Được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần, chùa Vĩnh Nghiêm giữ vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo khi trở thành nơi tu hành của các bậc cao tăng. Đỉnh cao nhất là ba vị Tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là Thượng Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần để đào tạo tăng đồ và xếp đặt tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước. Nhờ vai trò đặc biệt đó mà chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô lớn. Diện tích cả khu chùa rộng khoảng 10.000m2, mở đầu là cổng Tam quan, đi vào hơn 100m là chùa Hộ (hay còn gọi là Tiền Đường). Đường vào chùa Hộ ngày xưa được trồng rất nhiều thông, hiện tại vẫn còn một vài cây như những chứng tích của thời gian. Ngay trên sân chùa là một tấm bia lớn sáu mặt được dựng năm 1606. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ. Trên bia viết rằng: “Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là một ngôi chùa mà còn là một danh lam, một khu cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong, chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa đào. Đây là danh lam đứng đầu thiên hạ”.
Một góc chùa
Từ chùa Hộ trở vào, các khối kiến trúc nối tiếp nhau xây trên trục chính theo hướng đông nam và được phân cách bằng một khoảng sân hẹp. Trong chùa có bốn khối: chùa Phật (các nhà Tiền đường tức chùa Hộ, Thiêu hương và Thượng điện) hình chữ “công”, nhà tổ đệ nhất cũng hình chữ “công”, gác chuông hai tầng tám mái, nhà Tổ đệ nhị và nhà trai đường. Hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy gồm 18 gian rộng rãi là nơi hằng năm các sư về an cư kiết hạ.
Sân chùa
Cả bốn khối kiến trúc trên đều theo kết cấu khung gỗ cổ truyền, nhưng từ khối nhà Tổ đệ nhất trở về sau thì có thêm một số cột gạch và tường gạch hỗ trợ chịu lực. Ngay các thành phần kiến trúc gỗ, trừ bốn cột chính nhà Thượng điện to lớn lực lưỡng bóng lộn là dấu vết thời gian của thời Lê, còn lại những cột kèo thanh thoát thời Nguyễn.
Một bộ ván khắc kinh
Cổ vật trong chùa
Vốn từ xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên chùa Vĩnh Nghiêm cũng là nơi tàng trữ các bộ ván khắc kinh. Đó chính là kho sách cổ vô cùng quý giá mà người xưa gọi là Mộc thư khố, hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm. Một số ván in có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt thể hiện triết lý Phật giáo. Mỗi ván in có hai mặt, mỗi mặt hai trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Hán, Nôm. Nhiều ván khắc ở đây thuộc hàng có niên đại sớm nhất, chữ chuẩn đẹp nhất trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.
Sông Lục Nam
Người dân Bắc Giang hầu như ai cũng thuộc câu: Ai qua Yên Tử – Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành. Quả thật đến đây ngắm nhìn sự bề thế của những kiến trúc gỗ, những tàng cổ thụ phủ bóng xuống mái chùa rêu phong, khách phương xa cảm thấy được đắm mình trong sự uy nghiêm trầm lặng khó tả.
Xuân Hà
Ảnh Đăng Định