Đó là hồi chuông cảnh báo cho giới chính trị gia Eurozone ngay trước cuộc họp hôm 3-7 tại Berlin về vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ và những rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế – xã hội trong khu vực này. Tính đến đầu tháng 6-2013, đã có hơn 19,2 triệu người châu Âu mất việc làm, tăng thêm 67 ngàn người so với một tháng trước đó, nghĩa là cứ năm người dưới 25 tuổi thì có hơn một người thất nghiệp. Dù tỷ lệ thất nghiệp tăng qua từng tháng đều không cao, nhưng xét về dài hạn, người ta lo ngại rằng tình trạng thất nghiệp sẽ bi quan hơn nếu Eurozone vẫn phải đối mặt với cơn suy thoái kéo dài từ cuối năm 2011. Số liệu được công bố trong tháng 7 này sẽ cho thấy quý II-2013 có là quý thứ bảy liên tiếp sụt giảm tăng trưởng kinh tế của Eurozone hay không.
Người dân Madrid (Tây Ban Nha) xếp hàng đăng ký trợ cấp thất nghiệp
Cho dù Eurozone có thoát khỏi sự suy sụp về kinh tế thì tình trạng thất nghiệp vẫn không giảm ngay trong thời gian tới vì thị trường lao động thường khôi phục rất chậm so với hoạt động kinh tế. Bằng chứng là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chỉ thực sự giảm đi sau hai, ba năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính tại nước này kết thúc (năm 2009). Tính đến tháng 5-2013, tỷ lệ người mất việc ở Mỹ còn ở mức 7,6%. Hầu hết giới kinh tế học cho rằng vẫn còn quá sớm để dự báo cơn suy thoái tại Eurozone có kết thúc trong quý III năm nay hay không. Nếu Đức và Áo đã nhìn thấy sự lạc quan trong tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh (lần lượt xuống còn 5,3% và 4,7%) trong tháng 5 thì Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý vẫn bị suy giảm kinh tế và số lượng người mất việc tăng đáng kể. Hy Lạp và Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, ở mức 26,9%, trong khi tỷ lệ trung bình ở 17 quốc gia Eurozone là 23,8%.
Không chỉ là gánh nặng cho ngân sách quốc gia, lượng người thất nghiệp cao, nhất là lao động trẻ, sẽ làm giảm đi độ thành thạo tay nghề và kinh nghiệm của lực lượng lao động và xét về dài hạn, điều này sẽ làm yếu đi tiềm năng kinh tế và khơi ngòi cho những căng thẳng xã hội tại Eurozone. Cho đến nay, giới hoạch định chính sách vẫn chưa đưa ra được hướng cụ thể nào để giải quyết tình trạng nguy hiểm đó, còn kế hoạch trị giá 7,8 tỉ USD của Liên minh châu Âu để giải quyết nạn thất nghiệp đã được phê duyệt bị đánh giá là quá ít ỏi. Theo các chuyên gia tại Ngân hàng New York Mellon, tạo ra các chương trình việc làm và giúp người thất nghiệp tìm việc là chưa đủ cho Eurozone, bởi cải cách thị trường lao động sẽ không đạt hiệu quả cần thiết nếu châu Âu không tìm ra được hệ giải pháp toàn diện về kinh tế – xã hội.
Lâm Kiên theo AP