, theo một số tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đó là những người kiếm được hay tiêu xài từ 10 USD đến 100 USD mỗi ngày. Đó là trường hợp của những người có thu nhập đủ để mua sắm một số phương tiện như tivi, tủ lạnh và đang nghĩ đến việc mua ôtô. Theo nhận định của tổ chức Liên Hiệp Quốc, động lực chính giúp cho giới trung lưu phát triển nhanh là tiến trình công nghiệp hóa tại nhiều nơi trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ XIX đã làm chuyển biến mạnh mẽ nền kinh tế của Anh, Mỹ và Đức. Sự chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp giúp nhiều thành viên trong xã hội tăng thu nhập và tạo nên một giai tầng trung lưu đông đảo. Nay thì động lực của sự phát triển giai tầng này xuất phát từ các nền kinh tế đang trỗi dậy, đặc biệt ở châu Á. Tại Indonesia chẳng hạn, ngân khoản dành cho đầu tư vượt quá 30% GDP, một dấu hiệu cho thấy khuynh hướng công nghiệp hóa đang ngày càng phát triển. Tại Trung Quốc, nền kinh tế chuyển sang công nghiệp hóa từ năm 1978, sau nhiều thập niên tiến hành chính sách kế hoạch hóa tập trung. Những biểu hiện tích cực trên góp phần tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng vào đầu thập niên 1990. Khi Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Âu tái hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, lực lượng lao động toàn cầu đã tăng gấp đôi, lên 3 tỉ người. Chính sách “mở cửa” của Trung Quốc bắt đầu thực thi vào năm 1992, Ấn Độ hướng ra nước ngoài sau cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán năm 1991… Những khoản đầu tư khổng lồ xuất phát từ các nền kinh tế đông dân và giàu tiềm năng giúp tạo ra những khoản tiết kiệm cần cho nhu cầu công nghiệp hóa của nhiều nước, dẫn đến hệ quả là vào thập niên 2000, lần đầu tiên mức tăng trưởng GDP chung của toàn cầu đã vượt qua mức tăng GDP của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Nhưng điều quan trọng nhất mà sự phát triển của tầng lớp trung lưu mang lại cho xã hội là sự giảm nghèo. Tính ra chỉ trong hai thập niên qua, đã có gần một tỉ người được đưa ra khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Nếu khuynh hướng công nghiệp hóa tiếp tục thì thế kỷ XXI này sẽ chứng kiến sự cải tiến mức sống nhanh chóng ở nhiều nước như chúng ta đã thấy ở phương Tây vào thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, không phải là không có những thách thức trong tình hình mới. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu trên thế giới đòi hỏi phải bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả hơn, sự điều hành công vụ của các chính phủ phải trong sạch hơn và phải cảnh giác trước các chính sách bảo hộ. Mục tiêu cần nhắm đến là sự nghèo đói phải bị tiêu diệt hoàn toàn trong vòng hai thập niên tới. Như lời của nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Robert Lucas đã phát biểu là “một khi bạn đã bắt đầu nghĩ đến tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống, bạn khó có thể dừng lại”.
Lê Nguyễn tổng hợp